06:27 PM - 07/02/2016 Thanh Niên Online
Kì kèo giá đến phút cuối
Đến khoảng 11 giờ 45 trưa 29 tháng Chạp, lực lượng trật tự đô thị, bảo vệ công viên và tổ vệ sinh môi trường tiến hành dọn dẹp vệ sinh tại công viên 23.9 (quận 1, TP.HCM). Ngay thời điểm này, nhiều người dân đổ đến mua hoa, ép giá đến cuối cùng. Một phụ nữ chạy đến hỏi giá chậu mai của lô anh Minh Hiếu (Trung Sơn, quận 7), giá bán 1,5 triệu đồng nhưng chị này kì kèo xuống còn 1 triệu: “1 triệu với 1 triệu rưỡi có bao nhiêu, anh bán đi để bỏ cũng vậy. Tôi mua rồi tốn công chở về cũng vậy”.
Dù nhiều chủ vườn đã niêm yết giá, thậm chí đã nhổ gốc mai để chất lên xe tải đem về nhưng nhiều người vẫn đổ xô đến hỏi và trả giá, mong mua được cây mai đẹp, giá lại rẻ về chưng ngày Tết. Trước nhiều lời chê mai nở hết rồi, mai bị gãy cành, anh Minh Hiếu quả quyết: “Bây giờ chị lấy em để giá chót 1,5 triệu, hết giá rồi, không được bứng liền gốc đem lên xe đi về. Chị có lòng thì mua chứ em bán chỉ để tiền xăng xe về thôi, lời gì nổi nữa. Mấy cây này toàn trên 4, 5 năm phải có thời gian để uốn cái dáng mới đẹp vậy mà chị trả nữa em thua”.
Hàng chục cây đào của ông Phố nằm la liệt, người dân đến lấy đem về chứ không mua - Ảnh: Bùi Thư
|
Tiếng loa từ công viên phát ra: “Ban tổ chức xin thông báo đúng 12 giờ sẽ giải tán chợ hoa, đề nghị các gian hàng trả lại mặt bằng để ban tổ chức dọn dẹp chào đón năm mới”. Nghe vậy, nhiều người tiếp tục trả giá, chị Thương, bán cùng anh Hiếu méo mặt: “Những cây này 2 triệu rưỡi, giờ bán là mất trắng. Lô mình ngoài mặt tiền nên phải nhờ người ta mua giùm, phải bỏ tiền vô nhiều hơn. Nãy giờ nhiều người nói tiền vận chuyển thì anh Hiếu chấp nhận chở cho miễn phí rồi mà vẫn có người thách giá tiếp”.
Cây đào 7 triệu bán còn 150.000 đồng
Ở góc đường Lê Lợi và Nguyễn Thị Nghĩa, ông Lê Văn Phố quê ở Hải Dương ngồi bệt xuống đường, gương mặt khắc khổ giữa cái nắng chói của Sài Gòn ngày cuối năm mà mếu máo: “Cây đào này chăm bón 7 năm, bán 7 triệu có người mua rồi đặt cọc 2 triệu nhưng giờ không mua nữa nhờ tôi bán hộ. Tiền chậu 500.000 đồng mà giờ bán còn 150.000 đồng. Người ta đi xe hơi còn kì kèo giá cả. Ông xe ôm chở đi lấy phí có khi mắc hơn cây đào nữa”.
Ông Lê Văn Phố buồn rầu vì năm nay lỗ nặng, phía xa là cây đào 7 triệu đồng giờ được trả giá 150.000 đồng - Ảnh: Bùi Thư
|
Thần người nhìn hàng chục cây đào còn lại nằm lăn lốc bên vệ đường, ông Phố lắc đầu mỏi mệt: “Sáu năm trước cũng bị một vố như vầy, lỗ thì cộng sổ ngân hàng thôi chứ biết tính sao. Năm nay đào lỗ hết, người nào nhẹ thì 50 triệu, người nào nặng thì 100 triệu hoặc hơn. Vì chi biết bao nhiêu là tiền: một cây đào là mấy năm trời chăm bón, tiền chuyển vào nam một cây 300.000 đồng, tiền xuống một xe là 4 triệu rưỡi, tiền mặt bằng 10 triệu đồng rồi chưa kể nhờ vả người ta đăng ký giùm còn phải quà cáp các thứ”.
“Năm nay đem vào khoảng 200 cây mà bán chỉ được một nửa, giờ mỗi cây 600 – 700.000 bán còn 50.000 đồng mà người ta không mua, người ta đợi mình bỏ rồi đem về", ông Phố thở dài.
Càng đến giờ chót, người dân tới càng đông để mua hoa đại hạ giá - Ảnh: Độc Lập
|
Gom đồ về nhà, ngoảnh lại nhìn số đào mình tự tay trồng, ông Phố cười trừ: “Giờ đi tắm ở nhà vệ sinh công cộng rồi ra ga về quê. Coi như năm nay không có tết, một cây đào ở nhà mình còn không có, ở đây thì phải đổ đi. Mình cho mà có người còn bảo đem về lấy củi nấu bánh chưng hay chi. Đau lắm!”.
Kéo đến xe rác lấy hoa mang về
Đến khoảng 13 giờ, lực lượng trật tự đô thị, bảo vệ công viên và tổ vệ sinh môi trường bắt đầu cho xe rác đến chở hoa đi. Hàng trăm cây đào đổ ra bên phía ngoài khuôn viên của công viên vì phải trả mặt bằng. Ông Thành, quê ở Tiền Giang mua bông từ Hà Nội vào lên Sài Gòn bán giờ lỗ trắng, chấp nhận nhìn cảnh hàng chục cây đào đã nở bông bị chất lên xe rác, nghiền nát.
Ông Thành quả quyết: “Bây giờ không cho ai hết, ai có lòng mua thì 100.000 đồng/cây, bán chứ không cho, không thì chất hết lên xe rác. Mấy cây lên xe rác cỡ 500-600.000 đồng/cây. Những cây gốc to vầy là cả mấy triệu cũng đành bỏ chứ tiền không còn mà thuê xe chở về. Năm nay coi như chấp nhận lỗ mấy chục triệu, nhưng giờ tôi không cho. Thà rằng liệng lên xe rác chứ không để người ta đến hốt mang về”.
Anh Hiếu chấp nhận bao luôn công chở hàng để khách chịu mua - Ảnh: Bùi Thư
|
Nhiều người dân đi ngang thấy cảnh đào chất đống lên xe rác thì tấp vào, xin những người lao công cho đem về.
Đứng nhìn hàng chục cây đào bị xe rác nghiền nát, hoa mới nở rơi tan tác ra ngoài, anh Minh – từ Bến Tre lên buồn rầu: “Công cán bao cả năm trời, lấy ngắn nuôi dài nhưng giờ chẳng còn gì để sống. Có cây 2 triệu mà giờ bán 100.000 đồng người ta còn trả giá xuống".
Bùi Thư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét