Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2016

Tình tiết “động trời” trong vụ mua tàu cũ của Trung Quốc


Dân trí Không phải năm 2015 kế hoạch mua 164 toa tàu cũ của Trung Quốc mới được xúc tiến, mà chủ trương này đã được triển khai từ năm 2014 với bút phê của lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam “nhất trí thực hiện nhanh... đề nghị tổ chức triển khai”.
 >> Hành trình dạm mua 164 toa tàu cũ của Trung Quốc và cú "phanh" gấp
 >> Chủ tịch Đường sắt: "Tôi chưa được báo cáo việc mua tàu cũ của Trung Quốc" (!?)

Bằng chứng được thể hiện trong văn bản số 399 ngày 15/10/2014 của Ban Kế hoạch Kinh Doanh Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) gửi Chủ tịch Hội đồng thành viên Trần Ngọc Thành và và Tổng Giám đốc Vũ Tá Tùng. Nội dung văn bản này thể hiện sự báo cáo của Ban Kế hoạch Kinh doanh về việc mua toa xe đã qua sử dụng của Cục Đường sắt Côn Minh - Trung Quốc, thực hiện theo chỉ đạo của Tổng Giám đốc Tổng Công ty ngày 3/9/2014 tại bút phê văn bản số 229/ĐS-QTCN ngày 29/8/2014.
Chủ trương đầu tư được đề xuất theo 2 phương án: Phương án 1 - Tổng Công ty ĐSVN là chủ đầu tư, khi đó các Ban của Tổng công ty sẽ tham mưu lập dự án đầu tư và thực hiện đầu tư. Phương án 2 - Công ty khách Hà Nội làm chủ đầu tư (tức Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà Nội - PV).
Ban này đề xuất, do các toa xe này chỉ đủ khả năng khai thác từ Vinh ra Bắc và từ năm 2015 các công ty vận tải sẽ trở thành đơn vị hạch toán độc lập nên giao cho Công ty khách Hà Nội làm chủ đầu tư. Nguồn vốn của dự án là vốn khấu hao tài sản cố định khối vận tải và vốn vay ngân hàng; kêu gọi hợp tác đầu tư.

Chủ trương mua tàu cũ của Trung Quốc được triển khai từ năm 2014.
Chủ trương mua tàu cũ của Trung Quốc được triển khai từ năm 2014.
Vấn đề quan trọng nhất trong văn bản này là có bút phê của cấp lãnh đạo cao nhất Tổng Công ty ĐSVN. Cụ thể: Tại đầu văn bản bút phê kính gửi ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên. Đặc biệt, bút phê tiếp đó tại lề trái của văn bản ghi rõ: “K/c TGĐ, VT&ĐHTX. Tôi nhất trí thực hiện nhanh chủ trương đầu tư toa xe hàng đã qua sử dụng của Trung Quốc. Đề nghị tổ chức triển khai”.

Trước đó, ngày 8/5/2014, Phó Tổng Giám đốc ĐSVN ông Ngô Cao Vân cũng có văn bản số 148/TB-ĐS với nội dung thông báo giao nhiệm vụ chuẩn bị cho chuyến công tác của Chủ tịch Hội đồng thành viên thăm và làm việc với Cục Đường sắt Côn Minh - Trung Quốc từ ngày 25-27/5/2014.
Văn bản nêu rõ 2 nội dung làm việc gồm: Thăm và làm việc với Cục Đường sắt Côn Minh về hợp tác giữa 2 bên, tìm hiểu hoạt động của Cục Đường sắt Côn Minh sau tái cơ cấu đường sắt Trung Quốc. Khảo sát thực tế và thảo luận việc mua toa xe hàng khổ đường 1000mm đã qua sử dụng của Cục Đường sắt Côn Minh.
Một thông tin đáng chú ý khác đó là việc chào bán toa xe đã qua sử dụng của Cục Đường sắt Côn Minh diễn ra từ năm 2013, và Tổng Công ty ĐSVN đã có những cuộc họp, kết luận về vấn đề này, đồng thời yêu cầu các công ty con báo cáo về nhu cầu số lượng, chủng loại toa xe cần thiết.
Văn bản có bút phê của lãnh đạo Tổng Công ty ĐSVN đồng ý chủ trương mua tàu cũ của Trung Quốc
Văn bản có bút phê của lãnh đạo Tổng Công ty ĐSVN đồng ý chủ trương mua tàu cũ của Trung Quốc
Cần phải nhắc lại rằng, sau khi vụ việc mua tàu cũ bị phanh phui, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty ĐSVN Trần Ngọc Thành đã khẳng định: “Tôi là người quyết định cao nhất của Tổng Công ty và phải có ý kiến của tôi thì mới được mua tàu, nhưng tôi hoàn toàn chưa được báo cáo về việc mua tàu của Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà Nội”. Ông Thành cũng nhấn mạnh quan điểm: “Tàu sử dụng 1 năm cũng không đồng ý cho mua chứ đừng nói là đã qua sử dụng 20 năm”.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẳng định không có bất cứ văn bản nào cho phép đầu tư cũng như chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhập khẩu toa xe hàng của Trung Quốc đã qua sử dụng.
Trong vụ việc này, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà Nội Nguyễn Viết Hiệp đã bị miễn nhiệm là người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty và cách chức Tổng Giám đốc.
Dư luận rất băn khoăn, trong vụ Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện dự án mua tàu cũ của Trung Quốc không có chút vai trò nào của Tổng Công ty ĐSVN? Trách nhiệm của lãnh đạo Tổng Công ty ĐSVN trong vụ việc này là như thế nào?
Châu Như Quỳnh

Tổng Giám đốc Đường sắt Hà Nội: 'Tôi rất sốc và khổ sở'

Đình Thắng – Sỹ Lực | 
Tổng Giám đốc Đường sắt Hà Nội: 'Tôi rất sốc và khổ sở'
Trong lịch sử, đường sắt không ít lần mua đầu tàu, toa tàu cũ (trong ảnh là một đoàn tàu cũ). Ảnh: Đình Thắng.

“Tôi không nắm chắc về quy trình nên đã gửi công văn lên thẳng Bộ GTVT. Nhưng văn bản đó cũng chỉ để hỏi ý kiến để được hướng dẫn chứ không phải đề xuất bộ cho mua tàu luôn. Thông tin bị cách chức khiến tôi rất sốc, khổ sở” – ông Nguyễn Viết Hiệp, Tổng Giám đốc Cty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội nói.

Tính toán kiểu con nhà nghèo
Ông có thể cho biết cụ thể xung quanh việc đề nghị mua lô hàng của ngành đường sắt Trung Quốc?
Các toa tàu này để chở hàng được Cục Đường sắt Côn Minh (Trung Quốc) chào hàng tại một hội nghị đường sắt quốc tế mới đây.
Các toa tàu này có tuổi đời từ 5 năm đến trên 20 năm, vẫn được sử dụng trên tuyến đường sắt liên vận giữa Lào Cai của Việt Nam và Côn Minh của Trung Quốc.
Các toa tàu này chạy trên loại đường sắt 1 m và Trung Quốc đang chuyển dần sang khổ đường sắt 1,435 m nên họ muốn bán rẻ các toa này.
Năm 2014, tuyến này không có tấn hàng nào; từ năm 2015 khai thác lên tới 350.000 tấn hàng. Đó là dấu hiệu phát triển tốt.
Tuy nhiên, trên tuyến này có đặc thù là phía Trung Quốc không cho các toa tàu do Việt Nam đóng vì đặc tính kỹ thuật thấp hơn toa tàu của họ; chỉ những toa trước đây mình mua của họ mới được chạy sang phía bên kia.
Việc toa tàu của mình có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp hơn của họ là có thật.
Để chuyển được hàng, thời gian qua, chúng tôi phải thuê các toa tàu hàng của họ. Giá thuê trung bình khoảng 300 nghìn đồng/ngày. Chi phí này là rất lớn vì nhiều toa hàng chạy vào tận miền Trung, miền Nam.
Vì chi phí thuê đắt và giá chào hàng của phía Trung Quốc rẻ nên chúng tôi quan tâm. Cụ thể, để đóng một toa xe hàng mới trong nước chi phí mất 1 tỷ; trong khi họ chào bán 200 triệu đồng/toa.
Tuy nhiên, việc mua tàu cũ có tuổi đời xấp xỉ 20 năm đó không phù hợp với chủ trương hiện đại hoá của ngành đường sắt; chưa kể, công nghệ đường sắt của Trung Quốc không phải là tiên tiến trên thế giới, vì sao công ty vẫn muốn mua và thực hiện các bước để hiện thực hoá việc này?
Chúng tôi đang tính theo cách làm của con nhà nghèo. Mình ít tiền, nếu thấy lợi thì mua. Tuy nhiên, pháp luật mình quy định chặt chẽ là với các toa xe hàng này, nếu quá 15 tuổi không được nhập khẩu.
Vì thế, để mua lô hàng này vướng quy định vì có nhiều toa quá tuổi.
Về quy trình thực hiện, Cty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội và Cty vận tải và thương mại đường sắt được lãnh đạo tổng công ty giao làm việc với các cơ quan chức năng về nhu cầu nhập khẩu lô hàng này để được hướng dẫn cụ thể.
Công văn chỉ đạo nghiên cứu việc mua tàu của Tổng Giám đốc ĐSVN Vũ Tá Tùng. Ảnh Bảo An
Công văn chỉ đạo nghiên cứu việc mua tàu của Tổng Giám đốc ĐSVN Vũ Tá Tùng. Ảnh Bảo An
Sau khi nghiên cứu, chúng tôi thấy lô tàu này vướng quy định (quá 15 tuổi - PV) nên muốn tìm hiểu xem có giải pháp nào tháo gỡ.
Tổng công ty giao chúng tôi hỏi nên chúng tôi làm công văn để hỏi thẳng Bộ GTVT và Bộ Khoa học Công nghệ mà không hỏi tổng công ty nữa.
Tôi rất sốc, khổ sở
Ông có ý thức được rằng, việc đề nghị thẳng lên cấp bộ mà không qua tổng công ty như vậy là vượt cấp, vi phạm nguyên tắc không?
Tôi không nắm chắc về quy trình nên đã gửi công văn lên thẳng Bộ GTVT và Bộ Khoa học công nghệ. Văn bản đó cũng chỉ để hỏi ý kiến để được hướng dẫn chứ không phải đề xuất bộ cho mua tàu luôn.
Một sai lầm của tôi là trong công văn gửi đi, chúng tôi diễn đạt không rõ ràng khiến cho người đọc hiểu rằng chúng tôi gửi văn bản để xin thực hiện dự án mua lô toa tàu đó luôn.
Còn việc hỏi ý kiến các bộ ngành về các quy định pháp luật trong các tình huống chưa rõ ràng
Về quy trình, tôi hiểu rằng, khi được các Bộ hướng dẫn cụ thể pháp luật cho phép hay không, lúc đó chúng tôi mới lập dự án trình tổng công ty.
Trước đây, khi gặp các vướng mắc về thủ tục đấu thầu, nhập khẩu..., chúng tôi cũng làm các công văn hỏi ý kiến các cơ quan chức năng.
Thông tin bị cách chức khiến tôi rất sốc, khổ sở. Tôi cam đoan làm hết trách nhiệm công việc chứ không có bất cứ tư lợi gì trong việc này.
Cảm ơn ông!
Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Ngọc Thành- Chủ tịch Tổng Cty Đường sắt Việt Nam xác nhận ông Vũ Tá Tùng, Tổng GĐ Tổng Cty Đường sắt Việt Nam có ký công văn giao Cty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội nghiên cứu các quy định pháp luật để thực hiện việc mua lô tàu Trung Quốc có tuổi ít nhất là 5 năm. Tuy nhiên, ông Thành cho biết, công văn đó chỉ là giao nhiệm vụ nghiên cứu, “Còn việc Cty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội gửi công văn lên Bộ GTVT như một bước để xin thực hiện dự án là sai quy trình và Bộ trưởng cách chức anh Hiệp là hoàn toàn xác đáng.
Chúng tôi có nhập khẩu tàu nhưng chỉ nhập các toa tàu, đoàn tàu hiện đại; nếu các toa tàu cũ cũng có thể mua nếu tàu đó chỉ chạy khoảng 1 năm với giá rẻ.
Dự án muốn thực hiện được phải có chữ ký của tôi, nhưng với tuổi tàu như vậy chắc chắn không thực hiện được” – ông Thành nói.
Trả lời câu hỏi liệu có việc đổ lỗi cho một cá nhân chịu tội trong sự việc này hay không, ông Thành cho biết, chiều nay 4/2, Tổng Cty sẽ họp Hội đồng thành viên mở rộng để nghe tất cả các bên báo cáo sau đó mới kết luận về hình thức xử lý với các cá nhân, tập thể.
theo Tiền Phong

Không có nhận xét nào: