Tổng thống Philippines trong cuộc họp báo ở sân bay quốc tế Davao sau chuyến thăm Trung Quốc, ngày 21/10/2016. |
Trả lời các câu hỏi của báo giới, ngày 21/10/2016, giáo sư Carlyle A. Thayer, thuộc học viện Quốc phòng Úc, đưa ra một số nhận định về hậu quả việc tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có thể « xoay trục » sang Trung Quốc.
1/ Liệu có thể nói chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ đã thất bại ?
GS Thayer : Chiến lược tái cân bằng sang châu Á của tổng thống Obama còn sống thêm được hơn hai tháng nữa một chút. Người sẽ lên làm tổng thống Hoa Kỳ sẽ đưa Mỹ dấn thân vào khu vực với một cái tên gọi mới.
Có thể nói, các phát biểu của tổng thống Duterte đã phá hoại liên minh Mỹ-Philippines. Điều này tạo ra làn sóng bất ổn chiến lược trong toàn khu vực. Hải quân và Không quân Mỹ vẫn có thể duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trong vùng. Nhưng có thể ông Duterte sẽ giảm bớt sự hiện diện này nếu như không hủy bỏ Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng với Hoa Kỳ.
Lực lượng Mỹ cũng sẽ chấm dứt sự hiện diện luân phiên và sẽ không còn có khả năng đối phó với mọi tình huống ở Biển Đông. Về khía cạnh kinh tế trong chiến lược tái cân bằng của Obama, hiệp định tự do mậu dịch TPP thực sự đã chết bởi tư tưởng chống toàn cầu hóa mạnh mẽ tại Hoa Kỳ.
2/ Vậy giờ đây Washington có thể làm được gì ?
GS Thayer : Chắc chắn chính quyền Obama sẽ không làm cho các vấn đề trở nên tồi tệ hơn đối với tân tổng thống Mỹ. Do vậy, Hoa Kỳ sẽ có thái độ ôn hòa kín đáo. Các phát ngôn viên của Hoa Kỳ chỉ nói là chính phủ Mỹ chưa được thông báo chính thức về bất kỳ phát biểu nào của tổng thống Duterte.
Cũng như giai đoạn 1991-1992 khi Philippines hủy bỏ các hợp đồng thuê căn cứ Vịnh Subic và căn cứ không quân Clark, Hoa Kỳ sẽ phải tôn trọng chủ quyền của Philippines. Các nhà ngoại giao Mỹ sẽ giữ liên lạc với các quan chức ngoại giao và quốc phòng Philippines, những người xử lý tốt nhất mối quan hệ song phương để tìm hiểu những gì đang thực sự diễn ra.
3/ Vấn đề Biển Đông sẽ bị tác động ra sao ?
GS Thayer : Điều trớ trêu là sự xoay trục hiện nay của ông Duterte dường như sẽ làm giảm thái độ quyết đoán cũng như tiến trình quân sự hóa của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. Triển vọng hai bên bắt đầu thương lượng về vấn đề Biển Đông cũng là một động thái tích cực. Ông Duterte đã nói là ông phải tôn trọng Hiến Pháp Philippines (liên quan đến việc hạn chế sự tham gia của đối tác nước ngoài trong hoạt động thăm dò dầu khí) và ông sẽ không thể bỏ qua phán quyết của Tòa Trọng Tài.
Giờ đây, Trung Quốc có được sự khích lệ thúc đẩy các biện pháp ngoại giao nhằm củng cố sự hiện diện của họ tại Biển Đông. Điều này có thể giúp duy trì nguyên trạng ổn định tương đối. ASEAN và các thành viên của khối này chỉ có thể thoái lui và ủng hộ hoặc không can thiệp vào cuộc đàm phán song phương giữa Trung Quốc và Philippines. Philippines sẽ sớm làm chủ tịch luân phiên ASEAN với hậu quả là có thể Manila cùng với Phnom Penh chống lại mọi sáng kiến mà Trung Quốc không đồng tình.
4/ Việt Nam sẽ phải chịu “vạ lây” ra sao ?
GS Thayer : Trong quá khứ, Việt Nam đã hưởng lợi bằng cách để Philippines đi hàng đầu (hoặc dẫn đầu) trong hồ sơ Biển Đông. Giờ đây, Việt Nam sẽ chịu áp lực ngày càng gia tăng để thúc đẩy nhanh các thảo luận với Trung Quốc về hợp tác và cùng phát triển trong các vùng biển nằm ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Quan hệ đối ngoại « đa dạng hóa và đa phương hóa » của Việt Nam sẽ phải đối mặt với một vài khó khăn do Philippines có những hành động phá hoại cam kết của Mỹ đối với vùng Đông Nam Á.
Thứ trưởng Quốc Phòng Việt Nam, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã tái khẳng định chính sách lâu dài của Việt Nam là ủng hộ sự hiện diện của Mỹ trong khu vực chừng nào sự hiện diện này đóng góp một cách tích cực – theo quan điểm của Việt Nam – vào sự ổn định khu vực. Đối với Việt Nam và tất cả các thành viên khác của ASEAN, các hành động của ông Duterte sẽ càng làm gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong toàn vùng.
(RFI)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét