Sáng 18/10, khi cử tri đề nghị công bố nguyên nhân cá hồ Tây chết, Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết "giống sự cố môi trường do Formosa gây ra ở miền Trung, việc điều tra nguyên nhân cá hồ Tây chết cần có thời gian, xem xét kỹ lưỡng".
Cử tri đặt vấn đề trách nhiệm khi để nhà máy xử lý nước thải chưa phát huy được hiệu quả đầu tư. Ảnh: Võ Hải.
|
Sáng 18/10, tại buổi tiếp xúc cử tri của đơn vị bầu cử số 1 Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Độ (cử tri phường Xuân La, Tây Hồ) nêu vấn đề, sự cố 200 tấn cá chết ở hồ Tây gây tổn thất về kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của nhân dân ven hồ, đặc biệt là phường Xuân La. “Đề nghị cơ quan của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan có giải pháp tích cực để ngăn chặn, phòng ngừa và có chế tài xử lý nghiêm hành vi vi phạm của các tập thể, cá nhân vi phạm Luật Tài nguyên môi trường”, ông Độ nói.
Đại diện cử tri phường Xuân La, ông Đỗ Danh Bình cho hay, kỳ họp nào của thành phố hay quận ông cũng có ý kiến về bảo vệ môi trường nói chung và môi trường hồ Tây nói riêng, nhưng chuyện cá chết ở hồ Tây vẫn xảy ra. “Đề nghị các cơ quan chức năng sớm làm rõ nguyên nhân vì sao cá chết hàng loạt và thông tin để nhân dân biết, không làm xói mòn lòng tin của mọi người”, ông nói.
Cũng cho ý kiến xung quanh hiện tượng cá chết ở hồ Tây, tại buổi tiếp xúc chiều 17/10, cử tri Thái Nguyên Bền (phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm) đặt vấn đề, thành phố cho đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước hồ Tây 1.000 tỷ đồng và đã hoàn thành, nhưng đến nay vẫn chưa được sử dụng. Trách nhiệm thuộc về ai?
Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho hay, thành phố đang khẩn trương điều tra nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Tây. Ảnh: Võ Hải.
|
Giải đáp các ý kiến trên, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu thông tin, thành phố đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp với đơn vị liên quan của Trung ương, các nhà khoa học điều tra nguyên nhân cá chết ở hồ Tây. Cũng giống sự cố môi trường do Formosa gây ra ở các tỉnh miền Trung, việc điều tra nguyên nhân cá chết ở hồ Tây cần có thời gian, xem xét kỹ lưỡng, kết luận chính khác, khoa học rồi công bố.
“Cá chết hàng loạt có thể do các cống xả thải vào hồ một phần, có thể do tảo hoặc nguyên nhân khác… Sau này sẽ có kết luận chính thức”, ông Sửu nói và cho hay đến nay hiện tượng cá chết đã dừng. Thành phố bổ sung 3 máy tạo oxy công suất lớn để cấp oxy cho hồ Tây, khi cá chết thì chỉ số oxy bằng 0.
Hiện tượng cá chết hàng loạt tại Hồ Tây bắt đầu từ ngày 1/10. Thống kê ban đầu, cá chết trên diện tích hơn 500 ha, tại 24 cửa xả xuống Hồ Tây với khoảng 200 tấn đã được thu gom, xử lý. Kết quả kiểm tra nhanh các mẫu nước cho thấy “toàn bộ nước mặt Hồ Tây không có oxy”.
Cùng các đơn vị nghiệp vụ của Hà Nội, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, Bộ Công an phối hợp điều tra nguyên nhân cá chết.
Là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất ở trung tâm Hà Nội, hồ Tây rộng hơn 500 ha với chu vi hơn 17 km, là một phần của sông Hồng cũ sau khi chuyển dòng.
Nghiên cứu của quận Hồ Tây cho thấy, hệ sinh thủy sinh vật Hồ Tây khá đa dạng về thành phần loài, với 72 loài thực vật nổi, 47 loài tảo bám đáy, 37 loài động vật nổi, 29 loài động vật đáy (thuộc nhóm tôm, cua, trai, ốc, giun…), 12 loài giáp xác, 46 loài cá, trong đó có 15 loài thuộc nguồn gốc cá tự nhiên.
Về chim, có loài lele hiện còn khoảng 50 cá thể; sâm cầm chưa phát hiện trong quá trình điều tra…
|
Võ Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét