Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

Vi Anh - Có phải VN sẽ thay thế Phi Luật Tân để đồng minh với Mỹ?

Mỹ còn lâu mới thay đổi lập trường không đứng về phía bên nào trong các tranh chấp biển đảo ở Biển Đông, Mỹ chỉ bảo vệ tự do lưu thông thôi. Vì Mỹ tránh xung đột với TC, vì quyền lợi Mỹ với TC lớn hơn quyền lợi của Mỹ đối với các nước ở Á châu Thái bình dương. Việc TT Duterte tách Phi ra xa Mỹ, không phải là cơ hội và động lực để CSVN xích lại gần, đồng minh với Mỹ để có lá chắn Mỹ ngăn chận đà TC xâm lấn biển đảo của VN.


Ngày 17 tháng 10, 2016, Thượng Tướng Nguyễn Chí Vịnh, người đứng đầu phái đoàn VNCS trong cuộc đối thoại quốc phòng song phương với Hoa Kỳ lần thứ 7 tại Hà Nội, tuyên bố Việt Nam ủng hộ Mỹ “can dự” vào khu vực Châu Á – Thái Bình Dương để phục vụ hòa bình và ổn định tại khu vực. Ông nói, “Việt Nam ủng hộ Hoa Kỳ cũng như các đối tác khác can dự vào khu vực nếu như sự can dự này đem lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực.”

Ngày 19 tháng 10, 2016, TT Duterte của Phi, nước bị TC chiếm biển đảo ít hơn VN, nhưng kiện và thắng TC, nhơn chuyến công du Trung Quốc, Ô. Duterte tuyên bố tại Bắc Kinh, Phi “ly khai” khỏi Mỹ, một đồng minh quan trọng có quan hệ quốc phòng mật thiết, lâu đời với Philippines.

Tinh hình cho thấy tân chánh phủ Phi Duterte đang xa rời Mỹ, xích lại gần Trung Quốc hiện CS và Nga hậu CS. Trong vấn đề Biển Đông, lâu nay TC đã chiếm cứ, xâm lấn, thôn tính 90% Biển Đông và gần hết hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa của VN. Lâu nay CSVN đi đu dây giữa Mỹ và TC. Với tình hình mới Phi đang dang xa Mỹ, liệu CSVN sáp lại gần Mỹ thế chỗ Phi trở thành đồng minh của Mỹ không. Nhiều sự kiện và thời sự thực tế cho thấy câu trả lời là không.

Một, vì TC đã vô hiệu hoá vai trò và địa lý chiến lược của VN trong chiến lược khống chế Biển Đông của TC. Đối với Miên, CT Bình khai thác mâu thuẫn giữa VN và Miên trong vấn đề biên giới. CT Bình đích thân sang Miên mua chuộc Thủ tướng Hun Sen của Miên làm cây dao găm chĩa sát bên đít VN, và biến Miên thành «lá chắn» bảo vệ lập trường của TC chống lại mọi phê phán tranh giành biển đảo của các láng giềng.

Đối với Phi, CT Bình cũng chiêu dụ bằng cuộc tiếp rước long trọng và mua chuộc Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte công du TQ từ 18 đến 21 tháng 10 với một phái đoàn doanh gia cả 250 người trong đó có những đại tài phiệt ở Philippines. Còn TT Duterte ve vãn tối đa TC, tự hào ông ngoại của Duterte là người Tầu và 1/4 dân số Phi là người gốc Hoa. Và chính Ông muốn xa rời Mỹ và xích lại gần TQ, kể cả trong vấn đề Biển Đông. TT Duterte tuyên bố Manila sẵn sàng tổ chức tập trận chung với Bắc Kinh, chứ không phải với nước đồng minh lâu năm là Mỹ. Tân hoa xã của TC loan truyền lời tuyên bố của Ô. Duterte "Chỉ có Trung Quốc mới có thể giúp chúng tôi". CT Bình ngay ngày đầu đã mua chuộc Duterte, hào phóng giúp cho Phi, đã cùng TT Duterte chứng kiến hai bên ký 13 thoả thuận trị giá 13.3 tỷ Mỹ kim. CT Bình còn hứa sẽ khuyến khích doanh nhân TQ đầu tư nhiều hơn và người TQ du lịch nhiều hơn tới Phi.

Còn đối với Nga hậu CS là chế độ ủng hộ VNCS suốt thời Chiến tranh Lạnh và trong vấn đề Biển Đông. Bây giờ gió đã đổi chiều. Nga bị Tây Phương và Mỹ trừng phạt do vụ Nga xâm chiếm Crimea và khuấy phá biên giới Ukraine nên phải nhờ kinh tế TC. Nên Bắc Kinh đã lôi kéo được Nga đứng về phía Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông. Tin AP, trong chuyến công du Bắc Kinh, ngày 29/04/2016, trước báo giới, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng TC Vương Nghị đã đồng loạt lên tiếng tố cáo chống Mỹ về "sự can thiệp" từ bên ngoài vào Biển Đông và bán đảo Triều Tiên. TT Putin đòi hỏi Nhựt trả lại quần đảo Kuril của Nga để Nhựt phải rút thế lực ở Biển Đông về miền Bắc để bảo vệ vùng biển và đảo Kuril của Nhựt do Nga đang khuấy rối. Với việc Nga tranh chấp đảo Kuril cộng với việc TC đã và đang tranh chấp đảo Senkaku, Nhựt rơi vào thế lưỡng đầu thọ địch. Nhựt khó có thể làm đầu tàu kéo các nước Á châu Thái bình dương trong liên minh chống TC, tiếp với Mỹ.

TT Nga Putin không ngừng chiến thuật giải vây cho TC ở Đông Bắc Thái bình dương, mà Nga còn đi sâu, đi xa hơn xuống Đông Nam Á. Nga giúp TC bằng cách trực tiếp can thiệp vào các nước ASEAN bị TC xâm lấn, chiếm cứ và quân sự hoá biển đảo ở Biển Đông nữa. Tin Reuters, ngày 20/05/2016, tại cuộc họp thượng đỉnh ở Sotchi, Nga sẽ ký với ASEAN một hiệp ước, trong đó cho thấy Moscow đang thông qua ASEAN can thiệp vào các tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời mở rộng ảnh hưởng Nga ở châu Á.

Và như thế CSVN mất hậu thuẫn của Nga, bị Phi chận đầu và Miên bọc hậu trong vai trò chiến lược của VNCS, với mục tiêu khai thác mâu thuẫn giữa Mỹ và TC để VN ở giữa hưởng lợi. TC đã vô hiệu hoá chiến thuật đi đu dây của CSVN lợi dụng tranh chấp Biển Đông để thủ lợi từ TC và Mỹ.

Hai, vì TC đã nắm chắc CSVN rồi. Sau đại hội Đảng CSVN vừa qua, phe thần phục TC đã thắng thế, nắm toàn bộ Đảng Nhà Nước CSVN, ít nhứt cũng phải 5 năm nữa. CSVN khó có một thay đổi lớn trong bang giao, hợp tác toàn diện với Mỹ vì đã, đang, và dính cứng hơn với TC. Qua đại hội 12, Tổng bí Thư Nguyễn phú Trọng cầm đầu phe thân TC từ năm 2007 đã độc diễn tái đắc cử Tổng Bí Thư Đảng CSVN. Dù có ngậm ngọc Ngoại Trưỏng Kerry, TT Obama, Đại sứ Ted Osius và những trưởng lưới CIA ở Hà nội Saigon cũng đừng mong du thuyết, vận động, trao đổi, lôi kéo lãnh đạo Đảng Nhà Nước CSVN đang nằm dưới cái bóng đè quá lớn của TC về kinh tế, chánh tri, lẫn chủ nghĩa CS. CSVN khó có thể theo lập trường các nước ASEAN thống nhất mà Mỹ kêu gọi, để đối phó với những yêu sách chủ quyền của TC dù VNCS là nước mất biển đảo nhiều nhứt vào tay TC. Con đường Hà nội đi Washington đã do TC làm cảnh sát giao thông kiểm soát, bật đèn xanh đỏ.

Ba, vì TC đã đang cho tàu chiến của TQ vào bên trong các hải cảng chiến lược của CSVN như Cam Ranh và tuần tra chung với hải quân CSVN. Tuần tra chung với TC một khổng lồ, một con sói, một quan thầy thì CSVN coi như lép vế, coi như giao trứng cho ác; bí mật trận địa, bản đồ phòng thủ vào tay TC. Coi như biên giới lãnh hải của CSVN không còn nữa. Tin VOA ngày 19.10.2016 loan tải “3 chiến hạm của Trung Quốc, với gần 800 sĩ quan và thủy thủ, sẽ tới cảng chiến lược của Việt Nam [Cam Ranh], ít lâu sau khi tàu chiến Hoa Kỳ rời đi. Hai chiến hạm hộ vệ tên lửa cùng tàu hộ tống của hải quân quốc gia láng giềng phương bắc sẽ cập cảng quốc tế Cam Ranh trong 4 ngày, từ ngày 22 đến 26/10, và sẽ “giao lưu với hải quân Việt Nam”.

Bốn, cũng vì phía Mỹ không thể đồng minh với một chế độ CS như VNCS. Dù tương quan giữa Philippines và Mỹ đang lung lay, sụp đổ, nhưng không phải là thời cơ CSVN có thể trở thành đồng minh của Mỹ, để Mỹ trở thành lá chắn ngăn chận đà bành trướng của TC. Bài học đồng minh chết sống với Mỹ để rồi Mỹ bỏ rơi chết tức tửi của VN Cộng Hoà hãy còn đó, CSVN không thể không rút kinh nghiệm, làm bạn với Mỹ thì khó, hai tổng thống VN Cộng Hoà một người bị Mỹ tổ chức đâm và bắn chết, một người bị triệt tiêu sinh mạng chánh trị. Còn làm kẻ thù với Mỹ thì dễ, đánh Mỹ một thời gian rồi Mỹ sẽ thoả hiệp theo kiểu chánh trị cực kỳ thực dụng và chuyên thoả hiệp của chánh trị gia của Mỹ. Bên cạnh cái khó từ phía CSVN còn có cái khó lớn hơn từ phía Mỹ. Mỹ có thể bang giao, giao thương với một chế độ CS như một đối tác, nhưng chưa có tiền lệ đồng minh với một chế độ CS.

Vả lại Mỹ còn lâu mới thay đổi lập trường không đứng về phía bên nào trong các tranh chấp biển đảo ở Biển Đông, Mỹ chỉ bảo vệ tự do lưu thông thôi. Vì Mỹ tránh xung đột với TC, vì quyền lợi Mỹ với TC lớn hơn quyền lợi của Mỹ đối với các nước ở Á châu Thái bình dương.



Tóm lại, việc TT Duterte tách Phi ra xa Mỹ, không phải là cơ hội và động lực để CSVN xích lại gần, đồng minh với Mỹ để có lá chắn Mỹ ngăn chận đà TC xâm lấn biển đảo của VN./.

Vi Anh

(Việt Báo)

Không có nhận xét nào: