Thứ Năm, 3 tháng 11, 2016

Đại biểu Quốc hội nêu ba trụ cột xây Chính phủ liêm chính;Làm ăn chụp giật, vi phạm pháp luật thì không thể phát triển; Bộ trưởng TN&MT: Môi trường đã hết ngưỡng chịu đựng;Học đại học để ra đánh giày, bán báo thì đào tạo làm gì!

“Tôi cho rằng đây là một thông điệp trúng ý Đảng, hợp lòng dân”, đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh...

Đại biểu Quốc hội nêu ba trụ cột xây Chính phủ liêm chính
Đai biểu Quốc hội Lê Thanh Vân.
Cuối phiên thảo luận của Quốc hội sáng 2/11, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau), sau nhiều ý kiến khác, tiếp tục đề cập đến thông điệp xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển.

“Tôi cho rằng đây là một thông điệp trúng ý Đảng, hợp lòng dân, thể hiện nội dung quan trọng của việc xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh và có ý nghĩa đặc biệt trong tình hình hiện nay, nhất là sau khi Trung ương vừa ban hành nghị quyết để ủng hộ Chính phủ thực hiện quyết tâm này”, đại biểu Vân nhấn mạnh.

Dân chủ hóa mọi mặt của đời sống

Ông phân tích: “Nói đến Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển là nói đến phẩm hạnh, năng lực và vai trò kiến trúc sư của Chính phủ trong việc tạo lập môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển. Đây là cơ hội để Chính phủ chuyển mình từ phương thức quản lý điều hành sang việc tạo môi trường phát triển và lấy tinh thần phục vụ làm trọng”.

Hầu như toàn bộ thời gian phát biểu, ông Vân dành làm rõ những nội dung trụ cột của việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển.

Thứ nhất, liêm chính, kiến tạo, phát triển trong ban hành thể chế chính sách đồng bộ. 

Giải pháp ở nội dung này được ông Vân đề cập là Chính phủ phải chủ động khởi xướng chính sách để mở đường cho sự giải phóng mọi nguồn lực cho xã hội, tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Tôi thấy hiện nay có ba lĩnh vực lợi thế là địa lý, truyền thống và sáng tạo, là nông nghiệp, du lịch, dịch vụ và khoa học, công nghệ cao, thế hệ mới. Đấy là những vấn đề nên tập trung đầu tư cho chiến lược lâu dài”, đại biểu nói.

Giải pháp thứ hai được ông nhấn mạnh là Chính phủ phải ngăn chặn lợi ích nhóm, ngay từ khi khởi xướng và xây dựng chính sách.

Thứ ba, phải dân chủ hóa mọi mặt của đời sống xã hội. Khích lệ và tạo nguồn cảm hứng, sáng tạo cho mọi tầng lớp nhân dân và đồng bào ở nước ngoài tham gia hiến kế xây dựng đất nước. 

Đồng thời, có các quy định về thưởng, phạt nghiêm minh và ý thức thượng tôn pháp luật cho tất cả mọi người.

Lấy lòng dân để kiểm soát quyền lực

Ở trụ cột thứ hai, đó là liêm chính, kiến tạo, phát triển trong củng cố xây dựng bộ máy, đại biểu Vân cũng nêu ba nhóm giải pháp.

Một, phải rà lại chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan để chồng chéo, mâu thuẫn. Trên cơ sở phân cấp, phân quyền gắn với cải cách hành chính và đặc biệt là phân cấp rõ ba lĩnh vực về ngân sách, về đầu tư và tổ chức bộ máy. Đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trước pháp luật. 

Đồng thời, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu, lấy quyền lực để kiểm soát quyền lực, lấy đạo đức, lấy lòng dân và thông tin đại chúng để kiểm soát quyền lực.

Thứ hai, tăng cường tính minh bạch và giải trình của người đứng đầu các cấp.

Thứ ba, có cơ chế đối thoại của người được đứng đầu các cơ quan nhà nước từ trung ương đến cơ sở định kỳ hàng năm, để lắng nghe lòng dân, kịp thời sửa sang chính sách và điều chỉnh phương pháp quản lý, điều hành.

Về trụ cột kiến tạo, liêm chính trong xây dựng đội ngũ cán bộ, giải pháp được ông Vân nêu là tạo môi trường bình đẳng cho mọi cá nhân có cơ hội tham gia trực tiếp vào quá trình quản lý đất nước.

Với những chức danh do bầu cử thì phải có chương trình, hành động cụ thể. Với những chức danh do bổ nhiệm thì phải thi tuyển nghiêm ngặt.

Hai là ban hành bộ tiêu chí đánh giá theo từng hành vi công vụ để trên cơ sở đó loại bỏ những cán bộ không có năng lực, không xứng đáng tiêu chuẩn ra khỏi bộ máy.

Ba là cải cách tiền lương gắn với khoán chi hành chính. Đồng thời, xây dựng cơ chế giám sát bên trong - bên ngoài để cán bộ công chức không thể, không dám và không muốn tham nhũng.
(http://vneconomy.vn/thoi-su/dai-bieu-quoc-hoi-neu-ba-tru-cot-xay-chinh-phu-liem-chinh-20161102024914148.htm)



Làm ăn chụp giật, vi phạm pháp luật thì không thể phát triển

NGỌC QUANG (GHI)
(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Phạm Quang Dũng (Nam Định) chỉ rõ, nền văn hóa không thượng tôn pháp luật, làm ăn chụp giật thì không thể có một quốc gia phát triển.

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng cho biết, ông đồng tình cao với tờ trình của Chính phủ về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 2016-2020; đánh giá rất cao về quan điểm của Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh đổi mới toàn diện phương thức quản lý nhà nước về kinh tế, cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng nhà nước liêm chính và kiến tạo.
Đồng thời tăng cường kỷ luật và hiệu lực thi hành pháp luật và từng bước giảm thiểu vai trò kinh doanh của phạm vi nhà nước trong quản lý kinh tế cũng như về kinh doanh.
Tôi thấy rằng một quốc gia phát triển phải là quốc gia tập trung quản lý pháp luật và điều hành pháp luật.
Việc làm ăn, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, nếu một quốc gia cứ tham gia quá nhiều vào vấn đề quản lý kinh tế và kinh doanh thì chúng ta để lại rất nhiều hậu quả mà chúng ta đang phải giải quyết.
Tôi muốn tham luận vào đây rằng, một quốc gia phát triển thì phải có một nền văn hóa của quốc gia đó. Nền văn hóa không thượng tôn pháp luật, vi phạm pháp luật tràn lan, làm ăn chụp giật của hàng loạt doanh nghiệp và lừa đảo thì không thể có một quốc gia phát triển.
Một nền văn hóa làm ăn theo pháp luật không thể có một sớm một chiều như chúng ta nghĩ, nhưng tinh thần quyết liệt của người đứng đầu cũng cần ghi nhận sự cho sự đổi mới và phát triển, thấy rõ là phải ra rả trên truyền thông để hô hào cả một hệ thống và toàn bộ người dân phải thay đổi.
Từng người phải nỗ lực nhiều năm thì mới thay đổi được văn hóa của một quốc gia. Chỉ khi nào thay đổi được văn hóa một quốc gia thì chúng ta mới ghi nhận được những thành quả phát triển của nền kinh tế của quốc gia đó.
Đại biểu Quốc hội Phạm Quang Dũng đánh giá: Chỉ khi nào thay đổi được văn hóa một quốc gia thì chúng ta mới ghi nhận được những thành quả phát triển của nền kinh tế của quốc gia đó. Ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.
Nhân đây, tôi xin tham luận vào đề án tái cơ cấu nền kinh tế và trọng tâm của nội dung thứ hai mà tôi cho rằng nội dung thiết yếu.
Chìa khóa để thành công trong đợt tái cơ cấu này là tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân sách nhà nước. 
Nếu như chúng ta không tập trung vào cái này mặc dù chúng ta đưa ra chương trình là 5 nội dung trọng tâm để tái cơ cấu nền kinh tế.
Tôi đi sâu vào phân tích vấn đề này, tôi cho rằng sau một hồi tăng trưởng nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng, nhưng nhiều ý kiến cho rằng chủ yếu tăng trưởng do đầu tư mà có.
Đầu tư chúng ta phải vay ODA, phải phát hành trái phiếu Chính phủ, chất lượng tăng trưởng đó không bền vững, làm cho năng suất lao động của chúng ta không cao lên được, làm cho thu nhập của người dân không cao lên được, đó là vấn đề. Nhà nước cũng nhận ra rằng chúng ta phải tái cơ cấu.

Chủ tịch VCCI lo ngại mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% là quá cao

Nhưng câu chuyện đầu tiên là nguồn lực ở đâu? Nhiều người nói chúng ta chưa nhìn đâu ra nguồn lực, nhưng tôi thấy nguồn lực của chúng ta còn rất nhiều.
Vấn đề chúng ta có khai thác được không và có làm được, phát huy được không?
Nhiều đất nước còn không biết sờ vào chỗ nào để có nguồn lực đó để chống đỡ khó khăn, nhưng chúng ta hơn là chúng ta nhìn được dư địa còn nhiều.
Ở đây nguồn vốn của nhà nước tức là tài sản của dân, của nhà nước nằm ở doanh nghiệp nhà nước không phải ít.
Khối lượng còn nhiều hơn nữa mà lâu nay chúng ta ít nhìn đến và gần như không tập trung quản lý nó, xem nó phát triển như thế nào là các tài sản của các cơ quan hành chính cung cấp dịch vụ công.
Hai nguồn tài sản này cộng vào theo nhiều chuyên gia tính toán bây giờ khoảng 500 tỷ đô. 500 tỷ đô này chúng ta biết cách khai thác nó, chúng ta chỉ phân bổ lại nguồn lực này trong kỳ chiến lược đến 2020 khoảng 1/3 hay một nửa thôi thì hiệu quả kích thích là một cú hích rất tốt cho tăng trưởng.
Tôi cho rằng, nếu làm tốt việc này thì kế hoạch tăng trưởng còn vượt cả kỳ vọng, không phải dưới hay đạt được kỳ vọng mà mục tiêu chúng ta đưa ra.
Câu chuyện là chúng ta có làm hay không làm thôi. Tôi nghĩ làm rất đơn giản, đó là thoái vốn từ doanh nghiệp nhà nước trước đây và trong thời gian vừa qua chúng ta làm rất tốt, tại sao gần đây không làm nữa và dừng lại. Có phải khó không?
Tôi cho rằng khó hay không là ở chúng ta, không phải vấn đề gì. Tôi đảm bảo chắc chắn rằng chúng ta sẽ làm được và chúng ta sẽ hiện thực hóa được, nhưng trong đề án chúng ta chỉ hô chung chung.
Phần lớn nói tăng cường thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, không thấy có một mục tiêu nào cụ thể, Quốc hội phải đưa ra 2017, 2018, 2019 thoái vốn với giá trị là bao nhiêu, tránh kế hoạch vừa qua chúng ta đưa ra thành tích cổ phần hóa là số doanh nghiệp giao cổ phần hóa thì hoàn thành tốt, mỗi doanh nghiệp chỉ bán được 2%, 3% thậm chí 5% và người ta không muốn cổ phần hóa thì người ta đưa ra đủ các loại tiêu chí, không thể bán được. 
Ngọc Quang (ghi)


Bộ trưởng TN&MT: Môi trường đã hết ngưỡng chịu đựng

- "Sau hàng loạt sự cố, môi trường đã đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa" - Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà đánh giá.

Giải trình trước QH chiều nay, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, để giải quyết căn cơ vấn đề môi trường cần phải thay đổi cơ cấu kinh tế, thay thế nền kinh tế thâm dụng vào vốn tài nguyên tự nhiên, thâm dụng vào chi phí môi trường.
“Sau hàng loạt sự cố, chúng ta nhận thấy môi trường đã đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa. Chính vì vậy việc đổi mới chính là xác lập vị trí mới cho môi trường” - Bộ trưởng đánh giá.
Ông nhận định, lâu nay môi trường thường đi sau phát triển, nhưng giờ phải đi trước và nằm ngay trong từng dự án đầu tư, trong chiến lược quy hoạch. Môi trường cần phải được đầu tư ngay từ đầu.
Theo ông, ngay sau sự cố môi trường biển tại miền Trung, Chính phủ đã tiến hành rà soát toàn bộ nguồn thải trong quá trình phát triển kinh tế trước đây.
Trần Hồng Hà, sự cố môi trường, Formosa
Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải trình trước QH (Ảnh: Hoàng Anh)
"Hiện nay đã kết thúc thanh tra 137 cơ sở, từ hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp cho đến các ngành xả thải nhiều như khai thác khoáng sản, giấy, dệt, nhuộm...”, Bộ trưởng thông tin.
Dựa theo những số liệu này, ông Hà cho biết thời gian tới cần các biện pháp quyết liệt, nghiêm túc trong việc thực hiện nghiêm luật môi trường.
“Sắp tới chúng tôi cũng đề xuất sửa luật Môi trường, sửa luật Đầu tư và doanh nghiệp trong đánh giá tác động môi trường, giám sát chặt chẽ chất lượng môi trường”, lời Bộ trưởng.
Kiến nghị ngân hàng quỹ đất
Liên quan đến vấn đề kiểm kê đất trên phạm vi cả nước, Bộ trưởng Hồng Hà cho biết, ngành TN&MT đã phối hợp cùng Bộ Tài chính bố trí hơn 600 tỉ đồng để đo đạc, lập bản đồ địa chính. Bước đầu 10 địa phương đã hoàn thành.
Theo ông Hà, cơ chế chính sách về đất đai thời gian tới cho phép sử dụng đất hiệu quả, cho phép tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn, công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm có giá trị cao trên thị trường trong nước và quốc tế.
Hiện, Bộ TN&MT đang cùng ngành NN&PTNT đề ra các phương án giải quyết.
“Ngoài ra chúng tôi đang đề xuất phương án thành lập ngân hàng về quỹ đất bao gồm đất hoang hoá, đất chưa có nhu cầu sử dụng do nhà nước đứng ra quản lý”, người đứng đầu ngành môi trường cho biết .
Thúy Hạnh (clip: VTV)

Học đại học để ra đánh giày, bán báo thì đào tạo làm gì!

Học đại học để ra đánh giày, bán báo thì đào tạo làm gì!

(PLO)- Sinh viên ra trường giấu bằng đại học đi làm thợ xây phụ hồ, đánh giày, bán báo thế thì đào tạo đại học làm gì cho lắm. 

Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế-xã hội năm 2015 diễn ra chiều 2-11, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng trong khi chúng ta phát triển kinh tế thị trường nhưng việc đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực còn theo nếp cũ, chưa đáp ứng yêu cầu tình hình lao động.
Có doanh nghiệp nhận hàng trăm hồ sơ nhưng khi cho vào vận hành máy móc thì chỉ tìm được có một người. "Sinh viên ra trường giấu bằng đại học đi làm thợ xây phụ hồ, đánh giày, bán báo thế thì đào tạo đại học làm gì cho lắm. Nhân đây tôi khuyên các em đã tốt nghiệp phổ thông và gia đình đừng nặng tâm lý vào đại học, thiết thực cho đi học nghề, trưởng thành từ thực tiễn rồi sau này nâng tầm kiến thức sau" - ông Đương đưa ra lời khuyên.
Học đại học để ra đánh giày, bán báo thì đào tạo làm gì! - ảnh 1
 ĐBQH Đỗ Văn Đương: Sinh viên ra trường giấu bằng đại học đi làm thợ xây phụ hồ, đánh giày, bán báo thế thì đào tạo đại học làm gì cho lắm!
Do đó ông Đương đề nghị từ năm 2016 cần cho phép mở rộng các trường thực nghiệm, thực hành, giảm dần các trường đại học để tạo ra con người nói được viết được làm được. Cơ sở đào tạo dạy nghề phải đổi mới, nâng tầm để ký kết với doanh nghiệp để dạy cho công nhân, ngư dân cách bảo quản, khai thác thủy sản, dạy cho nông nhân cách chăm sóc vật nuôi, cây trồng công nghệ cao, sạch.
Ở khía cạnh tương tự, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) cho rằng dân tộc ta có truyền thống hiếu học, người dân cũng đang đầu tư rất lớn cho thế hệ trẻ, đặc biệt là đi du học nước ngoài. “Nhiều bậc cha mẹ và bản thân các cháu rất mong muốn về làm việc trong nước nhưng rất tiếc chúng ta đã lãng phí nguồn lực quý báu này do thiếu cơ chế phù hợp để khai thác” - ông Hòa nhận xét.

Ông Hòa nêu dẫn chứng có 13 học sinh nhận học bổng của cuộc thiĐường lên đỉnh Olympia đi du học nước ngoài nhưng có tới 12 em ở lại nước ngoài làm việc. “Chúng ta có trăn trở việc này không, trong khi đó nhiều địa phương đang cố gắng cân đối ngân sách cho chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ?" - ông Hòa đặt vấn đề.

Đại biểu Hòa kiến nghị thời gian tới cần có sự đột phá mạnh mẽ trong việc thu hút, sử dụng nhân tài, hết sức chú trọng nguồn nhân lực đã được xã hội đầu tư bài bản chứ không chỉ dựa vào nguồn nhân lực nhà nước đầu tư đào tạo. Làm thế nào có thể thu hút lực lượng này vào làm việc trong hệ thống chính trị thông qua cơ chế thi tuyển rộng rãi, công khai, minh bạch dựa trên các tiêu chí tuyển chọn khách quan, khoa học.

Cùng với đó, theo ông Hòa, phải có biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết để tinh giản bộ máy và rà soát, hợp lý hóa các đầu mối, hợp nhất các bộ phận tránh chồng chéo, tiết giảm chi phí bộ máy để có điều kiện nâng cao thu nhập cho những người lao động làm việc có hiệu quả.

TRÀ PHƯƠNG

Không có nhận xét nào: