Thứ Ba, 15 tháng 11, 2016

Hồi ký Lê Phú Khải – Bản đầy đủ (kỳ 37)

  Báo chí

Lại nói về bữa nhậu với ông Sáu Phan tại Ban Kinh tế trung ương ở Hà Nội năm đó. Chúng tôi lai rai cho đến xế chiều. Trước khi chia tay, Sáu Phan bảo tôi: – Muốn nhờ Phú Khải một việc! Tôi nghe lạ tai quá nên vặn lại: – Ai đời một ủy viên BCT lại phải đi nhờ một công dân hại hai ngoài Đảng bao giờ? Nhưng Sáu Phan quả quyết: – Việc này phải nhờ Phú Khải mới xong!
Đại để là Sáu Phan nhờ tôi nói với Tổng Biên tập SGGP Vũ Tuất Việt xóa nợ cho nhà thơ Nguyễn Bá ở Cà Mau vì vay tiền của báo SGGP mở xưởng làm giấy rồi vỡ nợ, không trả được phải đi tù(!)
Sáu Phan nhấn mạnh, ông thân với Tuất Việt, nói với nó xóa nợ cho Nguyễn Bá. Ông còn nói: – Ai lại bỏ tù một nhà thơ bao giờ. Thả Nguyễn bá ra để nó đi làm ăn mới có tiền mà trả nợ chớ…
Tôi nghe Sáu Phan nói thấy rầu quá! Rõ ràng tư duy của ông là tư duy tình cảm, tư duy đức trị giữa lúc người ta thực thi Pháp trị (tất nhiên là chỉ thực thi Pháp trị với những người như Nguyễn Bá và với dân đen). Tuất Việt đâu phải là tòa án mà tha bổng cho Nguyễn Bá được. Với lại báo Sài Gòn Giải Phóng là báo quốc doanh, đâu phải báo tư nhân của riêng Tuất Việt mà Tuất Việt có thể xóa nợ để cứu Nguyễn Bá khỏi tù tội.
Chính cái tư duy đức trị bảo thủ này đã làm hại Sáu Phan. Khi ở Cần Thơ, Hậu Giang, Sáu Phan là một “anh Hai Nam Bộ” thứ thiệt, cởi mở, phóng khoáng, tư duy tân tiến. Ông nổi tiếng là một người giản dị, dễ gần. Ông có thể tì giấy lên đùi để ký vào một văn bản cho một cán bộ cấp dưới ngay trên hè phố để giải quyết một công việc gấp. Ấn tượng rất mạnh của tôi lần đầu tiên gặp Sáu Phan là, ông chủ tịch một tỉnh lớn nhất đồng bằng này đạp xe đạp vào một tận một ngõ hẻm để thăm tôi tại Cần Thơ. Ngay tại buổi gặp đầu tiên ấy, ông bàn với tôi là phát động một cuộc tuyên truyền trên báo chí cho một năm lấy tên là “Năm văn hóa xã hội” của Hậu Giang. Trong năm văn hóa xã hội đó, sẽ vận động các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu lương thực dành một phần tiền trong quĩ giao tiếp được nhà nước cho phép, chỉ vài phần trăm nhưng rất lớn để xây trường học, trạm xá, làm đường cho vùng sâu, vùng xe của Hậu Giang. Trong cuộc họp báo có mời cả các nhà báo và văn nghệ sĩ ở TP. HCM xuống để tuyên bố mở đầu năm VNXH. Đêm hôm trước, ông còn bàn riêng và hỏi tôi, để thực hiện tiết kiệm, mỗi người dự tiệc chỉ một lon bia thôi có được không? Tôi bảo: – Nên 3 lon, thằng nào không uống được thì thằng khác nó gánh, thế cho vui vẻ, không nên tiết kiệm quá, nhất là có anh em từ xa đến. Ông đồng ý ngay, còn khen tôi là “sâu sắc”!
Về việc đi tù của nhà thơ nổi tiếng của Miền Tây Nam Bộ một thời là Nguyễn Bá, vì vay tiền tỷ để mở xưởng kinh doanh làm giấy, nhưng báo nào năn nỉ xin mua chịu giấy, Nguyễn Bá cũng cho chịu nên vỡ nợ, phải đi tù. Chuyện ông nhà thơ mở xưởng làm giấy này ở Việt Nam chẳng khác nào chuyện ông nhà văn Banzăc ở bên Tây năm xưa, cũng mở xưởng in, kinh doanh được ít lâu là vỡ nợ, phải đi trốn nợ ở lầu 5 một căn nhà phố xép tại Paris. Sau này, chính quyền Paris có mua lại cả căn nhà có phòng Banzăc đã trốn nợ ở đó để làm bảo tang Banzăc! Còn ở nước ta thì hai ông Ủy viên BCT đều tìm cách can thiệp cho một nhà thơ nổi tiếng vì kinh doanh thua lỗ mà phải đi tù(!) Nhưng ông Sáu Kiệt thì khôn ngoan hơn ông Sáu Phan nhiều. Ông đã đến thăm tù nhân Nguyễn Bá với tư cách một công dân nhưng đang “mặc áo” thủ tướng, chỉ thăm thôi, không can thiệp gì cả. Vậy mà ít lâu sau, Nguyễn Bá được ra tù với nhiều lý do, trong đó lý do chủ yếu là “đã cải tạo” tốt!!!
Kể từ khi Sáu Phan ra Bắc làm quan to, tôi được nghe nhiều thông tin rằng, ông được các vị ở Hà Nội quí mến lắm vì tính tình giản dị, cần kiệm, chan hòa với mọi người, đặc biệt ông Tổng Bí thư Đỗ Mười rất tín nhiệm.
Từ khi biết tôi có quan hệ thân tình với Sáu Phan, cô Tuyết mỗi lần có dịp gặp đều thông tin cho tôi về Sáu Phan. Có lần cô nói, bác Đỗ Mười nhận xét: – Thằng Sáu Phan cho vào cối giã nó cũng không chết! Một lần khác cô lại nói, bác Đỗ Mười bào: – Kỳ này để thằng Sáu Phan làm TBT để khỏi mang tiếng là cứ cái chức TBT phải do thằng Bắc Kỳ nắm!!!
Tôi còn được nghe cố vấn Nguyễn Văn Linh luôn đi vận động cho Sáu Phan lên làm Thủ Tướng. Nghe được những chuyện như thế, tôi thấy lo. Được những ông đại bảo thủ, giáo điều, u mê, lú lẫn như thế mà khen thì chắc là Sáu Phan hỏng rồi(!). Đúng là “gần mực thì đen” như các cụ ta nói! Nhưng đó là suy luận theo logic, còn biến động của tư duy lại phức tạp. Engel từng nói, mọi sự vật đều biến động liên tục và vận động trong thời gian và không gian, trong các vận động đó, vận động của tư duy là phức tạp nhất.
Nếu ông Sáu Phan lên nắm các chức vụ chủ chốt trong Đảng như người ta dự đoán thì chưa biết là rủi hay may cho đất nước này, cho Đảng Cộng sản này. Tôi nói vậy vì trước Đại hội 8 tôi có ra Hà Nội. Mỗi năm tôi thường ra một lần như thường lệ. Trước khi về tôi có đến thăm Sáu Phan, tôi nói: – Ra Hà Nội lâu rồi, trước khi về đến thăm ông Sáu. Sáu Phan nói: – Tôi biết ông ra lâu rồi và toàn đến chơi các “thứ dữ”, giờ mới đến chơi tôi. Thì ra Sáu Phan đã biết tôi ra Hà Nội và đi những đâu. Tôi đành “thú nhận”: – Tôi vừa đến chơi Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Kiến Giang, Dương Thu Hương. Sáu Phan nói: – Thế là tốt. Mai mốt tôi làm việc (ý nói làm lớn hơn) phải nhờ ông làm cầu nối để tôi gặp các vị đó, đối thoại với anh chị em. Ông còn khoe: – Tôi là người bảo lãnh để anh Phan Đình Diệu tham gia Mặt trận Tổ quốc, trong khi các vị khác phản đối ầm ầm.
Sáu Phan đã nghĩ đến đối thoại với những người tôi vừa kể trên từ những năm đó thì không thể xem thường ông ta được (Sáu Phan còn sống đó). Trên chính trường, sự im lặng chờ đợi đôi khi cần thiết hơn là sự bộc lộ quan điểm rõ ràng mà sớm quá. Người Phương Tây có câu ngạn ngữ: “Ai nói đúng sớm quá là sai lầm” (Ceuy qui ont raison trop tot, on tort).
Khi ông Sáu Phan thất sủng, bị khai trừ ra khỏi Đảng vì lý do như thông báo của Đảng CSVN đến từng chi bộ, tôi là một trong những người đến thăm ông sớm nhất tại số nhà 14, đường Nguyễn Trãi, Cần Thơ. Ông rất cảm động và còn đưa tôi vào buồng, giới thiệu tôi với bà vợ đang bị bệnh nằm đó: – Đây là anh Khải ở báo Nhân Dân đến thăm tôi!
Sáu Phan ít nghe đài, đọc báo là chủ yếu nên cũng như nhiều người, vẫn đinh ninh tôi ở báo Nhân Dân. Và chính vì sự nhầm lẫn này đang gây cho tôi nhiều chuyện rất vớ vẩn(!) Một lần chín giờ đêm rồi, tôi còn được cơ quan mang đến cho một bao thư to, đề ngoài người gửi là Văn phòng Chính phủ, người nhận là Lê Phú Khải, địa chỉ báo Nhân Dân. Thấy đúng tên mình, tôi bóc thư ra xem thì nội dung đại ý Văn phòng CP đã nhận được đơn của nhà báo Lê Phú Khải, kiện ông Trương Tấn Sang đã bắt con ông đi nghĩa vụ quân sự không đúng luật v.v. Tôi biết ngay là người ta lộn tôi với ông Trần Quốc Khải ở báo Nhân Dân nên sáng hôm sau tôi phải phóng xe tới 40 Phạm Ngọc Thạch trao trả lại thư cho báo Nhân Dân. Đến dịp 30-4-1995, sắp kỷ niệm 20 năm ngày thống nhất đất nước, tôi được cử đi phỏng vấn Chủ tịch TP HCM Trương Tấn Sang. Cuộc phỏng vấn xong, ông Sang vỗ vai tôi bảo: – Thôi chuyện cũ kiện cáo nhau, bỏ qua nhé! Tôi ngạc nhiên quá và vụt nhớ ra là vụ kiện ông Sang của ông Trần Quốc Khải ở báo Nhân Dân mấy năm trước. Vậy là VPCP cũng gửi cả công văn thông báo vụ kiện cóa đó cho Chủ tịch TP. HCM Trương Tấn Sang. Tôi phải giải thích sự nhầm lẫn này cho ông Sang hay. Cả hai chúng tôi đều cười! Công bằng mà nói, ông Sang là một người tử tế. Nếu ông nhỏ nhen mà thù ghét tôi thì thiếu gì cách để ông “trị” tôi! Chưa hết, một lần tôi xuống một huyện xa của Sóc Trăng công tác, tối đêm rồi còn có người gõ cửa phòng, yêu cầu tôi hoàn trả lại số tiền tạm ứng nhận viết một cuốn tiểu thuyết cho huyện mà đã mấy năm không thấy tiểu thuyết ra đời! Tôi lại biết ngay là nhầm tôi với ông Trần Quốc Khải.
Còn nhiều chuyện rắc rối do ông Trần Quốc Khải, nổi tiếng là “hâm” trong làng báo VN này gây cho tôi.
Chuyến thăm Sáu Phan vừa bị “tai nạn” chính trị đó, tôi thấy ông tỏ ra không buồn rầu, bi quan gì cả, ông chỉ than phiền: – Tôi chẳng khai báo gì cả, nó vặn cả răng tôi đây này – Ông chỉ vào hàm răng của mình – Nhà thơ Viễn Phương và nhà văn Sơn Nam bị tù và giam cùng xà lim với tôi hai vị đó đều là bạn của Phú Khải, thử hỏi hai người đó xem tôi có khai không? Viễn Phương viết thư cho anh Mười (Đỗ Mười – LPK) minh oan cho tôi, thư của hắn còn đem ra phường công chứng chữ ký nữa, trước khi gửi đi Hà Nội.
Tôi suýt bật cười khi nghe Sáu Phan nói “đem ra phường công chứng chữ ký”. Ở cái thời buổi “kim tiền” này, người ta đi công chứng chữ ký của các đại ca, đại gia ai mà đi công chứng chữ ký của nhà thơ, vậy nhà thơ có giá thế sao?
Về Sài Gòn rồi, tôi nhân danh chuyên viên của cơ quan, làm giấy mời nhà thơ Viễn Phương đến số 7 Nguyễn Thị Minh Khai, nơi cơ quan tôi đóng để phỏng vấn nhà thơ về tình hình thơ ca miền Nam!!! Tôi phải “mở ngoặc” nói rõ về cái chức danh “chuyên viên” của tôi. Không hề có chức danh này ở cơ quan báo chí, chỉ có phòng viên, biên tập viên mà thôi. Nhưng vì lúc đó tôi đã 55-56 tuổi, có tên trên nhiều tờ báo của cả nước, là tác giả của hàng chục đầu sách, được mời đi giảng ở nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, lớpp trung học, đại học báo chí mà ở cơ quan thì viết một cái tin ngắn củng phải trình cho cấp phó phòng, trưởng phòng duyệt theo qui chế. Kẻ ngồi duyệt được thiên hạ bình luận là trình độ “dân phòng”, nên nó chướng quá. Giám đốc cơ quan thường trú Đài Tiếng nói VN tại Tp HCM là Đào Quang Cường lúc đó liền sáng kiến ra chức danh “chuyên viên”. Ông tuyên bố với cơ quan tôi là chuyên viên, làm việc trực tiếp với giám đốc, khi nào giám đốc yêu cầu thì đến, không phải làm việc 8 tiếng ở cơ quan. Thế là tôi được ở nhà để “nghiên cứu”!!!
Phỏng vấn qua loa nhà thơ Viễn Phương, và sau đó không quên gửi ông cái nhuận bút ở mức cao nhất của qui định trả nhuận bút nhà nước ban hành, tôi mới hỏi nhà thơ rất đáng kính này: – Tôi nghe nói cái thư anh minh oan cho anh Sáu Phan gửi cho ông Đỗ Mười, anh còn cẩn thận đi công chứng chữ ký Viễn Phương phải không? Viễn Phương trừng mắt qua cặp kính trắng nói gọn lỏn: – Có chứ! Có chứ!!!
Sở dĩ những người như tôi, còn dám “… nán lại cái phút giây cực lực, để sống thêm ít phút nhọc nhằn trên cõi đời ôn trọc này…” (Sêchxphia) là vì còn những người “ngây thơ” như nhà thơ Viễn Phương. Chắc chắn ông Viễn Phương mà đi buôn bán, kinh doanh thì lại vỡ nợ, vô tù hoặc phải đi trốn nợ như ông Nguyễn bá và ông Banzăc mà thôi!
Từ khi Sáu Phan “về vườn” ở Cần Thơ, tôi thường hay lui tới chơi với ông. Vì thế có lần ông bảo tôi: – Ở cái tỉnh Cần Thơ này, nhiều cán bộ bảo tôi chơi thân với Phú Khải, tôi bảo chúng nó “thì hai thằng ngoài Đảng chơi với nhau là đương nhiên”! (Sáu Phan lúc đó đã bị khai trừ Đảng).
Vậy mà ngày Mùng Hai Tết Quý Tỵ 2013 vừa qua, tôi đến chúc Tết… ông còn than với mọi người có mặt lúc đó tại nhà ông: – Lúc tôi là Ủy viên Bộ Chính trị, tôi bảo Phú Khải để tôi giới thiệu Phú Khải vào Đảng, tôi mà giới thiệu thì chi bộ nào nó chả kết nạp, vậy mà Phú Khải không nghe. Bây giờ vẫn là người ngoài Đảng(!).
Thế đó. Sáu Phan là bi hay hài xin bạn đọc suy xét hộ tôi. Chuyện về Sáu Phan còn dài dòng lắm, nếu tôi là một tiểu thuyết gia, có thể có cả một cuốn truyện bi hài về ông và cả tôi nữa. Ví như cái thư ông gửi cho tôi năm 1995, được đạo diễn Trần Cương ở Đài Truyền hình VN tự tiện bóc ra, rồi đem đọc cho mọi người nghe, rồi anh ta rêu rao rằng: – Ai đời một ủy viên BCT đương kim mà lại đi nhờ một thằng ngoài Đảng, ba lăng nhăng như thằng Phú Khải góp ý “nhiều mặt khác cho Đảng”! Cái Đảng này nó đến ngày mạt rồi. Đi rêu rao chán, rồi anh mới đem lá thư đã bóc trả cho tôi. Tôi bảo anh: – Theo luật thư từ, nếu tôi kiện, anh phải 6 tháng tù giam! Trần Cương lại nhe răng cười! Trong làng báo ở Sài Gòn ai cũng biết, Trần Cương là anh chàng suốt đời bông phèng như thế, dù anh được đào tạo căn cơ ở Liên Xô về báo chí, nói Tiếng Nga như gió. Anh hơn tôi 2 tuổi.
Cái thư Sáu Phan gửi cho tôi từ Hà Nội, dấu bưu điện trên bao bì thư đề ngày 15.4.1995 – 10000A, nguyên văn như sau:
“Được anh gửi cho bài nói về 20 năm Đồng bằng Sông Cửu Long, tôi xem thấy hay, chụp gửi cho các anh lãnh đạo và Tiểu ban chuẩn bị văn kiện đại hội 8.
Rất cần được anh góp ý nhiều mặt khác cho Đảng.
Chúc anh, gia đình, bạn bè khỏe mạnh. Thân mến.”
Ký tên Sáu Phan.
Cái bài nói về “20 năm Đồng bằng sông Cửu Long” như Sáu Phan nhắc đến nó trong thư, tôi đã đưa báo SGGP đăng dịp 30.4.1995 trong hai số báo ngày 18.4.1995 và 19.4.1995.
Cũng như quan hệ với ông Sáu Kiệt, tôi đi lại với Sáu Phan là nhằm tìm hiểu những vấn đề của ĐBSCL mà 2 ông đều là những cuốn từ điển sống về vùng quê sông nước này.
Với đại đa số nhân dân và những người ngoài Đảng như tôi thì những đấu đá quyền lực nội bộ trong Đảng, người ta ít quan tâm. Vấn đề tôi quan tâm là những người lãnh đạo của đảng cầm quyền khi ở vị trí cao nhất, họ có quan điểm thế nào? Sẽ dẫn dắt đất nước đi về đâu? Nhân dân sẽ được lợi gì trong những chính sách họ ban hành ra? Xét từ tiêu chí đó thì việc đánh giá cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Hà Phan còn bỏ ngỏ. Vì ông chưa được “làm việc” như ông đã nói với tôi. Còn những người đã được đảng cầm quyền giao việc, giao nhiệm vụ thì nhân dân đã rõ(!).
(Còn tiếp)

Đọc tất cả những bài đã đăng ở tại trang: Lời Ai Điếu

Không có nhận xét nào: