Thứ Ba, 15 tháng 11, 2016

Ngân sách nhà nước CSVN năm 2017 ‘thắt lưng buộc bụng’

Ngân sách CSVN năm 2017 ít hơn năm 2016, dấu hiệu của nhiều khó khăn kinh tế khiến chế độ phải thắt lưng buộc bụng. Hôm 14 tháng 11, Quốc Hội CSVN thông qua bản ngân sách năm 2017 của nhà cầm quyền trung ương.

Một phụ nữ (bên phải) bày nhiều loại rau bán trên lề đường ở Hà Nội. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) tường thuật cuộc họp của Quốc Hội cho hay, “tổng số thu cân đối ngân sách trung ương là 729,730 tỷ đồng” còn“tổng số chi cân đối ngân sách trung ương là 902,030 tỷ đồng.” Như vậy, thâm thủng ngân sách của chế độ năm tới dự trù sẽ khoảng 172,300 tỉ đồng.

Năm ngoái, ngày 11 tháng 11, 2015, Quốc Hội CSVN đã thông qua bản ngân sách cho năm 2016 là “Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1,014,500 tỷ đồng,” “Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1,273,200 tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 254,000 tỷ đồng.”

Những năm gần đây, ngân sách nhà nước của chế độ năm sau luôn luôn cao hơn năm trước, nhưng ngân sách năm 2017 vừa thông qua đã không theo như vậy.

Mấy ngày gần đây, người ta thấy viên chức thành phố Sài Gòn kêu ca không được giữ lại các ngân khoản cần thiết để thực hiện các dự án quan trọng vì bị nhà cầm quyền trung ương đòi nộp nhiều hơn trước. Ông thủ tướng đáp lại lời kêu ca bằng cách kêu gọi Sài Gòn “thông cảm với khó khăn chung của đất nước.”

Sài Gòn là một trong 13 tỉnh thành có thặng dư (thu vào) đem nộp cho ngân sách trung ương. Nơi đây là bầu sữa nuôi chế độ trong khi 51 tỉnh thành còn lại phải dựa vào sự trợ cấp từ trung ương để tồn tại.

Nền kinh tế Việt Nam năm 2016 đã bị ảnh hưởng bởi sự biến đổi khí hậu, nạn hạn hán và ngập mặn ở vùng đồng bằng nông nghiệp phía nam trong khi miền Trung thì gặp họa Formosa xả chất thải độc hại làm chết biển.

Theo bà Phạm Chi Lan, một chuyên viên kinh tế ở trong nước, nền kinh tế của Việt Nam đang đối diện với rất nhiều khó khăn chưa từng thấy như vừa kể, được bà viết trong một bài đăng tải trên trang mạng ‘chinhphu.vn.’

Bà còn cho rằng, “Một số vấn đề kinh tế vĩ mô từ các năm trước kéo dài sang 2016 vẫn chưa khắc phục được và thậm chí ngày càng nghiêm trọng, điển hình như nợ công tăng sát tới ngưỡng Quốc Hội cho phép, trong khi khả năng giảm bớt chi để đỡ gánh nặng nợ công chưa thấy rõ, khả năng tăng thu để bù đắp nhu cầu đầu tư, chi tiêu công cũng không được bao nhiêu.”

Vẫn theo nhận định của bà Phạm Chi Lan thì “gánh nặng chi trả nợ cao từ nay tới sát năm 2020 và khó khăn trong huy động các nguồn vốn cho ngân sách, trong khi tái cơ cấu đầu tư công, kiểm soát chi tiêu công chưa đạt kết quả đáng kể, làm cho nợ công trở thành vấn đề nan giải số 1 trong các vấn đề kinh tế vĩ mô hiện nay.”

Những yếu tố trên cộng lại đi kèm theo những khó khăn về xuất cảng, nguồn tín dụng đầu tư phát triển ưu đãi từ Nhật và các định chế quốc tế cũng không còn dồi dào như trước, buộc ngân sách nhà nước phải co cụm.

Ngày 30 tháng 10, 2016, tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn dẫn các con số từ Tổng Cục Thống Kê nói rằng 10 tháng qua, nhà cầm quyền trung ương đã xài hết gần 925,000 tỉ đồng, tức khoảng 91% của tổng số dự thu cho năm nay. Không ai tin rằng dự thu ngân sách năm nay đạt được con số mà quốc hội “cao su” biểu quyết năm ngoái vì các khó khăn kinh tế nghiêm trọng.

Ngay từ tháng 3, 2016, một bài viết trên tờ VietNamNet kêu rằng, “Ðang có hiện tượng ‘vung tay quá trán’ trong chi tiêu nên mới đầu năm, để đảm bảo ngân sách nhà nước, Chính phủ đã phải ‘cắp rổ’ đi vay cả trong ngoài nước 116,000 tỷ đồng. Rất có thể, thuế nội địa sẽ tăng để bù đắp cho khoản vay này.”

Một bản báo cáo của chính phủ gửi Quốc Hội nhìn nhận chuyện đó khi viết là: “Tổng thu ngân sách nhà nước không đủ bảo đảm nguồn chi thường xuyên và trả nợ. Toàn bộ chi đầu tư đều phải dựa vào nguồn vay nợ của chính phủ. Nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn.”

(Người Việt)

Không có nhận xét nào: