Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2016

Ông Vũ Mão: Phê bình kém, ngại đụng chạm dẫn tới suy thoái; Mới chê ( Chủ tịch tỉnh) “cái mặt kênh kiệu” đã bị phạt 5 triệu thì ai dám đóng góp nữa?; Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông nói về việc xử phạt "tội" nói xấu trên Facebook

Ông Vũ Mão: Phê bình kém, ngại đụng chạm dẫn tới suy thoái

VOV.VN -Phê và tự phê là vấn đề cốt lõi trong xây dựng Đảng. Tuy nhiên, vì ngại đụng chạm, nể nang nên nhiều sai phạm của cán bộ, đảng viên chậm được phát hiện
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII nêu rõ một trong những việc chưa đạt được mục tiêu đó là phê bình và tự phê bình vẫn còn mang tính hình thức, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao. Chính vì nể nang, né tránh, ngại va chạm đã dẫn tới nhiều khuyết điểm, sai phạm của cán bộ, đảng viên chậm được phát hiện.
Chia sẻ quan điểm về thực tế này, ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự suy thoái trong Đảng, khiến lòng tin trong dân với Đảng bị giảm sút.
ong vu mao phe binh kem ngai dung cham dan toi suy thoai tu tuong dao duc hinh 1
Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
PVTừ Hội nghị TƯ 4 khóa XI, việc phê bình và tự phê đã được nhấn mạnh, tại sao ở Nghị quyết Hội nghị TƯ 4 lần này, việc này vẫn là một nội dung quan trọng?
Ông Vũ Mão: Vấn đề phê bình và tự phê bình là vấn đề quan trọng cốt lõi trong công tác xây dựng Đảng, từ trước đến nay Đảng ta vẫn coi trọng khâu này. Thời gian trước đây, khâu này được coi trọng và làm khá tốt. Tuy nhiên, trong vài chục năm trở lại đây, việc phê bình và tự phê bình chưa được tốt. Vì thế, Hội nghị TƯ 4 khóa XI đã đi sâu phân tích và đề ra những chủ trương, biện pháp nhằm tăng cường phê bình và tự phê bình, vấn đề cốt lõi để xây dựng Đảng.
Từ Hội nghị TƯ 4 khóa XI đến Hội nghị TƯ 4 khóa XII, khâu này chuyển biến không được bao nhiêu. Thực tế này rất đáng phải suy nghĩ. Đã từng sinh hoạt ở các chi bộ, đảng bộ cơ sở, tôi thấy rằng việc phê bình và tự phê bình nói chung là yếu, nể nang. Xu hướng nể nang, tránh va chạm dường như đang rất phổ biến, không chỉ ở cấp cơ sở, mà từ cấp trung ương.
Hội nghị TƯ 4 khóa XII tiếp tục đưa ra, phân tích và đòi hỏi, buộc chúng ta phải có một cách làm đổi mới hơn nữa, mới hy vọng mang lại những hiệu quả nhất định.
Nói chung công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ của ta hiện nay đang có rất nhiều vấn đề cần phải phân tích, đánh giá, bổ sung để đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt trong công tác phê bình và tự phê bình. Dường như, lý tưởng cách mạng của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay không được như xưa, một trong những nguyên nhân quan trọng bắt nguồn từ cơ chế thị trường chúng ta đang vận hành. Mặc dù nền kinh tế đó là rất cần thiết, đưa đất nước đi lên, nhưng mặt trái của nó khiến cho con người ta chạy theo lợi nhuận, lợi ích cá nhân. Nếu không có sự rèn luyện, con người ta sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
PVThưa ông, có sự liên hệ nào giữa phê bình và tự phê bình với việc suy thoái tư tưởng, đạo đức trong cán bộ, Đảng viên?
Ông Vũ Mão: Phê bình kém, ngại ngùng, nể nang; không dám dũng cảm tự phê bình những thiếu sót của mình, từ đó dẫn tới suy thoái. Sự rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên kém lại bị tác động bởi mặt trái của nền kinh tế thị trường, dẫn tới tình trạng, cứ phải có phong bì công việc mới chạy, mới được giải quyết. Hiện tượng đó đang khá phổ biến, khiến cho niềm tin của người dân vào Đảng, bộ máy Nhà nước giảm sút. Đó là hiện tượng rất không hay trong xã hội ta hiện nay.
PVChúng ta vẫn nói “tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh”, nhưng trong các cơ quan, tổ chức việc thực hiện nội dung này vẫn rất hình thức. Phải chăng người phê và tự phê vẫn ngại việc kiểu như “lạy ông tôi ở bụi này” hay do việc tiếp nhận sự phê và tự phê của mọi người chưa hoàn toàn tích cực?
Ông Vũ Mão: Để nêu ra khuyết điểm của bản thân và của người khác, người ta phải làm một cuộc đấu tranh với chính mình. Đặc biệt với khuyết điểm của cấp trên, người ta càng ngại, bởi khuyết điểm được nêu ra liệu có được tiếp thu hay không, người góp ý liệu có bị thù hằn, trù dập, thậm chí có khi còn bị đe dọa.
PVĐể sử dụng vũ khí tự phê bình và phê bình trong Đảng một cách có hiệu quả, theo ông cần phải làm gì?
Ông Vũ Mão: Phải kết hợp phê bình, tự phê bình thường xuyên và phải có quy định rất cụ thể, đồng thời phải có kiểm tra giám sát. Trong công tác quản lý nhà nước người ta có thể nhìn thấy nhiều vấn đề nhưng trong sinh hoạt Đảng, để những vấn đề đó được đưa ra, đòi hỏi vai trò của thủ trưởng cơ quan phải quyết liệt, gương mẫu; muốn quyết liệt trước hết phải gương mẫu.
Một biện pháp quan trọng khác là kiểm soát quyền lực. Thực tế, phần lớn các vụ việc tiêu cực, tham nhũng thời gian qua đều do báo chí điều tra, phanh phui ra chứ không phải trong nội bộ cơ quan, địa phương phát hiện được.
PVXin cảm ơn ông./.



Thanh Hà- Minh Hòa/VOV.

Mới chê “cái mặt kênh kiệu” đã bị phạt 5 triệu thì ai dám đóng góp nữa?

Dân trí Liên quan đến sự việc tỉnh An Giang phạt tiền 5 triệu đồng đối với hai cán bộ chê Chủ tịch tỉnh này trên Facebook, đại biểu Quốc hội Trần Khắc Tâm nói: “Nếu họ chỉ nói mình kênh kiệu mà xử lý thế thì nay mai ai người ta đóng góp cho mình nữa”.
 >> Chủ tịch tỉnh An Giang không được báo cáo về vụ "chê trên Facebook"?
 >> Vụ chê chủ tịch tỉnh trên Facebook: Bình luận về gương mặt là xúc phạm danh dự?
 >> Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông nói về việc xử phạt "tội" nói xấu trên Facebook


Đại biểu Quốc hội Trần Khắc Tâm.
Đại biểu Quốc hội Trần Khắc Tâm.

Là người thường xuyên sử dụng Facebook, đại biểu Quốc hội Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) cho rằng, chỉ bình luận “nhìn cái mặt kênh kiệu” thì chưa có gì ghê gớm.
“Người dân hay cử tri có quyền đánh giá ông chủ tịch đó như thế nào. Nếu người ta xúc phạm nặng nề thì khác, còn chuyện cảm xúc thì người ta có quyền”- ông Tâm nêu quan điểm.
Theo ông Tâm, có nhiều hình thức xúc phạm nhau trên Facebook, nhưng một lời bình luận như trên thì không thể coi là xúc phạm.
“Tôi nghĩ không đáng, không hợp lý để bị phạt 5 triệu đồng. Phạt 5 triệu đồng thì người ta đóng 5 triệu, nhưng người ta không hài lòng. Người ta đánh giá bằng cảm xúc của họ, phạt 5 triệu là quá đáng”- đại biểu Trần Khắc Tâm thẳng thắn.
Vị đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cho rằng trong sự việc này, lãnh đạo An Giang nên lắng nghe, xem lại mình xem có đúng như dân bình luận không để có sự thay đổi.
“Phải làm sao thu hút được người dân đóng góp, người dân gần gũi với mình để mình hoàn thiện hơn. Nếu họ chỉ nói mình kênh kiệu mà xử lý thế thì nay mai ai người ta đóng góp cho mình? Còn nếu khen kiểu của những người xu nịnh thì sao? Được khen mà làm không được việc thì hỏng rất nhiều công việc chung. Ví như bây giờ cô giáo kia quay ngược lại khen ông chủ tịch tỉnh thì ông chủ tịch có thưởng không ?”- ông Tâm nói.
Không hài lòng có thể khiếu nại, kiện ra tòa
Về vụ việc này, luật sư Trương Trọng Nghĩa (đại biểu Quốc hội TPHCM) cho rằng đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính thì phải xem lại cơ sở, căn cứ có phù hợp.
“Nếu sự việc chỉ đáng nhắc nhở mà xử phạt tiền lên tới 5 triệu đồng thì cái đó tùy thuộc vào lãnh đạo giải quyết vụ việc. Trường hợp đã xử lý với nhau bằng luật pháp rồi thì người bị xử lý nếu thấy oan ức, quyết tâm đấu tranh thì có thể sử dụng công cụ khiếu nại theo Luật Khiếu nại tố cáo và sau đó nếu thấy việc giải quyết không thỏa đáng thì có thể khởi kiện ra tòa”- ông Nghĩa nói.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa (Ảnh: Thế Kha).
Luật sư Trương Trọng Nghĩa (Ảnh: Thế Kha).
Trả lời thắc mắc về việc xử phạt này dễ trở thành tiền lệ xấu khi người dân muốn góp ý, nhận xét về lãnh đạo địa phương, ông Trương Trọng Nghĩa nói: “Từ sự việc này chúng ta cũng cần suy nghĩ về việc xây dựng mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau trên mạng xã hội, Facebook bởi theo Hiến pháp thì việc bảo vệ bí mật đời tư, danh dự, nhân phẩm rất quan trọng. Các luật tố tụng dân sự, hình sự cũng quan tâm tới việc đó. Chúng ta phải tiến tới một quan hệ xã hội không tùy tiện sử dụng mạng xã hội, Facebook để thỏa mãn tình cảm nhất định của mình”.
Luật sư Nghĩa lấy ví dụ: “Tôi có thể tức ông đó, nhưng loan truyền thông tin trên mạng xã hội về ông ấy với những thông tin không đúng là rất có hại cho người đó. Mỗi lần bực bội mà tung hết lên cho tất cả mọi người xem thì phải xem lại. Chúng ta thử đặt mình vào vị trí người trong cuộc đi, nếu chúng ta bị bêu riếu lên thì có vui không? Có những điều loan truyền không đúng gây ảnh hưởng thì dù sau này xin lỗi cũng không cứu vãn được”.
Ông Nghĩa cho rằng người dùng mạng xã hội sẽ phải xây dựng quan hệ trách nhiệm, có sự chan hòa, nhân văn hơn.
Thế Kha

Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông nói về việc xử phạt "tội" nói xấu trên Facebook

Dân trí Trao đổi với PV Dân trí bên hành lang Quốc hội sáng nay 16/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son khẳng định: “Nói xấu trong đời thường cũng không được và nói xấu trên mạng cũng không được”.
 >> Chê chủ tịch tỉnh trên facebook, 3 cán bộ bị... kỷ luật, phạt tiền



Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 16/11 (Ảnh: Thế Kha).
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 16/11 (Ảnh: Thế Kha).

Không đưa ra bình luận trực tiếp về sự việc 3 cá nhân ở tỉnh An Giang bị xử lý kỷ luật, phạt tiền vì bình luận nói xấu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang trên Facebook, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết việc sử dụng Facebook không đúng mục đích để nói xấu người khác là vi phạm.
“Nếu dùng Facebook chia sẻ tình cảm, giao lưu, tuyên truyền những thông tin tốt thì không có vấn đề gì cả. Ngay cả Chính phủ cũng dùng các trang mạng để trao đổi thông tin của mình. Ví dụ như trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội có tác dụng nhất định. Trang mạng xã hội là trang tin tổng hợp, đưa thông tin của cơ quan nhà nước, báo chí phải dẫn nguồn tin chính thống, không được biến tấu đi. Nhiều người tham gia trang thông tin điện tử nên nếu đưa đúng thì thông tin được lan rộng, như cánh tay nối dài của báo chí, làm thông tin của Đảng, Nhà nước được tuyên truyền sâu rộng hơn - Bộ trưởng Son nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Nghị định 72/2013 quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng đã quy định rất rõ về vấn đề này.
“Nhiều người sử dụng nên thông tin tuyên truyền nhanh hơn, người ta comment trên đó tự tin hơn và cảm thấy tự nhiên, gần gũi hơn. Nhưng anh cũng có sai phạm nếu anh sử dụng trang Facebook, mạng xã hội tùy tiện, dùng cái đó để nói xấu lẫn nhau, thậm chí nói xấu cả cô giáo, thầy giáo mình như vừa rồi báo chí đã nói. Còn cán bộ, công nhân viên nhà nước cũng là công dân, có quyền sử dụng nhưng phải sử dụng theo đúng quy định của nhà nước. Anh sử dụng cái đó làm phương tiện để giao lưu, chia sẻ truyền tài thông tin, nhưng không dùng công cụ đó làm việc sai trái”- Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định.
Nhấn mạnh câu chuyện đời sống trên mạng cũng như ngoài đời thường, Bộ trưởng Son cho rằng, nếu người sử dụng có thái độ động viên, khích lệ nhau thì rất tốt, nhưng nếu giấu danh tính hoặc lợi dụng mạng xã hội để nói xấu người khác thì không được.
“Nói xấu trong đời thường cũng không được và nói xấu trên mạng cũng không được”- Bộ trưởng nói.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc một cô giáo bình luận Chủ tịch tỉnh “nhìn cái mặt kênh kiệu” thì có đến mức vi phạm và bị xử phạt không, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết phải xem bản thân người đó đánh giá ra sao, có đánh giá quá đà; đó là đánh giá của cấp dưới với cấp trên hay bạn bè với nhau, nhưng tất cả đều phải trên quan điểm tôn trọng nhau trong quá trình giao tiếp.
Trước đó, như Dân trí đã phản ánh, cô giáo Lê Thị T.T. - Tổ trưởng tổ chuyên môn Ngữ văn Trường THPT Long Xuyên (TP Long Xuyên) đăng thông tin “Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm chủ tịch tỉnh UBND tỉnh An Giang” lên trang Facebook cá nhân kèm theo lời bình luận về gương mặt ông chủ tịch UBND tỉnh An Giang: “nhìn cái mặt kênh kiệu…”.
Sau đó có ông Nguyễn Huy P. - nhân viên Điện lực An Giang và bà Phan Thị K.N. - Phó Văn phòng Sở Công thương, sử dụng tài khoản của chồng là ông P. cùng vào bình luận.
Sau sự việc này, Sở Thông tin Truyền thông tỉnh An Giang đã ra quyết định xử phạt bà T.T., và ông Huy P. mỗi người 5 triệu đồng, với lý do cả 2 vi phạm truyền đưa lưu trữ sử dụng thông tin nhằm xúc phạm uy tín danh dự người khác. Riêng bà Phan Thị Kim N., do không trực tiếp vi phạm nên chỉ bị nhắc nhở.
Ngoài ra, bà T. còn bị Ban Giám hiệu Trường THPT Long Xuyên xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách theo Luật viên chức.
Bà Phan Thị K.N. cũng bị Ban Giám đốc Sở Công thương kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về Đảng và chính quyền. Chồng bà N. là ông P. cũng bị Ban chấp hành Đảng ủy Công ty Điện lực An Giang xử lý về chính quyền bằng hình thức phê bình bằng văn bản trong toàn công ty.
Sau khi sự việc xảy ra, Đảng ủy Khối Dân chính Đảng đã tiến hành điều tra và xử lý 3 cán bộ, Đảng viên lợi dụng việc sử dụng Facebook  xúc phạm lãnh đạo tỉnh tại văn bản số 58-CV/ĐUK ngày 28 tháng 10 năm 2015.
Ngoài ra, UBND tỉnh An Giang cũng có công văn đề nghị Cổng thông tin điện tử An Giang, Báo An Giang phối hợp thông báo kết quả xử lý, chấn chỉnh 3 cán bộ dùng mạng xã hội xúc phạm lãnh đạo tỉnh.

Những hành vi bị cấm
Theo Điều 5 Nghị định 72/2013 Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, các hành vi bị cấm gồm:
1. Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích:
a) Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo;
b) Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
c) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định;
d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;
đ) Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm;
e) Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổchức, cá nhân.
2. Cản trở trái pháp luật việc cung cấp và truy cập thông tin hợp pháp, việc cung cấp và sử dụng các dịch vụ hợp pháp trên Internet của tổ chức, cá nhân.
3. Cản trở trái pháp luật hoạt động của hệ thống máy chủ tên miền quốc gia Việt Nam ".vn", hoạt động hợp pháp của hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
4. Sử dụng trái phép mật khẩu, khóa mật mã của tổ chức, cá nhân; thông tin riêng, thông tin cá nhân và tài nguyên Internet.
5. Tạo đường dẫn trái phép đối với tên miền hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tạo, cài đặt, phát tán phần mềm độc hại, vi-rút máy tính; xâm nhập trái phép, chiếm quyền điều khiển hệ thống thông tin, tạo lập công cụ tấn công trên Internet.
Thế Kha


No compatible source was found for this video.

Không có nhận xét nào: