Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

RFI: Những yếu kém của « người cầm lái mới » của Trung Quốc; Putin và sự nổi loạn mạnh mẽ; Pháp: « Cặp đôi Hollande – Valls bên bờ đổ vỡ »


Những yếu kém của « người cầm lái mới » của Trung Quốc


mediaChủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.REUTERS/Ed Jones/Pool/File Photo
Được tôn vinh là lãnh đạo hạt nhân của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, Tập Cận Bình nắm trong tay quyền lực biểu tượng vượt qua cả chức tổng bí thư Đảng và chủ tịch nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Việc này minh họa cho chủ nghĩa tôn thờ cá nhân ở Trung Quốc. Tập Cận Bình muốn mọi người nhìn ông như một vị thủ lĩnh can đảm, người dám đối đầu với các khó khăn, người duy nhất có khả năng thực hiện giấc mơ của một cường quốc mà bộ máy tuyên truyền quá khích của nhà nước không ngừng gieo vào đầu óc của 1,3 tỉ dân Trung Quốc.
Le Monde số ra ngày hôm nay giới thiệu bài xã luận có tiêu đề « Những yếu kém của « người cầm lái mới » của Trung Quốc. Đối với những người ủng hộ Tập Cận Bình, việc thâu tóm quyền lực một cách nhanh chóng của « người cầm lái mới » này là cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng, nạn tham nhũng hoành hành và sự chia rẽ trong nội bộ Đảng sau kỷ nguyên cầm quyền của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào. Theo họ, Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực cũng là để khắc phục các chính sách chệch hướng của đảng Cộng Sản, chẳng hạn chính sách một con và các trại cải tạo lao động.
Sự chệch hướng của hệ thống chính trị là dấu hiệu chuyển đổi quá nhanh của Trung Quốc vào thời toàn cầu hóa và làm giàu. Nhưng sự chệch hướng này của hệ thống chính trị trước khi ông Tập lên nắm quyền đã khiến báo chí mang tính tranh luận nhiều hơn, phong trào đấu tranh của các luật sư ra đời, các tầng lớp dân cư mới có trình độ học thức khao khát tham gia vào đời sống chính trị của đất nước. Lẽ ra họ có thể đã dẫn dắt những cải tổ chính trị mà trước đây đã bị gạt đi trong một thời gian rất dài, đặc biệt phân biệt rõ ràng hơn các cơ quan của chính phủ và Đảng.
Nhưng tất cả những điều này đã ngay lập tức bị ông Tập gạt bỏ. Đối với Tập Cận Bình, cho phép tự do về chính trị chỉ dẫn đến sự sụp đổ của đảng và sự hỗn loạn của xã hội. Trái lại, trong mắt ông, Đảng phải là giải pháp cho mọi vấn đề. Trung thành và có kỷ luật, Đảng phải vận hành như quân đội và phải thông qua sự thẩm tra gắt gao của một thiết chế có quyền năng tối cao, đó là uỷ ban chống tham nhũng. Và ủy ban này giờ đã lấn sân sang cả lĩnh vực lý tưởng chính trị. Luôn tiếc nuối thời cộng sản ban đầu ở Diên An, nơi cha ông đã từng che giấu, bảo vệ Mao Trach Đông vào những năm 1930, Tập Cận Bình coi mình là người kế tục « triều đại đỏ » với người sáng lập mà không ai dám đụng vào.
Sự lựa chọn này đã kéo theo những suy thoái chính trị lớn. Cuộc tấn công chống « thuyết hư vô lịch sử » cấm đoán mọi tranh luận chỉ trích nhằm vào lịch sử chính thống. Việc bức hại các luật sư và những người không có cùng quan điểm đã kích động bộ máy công an vốn đã có quyền tối thượng. Việc kiểm soát mạng internet và báo chí khiến xã hội không còn không gian tranh luận tự nhiên. Những người Trung Quốc giàu có gửi con cái và tiền bạc sang phương Tây. Rất nhiều công chức và các cơ quan hành chính trì hoãn mọi chuyện vì sợ bị trả đũa.
Le Monde nhận định vì thiếu lý tưởng chính trị gắn kết chặt chẽ và có khả năng huy động cao, đà cải cách của Tập Cận Bình trở nên hão huyền và bấp bênh. Hơn nữa, nền kinh tế Trung Quốc, vốn đã suy yếu đi sau những năm bị kích thích tăng trưởng quá mạnh có thể sụp đổ vào bất cứ lúc nào. Và những tham vọng của Tập Cận Bình trên trường quốc tế khiến Trung Quốc ngày càng phải chống chọi với các nước láng giềng và đặc biệt là Hoa Kỳ.
Putin và sự nổi loạn mạnh mẽ
Ngày 27/10 vừa qua đã diễn ra câu lạc bộ chính trị Valdai trong bối cảnh đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, ông Vitali Tchourkine, đánh giá căng thẳng trong quan hệ Nga – Mỹ đã lên đỉnh điểm kể từ sau năm 1973. Người ta đã mong chờ thái độ nảy lửa của tổng thống Nga Vladimir Putin. Tại kỳ họp thường niên lần thứ 13 tại Câu lạc bộ chính trị Valdai, tổng thống Nga Putin đã rất kìm chế, tới mức tỏ ra chán ngấy « trò chơi hỏi đáp » kéo dài 3 tiếng sau khi đọc bài phát biểu. Trong bài viết có tiêu đề « Putin và sự nổi loạn mạnh mẽ », le Monde đặt câu hỏi liệu có phải do mối quan hệ đã xấu đi như vậy nên ông Putin không muốn thổi bùng thêm ngọn lửa căng thẳng ?
Ông Putin đã nhấn mạnh là lãnh đạo của của một nước lớn thì phải tỏ ra có chừng mực và tránh thể hiện là quá hiếu chiến, ngay cả khi đó không phải là phong cách của ông. Thế nhưng, khi có người hỏi « Tại sao ông đến đây ? », ông Putin đã trả lời : « Tôi đến để nghe các ông, và để thể hiện quan điểm của chúng tôi ». Tổng thống Nga thậm chí đã than phiền là Nga không có « bộ máy tuyên truyền » ngang tầm với « CNN hoặc BBC ».
Theo một nhà nghiên cứu người Mỹ về chiến tranh lạnh, năm nay ông Putin đã phải rất kìm chế cơn giận. Quan điểm của Matxcơva là sau chiến tranh lạnh, phương Tây đã thay đổi trật tự thế giới, khi đơn phương tuyên bố thắng Liên Xô. Theo ông Putin, một số nước đã thay đổi trật tự chính trị và kinh tế thế giới để phục vụ lợi ích của họ. Theo Matxcơva, Nga không muốn trở thành « thủ lĩnh » mà chỉ cần « sự cân bằng » trong quan hệ với phương Tây.
Điểm mới là Matxcơva đã tìm ra điểm yếu của phe chiến thắng trong chiến tranh lạnh : nền dân chủ dân túy sinh ra từ « sự nổi loạn đồng loạt » của phương Tây. Bên cạnh đó là những thất bại liên tiếp của Mỹ ở Trung Đông và sự leo thang của Trung Quốc. Nền dân chủ dân túy này đã đặt dấu chấm hết cho thế giới đơn cực. Đối với Nga, đây lại là một dấu hiệu nữa cho thấy sự suy yếu của phương Tây, trong đó châu Âu không còn khả năng tự chủ.
Đối với Putin, « sự nổi loạn đồng loạt » này nảy sinh ngay từ bên trong hệ thống chính trị của phương Tây : công dân của các nước phương Tây đã mất lòng tin vào giới lãnh đạo. Và đó chính là vấn đề mấu chốt. Trong khi đó tỉ lệ người dân tín nhiệm ông ở Nga là hơn 80%.

Trang nhất các báo Pháp
« Sự mất uy tín của François Hollande gieo rắc lo ngại cho phe của ông » là tựa trang nhất của Le Monde. Tờ nhật báo cho biết những lời tự sự của tổng thống Pháp trong cuốn sách tạm dịch là « Một tổng thống không nên nói điều đó …» gây bất ổn cho phe xã hội. Nhiều người của đảng cánh tả đánh giá điều này làm mất tư cách của tổng thống và khiến khát khao của ông về một nhiệm kỳ tổng thống thứ hai sẽ không thể thành hiện thực. Vì không thể tìm ra ứng viên khác thay thế có đủ sức thuyết phục cử tri, "điện Elysée" vẫn phải cố nghĩ là ông Hollande sẽ là ứng viên tốt nhất cho cánh tả trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào năm 2017.
Vẫn liên quan đến thời sự nước Pháp, nhật báo Le Figaro tiết lộ rạn nứt trong mối quan hệ giữa tổng thống Pháp François Hollande và thủ tướng Manuel Valls qua hàng tít « Cặp đôi Hollande – Valls bên bờ đổ vỡ ». Mâu thuẫn giữa hai nhà lãnh đạo liên quan tới cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2017 và đã được công khai : cả hai nhà lãnh đạo đều muốn sẽ đại diện cho đảng Xã Hội ra tranh cử. Le Figaro nhận định lần đầu tiên trong lịch sử chính trị nước Pháp, người đứng đầu chính phủ thú nhận « nỗi xấu hổ » và « sự tức giận » đối với tổng thống, người đã bổ nhiệm mình vào vị trí thủ tướng. Le Figaro cũng cho biết chính cuốn sách tự sự« Một tổng thống không nên nói điều đó …» đã đẩy rạn nứt giữa tổng thống và những người trong phe của ông, thậm chí là những người thân cận với ông lên mức đỉnh điểm. Thủ tướng Manuel Valls luôn muốn thay thế ông Hollande ra tranh cử trong trường hợp ông Hollande không thể đại diện cho đảng Xã Hội. Và thủ tướng Valls luôn tìm cách thể hiện là khác biệt so với tổng thống Hollande.
Trong khi đó, nhật báo Libération hướng sự quan tâm tới lĩnh vực du lịch và chạy tựa trang nhất : « Du lịch, tình trạng khẩn cấp », cho biết sau nhiều năm phát triển, du lịch đã phải chịu nhiều tác động xấu từ khủng bố.
Quan tâm tới thời sự quốc tế, nhật báo kinh tế Les Echos nhận định CETA là «hiệp định lịch sử giữa châu Âu và Canada ». Được ký kết tối hôm qua 30/10 sau 7 năm đàm phán, hiệp định tự do mậu dịch CETA sẽ cho phép giảm 99% hàng rào thuế quan giữa hai bên.

Không có nhận xét nào: