Thứ Tư, 18 tháng 1, 2017

Đại biểu Quốc hội- Bí thư Thành đoàn Cần Thơ Trần thị Vĩnh Nghi bị khiển trách...; 13 nhà báo bị thu thẻ trong năm 2016

Nhờ người học thay, bí thư thành đoàn Cần Thơ bị khiển trách

18/01/2017 11:53 GMT+7
TTO - Trong quá trình học lớp quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên trong năm 2016, bí thư Thành đoàn TP Cần Thơ Trần Thị Vĩnh Nghi đã nhờ người khác học thay. 
Nhờ người học thay, bí thư thành đoàn Cần Thơ bị khiển trách
Bà Trần Thị Vĩnh Nghi trong một lần tiếp xúc cử tri vì bà cũng là đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị TP Cần Thơ - Ảnh: Chí Quốc
Trưa 18-1, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Cần Thơ xác nhận Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Cần Thơ vừa có quyết định kỉ luật “khiển trách” đối với bà Trần Thị Vĩnh Nghi, bí thư Thành đoàn TP Cần Thơ.
Cô giáo: Con của ông bà đến lớp hay ngủ gật? Bố: - Lớn lên sẽ cho ứng cử Đại biểu Quốc hội !
( Tranh biếm họa của Romania )
Bà Nghi cũng là ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ TP Cần Thơ, ủy viên Ban thường vụ Trung ương Đoàn, đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Bà Nghi bị kỉ luật vì “vi phạm quy chế học tập” tại Trường Chính trị TP Cần Thơ. Cụ thể, trong quá trình học lớp quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên trong năm 2016, bà Nghi đã nhờ người khác học thay.
Giải trình với cơ quan thẩm quyền, bà Nghi cho biết lý do vắng mặt ở lớp học là do bà tham gia một chương trình do Ban chấp hành trung ương Đoàn tổ chức đến một đơn vị hải quân.
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Phùng Minh Hải, hiệu trưởng Trường Chính trị TP Cần Thơ cũng xác nhận việc bà Nghi nhờ người học thay.
Sau khi phát hiện việc này, trường đã lập biên bản xử lý vi phạm theo quy chế của trường nhưng sau đó bà Nghi tự động bỏ học nên trường đã báo cáo các cơ quan liên quan gồm: Thành ủy, Thành đoàn Cần Thơ, Đảng ủy khối Cơ quan Dân Chính Đảng TP Cần Thơ.
Trưa 18-1, phóng viên đã gọi điện để nghe ý kiến bà Nghi về việc bị kỉ luật nhưng bà Nghi không nghe máy, nhắn tin vào số máy bà Nghi cũng không được hồi âm.
TIẾN TRÌNH - CHÍ QUỐC

13 nhà báo bị thu thẻ trong năm 2016

LĐO M.H

Vấn đề đạo đức nhà báo đã được nhấn mạnh tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2016 diễn ra tại Hà Nội chiều nay 18.1. Báo cáo của Bộ Thông tin Truyền thông cho biết, năm qua, hàng chục cơ quan báo chí và nhà báo đã bị xử lý vì các vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trong đó nhiều nhất là thông tin sai sự thật. 

    Tham luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo nêu tình trạng một số cơ quan báo chí  sa đà phản ánh những vấn đề thuộc lĩnh vực không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin phiến diện, không cân bằng, quá nhiều thông tin tiêu cực, giật gân câu khách, thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp lợi ích của đất nước, của nhân dân... Có tình trạng không ít cơ quan báo chí khai thác thông tin từ truyền thông xã hội nhưng không kiểm chứng, dẫn đến thông tin sai lệch, gây hậu quả xấu với cá nhân, tổ chức, xã hội...
    Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, trong năm qua, Bộ Thông tin Truyền thông đã tiến hành thanh kiểm tra theo kế hoạch với 11 cơ quan báo chí và 11 tổ chức liên quan đến hoạt động truyền hình trả tiền, cung cấp sử dụng thông tin trên mạng Internet, thực hiện hiệm vụ kiểm tra xử lý vi phạm theo thẩm quyền 139 trường hợp với số tiền hơn 3,6 tỉ đồng. Sai phạm chủ yếu của các cơ quan báo chí là thông tin sai sự thật (75 trường hợp), trong đó riêng với 2 vụ liên quan đến thông tin về nước mắm nhiễm thạch tín và cậu bé ở Gia Lai tự tử vì không có áo mới đi học, cơ quan chức năng đã xử lý gần 70 cơ quan báo chí. 
    Trong năm qua, Bộ Thông tin Truyền thông đã có quyết định đình bản tạm thời 3 tháng với 4 trường hợp cơ quan báo chí có sai phạm; ban hành quyết định thu hồi giấy phép hoạt động của một cơ quan báo chí theo đề nghị của cơ quan chủ quản tạp chí; quyết định thu hồi thẻ nhà báo với 13 nhà báo do có sai phạm và bị xử lý kỷ luật. Trong năm qua, Hội nhà báo Việt Nam xóa tên 313 hội viên vì những lý do khác nhau; khai trừ 2 hội viên vi phạm đạo đức  nghề nghiệp, pháp luật.
    Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, con số nhà báo bị xử phạt cho thấy đạo đức nhà báo đã đến mức báo động. Trong những thiếu sót, trầm trọng nhất là thông tin sai sự thật, làm lung lay giá trị tinh thần, đạo đức, mất niềm tin trong xã hội.
    Ông Lợi nêu tình trạng một số nhà báo ảo tưởng nghề nghiệp, lợi dụng nghề để vụ lợi, đánh hội đồng, trong khi năng lực nhìn nhận kém cỏi, phán xét hồ đồ, dẫn tới sai phạm từ nhỏ đến nghiêm trọng. Một số trường hợp vi phạm chưa  được cấp thẻ nhà báo, chưa phải là hội viên Hội Nhà báo, nên khi vi phạm, cơ quan báo chí chỉ chấm dứt hợp đồng, trong khi đó cái chính là khâu đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ chưa được chú trọng.
    Báo chí đang đứng trước thử thách gay gắt, trong cơn bão số hóa, thông tin xô bồ thì độc giả càng có nhu cầu thông tin đúng đắn  – ông Lợi nói. “Kiến thức trong đầu, đạo đức trong tim thì nhà báo mới trở nên hữu ích, lan tỏa, xây dựng nền báo chí nhân văn hướng thiện, vì con người”.  Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam  đề nghị trong thời gian tới, các cơ quan báo chí cần tăng cường chú trọng bồi dưỡng xây dựng đạo đức nghề nghiệp, năng lực cho phóng viên, trong đó chú trọng đến  10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp  nhà báo Việt Nam mới được đưa ra gần đây. 

    Không có nhận xét nào: