Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2017

Những ai đã “quy hoạch băm nát thủ đô”?; Phải truy cứu trách nhiệm hình sự ông Nguyễn Thế Thảo về tội " băm nát' thủ đô?; Minh chứng cho "quy hoạch băm nát Hà Nội";Quan chức Quốc hội: 'Có thể có lợi ích nhóm trong quy hoạch Hà Nội'



Quan chức Quốc hội: 'Có thể có lợi ích nhóm trong quy hoạch Hà Nội'


(VTC News) - Quan chức Quốc hội cũng thẳng thắn cho rằng xét ở một góc độ, cũng có lợi ích nhóm trong quy hoạch Hà Nội.

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã trao đổi với PV VTC News xung quanh vấn đề quy hoạch của Thủ đô Hà Nội.





pham-tat-thang

 Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội


- Tại Hội nghị tổng kết và triển khai công tác của Sở Quy hoạch kiến trúc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói: “Chúng ta đang phải trả giá vì đã làm quy hoạch băm nát Hà Nội". Ông có đồng tình với nhận định này không?
Là một công dân của Thủ đô, tôi đồng tình với nhận định của người đứng đầu UBND TP Hà Nội.
Hà Nội rất tự hào vì là Thủ đô có trên 1.000 năm tuổi, Hà Nội cũng là đô thị lớn thứ 2 cả nước về mặt dân số. Hà Nội  là trung tâm kinh tế, chính trị văn hoá của cả nước.
Về kiến trúc, Hà Nội có 2 đặc trưng với 2 mảng rõ rệt. Mảng thứ 1 là khu đô thị cổ, cũ với 36 phố phường. Đây là đặc trưng mà không phải Thủ đô nào trên thế giới cũng có được.
Mảng thứ 2 là những khu mới phát triển về sau này như khu vực quận Cầu Giấy, Hà Đông…
Hiện nay, tôi cho rằng đáng nhẽ mảng đô thị cổ phải giữ được dưới góc độ bảo tồn. Đó là khu vực 36 phố phường của Thăng Long xưa và các khu phố mới được mở đầu thế kỷ 20 với những công trình kiến trúc của Pháp. Đây là khu vực lõi cần phải bảo tồn.
Khu vực mới phát triển thì phải tiêu biểu cho sự hiện đại, bề thế, phát triển năng động, xứng tầm của Thủ đô.
Tuy nhiên, trong quy hoạch Hà Nội hiện nay, cả hai đặc trưng đó đều không được thể hiện tốt.
Tôi ví dụ: Khu vực phố cổ, phố cũ cũng có nhiều kiến trúc mới xen vào, không bảo tồn được. Trong khi đó, khu phố mới không thực sự hiện đại, đường sá ở những khu vực này được mở một cách tủn mủn, không đạt tiêu chuẩn về diện tích, không xứng tầm. Quy hoạch này không tiêu biểu cho sự văn minh, cho đô thị hiện đại.
Tình trạng tắc đường, kẹt xe, ngập úng diễn ra tương đối phổ biến mà đặc biệt ở các khu phố mới, các trục giao thông dẫn vào trung tâm Hà Nội.
Như vậy, rõ ràng chúng ta đã không có một ý tưởng quy hoạch tốt cho Hà Nội và thực sự quy hoạch Hà Nội ở một góc độ nào đó đã bị “băm nát” theo đúng như lời phát biểu của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
- Góc nhìn của ông thế nào khi ông Nguyễn Đức Chung cho rằng, nếu như những năm 90, làm tốt quy hoạch hơn nữa, lấy rộng ra hai bên từ 200-300m mặt đường thì thành phố đã “giàu lắm rồi”?
Tôi tán thành cơ bản với ý kiến của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Rõ ràng, những năm 90 của thế kỷ XX, việc đền bù giải phóng mặt bằng dễ dàng hơn bây giờ rất nhiều ở cả hai phương diện; đó là giá nhà, giá đất không cao như bây giờ và mật độ dân số không đông đúc như bây giờ.
Nếu chúng ta có tầm nhìn tốt từ khi đó thì đã có một quy hoạch Hà Nội tốt và ít nhất bộ mặt đô thị, hệ thống đường sá cũng phải tốt hơn bây giờ.
Đại biểu Phạm Tất Thắng
Nếu chúng ta có tầm nhìn tốt từ khi đó thì đã có một quy hoạch Hà Nội tốt và ít nhất bộ mặt đô thị, hệ thống đường sá cũng phải tốt hơn bây giờ.
Trong những năm qua, tốc độ tăng dân số của Hà Nội rất nhanh nhưng tốc độ mở mang đường xá lại không tương thích. Do đó, dẫn tới hiện trạng mật độ quá đông và xảy ra tắc đường kẹt xe.
Tuy nhiên, chúng ta cũng chia sẻ với lãnh đạo Hà Nội thời điểm đó. Đó có thể phụ thuộc vào tình hình kinh tế xã hội, kinh nghiệm, điều kiện quản lý, định hướng cho không gian quy hoạch đô thị Hà Nội.
Cũng có thể không đủ điều kiện, nguồn lực để có những đề án tốt. Cũng có thể thời kỳ đó, lãnh đạo TP Hà Nội cũng không quyết liệt để có quy hoạch không gian tốt hơn cho Thủ đô.
- Liệu có cơ chế xin cho, lợi ích nhóm trong quy hoạch Hà Nội không?
Dư luận thường nhắc tới việc có những lợi ích nhóm trong các dự án lớn. Những người có liên quan có tư lợi, làm ảnh hưởng và thay đổi kết quả của công việc chung. Nếu xét theo góc độ đó thì tôi cho rằng cũng có thể.
Trong những năm qua, thị trường bất động sản biến đổi liên tục, tăng giá trị rất nhanh nên đem lại lợi ích cho những người tham gia vào các dự án đó.
Những khu đô thị mới mở ra, những người nào mà chỉ cần mua được đúng giá của chủ đầu tư đưa ra là cũng có lợi rồi. Chưa kể việc mua ưu tiên mà dư luận vẫn gọi đó là những “suất ngoại giao”.
Chuyện lợi ích nhóm mà dư luận đặt ra theo tôi cũng có thể có.
Báo chí cũng từng nêu ra hiện tượng gắn liền với những khái niệm rất thú vị như “đường cong mềm mại”
Đại biểu Phạm Tất Thắng
Báo chí cũng từng nêu ra hiện tượng gắn liền với những khái niệm rất thú vị như “đường cong mềm mại”. Rõ ràng có những thiết kế, có những quy hoạch như vậy là không bình thường. Trong quy hoạch đô thị, không ai lại đi nắn đường như thế cả. Rõ ràng quy hoạch đã bị tác động bởi một số yếu tố nào đó.
Liên quan đến các dự án bất động sản là những khoản tài chính lớn và những người tham gia có thể được hưởng lợi lớn nên tôi cho rằng có khả năng xảy ra hiện tượng xin cho.
Ví dụ đơn giản: Khu đô thị mới, khi công bố thiết kế ban đầu thường rất đồng bộ có khu vui chơi, trường học, bệnh viện, nhà văn hoá… Sau đó, quy hoạch được điều chỉnh, thay vào những thiết chế công cộng đó là chung cư, biệt thự, nhà liền kề. Thêm những công trình đó là thêm lợi ích cho doanh nghiệp và có thể là cả người phê duyệt dự án.
Đất khi nhà nước giao, thì phí quyền sử dụng đất thường không cao và thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Vì vậy, khi dự án được hình thành, giá trị đất ở đó tăng lên rất cao. Tất cả giá thành thì người tiêu dùng sẽ phải gánh, còn lợi ích thì doanh nghiệp được hưởng. 
Rõ ràng, có lợi ích cho doanh nghiệp, và không loại trừ quan hệ xin cho ở đây. Có sự không rõ ràng trong câu chuyện này.
Tôi cũng có tiếp nhận được những phản ánh của cử tri về những hiện tượng như vậy. Những ví dụ tôi vừa trao đổi cũng là từ phản ánh từ người dân.
Người dân có nhu cầu, đâu có dễ dàng mua được nhà liền kề, hay chỉ chung cư với giá ban đầu của chủ đầu tư mà nhiều người phải mua lại.
Người dân cũng phản ánh nhà ở xã hội nhưng người thực sự có nhu cầu cũng phải mua rất khó khăn, thậm chí vẫn phải mua lại và có chênh lệch so với giá gốc.
Có một cụm từ phổ biến đó là “suất ngoại giao” trong các dự án xây dựng. Người ta cứ nói với nhau là mỗi dự án có bao nhiêu “suất ngoại giao”.
Rõ ràng, có thể kết luận như Chủ tịch Chung là “những dự án đó có dấu hiệu xin cho, có lợi ích của những người tham gia vào dự án”.





ha-noi-un-tac

 Nhiều tuyến đường lớn của Thủ đô luôn trong tình trạng tắc nghẽn


- Trong cuộc họp với lãnh đạo các địa phương vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh nguyên nhân tắc đường ở Hà Nội diễn ra thường xuyên có trách nhiệm do chính quyền đã cấp phép cho xây quá nhiều chung cư cao tầng ở trung tâm nội đô?
Tôi hoàn toàn tán đồng với nhận định đó. Mỗi khu đô thị mới có dân số vài vạn người, có thể tương đương bằng một xã, phường có quy mô trung bình. Nhưng đường sá xung quanh các khu chung cư cao tầng đó lại không được mở rộng, làm thêm.
Doanh nghiệp chỉ làm khi có lợi ích cụ thể, họ nhìn thấy việc giải bài toán kinh tế có hiệu quả trong đó. Và việc mua đất “vàng, kim cương” ở trong nội đô để xây chung cư thì đều tăng áp lực dân số, chất tải thêm ở khu vực đó.
- Nhưng việc duyệt quy hoạch và cấp phép lại là do nhà quản lý, thưa ông?
Đúng vậy, việc duyệt quy hoạch lại thuộc nhà quản lý. Nhà quản lý cần phải đặt ra câu hỏi liệu với mật độ đường sá như vậy có nên đặt thêm một khu chung cư cao tầng ở đó không. Đó là trách nhiệm của nhà quản lý.
Doanh nghiệp xây dựng thực hiện như thế nào là theo quy hoạch đã được nhà quản lý duyệt.
Đối với quy hoạch, vai trò của nhà quản lý nhiều hơn. Cần phải có tầm nhìn quy hoạch không chỉ cho hiện tại mà cho cả tương lai.





quy-hoach-thu-do

Quy hoạch nhà cao tầng ở Thủ đô 


- Dư luận đặt ra câu hỏi liệu có lợi ích nhóm giữa nhà quản lý và doanh nghiệp trong việc xây dựng và cấp phép quy hoạch?
Tôi cho rằng nhận định của dư luận cũng có cơ sở. Tôi cho rằng có hai vấn đề. Thứ nhất là tầm nhìn của nhà quản lý, có thể quy cho năng lực hạn chế.
Nhưng tôi nghĩ là dư luận xã hội nhận thấy, báo chí, cử tri nhận thấy quy hoạch có những bất thường trong đó. Đó có thể là ví dụ “đường cong mềm mại” mà chúng ta đã phân tích ở trên.
Dư luận nói những người tham gia vào các dự án đó có lợi ích nhóm là cũng có cơ sở.
Đại biểu Phạm Tất Thắng
Ai mà tham gia dự án mua được giá gốc cũng có lợi ích rồi. Rõ ràng không loại trừ những người tham gia các dự án này có lợi ích từ tham gia phê duyệt, thiết kế, thi công, phân phối các sản phẩm trong đó. Cho nên, việc dư luận nói những người tham gia vào các dự án đó có lợi ích nhóm là cũng có cơ sở.
- Cần xử lý các trường hợp “đi đêm” làm biến tướng quy hoạch như thế nào, thưa ông?
Cần xử lý theo pháp luật. Vừa qua chúng ta chưa xác định được việc thay đổi quy hoạch thì thiệt hại về kinh tế bao nhiêu. Nhưng rõ ràng việc thay đổi quy hoạch dẫn tới việc biến dạng bộ mặt Thủ đô không còn như kỳ vọng của nhân dân, cử tri Hà Nội cũng như cả nước.
Tình trạng kẹt xe, tắc đường ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội của Hà Nội. Tôi cho rằng như vậy đã gây ra hậu quả nghiêm trọng rồi,mặc dù hậu quả đó chưa được lượng hoá bằng giá trị vật chất cụ thể.
Đối với những dự án có những dấu hiệu sai thì cần tiến hành thanh tra, kiểm tra kịp thời. Nếu phát hiện sai phạm thì phải xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật.
- Hà Nội có thể học đường mô hình quy hoạch đô thị của nước nào trên thế giới?
Chúng ta có thể học tập ở rất nhiều mô hình quy hoạch đô thị trên thế giới. Thậm chí, Hà Nội có thể học tập mô hình quy hoạch ở Bắc Kinh - một thành phố rất gần với Hà Nội.
Quy hoạch nội đô của Bắc Kinh với hệ thống đường vành đai, đường đồng tâm, đường xuyên tâm rất hiện đại, hiệu quả. Đường sá những khu phố mới ở Bắc Kinh cũng được quy hoạch và làm rất bài bản, đẹp.
Ngoài ra, có nhiều đô thị khác ở xung quanh chúng ta có thể học tập. Tuy nhiên, mô hình học tập thì có nhiều nhưng mà chúng ta phải áp dụng phù hợp với điều kiện Hà Nội.
Quan điểm tiên quyết là phải giữ được lõi đô thị cổ, cũ của Hà Nội với những phố cổ, phố cũ. Việc mở mang đô thị mới phải hiện đại, đồng bộ, khang trang, xứng tầm, đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Chính quyền Hà Nội cần thực hiện các giải pháp một cách cương quyết. Đó là thực hiện di dời các cơ quan các Bộ, bệnh viện lớn, trường đại học ra khỏi khu vực trung tâm Thủ đô cần phải quyết tâm thực hiện bằng những giải pháp đồng bộ.
Xin cảm ơn ông! 
Phạm Thịnh (thực hiện)


Minh chứng cho "quy hoạch băm nát Hà Nội"

Dân trí Trong 12 quận nội thành của Hà Nội, diện tích đất mở rộng đường sá, xây thêm công trình công cộng cực kỳ khó khăn, thế nhưng, những năm gần đây, hàng trăm tòa nhà, với hàng nghìn căn hộ vẫn đua nhau mọc lên...
 >> “Chúng ta phải trả giá vì đã làm quy hoạch băm nát Hà Nội”


Dù là người “ngoại đạo” nhưng ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhận thấy phát triển quy hoạch của thành phố nói chung và kể cả quy hoạch lõi, đang có những vấn đề và đang đi chệch hướng. “Đến giờ chúng ta phải trả giá vì đã làm quy hoạch băm nát Hà Nội. Trong năm vừa qua, có những khu đất 5-7ha các anh cũng băm ra cho 2-3 chủ đầu tư”, ông Nguyễn Đức Chung nói.
Nhà cao tầng ken đặc đất đô thị
Điển hình của việc “băm nát” quy hoạch đó hiện diện rất rõ nét trong “Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm” tại quận Hoàng Mai. Khu đô thị này được khởi công từ năm 1997, trên diện tích 200 ha (bao gồm cả 74 ha hồ điều hòa) với quy mô dân số khoảng 25.000 người. Đến năm 2001, khu đô thị kiểu mẫu này cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay các khu chung cư cao tầng vẫn ùn ùn mọc lên khắp khu đô thị, khiến dân số lên đến khoảng 70.000 người.
Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm hiện đang quá tải cơ sở hạ tầng xã hội
Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm hiện đang quá tải cơ sở hạ tầng xã hội
Chính vì các tòa nhà cao tầng đua nhau mọc lên tại “Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm” nên đầu tháng 12/2016, HĐND TP Hà Nội đã phải thông qua việc thành lập 8 tổ dân phố mới tại đây. Dân số tăng lên chóng mặt, phương tiện giao thông tăng theo khiến cơ sở hạ tầng xã hội ở đây luôn quá tải, đặc biệt là tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra ở các tuyến đường ra vào khu đô thị.
Câu chuyện nữa. Nhằm “giải cứu” tình trạng ùn tắc giao thông dọc trục đường hướng tâm Nguyễn Trãi, từ cuối những năm 2000, Hà Nội xây dựng mới tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài (đường Tố Hữu). Giai đoạn đầu thông xe (năm 2010), cả hai làn đường của đường Lê Văn Lương kéo dài luôn rộng thênh thang, rất hiếm khi xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Vì vậy, nhiều người ở khu vực Hà Đông, thay vì đi lại trên đường Nguyễn Trãi thì chuyển sang đường Lê Văn Lương kéo dài để ra vào nội thành.
Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài dần trở thành nỗi bức xúc của người điều khiển phương tiện giao thông vì tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra. Điều rất dễ nhận thấy lý do ùn tắc là những tòa nhà cao tầng đua nhau mọc lên hai bên tuyến đường. Điển hình trong đó là khu vực đầu đường Lê Văn Lương kéo dài có những tòa nhà cao vài chục tầng như chung cư Tây Hà, Chung cư Bắc Hà… Theo quan sát của phóng viên, nhiều tòa nhà ở đường Lê Văn Lương kéo dài xây sát mép vỉa hè, bên trong dành rất ít đất xây dựng vườn hoa, cây xanh hay khu vui chơi dành cho cư dân.
Đường Lê Văn Lương kéo dài (đường Tố Hữu) quá tải sau 6 năm thông xe
Đường Lê Văn Lương kéo dài (đường Tố Hữu) quá tải sau 6 năm thông xe
Tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra, nhưng dọc tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài vẫn còn hàng chục dự án xây dựng nhà cao tầng đang rục rịch được khởi công vào đầu năm 2017. Điều đó khiến nhiều người càng lo ngại cho tuyến đường này trong tương lai sẽ càng ùn tắc nghiêm trọng hơn. Càng lo ngại hơn trong Quyết định 3740/QĐ-UBND, Hà Nội lại khuyến khích xây dựng nhà cao tầng ở đường Lê Văn Lương kéo dài. Theo đó, trục, tuyến kiến trúc chủ đạo nằm hai bên đường Lê Văn Lương kéo dài với các công trình cao từ 15 - 45 tầng, tầng cao phổ biến trên mặt đường là 25 tầng.
Bệnh viện, trường học được “xé rào” tăng chiều cao
Để giảm tình trạng ùn tắc giao thông và quá tải hạ tầng kỹ thuật ở nội đô, từ nhiều năm qua, chính sách di dời các bệnh viện, trường Đại học ra ngoại thành Hà Nội đã được đặt ra nhưng quá trình thực hiện nảy sinh nhiều bất cập. Đầu tháng 11/2016, HĐND TP Hà Nội báo cáo rõ kết quả giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo đảm quy hoạch trên địa bàn thành phố. Báo cáo chỉ rõ, trên địa bàn thành phố hiện có 8 bệnh viện thực hiện di dời ra ngoại thành, trong đó có 2 bệnh viện đi vào sử dụng là Bệnh viện K cơ sở 2 và Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Hà Nội cũng đã phối hợp với các Bộ và cơ quan ngang bộ giới thiệu, bố trí quỹ đất phục vụ di dời cho 9 cơ quan, trong đó 7 cơ sở tiếp tục giữ lại làm trụ sở hoặc bàn giao cơ quan Trung ương quản lý, 2 cơ sở đã được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Theo quy định, trong nội thành Hà Nội không mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của bệnh viện hiện có, không xây dựng mới cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, qua giám sát HĐND TP Hà Nội nhận thấy, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội vẫn chấp thuận tăng quy mô về chiều cao, số tầng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất. Điều này làm gia tăng áp lực lên hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và giao thông tại khu vực và chưa đảm bảo định hướng lâu dài theo quy định của Luật Thủ đô.
Những khu vực được Sở Quy hoạch Kiến trúc “xé rào” mà HĐND TP Hà Nội chỉ ra đó là việc xây dựng mới Trung tâm Khám bệnh và điều trị trong Bệnh viện Bạch Mai; Nhà khám đa khoa Bệnh viện Hữu Nghị; Dự án đầu tư, nâng cấp, cải tạo Bệnh viện Phổi Trung ương; Dự án xây mới Trung tâm khoa học thông tin thư viện, Nhà hành chính hiệu bộ, Giảng đường đa năng, Ký túc xá sinh viên thuộc Trường đại học Văn hóa Hà Nội…
PGS.TS Doãn Minh Tâm - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT (Bộ GTVT) từng đưa ra cảnh báo nếu không giải quyết được vấn đề quy hoạch, các khu đô thị vẫn mọc lên hàng ngày, mỗi một tòa nhà bằng cả một phường, thì tất cả các giải pháp đưa ra đều không giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông.
“Thực tế là thêm một mét vuông đường nào cũng khó, nhưng cứ hở ra một mét vuông đất nào ra là lại chuyển thành các khu đô thị mới, khu dân cư, nhà ở. Do vậy, nếu giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông phải làm đồng bộ, phải làm tổng thể”, PGS. TS Doãn Minh Tâm nói.
Quang Phong


Những ai đã “quy hoạch băm nát thủ đô”?


Một góc thủ đô. Nguồn: Internet.
Hai từ “băm nát” được chính Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thẳng thắn chỉ ra khi làm việc với Sở Quy hoạch Kiến trúc. Vậy câu hỏi đặt ra là: Những ai đã “quy hoạch băm nát thủ đô”?

Dư luận đang nóng bỏng và rất đồng tình khi Chủ tịch thành phố Hà Nội đã nói thẳng rằng: Chúng ta phải trả giá vì đã làm quy hoạch ”băm nát” Hà Nội; bởi những khu đất 5-7ha “băm ra” cho 2- 3 chủ đầu tư, có việc nội bộ “xi nhan” mua bán đất sau quy hoạch…
Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, tôi muốn đề cập khía cạnh khác mà dư luận rất quan tâm: Vậy những ai, những đơn vị nào đã “quy hoạch băm nát thủ đô”? Và những ai được hưởng lợi từ việc “băm nát” này?
Đầu tiên cần phải nhìn nhận rằng, không đâu được quy hoạch bài bản, điển hình như Hà Nội. Đó là quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011. Quy hoạch này trước khi ban hành đều được làm triển lãm quy mô, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Đa số các chuyên gia đều đánh giá, những quy hoạch đó bài bản, có tầm nhìn rõ ràng. Nhưng vì sao vẫn bị “băm nát”? Đây là một câu hỏi không hề đơn giản nếu chúng ta không nhìn thẳng vào vấn đề.
Trao đổi với báo chí, Giám đốc sở Quy hoạch Lê Vinh vẫn khẳng định: “Vấn đề nhà cao tầng, đến giờ phút này tất cả cơ bản làm theo các quy hoạch được phê duyệt.” Là người mới về nhậm chức ở đây, nhưng ông Vinh (nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội) cũng không lạ lẫm gì việc triển khai quy hoạch, do đó, ông Vinh nói không sai, nhưng chưa đủ. Bởi, vấn đề là quy hoạch nào thì ông Vinh không nhắc tới?
Về cái gọi là đúng quy hoạch này, báo Lao Động từng vạch rõ bản chất trong loạt bài viết “Lợi ích nhóm chi phối trật tự xây dựng ở Hà Nội”. Trong loạt bài này đã đưa ra một ví dụ, lô đất công cộng có ký hiệu CC6 (rộng khoảng 4ha trong khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm, Hà Nội) đã bị biến thành 12 tòa chung cư cao 40 tầng!?
Những ai đã “quy hoạch băm nát thủ đô”? ảnh 1
Lô đất công cộng rộng 4ha đã được biến thành 12 tòa chung cư cao tầng ở đầu bán đảo Linh Đàm, Hà Nội
Vậy 12 tòa chung cư được chia thành 4 cụm HH1, HH2, HH3 và HH4 này có đúng quy hoạch hay không? Nhìn thì bất cứ người dân nào cũng thấy rất nhức nhối, rất vô lý, nhưng lạ là nó vẫn đúng quy hoạch!! Chỉ có điều là quy hoạch này đã bị thay đổi với quy hoạch mà trước đây đã được thành phố  phê duyệt cho tổng thể Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm.
Với quy hoạch ban đầu, 4ha này vốn là quỹ đất dành xây dựng cho các lợi ích công cộng chứ không phải để dành cho quần thể 12 tòa cao 40 tầng. Đã vậy, cả 12 chỉ tòa nhà này đều chỉ có 1 tầng hầm và đều dành để làm chung cư! Vậy những ai đã thay đổi quy hoạch này, đâu là lý do và lý do đó có thuyết phục được ai không?
Không chỉ ở bán đảo Linh Đàm (quận Hoàng Mai) mà ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng có chuyện như vậy, tuy mức độ, kiểu cách có khác nhau. Kết luận thanh tra mới đây của Thanh tra Bộ Xây dựng (về việc thanh tra công tác quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch của UBND quận Nam Từ Liêm) cho thấy, cũng có những lô đất quy hoạch là đất công cộng, nhưng khi kiểm tra thực tế lại là một số nhà hàng và của một số doanh nghiệp!? Đây chỉ là ví dụ cho thấy việc thay đổi quy hoạch đã diễn ra nhiều tới mức nào.
Vậy ai đã thay đổi nó? Để trả lời câu hỏi này, tôi xin dẫn lại lời một chuyên gia có tiếng trong ngành xây dựng. Đại ý, để phê duyệt đồ án quy hoạch chung của thành phố phải mất nhiều năm nghiên cứu, sử dụng nhiều kinh phí cho công tác lập quy hoạch, tổ chức nhiều hội thảo, nhiều cuộc họp của các bộ, ngành, nhiều cơ quan, các hội chuyên ngành để làm cơ sở cho việc phê duyệt. Tuy nhiên, khi phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thì chỉ do vài người quyết định và hầu hết các quyết định đều phá vỡ các chỉ tiêu quy hoạch chung. Tôi xin nhắc lại, đây là ý kiến của chuyên gia có trọng trách với công tác kiểm tra quy hoạch này.
Vậy câu hỏi tiếp cần đặt ra: Những ai được hưởng lợi từ việc thay đổi quy hoạch này? Liên quan đến nội dung này, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã công khai trước công luận: Chuyển toàn bộ hồ sơ sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng sang công an thành phố. Do đó, để trả lời câu hỏi trên, trách nhiệm thuộc về Công an thành phố Hà Nội.

Không có nhận xét nào: