Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2017

CHỈ CÓ VIỆT NAM LÀ CÓ KHẢ NĂNG CHẶN ĐỨNG TRUNG QUỐC THÔN TÍNH ĐÔNG NAM Á

Doan Quang Minh 
Hình ảnh: những người gốc Hoa đã hoặc đang đứng đầu các chính phủ ở Đông Nam Á.
Chỉ có Việt Nam đủ tầm nhìn và thái độ cương quyết cũng như tiền lực để dẹp "nạn kiều". Nhờ vậy, Việt Nam không chịu nhiều ảnh hưởng và thao túng từ phía Trung Quốc. Cùng với vị trí địa lý nằm ở "Yết hầu", Việt Nam đã và đang là "tấm lá chắn" cho toàn bộ khu vực ĐNA trước mưu đồ bành trướng xuống phía Nam của cường quốc đông dân nhất thế giới này. Không nhiều người để ý và biết được tầm ảnh hưởng của người Hoa đối với các nước trong khu vực. Xin giới thiệu với các bạn các thông tin về người Hoa ở ĐNA để có thể hiểu rõ hơn vai trò của Việt Nam và vì sao, các cường quốc, nhất là Hoa Kỳ tìm mọi cách để ve vãn Việt Nam trong chiến lược kiềm tỏa Trung Quốc.
Do người Hoa chủ yếu tập trung ở Đông Nam Á và nắm trong tay huyết mạch kinh tế của một số nước, nên họ quả là một thế lực đáng gờm.
Người Hoa chủ yếu tập trung ở Đông Nam Á và lên tới trên 24 triệu người, chiếm 80% tổng người Hoa trên toàn thế giới. Cụ thể:
- Thái Lan, khoảng 9,5 triệu;
- Malaysia, hơn 7 triệu;
- Indonesia khoảng 6 triệu;
- Singapore, gần 3 triệu;
- Philippin, hơn 1 triệu;
- Myanma, hơn 1 triệu;
- Campuchia, hơn 1 triệu;
- Lào, khoảng 200 ngàn;
- Việt Nam, khoảng 800 ngàn.
Trong số này, có tới trên 80% người Hoa đã nhập quốc tịch nước sở tại.
Tài liệu khảo cứu của Trung Quốc cho biết hồi đầu thế kỷ 12 thời Nam Tống, người Hoa bắt đầu di cư ra nước ngoài và chủ yếu xuống khu vực Đông Nam Á Đến thế kỷ 16, có khoảng hơn 100.000 người Hoa ở khu vực này. Thời “Chiến tranh nha phiến”, có tới trên 1 triệu người Hoa ở nước ngoài. Trước ngày Trung Quốc giải phóng năm 1949, có hơn 10 triệu người Hoa ở nước ngoài, chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á. Kể từ sau năm 1949 tới nay, số lượng người Hoa trên thế giới tăng vọt.
Tờ “Thời báo Trung Quốc” của Đài Loan vừa qua cho biết tính tới năm 1994, số lượng người Hoa ở hơn 160 nước và khu vực trên thế giới chừng hơn 30 triệu người. Tờ “Người hướng dẫn khoa học Cơ đốc giáo” của Mỹ cho biết tới tháng 3/1994, người Hoa trên thế giới có 30 triệu đến 40 triệu người.
Theo tạp chí “The Economist”, tiềm lực kinh tế người Hoa ở nước ngoài rất hùng hậu. Tài sản của người Hoa sống ngoài Trung Quốc đại lục (kể cả Hong Kong và Đài Loan) ước tính vào khoảng 1.500 - 2000 tỉ USD. Nếu trừ Hong Kong và Đài Loan, tài sản của người Hoa vẫn tới 920 tỉ USD. Dự trữ ngoại tệ của người Hoa ở nước ngoài năm 1992 tới trên 300 tỉ USD, trong khi dự trữ ngoại tệ cùng thời điểm của Trung Quốc lục địa cộng với Đài Loan, Hong Kong, Ma Cao cũng chỉ có hơn 400 tỉ USD.
Cuốn sách nhan đề “Khảo luận kinh tế người Hoa ở nước ngoài” xuất bản năm 1983 cho biết vốn kinh doanh của người Hoa ở nước ngoài khi đó đã lên tới 95 tỉ USD tiền vốn, trong đó có 65 tỉ USD ở Đông Nam Á. Tới nay, con số này đã được nhân lên gấp bội.
Tờ “Tiếng nói Hoa Kiều” của Trung Quốc cho biết tài sản của ngân hàng và công ty tài chính của người Hoa ở Đông Nam Á lên tới trên 50 tỉ USD. Người Hoa cũng nắm huyết mạch kinh tế của nhiều nước.
- Tại Indonesia, người Hoa chiếm 2,5% trong số 200 triệu dân, nhưng lại kiểm soát tới trên 70% kinh tế nước này - trong đó kiểm soát trên 75% ngành sản xuất bánh mì, miến, kiểm soát 80% ngành may mặc, 65% ngành nhuộm và 80% ngành lâm sản. Cuối năm1993, 68% doanh nghiệp quy mô lớn của Indonesia do người Hoa kiểm soát.
- Tại Thái Lan, người Hoa chiếm 10% dân số, nhưng chiếm trên 90% vốn của các doanh nghiệp và trên 50% vốn của ngành ngân hàng. Những ngân hàng quy mô lớn của người Hoa ở Thái Lan như Ngân hàng Thái Kinh có vốn tới 6,9 tỉ USD, Ngân hàng Nông dân Thái Hoa trên 6,7 tỉ USD, Ngân hàng điện tín Châu Á khoảng 5 tỉ USD, Ngân hàng Băng Cốc 6,2 tỉ USD, Ngân hàng Hoa Thái 6,7 tỉ USD, Ngân hàng thương mại Viễn La 4,6 tỉ USD. Ngân hàng và công ty tài chính của người Hoa ở Thái Lan có tài sản tới trên 22,2 tỉ USD lớn hơn tài sản 21,8 tỉ USD của Chính phủ và Hoàng gia Thái Lan cộng lại. Chính vì vậy mà địa vị người Hoa ở Thái rất cao, nhiều người gốc Hoa từng làm thủ tướng Thái Lan như Thủ tướng bị lật đổ Thaksin. Người gốc Hoa cũng chiếm một tỉ lệ đáng kể trong Chính phủ Thái Lan.
- Tại Philippin người Hoa chiếm chưa đầy 2% dân số, nhưng chiếm trên 35% kim ngạch thương mại của nước này. Thời gian qua, cũng có người gốc Hoa làm Tổng thống Philippines như bà Tổng thống Acquino và đặc biệt mới đây, Duterte tuyên bố ông ta là người gốc Hoa. Cùng với việc phản ứng gay gắt với Mỹ, Duterte đang "lái" Philippines ngả hẳn về phía Trung Quốc.
- Tại Malaysia, người Hoa là một dân tộc trung lưu được tổ chức tốt về mặt xã hội kinh tế và chiếm tỷ lệ cao không cân xứng trong tầng lớp chuyên nghiệp và được giáo dục tốt tại Malaysia, có thành tích giáo dục cao, có đại diện lớn trong lực lượng lao động cổ cồn trắng chuyên nghiệp, và là một trong số các nhóm nhân khẩu học thiểu số có thu nhập hộ gia đình cao nhất. Người Hoa chi phối trong các lĩnh vực thương nghiệp và mậu dịch, kiếm soát xấp xỉ 70% kinh tế Malaysia.
- Tại Singapore, do người Hoa chiếm tới 75% dân số, nên họ kiểm soát tất cả các mặt của đất nước từ chính quyền nhà nước tới các doanh nghiệp.
Trang Web “Hoa kiều” của Trung Quốc dẫn phát biểu của Giáo sư Lâm Kim Chi, Đại học Hạ Môn cho biết Trung Quốc đã thu hút FDI được 825 tỉ USD, vốn đăng ký nước ngoài tới 484 tỉ USD vào hơn 203.208 hạng mục công trình và xí nghiệp, riêng năm 2000 thu hút FDI được được 60 tỉ USD. Trong số này tới trên 55% của Hoa kiều, chủ yếu ở ĐNA đầu tư về nước.
Thời gian qua, Trung Quốc rất chú trọng tới chính sách và ưu đãi đối với Hoa Kiều, vì sự cống hiến và đóng góp kinh tế tài chính của họ cho công cuộc xây dựng kinh tế đất nước. Ngoài ra, Hoa Kiều ở những nước công nghiệp phát triển còn cung cấp cho Trung Quốc đại lục nhiều khoa học kỹ thuật và các công nghệ hiện đại của thế giới để Trung Quốc nhanh chóng đạt được những tiến bộ khoa học kỹ thuật vượt bậc thời gian qua.
Như vậy, rõ ràng trước 1975, việc người Hoa nắm gần trọn nền sản xuất, ngân hàng và thương mại của Sài Gòn không có gì là khó lý giải. Với việc họ nắm những khâu then chốt như vậy, vấn đề thao túng chính quyền VNCH chỉ còn là vấn đề thời gian, nhất là khi người Mỹ đã "buông" MNVN.
Sau 1975, chính quyền Việt Nam đã có chính sách rõ ràng và cương quyết về vấn đề người Hoa. Theo đó, những ai muốn làm ăn, sinh sống lâu dài ở Việt Nam thì phải nhập Quốc tịch Việt Nam và được đối xử công bằng, bình đẳng với mọi công dân Việt Nam khác. Những ai không muốn gia nhập quốc tịch Việt Nam thì vận động họ hồi hương về nước hoặc di cư ra nước ngoài. Cộng đồng người Hoa tại miền Nam, chủ yếu là ở TP. HCM đã phản ứng vì trước đó họ được chính quyền VNCH nuông chiều và nắm được hầu hết nền sản xuất, tài chính và thương mại ở MNVN, nay chính quyền mới không giành cho họ đặc quyền, đặc lợi nữa cùng với công cuộc cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam làm cho người Hoa không còn khả năng thao túng được kinh tế MNVN. Trước tình hình đó, phía chính phủ Trung Quốc lấy lý do là bảo vệ Hoa Kiều đã có nhiều hành động thù địch với Việt Nam và cuối cùng là chiến tranh biên giới xảy ra. Còn ở trong nước, người Hoa lũ lượt bỏ đi, một bộ phận tình nguyện về quê hương được chính quyền Việt Nam tạo mọi điều kiện để hồi hương, nhiều người không chịu hồi hương nhưng cũng không muốn ở Việt Nam thì đã tìm đủ mọi cách di cư sang nước thứ ba. Đến nay, người Việt gốc Hoa là một dân tộc trong 54 dân tộc anh em, họ đa số là con cháu những người Hoa đã từng di cư sang Việt Nam từ lâu đời, dù nhiều người vẫn giữ phong tục, tập quán của người Hoa nhưng sống hoà đồng và tôn trọng pháp luật Việt Nam, được pháp luật bảo vệ và đối xử công bằng như mọi công dân khác. Có thể nói, cộng đồng người Hoa còn lại tại Việt Nam đã được Việt hoá, tiếp xúc, làm ăn với họ ta vẫn sẽ thấy đặc trưng của người Hoa nhưng không có nhiều khác biệt so với người Việt, càng không có sự kỳ thị, thù ghét, chia rẽ giữa người Hoa với cộng đồng cư dân bản địa. Ở Việt Nam hiện nay, ghi nhận có nhiều người Hoa thành đạt và giầu có. Tuy nhiên, người Hoa không thể thao túng kinh tế của Việt Nam nói chung hay của một địa phương nào nữa, càng không có cơ hội để thao túng nền chính trị của nước ta.
Nhờ Việt Nam luôn giữ được nền độc lập, tự chủ trong quan hệ quốc tế, đồng thời trong đối nội ta không để bất kỳ tộc người ngoại lai nào thao túng nền kinh tế, chính trị của đất nước nên Việt Nam đủ cơ sở để tự tin rằng sẽ không có bất kỳ nước nào can thiệp được vào đường lối đối nội, đối ngoại của ta. Mặt khác, đường lối đối ngoại của Việt Nam luôn "nhẹ nhàng nhưng cương quyết", "mềm dẻo nhưng kiên định", sẵn sàng làm bạn và hợp tác tích cực với mọi đối tác nhưng quyết không chịu làm tay sai, con bài của bất kỳ thế lực nào, kể cả các cường quốc hàng đầu thế giới. Điều này đã được cả thế giới công nhận và những cường quốc như Pháp, Mỹ, Trung Quốc...hiểu rất rõ điều đó. Đành rằng thái độ "cứng đầu" của Việt Nam làm cho ta chịu nhiều thiệt thòi, đó là các cuộc chiến tranh tàn khốc với Pháp, Mỹ, Trung Quốc, đó cũng là nguồn viện trợ không mấy dồi dào của Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN thời chống Pháp và chống Mỹ. Sau 1975, Trung Quốc cắt viện trợ, Liên Xô thì cắt giảm và thay vào đó là cho vay và sau này ta đã phải đàm phán để trả nợ cho LB Nga. Nhưng ở khía cạnh tích cực, các cường quốc cũng đành phải chấp nhận thực tế là sẽ không thể giật dây được Việt Nam, không thể dùng vũ lực cũng như lợi ích kinh tế để khuất phục Việt Nam, chỉ có thể là hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Trong bối cảnh hiện nay, ở khu vực Đông Nam Á, các nước lớn đều ít nhiều bị người Hoa thao túng về kinh tế, chính trị và rất ngại đối đầu với Trung Quốc dù đều biết và đều e ngại sự bành trướng của Trung Quốc đối với khu vực. Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia... đều đang rất lo ngại Trung Quốc sẽ vươn lên và thực hiện các tham vọng của họ làm đảo lộn trật tự quan hệ quốc tế vốn đã định hình và tương đối ổn định từ sau Đại chiến thế giới 2. Vì thế, một mặt Asean coi Việt Nam là "tấm lá chắn" trước mưu đồ thôn tính Đông Nam Á của Trung Quốc, mặt khác, các cường quốc đang coi Việt Nam là một trong những đối tác có thể kiềm chế tham vọng của Trung Quốc. Vì thế, bên cạnh việc hợp tác với Việt Nam về chính trị và quốc phòng, các nước cũng tăng cường hợp tác và hậu thuẫn cho Việt Nam phát triển kinh tế vì, nói như các cụ nhà ta, "có thực mới vực được đạo". Muốn đảm bảo Việt Nam có khả năng "đề kháng" trước âm mưu thao túng và can thiệp từ Trung Quốc thì kinh tế Việt Nam phải mạnh hơn nữa, đủ sức để vừa củng cố quốc phòng, tăng cường an ninh, thiết lập địa vị chính trị trên trường quốc tế, vừa đủ mạnh để chống chịu được trước những đòn đánh bằng kinh tế của cường quốc hàng đầu thế giới này. Chúng ta thấy rõ ràng, Việt Nam ít được nhận viện trợ cho không, thế nhưng ODA và các khoản tài trợ từ WB, IMF vẫn đang giúp Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng cho kinh tế phát triển bền vững trong trung và dài hạn. Bên cạnh đó, FDI chảy vào Việt Nam cũng không ngừng tăng lên, nhiều chính phủ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, điển hình là Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhưng FDI vẫn chưa phải là dấu ấn đậm nét nhất về sự hợp tác và hỗ trợ của các cường quốc với Việt Nam. Lĩnh vực nổi bật và giúp Việt Nam tạo nên động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng là thương mại quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã tham gia vào mọi sân chơi đa phương và ký được hiệp định thương mại song phương với hầu hết các đối tác thương mại hàng đầu thế giới, giúp Việt Nam đạt được tỷ trọng xuất nhập khẩu so với GDP khá cao, đứng hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, chỉ xếp sau Singapore. Đến nay, Việt Nam đã chiếm lĩnh và vượt lên trong thương mại với các nền kinh tế lớn nhất của thế giới như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... tại các thị trường này, Việt Nam đều đã vươn lên top 3 của khu vực Đông Nam Á, nhiều chỉ số đứng hàng đầu như Xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Thương mại 2 chiều với EU.
Như vậy, từ thực tế quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, cho đến những động thái gần đây đối với Việt Nam của các cường quốc khác. Từ tiếng vọng của lịch sử cho đến những cuộc đối đầu căng thẳng gần đây khi Trung Quốc có những hành động xâm hại chủ quyền của Việt Nam. Từ việc Việt Nam không ngừng củng cố quốc phòng, an ninh và địa vị chính trị trong khu vực và trên trường quốc tế cho tới vấn đề đối nội nhằm ổn định chính trị, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tất cả đều cho thấy, Việt Nam đã, đang và sẽ chống chịu được sự thao túng, thôn tính của Trung Quốc. Điều này, vừa là niềm tự hào và là lợi ích to lớn đối với dân tộc Việt Nam, vừa là lý do để các đối tác quốc tế tin tưởng, nể phục và mong muốn tăng cường hợp tác sâu rộng với Việt Nam, giúp Việt Nam phát triển bền vững và ổn định trong tương lai.
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Bình luận

Không có nhận xét nào: