Trả lời phỏng vấn trên kênh Fox News, cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Newt Gingrich đã nhận định rằng, nhiều khả năng, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ đảo ngược đến 70% các di sản mà ông Barack Obama để lại.
Ông Newt Gingrich nói: “Tôi nghĩ trong những ngày đầu tiên, ông Trump sẽ xóa bỏ từ 60%-70% di sản của ông Barack Obama bằng cách sử dụng quyền phủ quyết nhiều lệnh đặc quyền mà người tiền nhiệm đã sử dụng, trong đó có những lệnh không thông qua Quốc hội”.
Nghĩa là khi kết thúc nhiệm kỳ 2 Tổng thống của mình vào ngày 20-1, ông Barack Obama có thể chỉ giữ được một dấu ấn duy nhất là trở thành người da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ giữ vị trí quyền lực nhất nước. Còn những thành tựu khác mà ông cố gắng vun đắp trong 8 năm làm Tổng thống sẽ khó có “kết thúc có hậu” dưới thời chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Bản thân đương kim Tổng thống Mỹ dường như cũng cảm nhận được điều này bởi lẽ trong phát biểu với phóng viên David Remnick của tờ The New Yorker sau chiến thắng của ông Donald Trump, ông Barack Obama cũng bày tỏ rằng ông không mấy lạc quan về tiềm năng phát triển của những di sản mà mình để lại, thậm chí có những thứ ông cho là sẽ biến mất hoàn toàn dưới thời Tổng thống mới cũng như Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Ông Barack Obama còn cho rằng ông tự thấy mình đã hoàn thành được 70%-75% những gì đã đề ra.
Trong 2 nhiệm kỳ làm Tổng thống, ông Barack Obama đã ký tất cả 260 lệnh đặc quyền. Tổng thống Barack Obama từng mong muốn truyền lại các di sản để đời cho ứng viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ Hillary Clinton, người mà ông tin tưởng và đã nỗ lực ủng hộ suốt quá trình bà tranh cử. Song cựu ngoại trưởng Mỹ lại thất bại trước đối thủ đảng Cộng hòa trên đường đua vào Nhà Trắng. Vì thế, khi ông Donald Trump chuẩn bị nhậm chức, người ta đã đặt ra câu hỏi rằng những thành tựu lớn về chính sách nào của ông Barack Obama “sống sót” qua thời của ông Trump.
Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp tại Nhà Trắng hồi cuối năm ngoái. Ảnh: Getty.
Theo nhận định của tờ The Guardian, chỉ có hai chính sách có khả năng tiếp tục tồn tại, đó là: hôn nhân đồng tính được ông Barack Obama ủng hộ và tòa án tối cao chính thức công nhận là một quyền trong Hiến pháp năm 2015 và chính sách với Iran (tuy nhiên mức độ tin tưởng vào việc này thấp hơn nhiều so với chính sách về hôn nhân đồng tính).
Đáng chú ý là một số di sản được coi là “vĩ đại nhất” dưới thời ông Barack Obama đang đứng trước nguy cơ bị hủy diệt. Đầu tiên phải kể đến chương trình bảo hiểm Obamacare. Cải cách toàn diện hệ thống chăm sóc sức khỏe là một “chiếc chén thánh” mà Đảng Dân chủ đã săn đuổi trong nhiều thập niên, dường như luôn chỉ cách họ một bước chân.
Dưới thời ông Obama, cuối cùng họ đã đạt được nó. Được thành lập vào ngày 23-3-2010, Obamacare là chương trình bảo hiểm sức khỏe bắt buộc của chính phủ liên bang dành cho những gia đình, cá nhân có thu nhập thấp. Nó ra đời nhằm mục đích nâng cao chất lượng và khả năng chi trả của bảo hiểm y tế, giảm tỷ lệ không có bảo hiểm bằng cách mở rộng phạm vi bảo hiểm công và tư nhân, giảm chi phí chăm sóc sức khỏe cho cả cá nhân lẫn chính quyền.
Obamacare đã giúp gần 20 triệu người được mua bảo hiểm y tế, khiến tỷ lệ không có bảo hiểm ở Mỹ xuống mức thấp kỷ lục, từ 15.7% năm 2011 xuống 9.1% năm 2015. Hơn 8.8 triệu người Mỹ đã đăng ký các gói bảo hiểm qua hệ thống quản lý bởi chính phủ liên bang trong cùng kỳ - một con số cao kỷ lục. Các công ty không còn có thể từ chối bán bảo hiểm cho các cá nhân đang mang bệnh, và không có giới hạn cho các khoản chi bảo hiểm.
Trong khi đó, Đảng Cộng hòa đã tìm cách bác bỏ đạo luật nói trên kể từ thời điểm nó được ông Barack Obama phê duyệt. Ông Donald Trump thì thường xuyên phê phán nó như một thất bại. Và ngay lúc này, lãnh đạo Đảng Cộng hòa và cả Tổng thống đắc cử đang bắt đầu chuẩn bị để bãi bỏ và thay thế chính sách này sau ngày 20-1.
Về thương mại, Tổng thống Barack Obama đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận được xem là trọng tâm của chiến lược “tái cân bằng châu Á”. Nhưng từ khi tranh cử, ông Donald Trump đã liên tục chỉ trích TPP với lý do là nó lấy đi công ăn việc làm của người Mỹ” và kêu gọi Washington rút khỏi TPP. Hiện hiệp định này vẫn đang trong giai đoạn chờ ký thông qua ở các nước và nó “chắc chắn bị vứt vào sọt rác trước cả khi được Quốc hội Mỹ để mắt tới”.
Còn vấn đề môi trường, ông Donald Trump hầu như không nhắc đến trong quá trình tranh cử nhưng đảng Cộng hòa lại kịch liệt phản đối quan điểm của ông Barack Obama về vấn đề này. Ông Barack Obama từng cam kết giảm lượng phát thải carbon đến 80% tầm nhìn đến năm 2050 và đầu tư cho lĩnh vực công nghệ tiết kiệm năng lượng khoảng 150 tỉ USD. Nhưng ông Donald Trump thì có thể rút Mỹ khỏi Thỏa thuận chung Paris và “coi” biến đổi khí hậu chỉ là “sự huyễn hoặc” do Trung Quốc bịa ra.
Riêng về quan hệ quốc tế, hãng BBC cho rằng, ông Barack Obama sẽ rời Nhà Trắng với hai thành tựu nổi bật trong lĩnh vực ngoại giao là Thỏa thuận hạt nhân với Iran và bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Cuba. Chúng là đại diện cho sự ấm lên đáng kể trong quan hệ giữa Mỹ và hai quốc gia từng là đối thủ trong thời gian dài.
Ông Barack Obama cũng hoàn thành một lời hứa chủ chốt trong giai đoạn vận động tranh cử của mình khi rút quân lực Mỹ khỏi Iraq và Afghanistan. Tuy vậy, ở những chỗ khác, chính sách ngoại giao của Tổng thống sắp mãn nhiệm đã tạo ra nhiều mối quan hệ bị rạn nứt và nhiều vấn đề tiềm ẩn. Việc "tái khởi động" quan hệ Mỹ - Nga, được lên kế hoạch từ khi ông mới nhậm chức, được đáp trả bằng hành động can thiệp của Nga vào Ukraine và các cáo buộc gây rối trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Ngược lại, ông Donald Trump được cho là có thể dựa vào quyền hạn của Tổng thống để lật lại toàn bộ những ưu đãi ngoại giao mà ông Barack Obama đã dành cho với quốc đảo này, bao gồm giảm bớt lệnh cấm vận và hạn chế đi lại. Tổng thống đắc cử có vẻ cũng sẽ thích có một mối quan hệ gần gũi hơn với Israel và một nỗ lực mới trong việc cải thiện quan hệ với Nga.
Điều này thể hiện rõ nhất trong một số tuyên bố đăng trên Twitter hôm 8-1 của ông Donald Trump rằng “bất kỳ ai chống lại mối quan hệ tốt đẹp với Moscow là những kẻ thiểu trí” và “quan hệ hữu hảo với Nga là một điều tốt đẹp, chứ không phải là một điều xấu”.
Ngọc Khuê (tổng hợp
( CAND)