Thứ Ba, 10 tháng 1, 2017

Đi ăn bún chả với Tổng thống Obama; Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX: Diện kiến vua Minh Mạng


07:20 AM - 06/01/2017 Thanh Niên Online


Tổng thống Obama tại quán bún chả Hương Liên, Hà NộiREUTERS
Việt Nam trong năm cũ 2016 đón nhiều nguyên thủ các quốc gia, nhưng cuộc ghé thăm và làm việc củaTổng thống Mỹ Obama hồi tháng 5 là ấn tượng và khiến các phóng viên bận rộn hơn cả.
Cuộc đón tiếp Tổng thống bận rộn từ lúc người quyền lực nhất Nhà Trắng có mặt ở sân bay Nội Bài. Đầu tiên là đoán xem Tổng thống sẽ nghỉ ở khách sạn nào. Nhiều người đoán già đoán non là khách sạn 5 sao Marriott đường Lê Đức Dục, quận Nam Từ Liêm, thế nhưng từ sân bay tới khách sạn này có 2 con đường khác nhau, qua cầu Thăng Long hay qua cầu Nhật Tân đây?
Để thêm cơ hội chụp được tấm ảnh và quay được những thước phim ấn tượng, các phóng viên của nhiều tờ báo “canh” cả hai đường. Khó cái là, khách sạn Marriott có vô số cổng, cổng nào cũng treo quốc kỳ Việt Nam - Mỹ, cũng dày đặc cảnh sát, công an đứng đón đường, vậy thì nên đứng đợi Tổng thống vào cổng nào đây?
Cuối cùng, nơi ít người ngờ tới nhất lại là nơi đoàn xe Tổng thống vào trong lặng lẽ. Đó là một cổng sau của khuôn viên tòa nhà, đoàn xe di chuyển im lặng, không một tiếng còi. Hàng chục phóng viên của các tờ báo đang đứng đợi ở cổng chính tiu nghỉu, khi 1 giờ sáng vẫn chưa thấy bóng dáng chiếc xe nào tiến vào, trong khi trên một số tờ báo, đã thấy cập nhật, Tổng thống đã tới Marriottbình an!
Đi ăn bún chả với Tổng thống Obama - ảnh 1
Người dân chào đón đoàn xe Tổng thống Obama trên đường Kim Mã, Hà NộiNGỌC THẮNG
Toàn bộ lịch trình làm việc của Tổng thống Mỹ ở Hà Nội đã được công khai tới các phóng viên quốc tế, còn lại, việc Tổng thống ăn gì, dạo phố ở đâu, ngắm cảnh gì lại là điều bí mật đến phút chót. Chúng tôi nghe phong thanh, Tổng thống sẽ ăn phở, dạo phố cổ Hà Nội, thăm Hồ Gươm (đặc trưng của Hà Nội mà). Thế nhưng phố cổ Hà Nội rộng vô chừng, có một nghìn không trăm hai mươi quán phở, biết Tổng thống đến nơi nào?
Phút chót, bỗng nghe đồng nghiệp rỉ tai, Tổng thống sẽ đi ăn bún chả, ngay trên phố Lê Văn Hưu, quận Hai Bà Trưng. Chúng tôi tức tốc chia làm các cánh để bao quanh quán bún chả đang được đồn là Tổng thống sắp ghé qua.
Trời chập choạng tối, các ngả đường giao cắt với Lê Văn Hưu nơi nào cũng thấy công an, cảnh sát, quán bún chả Hương Liên được căng dây bảo vệ, phóng viên đứng chật kín phía trước, bên trái, bên phải quán hàng. Trẻ con, người lớn xung quanh háo hức chờ đợi. Thú thật, chúng tôi ngồi đây mà trong tâm trí đặt ra các câu hỏi, liệu có chắc chắn Tổng thống sẽ qua đây? Biết đâu đây là kế "nghi binh", Tổng thống sẽ ghé một nơi khác. Những người bán phở các hàng lân cận bún chả Hương Liên hào phóng cho cánh phóng viên mượn ghế để ngồi trong giờ chờ đợi.
Đi ăn bún chả với Tổng thống Obama - ảnh 2
Người dân vây quanh Tổng thống Obama trước quán bún chả phố Lê Văn HưuNGỌC THẮNG
Nhưng, ô kìa! Tổng thống Obama đến thật. Tiếng còi xe ưu tiên vang lên. Phóng viên nhốn nháo, đèn flash máy ảnh sáng lóa. Trẻ con reo vui. “Obama! Obama!”. Một người đàn ông mặc sơ mi trắng lịch lãm bước xuống, giơ tay chào tất cả mọi người rồi nhanh chóng bước vào quán ăn. Khoảnh khắc chỉ diễn ra vài giây, những người bưng bê phở, chạy bàn, quét dọn quán đứng cạnh chúng tôi vỗ tay ràn rạt.
Như một thực khách Việt Nam thứ thiệt, Tổng thống Obama và đầu bếp Anthony Michael Bourdain dùng đũa gắp bún, ăn với chả nướng, chấm vào bát nước chấm màu hổ phách với một ít đu đủ xanh, cà rốt thái mỏng, họ cũng uống hai chai bia Hà Nội, vừa ăn vừa chuyện trò vui vẻ.
Kết thúc bữa ăn, Tổng thống Obama bước ra ngoài quán, nhiều người đã đứng đợi từ bao giờ...
Người ta xúm xít quanh bà chủ quán, hỏi Tổng thống ăn bao nhiêu suất bún, Tổng thống ngợi khen ra sao, có "boa" cho chủ quán hay không. Suốt nhiều ngày về sau, những bài báo xung quanh chuyện Tổng thống Mỹ ăn bún chả Hà Nội trên khắp mặt báo vẫn có lượng người đọc rất lớn. Người ta thích thú khi một vị Tổng thống đến từ nước Mỹ mặc quần vải, sơ mi trắng, ngồi ghế nhựa và ăn bún chả bằng đũa, uống cả chai bia Hà Nội bình dị như ai. 
Trước khi Tổng thống Obama di chuyển vào TP.HCM, ông và đoàn tùy tùng còn bí mật vào uống trà đá vỉa hè và mua một ít cốm tươi trong làng Mễ Trì, Hà Nội, ngôi làng bình dị nằm ngay cạnh khách sạn nơi ông ở.
Đi ăn bún chả với Tổng thống Obama - ảnh 4
Tổng thống Obama mua cốm trong làng Mễ Trì trước khi rời Hà NộiREUTERS
Quán bún chả Hương Liên mà ngài Tổng thống nước Mỹ đến ăn, giờ nhiều người quen gọi là bún chả Obama. Những ngày đầu tiên sau khi Tổng thống mới ghé đến, quán lúc nào cũng trong tình trạng, “không ăn nhanh thì sẽ hết hàng”. Vị trí mà Tổng thống Obama từng ngồi phải đặt riêng, bởi ai cũng muốn được ngồi ăn nơi đó, với đúng 2 suất bún chả, 2 chai bia Hà Nội, để khoe tấm ảnh lên facebook cá nhân.
Có hẳn một bãi trông xe mới được mọc lên để phục vụ cho thực khách vào thưởng thức, thu tiền riêng. Bún chả Obama có ngon không? Nhiều người khen “có”, nhiều người lắc đầu, đôi khi chỉ vì tình cờ ngang qua, nếm thử để biết vị của một quán ăn từng đón tiếp Tổng thống ra sao. Người ta đôi khi đi ăn, không hẳn vì món ăn nơi ấy.
Tổng thống Obama sắp kết thúc nhiệm kỳ ở Nhà Trắng, bún chả Việt Nam có lẽ sẽ vẫn ở lại trong tâm khảm người đàn ông từng có 8 năm đứng đầu Nhà Trắng, từng đi đến nhiều quốc gia, thưởng thức những món ăn ngon nhất. Hơn cả bún chả - một món ăn thuần túy Hà Nội, chúng tôi vẫn nhớ bài phát biểu hùng hồn đầy cảm xúc của ông với học sinh, sinh viên Việt Nam ở Trung tâm hội nghị quốc gia.
Hơn hết, chúng tôi nhớ lần nói chuyện của ông trước đông đảo công dân trẻ ở TP.HCM, một người đặt câu hỏi, tại sao Tổng thống lại chọn đến Việt Nam khi nhiệm kỳ sắp kết thúc, Tổng thống mỉm cười: Những gì tốt đẹp nhất luôn được dành lại sau cùng. Việt Nam là điều dành lại sau cùng của người đàn ông được trẻ em, người lớn gọi tên thân mật “Obama” ấy.
Thúy Hằng

Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX: Diện kiến vua Minh Mạng

ẢNH: TƯ LIỆUVua Minh Mạng (1791 - 1841)
Cha tôi nôn nóng muốn gặp vua Minh Mạng. Sau khi báo tin xin được tiếp kiến, cha tôi đã đến điện Cần Chánh.
Michel Đức Chaigneuau
Vua Minh Mạng đón tiếp cha tôi với sự trang trọng pha lẫn một chút lạnh nhạt. Tuy vậy, nhà vua có vẻ hài lòng khi thấy cha tôi quay về lại xứ này.
Nhà vua trấn an cha tôi rằng ngài sẽ vẫn xem ông như một vị quan đã được người tiền nhiệm đánh giá cao và ưu ái nhất.
Cha tôi vốn đã quen tự nhiên thoải mái trước vua Gia Long thì nay hơi bỡ ngỡ khi đối diện với vua Minh Mạng: trước đây cha tôi đã biết ngài sẽ là người nối ngôi nhưng cha tôi lại chẳng có mấy thiện cảm với con người này. Cha tôi bẩm trình đức vua về nhiệm vụ được giao, xin đức vua ấn định ngày giờ xét thấy phù hợp để chính thức tiếp nhận thư và quà tặng của vua Louis XVIII, theo đó ra lệnh chuyển về cung với tất cả nghi thức trang trọng.
Đức vua chuẩn thuận về điểm này, nhưng riêng về dự định ký kết thỏa ước với chính phủ Pháp, vua Minh Mạng chỉ trả lời với những chỉ dấu không rõ ràng: để đúng phép, ngài chỉ vấn an về tình hình của hoàng gia và hỏi thăm về nước Pháp. Sự im lặng của vua Minh Mạng (đối với đề nghị ký kết thỏa ước) là điềm báo sự không thành công của nỗ lực đàm phán với triều đình An Nam.
Ngồi trước mặt vua
Trong một lần tiếp kiến, vua Minh Mạng nói với cha tôi về người trưởng nam đức vua đã gặp vài lần khi vua Gia Long còn tại vị, và bày tỏ mong muốn được gặp. Người trưởng nam mà đức vua nói tới là tôi.
Rồi một hôm, ngài cho người mang đến cho tôi, theo nghi lễ và xếp trong một chiếc hộp, một quần vải thưa màu đỏ với một áo dài vải lụa xanh dương, có lót vải lụa vàng và viền vải thêu chỉ vàng (tôi vẫn còn giữ những tặng vật này). Ít hôm sau khi nhận hộp quà của đức vua, một người mang đến lệnh của vua thông báo cho tôi là ngài có buổi tiếp kiến riêng.
Tức khắc, tôi cho thắng yên ngựa, sau khi báo cho cha tôi biết lệnh của vua. Tôi mặc bộ áo quần đẹp nhất và một lát sau tôi đã đến trước cổng Tịnh Tâm. Người truyền lệnh của vua Minh Mạng đến trước tôi vài phút, chờ tôi ở đó để hướng dẫn, đồng thời cũng đề phòng những phiền toái có thể xảy ra cho tôi từ phía lính tuần và người phục dịch, vì họ phải tuân theo những mệnh lệnh hết sức nghiêm ngặt. Tôi đi theo người dẫn đường vào cung. Sau khi băng qua một cây cầu và một khoảnh đất trồng hoa, tôi đến sảnh chờ, nơi một người tùy tùng chỉ cho tôi lối phải vào để đến phòng tiếp kiến của đức vua.
Ở xứ này không như ở châu Âu, không có tập quán báo danh khi những vị khách đến tiếp kiến hay đến thăm, do đó tôi lặng lẽ đi qua cửa và tức thì diện kiến ngay vua Minh Mạng. Ngài thốt lên khi thấy tôi: “À đây!”, tay ra dấu cho tôi đến gần. Một lát sau, một quan văn phục vụ cho văn phòng của vua đi vào theo lệnh đòi trước đó của đức vua.
Vị quan này trạc khoảng ba mươi lăm bốn mươi tuổi, nhỏ người, mảnh mai, diện mạo gầy gò bất thường, khuôn mặt rám nắng góc cạnh, hai gò má cao, mũi bè ra, cằm hơi tròn, với một chòm tạm gọi là râu có thể đếm được dễ dàng số sợi râu. Môi ông khá mỏng, trên rìa môi trên lơ thơ vài sợi râu. Khăn đóng đội đầu bằng vải thưa màu đen gần như che khuất vầng trán bóng láng, bên dưới lộ ra hai con mắt đen và sáng, bộc lộ sự thông minh và thoáng vẻ tự hào. Vị quan mặc quần trắng với áo dài vải lụa màu xanh dương thật đẹp, tà áo dài ngang bắp chân, che đi một áo ngắn bên trong với cổ áo và tay áo cho thấy có thể đã lâu lắm rồi người mặc đã quên giao cho nô tì giặt giũ. Bề ngoài trông không đẹp người, thậm chí là khá xấu xí, bù lại vị quan có phong thái, cử chỉ của giới quyền quý. Nhà vua lại ra dấu và vị quan đến gần bên tôi. Hai chúng tôi vâng lệnh ngồi xuống khi vua Minh Mạng chỉ cho cả hai một cái sập thấp gần với sập đức vua đang ngồi.
Những ai am hiểu về nghi thức tại triều đình Huế có thể sẽ ngạc nhiên việc đức vua cho phép chúng tôi ngồi xuống trước mặt ngài, trong khi ngay cả các vị quan lớn cũng buộc phải luôn ở tư thế đứng trước đức vua. Điều giải thích cho đặc ân hôm đó với vị quan và cả tôi: vị quan có công việc thư lại ngồi ghi chép những gì tôi dịch ra ở phần dưới của những bức tranh (nước Pháp tặng), và phần tôi phải ngồi thật gần với đức vua để chỉ rõ cho ngài, theo những ghi chú trên tranh, vị trí của các đội quân hay nhân vật xuất hiện trên tranh.
Chỉ có hai chúng tôi là ngồi gần đức vua, các vị quan tùy tùng và vài người chờ mang lệnh truyền thì đứng sau một cánh cửa mở hờ (người An Nam không có tập quán dùng chuông rung để gọi); vài nô tì trẻ tuổi, khoảng mười lăm hai mươi tuổi, đứng yên ở góc phòng, lưng tựa vào vách và luôn sẵn sàng đợi vua ra dấu để chạy đến quỳ xuống dâng lên vua một điếu thuốc đã đốt, mà trước đó chúng đã hút thử vài hơi. Tất cả mọi con người ở đây đều rất chăm chú theo dõi từng cử chỉ của nhà vua.
Trích từ Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau (NXB Thuận Hóa, Huế, 2016)

Không có nhận xét nào: