Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mời Tổng Bí Thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng một tiệc trà đàm đặc biệt mà TTXVN khoe là, một việc “chưa có tiền lệ.” (Hình: Tân Hoa Xã) |
Tổng Bí Thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã đến Bắc Kinh hội đàm với Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 12 Tháng Giêng, 2017. Dịp này, có thể ông Trọng bị ép đừng mua hỏa tiễn của Ấn Độ.
Báo Ấn Độ “Times of India” dẫn một nguồn tin không nêu tên nói rằng ông Nguyễn Phú Trọng rất có thể bị áp lực hủy bỏ việc mua hỏa tiễn phòng không của Ấn Độ. Mấy ngày gần đây, “Times of India” cho hay hiện đang có thương lượng để Ấn Độ cung cấp cho Việt Nam một số giàn hỏa tiễn phòng không tầm trung Akash do Ấn Độ sản xuất.
Khi thấy tin này, Bắc Kinh cho tờ Hoàn Cầu Thời Báo lên giọng đe nẹt rằng sự hợp tác quân sự giữa Ấn Độ với Việt Nam thì chỉ nên đóng góp cho hòa bình và ổn định ở khu vực, chứ đừng “gây rối hoặc làm người khác âu lo.” Báo này còn cảnh cáo là Bắc Kinh “sẽ không khoanh tay ngồi yên.”
Báo Ấn Độ cho rằng Bắc Kinh muốn mình là trùm tối cao ở Á Châu, không muốn nước nào khác tranh giành ảnh hưởng và mối hàng, kể cả việc mua bán võ khí. Đó là lý do tại sao Bắc Kinh chống không cho Ấn Độ gia nhập nhóm các nước cung cấp hạt nhân (Nuclear Suppliers’s Group) vì có thể giúp Ấn Độ khuếch trương kỹ nghệ nguyên tử. Đồng thời, nếu Ấn Độ xuất cảng được thêm nhiều vũ khí ra nước ngoài sẽ làm Bắc Kinh thêm căng thẳng, nhất là chính phủ sắp tới đây của Mỹ đang có những dấu hiệu bất lợi cho Trung Quốc.
Cả Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) và Tân Hoa Xã đều loan báo chuyến viếng thăm Bắc Kinh của ông Nguyễn Phú Trọng với những lời lẽ đề cao “16 chữ vàng” và “4 tốt” trong tinh thần “đồng chí và anh em.”
Làm quà cho chuyến viếng thăm, cả hai ông Nguyễn Phú Trọng và Tập Cận Bình đã chứng kiến các cuộc ký kết 15 văn bản hợp tác và ghi nhớ từ an ninh quốc phòng tới đường sắt, thương mại. Trong đó, gồm cả “Công thư trao đổi về việc hỗ trợ kỹ thuật lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giữa Bộ Quốc Phòng Việt Nam và Bộ Quốc Phòng Trung Quốc đến năm 2025. Hiệp định khung hợp tác cửa khẩu biên giới đất liền giữa Bộ Quốc Phòng Việt Nam và Tổng Cục Hải Quan Trung Quốc.”
TTXVN kể rằng ngoài việc tiếp đón ông Nguyễn Phú Trọng ở “Đại sảnh nhân dân,” ông Tập Cận Bình còn mời riêng ông Trọng một buổi “trà đàm” với loại trà đặc biệt của tỉnh Phúc Kiến như một cách bầy tỏ “sự coi trọng và thiện chí” của chủ nhà.
Dịp này, người ta tin rằng Tập Cận Bình mới nói những gì muốn nói với phía Hà Nội, từ chuyện giải quyết tranh chấp Biển Đông, đến chuyện Hà Nội đu dây giữa Washington và Bắc Kinh và mồi dụ dỗ thương mại phối hợp “Hai hành lang, một vành đai” của Việt Nam chủ xướng với sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.
Trên bề mặt, người ta thấy TTXVN thuật lại rằng “Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Việt Nam luôn hết sức coi trọng quan hệ với Trung Quốc và chân thành mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị bền vững và hợp tác toàn diện cùng có lợi với Trung Quốc, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.”
“… Hai nhà lãnh đạo đã đi sâu trao đổi về các định hướng lớn nhằm tăng cường tin cậy, củng cố hữu nghị, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, duy trì hòa bình, ổn định trên biển, đưa quan hệ Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, bền vững trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Phú Trọng dịp này cũng chỉ lập lại “lập trường nhất quán” của Việt Nam là “kiên trì giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công Ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý; thực hiện đầy đủ và hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC),” phấn đấu cùng ASEAN sớm hoàn tất “Bộ Quy Tắc Ứng Xử Trên Biển Đông (COC).”
Và người ta lại thấy giống như bản tuyên bố chung của hai ông hồi hơn 5 năm trước là “Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh cần tuân thủ nhận thức chung quan trọng mà lãnh đạo hai đảng, hai nước đã đạt được và “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc”; sử dụng tốt cơ chế đàm phán để tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được; tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, bao gồm tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển.”
Với nội dung tương tự nhưng viết ngắn gọn hơn, Tân Hoa Xã nói rằng “về tranh chấp trên biển, ông Tập Cận Bình thúc giục hai bên gia tăng trao đổi thông tin và củng cố lòng tin lẫn nhau để đặt nền móng chính trị vững chắc cho giải quyết tranh chấp và hợp tác với nhau về thăm dò trên biển.”
(Người Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét