Thực trạng kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc là hiểm họa mà công luận đã lên tiếng từ nhiều năm nay. Mức độ lệ thuộc diễn ra ngày càng nặng nề dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đây là điều mà nhiều người cảm thấy khó lý giải, bởi họ tin ông Nguyễn Tấn Dũng không chỉ là nhân vật “chống Tàu” quyết liệt nhất trong ban lãnh đạo Việt Nam, qua những phát ngôn mạnh mẽ nhằm vào gã láng giềng khổng lồ “to xác, xấu bụng”, mà còn là nhân vật quyền lực nhất Việt Nam suốt một thời gian dài.
Vì thế, không ít người đã vội hình dung ra viễn cảnh kinh tế nước nhà sẽ còn tồi tệ hơn khi đứng đầu chính phủ khoá XIV là một Nguyễn Xuân Phúc vốn bị coi là “phản bội” người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng.
Tuy nhiên, sau 9 tháng lèo lái nền kinh tế, xem ra chính phủ của tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhen nhóm hy vọng “thoát Trung” về mặt kinh tế, ít nhất là trên phương diện số liệu thống kê.
Bảng 1: Số liệu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc từ năm 2000 đến 2016 (Nguồn: Niên giám Thống kê 2000 - 2015 và báo chí nhà nước; các chỉ số do tác giả tập hợp và tính toán.) |
Biểu đồ 1: Tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất khẩu và tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu qua các năm. |
Nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2016 là 49,8 tỷ USD, chỉ tăng khoảng 300 triệu USD so với năm 2015, tức 0,6%. Nếu không tính năm 2009 (năm kinh tế Việt Nam suy thoái và nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 3,5% trong bối cảnh tổng kim ngạch nhập khẩu giảm tới 13,34%) thì kể từ năm 2001, khi Việt Nam bắt đầu nhập siêu từ Trung Quốc, đây là năm mà giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc tăng thấp nhất. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 21,8 tỷ USD, tăng tới 4,7 tỷ USD so với năm 2015, tương đương 27,4%. Với tốc độ gia tăng ngoạn mục này, tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm tới 12,4%, mức cao nhất từ trước đến nay.
Nhờ nhập khẩu từ Trung Quốc hầu như không tăng, trong khi xuất khẩu sang thị trường này lại tăng mạnh, nên giá trị nhập siêu từ Trung Quốc năm 2016 chỉ còn 28 tỷ USD so với đỉnh cao 32 tỷ USD của năm 2015. Như vậy, giá trị nhập siêu từ Trung Quốc năm 2016 thấp hơn cả năm 2014. Và nếu không tính năm 2009 (năm cả tổng kim ngạch xuất khẩu lẫn tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đều giảm mạnh) thì kể từ khi Việt Nam bắt đầu nhập siêu từ Trung Quốc, đây là năm duy nhất nhập siêu từ Trung Quốc không những giảm mà còn giảm mạnh tới 13,6%.
Tỷ trọng hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc do đó đã giảm từ đỉnh cao 29,9% năm 2015 xuống còn 28,7% năm 2016, thấp hơn cả con số của năm 2014 (29,5%).
Tuy thành tích trên đây của chính phủ Việt Nam “hậu Nguyễn Tấn Dũng” là khá ấn tượng, nhưng giá trị nhập siêu 28 tỷ USD từ Trung Quốc vẫn là quá lớn, gần như xóa nhòa thành tích xuất siêu 29,4 tỷ USD sang thị trường Mỹ. Đặc biệt, tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tới 28,7% tổng kim ngạch nhập khẩu là con số vẫn còn quá cao, nếu xét phần lớn số này là hàng hoá chất lượng thấp, độc hại, hoặc tiềm ẩn những hiểm họa lâu dài về an ninh quốc phòng.
Ngoài ra, việc tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất khẩu gia tăng tuy là điều đáng mừng trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài đây cũng là điều đáng lo ngại, khi phần lớn hàng hoá xuất khẩu sang thị trường này là khoáng sản, nguyên liệu thô và nông sản. Đây là những loại hàng hoá hoặc gây ra hiện tượng “chảy máu khoáng sản”, hoặc không có giá trị gia tăng cao và dễ bị phía Trung Quốc dở những mánh khoé quen thuộc để bắt chẹt, lũng đoạn thị trường, khiến các nhà xuất khẩu, đặc biệt là người nông dân, bao phen điêu đứng.
Dù hy vọng “thoát Trung” về kinh tế xem ra đã được chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhen nhóm, nhưng quãng thời gian 9 tháng vừa qua là chưa đủ để nói lên nhiều điều. Trong bối cảnh Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp bị tân Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức khai tử, động lực tăng trưởng dựa trên khai thác tài nguyên và nhân công giá rẻ đã đuối sức, nợ công tăng cao, ngân sách cạn kiệt, năm 2017 thực sự là một năm đầy thách thức đối với chính phủ Việt Nam. Nếu không đẩy mạnh cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng thị trường hoá, tư nhân hoá, phi tập trung hoá, phi điều tiết hoá thì khủng hoảng kinh tế là một nguy cơ thực tế.
Lê Anh Hùng
* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét