Thứ Tư, 11 tháng 1, 2017

TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG SANG BẮC KINH TRƯỚC NGÀY “ ÔNG CÔNG ÔNG TÁO VỀ TRỜI” LÀ CÓ Ý GÌ?; Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư có ý nghĩa hết sức quan trọng

Phạm Viết Đào.
Kết quả hình ảnh cho Tranh dân gian Đông Hồ về Táo quân
(Ảnh: 1 bà 2 ông-Tranh dân gian Đông Hồ)

Dư luận đang chăm chú theo dõi chuyến đi khá là cập rập của TBT Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh vào ngày mai 12/1/2017, tức rằm tháng Chạp năm Bính Thân ( năm Con Khỉ ), đúng 1 tuần trước ngày “ông Công, ông Táo về trời”, một tập tục cổ truyền của cả Việt Nam và Trung Quốc…
Nguồn gốc của tập tục cúng tiễn ông Công, ông Táo về trời tại Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm giống nhau và khác nhau: nhằm tìm cách dàn xếp  cái sự éo le của mối quan hệ 2 ông chung nhau một bà…
Do hoàn cảnh không ai chịu nhường cho ai nên 3 con người này đành phải chấp nhận chung sống hòa bình với nhau dưới một mái nhà ( Biển Đông): một bà phải chung đụng với 2 ông chồng…
Trước tình cảnh đó, Ngọc Hoàng thượng đế phải đứng ra làm trọng tài; chuẩn thuận cho chuyện éo le này nhưng hàng năm, vào ngày 23 tháng Chạp, buộc 2 ông Công và Táo cưỡi cá chép về trời để báo cáo xem năm qua họ chung đụng với nhau thế nào với người vợ chung; họ có đánh lộn nhau vì ghen tuông do một ông nào quá máu dẫn đến tan cửa nát nhà, phá vỡ thế cân bằng chiến lược: hai ông chung đụng với một bà…
Chuyện 2 ông chung một bà có vẻ đang trở thành chuyện thường ngày ở xã hội Trung Quốc thời hiện đại do chính sách mỗi gia đình chỉ được phép đẻ 1 con; Hiện Trung Quốc đang mất cân bằng giới tính nghiêm trọng vì tập tục “ trọng năm khinh nữ”…
Ở Việt Nam tục cúng "ông Công ông Táo" bắt nguồn từ sự tích Táo quân hay "ba ông đầu rau". Dù sự tích này có nhiều dị bản nhưng đều theo một mô-típ chung đó là câu chuyện về ba người, do những hoàn cảnh éo le mà trở thành hai chồng một vợ. Sau khi mất họ vẫn yêu thương nhau nhưng không muốn chia lìa. Cảm động vì điều đó Ngọc Hoàng phong họ làm Táo quân (hay ba ông đầu rau) quản việc bếp núc gia đình, và ngày 23 tháng Chạp hàng năm phải về trời trình báo việc hạ giới.
Với Trung Quốc, Táo Quân, hay Táo Vương còn được tôn kính gọi là "Đông trù tư mệnh Táo chủ Thần quân" nghĩa là vị thần cai quản việc bếp núc cũng như bản mệnh, phúc họa của mỗi gia đình.
Nguồn gốc Táo quân của người Trung Quốc cũng rất đa dạng và phong phú nhưng truyền thuyết về cặp đôi "thần bếp" với chồng tên Tô Cát Lợi và vợ Vương Thị được xem là phổ biến hơn cả.
Người Trung Quốc cũng làm lễ Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, một số nơi ở phía nam thì tổ chức muộn hơn một chút vào ngày 24 tháng Chạp.
Một chuyến đi không rõ ai xếp lịch nhưng có vẻ sít sao đúng trước 1 tuần tục tiễn ông Công ông Táo, người viết bài này đoán do phía Trung Quốc lập trình…
Trong tập tục tiễn “ Ông Công ông Táo” về trời có vẻ như Ngọc Hoàng đã đặt vai trò, trách nhiệm lên 2 gã đàn ông si mê một người đàn bà nên phải chịu trách nhiệm dàn xếp, phân chia ảnh hưởng để không làm ảnh hưởng tới người đàn bà, đẩy người đàn bà vào thế mặc kẹt…
Kết quả hình ảnh cho Tranh Dân gian Đông Bắc Trung Quốc Về Táo quân


Tình huống 2 ông Công và Táo cùng yêu chung một bà vợ có vẻ tương đồng với mối quan hệ chính trị-kinh tế-an ninh giữa 3 quốc gia Trung-Việt-Mỹ thời hiện đại…

Ở đây, “nàng Việt Thị”, người vợ chung cùng chung đụng với 2 đức lang quân đó là: “nàng Việt Cộng” còn Mỹ và Trung Quốc thì đang ở vào vị thế của 2 ông đầu rau “ ông Công, ông Táo”…
Chuyện tình thế sự thời hiện đại của mối quan hệ “Công-Táo” ( Trung-Việt-Mỹ ) xem chừng rắc rối hơn thời xưa gấp bội lần…Bởi 2 “Công và Táo” thời xưa họ được Ngọc Hoàng sắp xếp cho việc cai quản bếp núc; thành ra công cụ mà họ sử dụng và lúc cần có thể đưa ra để trành giành ảnh hưởng đó là dao thớt…
Còn 2 “ Công và Táo” thời hiện đại thì ông nào cũng có bom nguyên tử, có tàu ngầm hạt nhân và có hạm đội chở được hàng chục máy bay hiện đại…Nếu 2 ông này mà nổi xung lên thì không chỉ tan hoang cửa nhà mà còn gây đại chiến thế giới…
Do vậy mà vai trò của bà vợ phải đứng ra tìm cách phân chia ảnh hưởng thế nào để ông nào cũng có phần, không ông nào được phần hơn, suy bì tị nạnh với nhau dẫn đến việc tan nhà nát cửa, còn mình thì được yên thân…
Quan hệ Việt-Trung trong năm qua liên tiếp xảy ra nhiều chuyện rắc rối do phía Trung Quốc gây ra; Liệu “nàng Vương thị”-Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh kỳ này có dàn xếp, vạch được làn ranh đỏ để giữ lại được mối quan hệ chung đụng với cả “2 ông đầu rau”-Trung-Mỹ không ?Kết quả hình ảnh cho Tranh Dân gian Đông Bắc Trung Quốc Về Táo quân

Nếu không giữ được, tạo lập được cơ chế hợp tác, phân chia hợp lý để 3 bên cùng chấp nhận “ sống chung với nhau” dưới một mài nhà mà dẫn tới xô xát, “lành làm gáo, vỡ làm môi” dẫn đến kết cục buộc phải lỵ dị, ly hôn, trục xuất 1 trong 2 ông ra khỏi nhà?
Và như vậy sẽ dẫn tới thảm họa cho cả ba…
Kết quả hình ảnh cho Tranh Dân gian Đông Bắc Trung Quốc Về Táo quân

Điều này chắc phải chờ đợi “ tài đong đưa” của TBT Nguyễn Phú Trọng…trong chuyến đi Bắc Kinh trong dịp cúng tiễn ông Công ông Táo…
Liệu sang Bắc Kinh lần này, TBT Nguyễn Phú Trọng có phải giở bài khấn sau đây ra đọc:

Bài khấn:
Con kính lạy ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân.
Tín chủ chúng con là: …………
Ngụ tại: ………………………….
Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm, sắp sửa hương hoa vật phẩm, xiêm hài áo mũ, kính dâng Tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái. Chúng con kính mời ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án thụ hưởng lễ vật.
Phỏng theo lệ cũ, ngài là vị chủ, ngũ tự Gia Thần, soi xét lòng trần, Táo quân chứng giám.
Trong năm sai phạm, các tội lỗi lầm, cúi xin Tôn thần, gia ân châm chước. Ban lộc ban phước, phù hộ toàn gia, trai gái trẻ già, an ninh khang thái.
Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
– Phục duy cẩn cáo!


P.V.Đ.


Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư có ý nghĩa hết sức quan trọng

VOV.VN - Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa và tầm ảnh hưởng hết sức quan trọng tới quan hệ Việt - Trung trong thời kỳ mới.
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, từ ngày 12 - 15/1.
Phóng viên VOV thường trú tại Trung Quốc phỏng vấn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Trung Quốc- Đặng Minh Khôi về bối cảnh, mục đích ý nghĩa của chuyến thăm.
chuyen tham trung quoc cua tong bi thu co y nghia het suc quan trong hinh 1
Đại sứ Đặng Minh Khôi trả lời phỏng vấn.
PVSắp tới là dịp hai nước kỷ niệm 67 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, xin Đại sứ đánh giá khái quát về tình hình quan hệ Việt - Trung thời gian qua?
Đại sứ Đặng Minh Khôi: Chỉ còn ít ngày nữa chúng ta sẽ kỷ niệm 67 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc (18/1/1950 - 18/1/2017). Trong 67 năm qua, đặc biệt là những năm gần đây, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực.
Điều đầu tiên ghi nhận đó chính là quan hệ chính trị giữa hai nước có bước phát triển, tăng cường củng cố vững chắc. Điều này thể hiện rất rõ qua các chuyến thăm cấp cao cũng như những văn kiện chung mà hai bên ra nhân dịp các chuyến thăm cấp cao. Hai nước đã xác lập khuôn khổ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện từ năm 2008 trên cơ sở tinh thần "mười sáu chữ" và phương châm "bốn tốt".
Thứ hai, điều đáng ghi nhận trong 67 năm qua, hai nước đã nỗ lực thông qua đàm phán để giải quyết những vấn đề vướng mắc, tồn tại trong quan hệ hai nước. Chúng ta và Trung Quốc đã giải quyết xong vấn đề biên giới trên bộ và hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc vào năm 2008. 
Hiện nay, biên giới Việt Nam - Trung Quốc là đường biên giới hoà bình, hữu nghị và nhân dân hai bên là những người hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định biên giới này. Năm 2000, ta và Trung Quốc đã ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ. Ta cũng đã giải quyết vấn đề trên biển với tất cả các nước láng giềng bao gồm cả Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Campuchia, nhưng phân định biển với Trung Quốc có thể nói có bước tiến triển hết sức quan trọng.
Thứ ba, hợp tác về kinh tế thương mại có những phát triển vượt bậc. Năm 1991, khi hai nước bình thường hoá quan hệ, kim ngạch buôn bán thương mại giữa hai bên mới có 37 triệu USD. Năm 2001, kim ngạch thương mại giữa hai bên mới đạt được 3 tỉ USD, đến nay đã có bước phát triển vượt bậc, đạt gần 100 tỉ USD.
Thứ tư, về giao lưu nhân dân có bước phát triển hết sức mạnh mẽ. Mỗi năm có khoảng gần 3 triệu người dân của hai nước qua lại lẫn nhau. Số lượng lưu học sinh cũng rất lớn, hiện nay có gần 10.000 lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại Trung Quốc, ngược lại Trung Quốc có khoảng 3.000 lưu học sinh đang ở Việt Nam. Các bạn lưu học sinh chính là những sứ giả tương lai trong quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc.



PV: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 12 – 15/1. Theo Đại sứ, chuyến thăm này có ý nghĩa như thế nào trong việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước?
Đại sứ Đặng Minh Khôi: Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến thăm chính thức đến Trung Quốc, từ ngày 12 - 15/1.
Chuyến thăm lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, vì đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư thăm Trung Quốc trên cương vị Tổng Bí thư kể từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII tổ chức thành công vào đầu năm 2016. Đây là lần thứ ba Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc trên cương vị Tổng Bí thư. Chuyến thăm lần này đúng vào dịp hai nước chuẩn bị kỷ niệm 67 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và đón năm mới Đinh Dậu 2017.
Trong những năm qua, với nỗ lực của cả hai bên, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc có những bước phát triển hết sức mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, giao lưu nhân dân, đồng thời hai bên cũng tăng cường duy trì hoà bình, ổn định ở Biển Đông. Chuyến thăm lần này là chuyến thăm của vị khách nước ngoài đầu tiên đến Trung Quốc trong dịp năm mới. Chuyến thăm lần này, chúng tôi hi vọng sẽ tạo đà mới, đưa quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Theo quan điểm của tôi, điều quan trọng nhất trong quan hệ hai Đảng, hai nước chúng ta là làm sao để không ngừng tăng cường, củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống và tăng cường hơn nữa sự tin cậy chính trị giữa hai bên. Nếu như chúng ta có sự tin cậy thì bất cứ vấn đề gì cũng rất dễ trao đổi, nếu vẫn có sự e ngại, nghi ngờ lẫn nhau thì trao đổi vấn đề gì cũng rất khó khăn. Tôi cho rằng đây là mục tiêu bao trùm của chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, để trao đổi với lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc, ở tầm cao nhất để tăng cường, củng cố hơn nữa quan hệ chính trị giữa hai bên.
Thứ hai, chuyến thăm lần này cũng nhằm tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước, đặc biệt cả hai nước đang trong giai đoạn then chốt, không ngừng đi sâu đổi mới, cải cách và mở cửa, chúng ta bước vào năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Trung Quốc bước vào năm cuối cùng chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIX, nhiệm vụ phát triển là hết sức quan trọng đối với hai nước và hai dân tộc, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới đang hết sức khó khăn thì đây là một trọng tâm hết sức quan trọng.
Thứ ba, chuyến thăm lần này cũng là dịp để tăng cường hơn nữa giao lưu nhân dân giữa hai bên. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư sẽ tham dự chiêu đãi nhân dịp kỷ niệm 67 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và sẽ có các cuộc gặp gỡ sâu, rộng với nhiều nhân sỹ Trung Quốc cũng như những người có quan hệ, có tình cảm với Việt Nam để bày tỏ mong muốn của Đảng và nhà nước ta tăng cường hơn nữa giao lưu nhân dân giữa hai bên.
Thứ tư, trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực diễn biến nhanh chóng và phức tạp, thậm chí có nhiều bất ổn, có nhiều điều khó đoán định trước, thì chuyến thăm lần này, chúng ta đặt kỳ vọng sẽ nhằm tăng cường hơn nữa việc duy trì hoà bình, ổn định ở Biển Đông, qua đó để duy trì hoà bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới, góp phần tăng cường môi trường bên ngoài của đất nước ta thuận lợi để tập trung phát triển kinh tế. Đây là ý nghĩa hết sức quan trọng của chuyến thăm lần này.
Chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ là chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước ta đến Trung Quốc từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII và sẽ có cuộc gặp cấp cao nhất giữa hai bên, do đó có ý nghĩa và tầm ảnh hưởng hết sức quan trọng tới quan hệ Việt - Trung trong thời kỳ mới.



PV: Kinh tế thương mại luôn là lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước, xin Đại sứ cho biết những kết quả nổi bật trong hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước trong thời gian qua?
Đại sứ Đặng Minh Khôi: Trong quan hệ giữa các nước thì quan hệ chính trị là hết sức quan trọng. Quan hệ chính trị mở đường cho quan hệ kinh tế thương mại, ngược lại quan hệ chính trị thể hiện rõ trên quan hệ kinh tế, hợp tác kinh tế thương mại củng cố thêm nữa quan hệ chính trị.
Thời gian qua, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc hết sức mạnh mẽ. Chúng ta nhìn lại hai nước bình thường hóa quan hệ từ năm 1991, kim ngạch thương mại giữa 2 nước chỉ là 37 triệu USD. Bước đầu thế kỷ 21, kim ngạch 2 nước chỉ là 3 tỷ USD thì trong những năm gần đây tăng trưởng hết sức nhanh chóng, bình quân tăng trưởng 20% năm.
Theo số liệu của Việt Nam, năm 2015 kim ngạch thương mại song phương đạt gần 70 tỷ USD, còn theo số liệu của Trung Quốc thì đạt gần 100 tỷ USD. Điều đáng mừng là cùng với đà tăng trưởng mạnh mẽ của xuất nhập khẩu song phương, thì xuất khẩu của chúng ta vào Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng. Cho đến nay Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam chỉ sau Mỹ. Chúng ta đã trở thành nước đứng đầu ASEAN tăng trưởng xuất khẩu vào Trung Quốc.
Điều này thể hiện Đảng và Chính phủ hai nước rất quan tâm đến việc đẩy mạnh thương mại, từng bước giảm dần nhập siêu của Việt Nam để lành mạnh hóa cơ cấu xuất nhập khẩu giữa hai bên.
Hiện nay, chúng ta không chỉ xuất vào Trung Quốc các mặt hàng truyền thống như nông, lâm, thủy hải sản mà mở rộng nhiều mặt hàng công nghiệp. Đây là một xu thế đáng mừng, chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam đang có bước phát triển hết sức lành mạnh./.
PV: Xin cảm ơn Đại sứ./.



Hà Thắng - Lê Bảo/VOV-Bắc Kinh

Tổng bí thư thăm chính thức Trung Quốc


Nhận lời mời của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, sáng nay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Hà Nội đi thăm chính thức Trung Quốc. 
Tổng bí thư thăm chính thức Trung Quốc
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN
Tham gia đoàn cùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có các ông: Võ Văn Thưởng, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ; Phạm Bình Minh, ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao; Ngô Xuân Lịch, ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng; Tô Lâm, ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an; Nguyễn Văn Nên, Bí thư TƯ Đảng, Chánh Văn phòng TƯ Đảng; Đỗ Bá Tỵ, ủy viên TƯ Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt-Trung; Hoàng Bình Quân, ủy viên TƯ Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại TƯ; Phan Đình Trạc, ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính TƯ. 
Các ông: Nguyễn Chí Dũng, ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Xuân Cường, ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Trần Tuấn Anh, ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Công Thương; Nguyễn Hoàng Anh, ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng; Lê Hoài Trung, ủy viên TƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Tổng thư ký UB Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc, Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam-Trung Quốc; Hồ Mẫu Ngoạt, Trợ lý Tổng bí thư, Phụ trách Văn phòng Tổng bí thư; Nguyễn Khắc Chử, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu; Đặng Minh Khôi, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc cùng tham gia đoàn.
Theo TTXVN

Không có nhận xét nào: