Thứ Năm, 5 tháng 1, 2017

TBT Nguyễn Phú Trọng sắp đi thăm Trung Quốc; bài của Quốc Phong về cuộc chiến Vị Xuyên 1/1987 đành " treo"...

THẬT TIẾC, BÀI TÔI VIẾT NÀY. CŨNG CÓ Ý CHỌN 30 NĂM TRÒN VỀ CUỘC CHIẾN KHỐC LIỆT ĐỂ VIẾT NHƯNG RỒI CŨNG KHÔNG ĐƯỢC VÌ NGHE NÓI SẮP TỚI TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG ĐI THĂM TRUNG QUỐC NÊN " NHẠY CẢM". THÔI ĐÀNH LỖI HẸN VỚI NHỮNG NGƯỜI ĐÃ NGÃ XUỐNG NĂM XƯA .MONG CÁC ANH AN NGHỈ NƠI XA ẤY HÃY YÊN GIẤC NGÀN THU. 5 NĂM NỮA SẼ NHẮC LẠI VẬY CÁC ĐỒNG ĐỘI NHÉ !
Vị Xuyên - Hà Giang ngày này 30 năm trước (5/1/1987-5/1/2017):
TRẬN CHIẾN KHỐC LIỆT CUỐI CÙNG BẢO VỆ BIÊN GIỚI
Quốc Phong
Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc nước ta chống lại lối hành xử kiểu uy hiếp của nước lớn bằng quân sự-thứ tư tưởng bành trướng Đại Hán mà chúng ta quen gọi "Chủ nghĩa bá quyền nước lớn"đối với Việt Nam. Nó đã được phát động từ ngày 17/2/1979 và kéo dài cho đến tận 10 năm sau. Tức là vào năm 1989,chiến tranh biên giới mới thực sự kết thúc.
Nhưng nếu nói đến sự ác liệt của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới nói trên, có lẽ cuộc tấn công của đối phương vào ngày 5/1/1987 ở mặt trận Vị Xuyên-Hà Giang có thể xem như là một trong vài ba trận chiến khốc liệt nhất. Đáng nhớ nhất đối với những người lính chúng ta trong suốt 10 năm đó ( trừ trận mở đầu vào 17/2/1979 trên toàn tuyến biên giới phía Bắc thì thường nhiều người nhớ hơn do nổ ra trên diện rộng ); các trận vào tháng 4-7/1984 tại nhiều điểm; các trận trong tháng 9- 10/1986 và trận 5 -7/1/1987 cùng tại Hà Giang có thể được coi là những trận chiến đấu lớn không thể lãng quên và cần ghi vào sử sách. Nên xem nó ( trận ngày 5-7/1/1987) như là chận chiến đấu khốc liệt cuối cùng trong cả chục năm chúng ta bảo vệ biên giới phía Bắc.
+ Tiếng nói của vị tướng trực tiếp cầm quân
Trung tướng Đặng Quân Thuỵ,nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Tư lệnh Quân khu 2 đã hồi tưởng lại câu chuyện của chính ông đúng 30 năm về trước cho tôi nghe.
Năm 1986, khi chiến tranh biên giới phía Bắc đang là lúc có nhiều khó khăn, ông đảm trách cương vị Tư lệnh Binh chủng Hoá học thì được Bộ Quốc phòng bổ nhiệm cương vị Phó Tư lệnh Quân khu 2. Ông được Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Quân khu giao cho ông kiêm nhiệm Tư lệnh Sở chỉ huy Mặt trận tiền phương thay thiếu tướng Lê Duy Mật, một vị tướng chỉ huy lâu năm trên mặt trận Vị Xuyên- Hà Giang bị ốm phải đi viện.
Ông Đặng Quân Thuỵ cho biết :
"Cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở hướng Hà Giang- Vị Xuyên có thể xem là cuộc chiến ác liệt nhất, kéo dài nhất, quy mô nhất mà cả ta và đối phương đều dùng lực lượng chủ lực quân, vừa đông đảo lại vừa tinh nhuệ nhập cuộc. Do đó, lực lượng ta phải vừa đấu lực và nhất là đấu trí với họ kéo dài trong suốt cả chục năm này .
Trước đó, để sẵn sàng đối phó với cuộc tấn công của Trung Quốc sang nước ta, Quân khu 2 đã phải dàn quân chuẩn bị chiến đấu trên cả 3 hướng : Lào Cai, Lai Châu và Hà Tuyên ( hồi đó chưa tách tỉnh như sau này ). Từ 1984, khi nắm được ý định của đối phương, Bộ Tư lệnh QK đã quyết định tập trung lực lượng vào hướng xung yếu là huyện Vị Xuyên của tỉnh Hà Giang ngày nay. Ngoài Sư đoàn ( F) 313 là sư đoàn phòng ngự tại chỗ, Quân khu 2 đã nhanh chóng điều động lực lượng tăng cường như F314, F356 và có lúc cả F316 của Quân đoàn 29 lên. Tiếp đó, khi Bộ tăng cường chi viện, mặt trận Hà Tuyên còn có các F 312,F328 , F325,F3, F31 cùng nhiều trung đoàn thuộc các quân khu bạn và nhiều binh chủng khác của Bộ tham gia.
Sau trận đánh tuy được coi là thắng lợi nhưng thực ra cũng không thật thành công vào tháng 7/1984, Bộ Tư lệnh QK đã xác định phải hình thành một thế trận vững chắc, đánh dài ngày và không được nóng vội, vừa đánh vừa phải tìm ra phương thức tác chiến hiệu quả. Phải biết lợi dụng địa hình, hang động hiểm trở làm các trận địa,các chốt kiên cố đánh trả các cuộc tấn công của đối phương, đồng thời, cần phải tính toán lực ứng trực luân phiên lên chốt thì mới đủ sức chiến đấu lâu dài và đủ đảm bảo thế trận luôn luôn vững chắc.
Chính nhờ có quan điểm sáng suốt này của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng, quân đội ta đã làm thất bại âm mưu thâm độc của phía Trung quốc có ý đồ đánh Vị Xuyên- Hà Tuyên để gây sức ép và làm suy yếu quân đội Việt Nam. Chúng ta, trong thực tế cũng đã làm cho quân chủ lực đối phương suy yếu nặng nề và phải rút lui, chấm dứt 10 năm gây chiến với chúng ta ở dọc biên giới phía Bắc"
Quay trở lại trận đánh ngày 5/1/1987. Theo trung tướng Đặng Quân Thuỵ, "trước đó đã có những dấu hiệu của một cuộc chiến đấu lớn sẽ diễn ra. Khi mỗi ngày trinh sát ta phát hiện có đến gần 300 xe cơ giới ra phía trước và những sự chuyển động bên kia biên giới một cách không bình thường...
Chúng ta cũng đã ứng phó kịp thời và bổ xung lực lượng sẵn sàng đáp trả. Các lực lượng trinh sát và đài quan sát được lệnh theo dõi mọi động tĩnh của địch rồi báo cáo cấp trên để nghiên cứu các tình huống có thể và phương án đối phó. Cơ quan chính trị thì chuẩn bị sẵn tư tưởng cho bộ đội sẽ tác chiến dài ngày. Chỉ huy Mặt trận cùng các sư trưởng xuống đơn vị kiểm tra, bổ xung các phương án tác chiến và sẵn sàng chiến đấu. Công tác tăng cường củng cố công sự,trận địa bảo đảm hậu cần cho cuộc chiến như việc dự trữ súng đạn, lương thực, thực phẩm khô, thuốc men cho bộ đội ta ra sao, được quân đội ta chủ động khá tốt. "
Vì đánh nhau lâu dài trên các chốt ở núi cao, bộ đội bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, bệnh ngoài da rất phổ biến. Ngành quân y ngày đó đã phải nghiên cứu để sáng tạo ra cả chiếc khăn sát trùng để" tắm khô" cho bộ đội sử dụng khi giữ chốt mà chưa hết phiên xuống núi. Đây là chuyện hết sức độc đáo của bộ đội ta khi giữ chốt.
"Từ ngày 5 đến 7/1/1987, Trung Quốc sử dụng một số lực lượng cấp sư đoàn, lại được pháo binh chi viện mở chiến dịch nhằm vào 13 điểm tựa của ta mà mục tiêu chủ yếu là đồi Đài ,đồi Cô Ích,đồi 1100, Minh Tâm,Pa Hán.... Mặc dù đối phương bắn tới trên 150.000 quả đạn pháo trong 3 ngày để chi viện bộ binh liên tục tiến công (có ngày tới 7 đợt ) nhưng đều bị bộ binh và pháo binh ta ngăn chặn ngay trước trận địa và buộc phải rút lui. Chỉ huy Mặt trận nhận định địch đã thất bại nặng nề.
Vào chính những ngày này, Đại hội VII Toàn quốc của Đảng ta đã diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Vậy xem ra họ có ý đồ phía sau rất rõ.
Có đêm ta thấy hiện tượng lực lượng địch mặc áo trắng đi qua đi lại để nhặt xác đồng đội. Chỉ huy sư đoàn báo cáo lên trên và chỉ huy Mặt trận đã quyết định dừng nổ súng. Đồng thời, chúng ta gọi loa thông báo rõ, Việt Nam đang thực hiện chính sách nhân đạo nên không tấn công tiếp, tạo điều kiện cho họ đưa xác binh lính của mình ra khỏi vùng chiến sự an toàn" - Trung tướng Đặng Quân Thuỵ kể.
+ Sử sách cần ghi đầy đủ lại cho hậu thế
-------------------------------
Các báo, đài và hãng thông tấn nước ngoài như Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, AFP, Reuter ... đều đưa rất đậm thông tin về chiến sự nói trên. Nó được xem là một trong những cuộc xung đột mạnh nhất kể từ sau cuộc chiến tranh biên giới 17/2/1979. Nhiều nguồn tin phương Tây cho hay phía Trung quốc bị thiệt hại đến hơn 4 ngàn quân trong 5 ngày đó và không phải như họ che dấu là chỉ bị thiệt hại gần 500 quân (!!!).
Chỉ riêng mặt trận Vị Xuyên, Trung Quốc đã từng điều 17 sư đoàn thuộc 10 quân đoàn chủ lực thuộc 8 Đại Quân khu ,một số sư đoàn của các quân khu khác cùng 5 sư,lữ đoàn pháo binh với quân số khoảng 50 vạn là đủ hiểu họ tung sức vào huyện Vị Xuyên chúng ta kiểu "lấy thịt đè người" ghê gớm mức nào .
----------------
Theo tìm hiểu của chúng tôi,sau trận chiến ( 5-7/1/1987) này, chiến sự biên giới giảm dần. Chỉ còn những trận bắn pháo và những xung đột nhỏ và kéo dài thêm cho đến 1988 . Sang đến 1989 thì các vị trí Trung Quốc chiếm đóng đã bị chúng ta cô lập và bị tổn thất nhiều khiến họ phải chia làm nhiều nhóm rồi lẳng lặng rút dần khỏi các vị trí trên đất Hà Giang về nước. Theo số liệu điều tra, chỉ riêng trên mảnh đất Hà Giang từ 1984-1989, Trung Quốc đã bị thiệt hại trên 20 ngàn quân, phá hủy 200 khẩu pháo cối, 170 xe vận tải và nhiều kho tàng, trận địa…
Về phía chúng ta, chỉ ở mặt trận Vị Xuyên trong suốt 5 năm gian khổ chiến đấu và giữ chốt bảo vệ biên cương,có khoảng 4 ngàn cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang cũng đã anh dũng hy sinh. Trong đó,có đến 2 ngàn người đến nay vẫn chưa tìm thấy xác . Có những trận địa bị pháo địch nã liên tục, trơ đá và trở thành những "lò vôi thế kỉ"( cụm từ được quen gọi hồi đó ) giữa núi cao ,rừng sâu ...
" Trận chiến 5-7/1 này có ý nghĩa rất quan trọng đối với cục diện chiến trường vì nó là cuộc chiến đấu then chốt gây cho địch thiệt hại nặng nề, làm giảm sút ý chí xâm lược của kẻ địch. Sau những cuộc chiến đấu ác liệt này, sức tấn công của địch suy giảm. Các vị trí chiếm giữ của đối phương tiếp tục bị bao vây chia cắt lực lượng bị tiêu hao, làm cho họ không thể thực hiện được ý đồ chiếm đất của ta lâu dài và buộc phải rút quân về nước..." - ông Đặng Quân Thuỵ đã phân tích với tư cách là vị Tư lệnh trực tiếp của Sở Chỉ huy Mặt trận tiền phương hồi đó.
Sau trận trên, chúng ta chủ yếu đánh lực lượng thám báo, biệt kích thâm nhập biên giới và đánh trả pháo cối của đối phương ở Bắc Vị Xuyên cho đến khi chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến nói trên ở biên giới Việt -Trung.
Cuộc chiến đấu bảo vệ mảnh đất Vị Xuyên - Hà Tuyên( tên cũ) thấm đẫm biết bao máu xương của người chiến sĩ và dân quân ,đồng bào địa phương chúng ta. Lịch sử luôn ghi lại và cần được nhìn nhận nó một cách khách quan , chính xác để làm căn cứ xác đáng, tính tới chuyện ghi lại các sự kiện đó vào bộ Quốc sử cho hậu thế lưu giữ nhưng cũng không phải và không hề có ý kích động,chia rẽ,gây hận thù và làm phức tạp tình hình.
Tôi vừa được đọc một cuốn sách " Lịch sử lực lượng vũ trang Quân khu 2 ( 1946-2016) do Quân khu biên soạn và ấn hành cách đây 2 tháng.
Nếu đối chiếu với những gì vị trung tướng, nguyên Tư lệnh Quân khu 2 Đặng Quân Thuỵ ( 1987-1992) và ký ức của một số cán bộ chỉ huy các đơn vị đã tham gia chiến đấu trực tiếp hồi tưởng lại thì hình như đang có nhiều điều cần bổ xung giữa sử sách với thực tiễn chiến đấu khốc liệt của lực lượng vũ trang Quân khu 2 đã xảy ra ở biên giới giai đoạn này.
Một cuốn sách có độ dày hơn bảy trăm trang thể hiện cả một chặng đường 70 năm đã qua. Nhưng tôi thấy cuốn sách chỉ dành có gần 2 trang nêu diễn biến cuộc chiến đầy hy sinh ác liệt trong suốt 5 năm trời (1984-1989) của các lực lượng vũ trang Quân khu trước khi chiến tranh biên giới kết thúc là chưa tương xứng với sự hy sinh to lớn đã xảy ra nơi mảnh đất này...
Đây có lẽ là điều cần sớm điều chỉnh, bổ sung kỹ hơn nữa để lưu lại cho hậu thế về một trang sử đặc biệt đầy khó khăn nhưng đầy hào hùng của dân tộc.
Cách tổng kết cần toát lên được một điều : Trận chiến từ 5/1-7/1 /1987 là trận chiến ác liệt cuối cùng góp phần rất quan trọng khiến đối phương không thể toan tính hòng kéo dài thêm nữa việc họ chiếm đóng mảnh đất địa đầu Tổ quốc, thuộc chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam ta bởi những tổn thất nặng nề mà họ đã chuốc lấy. Nó cũng là sự ghi nhận công tâm những hy sinh to lớn mà những gì bộ đội, dân quân ,tự vệ và nhân dân ta đã chiến đấu vì mảnh đất địa đầu của Tổ quốc. Dân tộc Việt Nam ta tự ngàn xưa đã luôn mong muốn có hoà bình và luôn giữ hoà hiếu với các nước láng giềng bởi một lễ rất giản đơn như cổ nhân đã dạy :"Bán anh em xa mua láng giềng gần" . Nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc cũng luôn mong muốn như thế bởi một lẽ,nếu chiến tranh xảy ra, dù thế nào đi nữa thì các bên đều tổn thất, đều mất mát... Và, đó cũng là bài học của mọi cuộc chiến tranh.
Q.Ph.
----chú thích ảnh 1 :
Trung tướng Đặng Quân Thuỵ và tác giả đang trao đổi nội tư liệu
-----chú thích ảnh 2:
Trung tướng Đặng Quân Thuỵ
----chú thích 3
Tư lệnh Mặt trận kiểm tra hầm pháo ở Vị Xuyên
-----chú thích 4:
Tư lệnh Mặt trận thăm các đơn vị ở Vị Xuyên trước khi nổ ra trận chiến khốc liệt 5/1/1987

Không có nhận xét nào: