Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

Việt Nam thua Thái Lan 16 năm phát triển và chưa đuổi kịp được Philippines

Dân trí "So với Thái Lan, chúng ta phải mất 16 năm để đuổi kịp trình độ của họ. So với Philippines, quốc gia đang cạnh tranh vị trí trực tiếp với Việt Nam, thì chúng ta vẫn luôn ở vị trí theo sau mà chưa thu hẹp được, để vượt họ thì còn cả vấn đề lớn", thực trạng nền kinh tế Việt Nam vừa được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nêu ra trong cuộc họp tổng kết cuối năm.
 >> Về công nghệ, Việt Nam tụt hậu so với các nước Đông Nam Á hơn 40 năm
 >> Không cải cách, Việt Nam sẽ còn tụt hậu rất xa
 >> Phát triển con người của Việt Nam đang chậm dần và tụt hậu

Tại Hội nghị tổng kết công tác ngành năm 2016, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nêu rõ hiện nền kinh tế đã và đang bộc lộ rất nhiều điểm nghẽn từ bộ máy, từ con người, từ cách quản lý cũ khi thế giới đang thay đổi hàng ngày, hàng giờ.
"Chúng ta chưa giải được bài toán tại sao tăng trưởng vẫn dưới tiềm năng và nền kinh tế trước nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình đang hiện hữu", ông Dũng nói.
Dù có nhiều đột phá đổi mới, nhưng Việt Nam vẫn chưa đuổi kịp và giảm khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực
Dù có nhiều đột phá đổi mới, nhưng Việt Nam vẫn chưa đuổi kịp và giảm khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực
Để minh họa cho sự gấp gáp phải đổi mới, cải cách nền kinh tế, ông Dũng nêu ví dụ: "Mỗi sáng ở Châu phi một con linh dương thức dậy, nó phải hiểu rằng phải chạy nhanh hơn con sư tử chạy nhanh nhất không thì sẽ chết. Ngược lại con sư tử cũng phải hiểu rằng nó phải chạy nhanh nhất, hơn cả linh dương, không thì cũng chết đói. Và trong quy luật tự nhiên thì không chạy nhanh sẽ đào thải".
Chính vì vậy, vị trưởng ngành KH&ĐT - đơn vị được coi là kiến trúc sư trưởng cho đổi mới, cải cách nền kinh tế khẳng định: Đã đến lúc phải nghiêm túc và tìm cho được lời giải tại sao tăng trưởng của chúng ta vẫn dưới tiềm năng; tại sao nguy cơ tụt hậu vẫn hiện hữu với đất nước; làm thế nào để vượt qua bẫy thu nhập trung bình… Tăng trưởng cao nhưng chúng ta vẫn là tăng trưởng thâm dụng vốn, lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên.
Bộ trưởng Dũng cho rằng: “Chúng ta đã không còn là một quốc gia nghèo, chậm phát triển nhưng chặng đường phát triển thành quốc gia giàu mạnh thì còn rất dài. Nếu phải mất 25 năm nữa đổi mới để đạt tư cách đang phát triển ở mức thu nhập trung bình thấp. Để trở thành 1 nước thu nhập trung bình cao và phát triển thì chúng ta phải mất nhiều hơn thế, là tầm nhìn 30 – 50 năm nữa".
Riêng về ngành mình, ông Dũng tuyên bố và đề nghị mỗi cán bộ, cá nhân ngành KH&ĐT phải có khát vọng vươn lên, đổi mới... "Bộ sẽ không có chỗ cho những ai trì trệ, quan liêu, chậm đổi mới".
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, hiện xét về quy mô nền kinh tế, Việt Nam hiện đứng thứ 6, thu nhập bình quân đúng thứ 7, về xếp hạng năng lực cạnh tranh đứng thứ 5… trong ASEAN. Tuy nhiên, các nước đứng trên Việt Nam không chờ chúng ta vượt qua. Các nước đứng sau Việt Nam hiện cũng đang cải cách mạnh mẽ, họ không chịu đứng sau và sẽ vượt qua Việt Nam nếu chúng ta cứ bước đi chậm trễ như hiện nay.
Cụ thể, so với Thái Lan, chúng ta sẽ mất 16 năm để đuổi kịp trình độ hiện tại của họ. So với Philippines, quốc gia đang cạnh tranh vị trí trực tiếp với Việt Nam thì chúng ta vẫn luôn ở vị trí bám theo họ mà chưa thu hẹp được khoảng cách, để vượt họ thì còn cả vấn đề lớn.
Do vậy, “Làm thế nào để rút ngắn khoảng cách thời gian này. Thời gian là vàng nhưng cũng là kẻ thù. Là vàng khi chúng ta tận dụng được cơ hội, hành động đúng để vươn kịp thời đại. Là kẻ thù khi chúng ta để chúng trôi đi một cách vô nghĩa”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Trước quyết tâm của Bộ KH&ĐT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tăng trưởng mà chỉ một bộ phận này giàu lên rất nhanh còn bộ phận kia nghèo đi thì không phải tăng trưởng tốt, bao trùm. Thủ tướng đề nghị, Bộ KH&ĐT phải có chương trình cải cách tốt nhất để xứng tầm kiến trúc sư trưởng của đất nước.
“Một kiến trúc sư giỏi là trong điều kiện nguồn lực eo hẹp nhất vẫn có thể đưa ra một thiết kế tốt nhất. Chúng ta đang trong bối cảnh nguồn lực eo hẹp vậy thì cách tính toán nào cho có hiệu quả nhất. Đó là câu hỏi, một bài toán lớn đặt ra cho Bộ KH&ĐT”, Thủ tướng nói.
Nguyễn Tuyền

Không có nhận xét nào: