(Thời sự) - Khi việc khắc phục và đền bù sự cố môi trường Formosa vẫn còn chưa hết nhức nhối thì mới đây ông Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (BTNMT) Nguyễn Linh Ngọc cuối cùng đã ký quyết định cho nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nhấn chìm gần 1 triệu m3 bùn thải xuống vùng biển gần khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Cau.
Vị thứ trưởng Linh Ngọc này bảo đã có cuộc bỏ phiếu của 22 người gồm các chuyên gia ngành, đại diện địa phương Bình Thuận và đa số trong đó đã đồng ý quyết định này. Nhưng không biết đa số trong đó là ai, người nào bỏ phiếu? Trong khi cách đây 8 tháng, vị Bộ trưởng Trần Hồng Hà của Bộ TNMT này đã còn kiên quyết nhấn mạnh, “không thể đổ chất thải xuống biển”? Chẳng lẽ ông Thứ trưởng dám vượt quyền Bộ trưởng?
Lâu nay trên nhiều diễn đàn chính thức, các nhà khoa học đã phản đối việc cho đổ thải bởi khu vực đổ chất thải là một vùng biển có vai trò cực kỳ quan trọng bởi là vùng nước trồi, là ngư trường rất lớn của Việt Nam, có giá trị to lớn, lâu dài về môi trường, nhất là đa dạng sinh học. Một diện tích rất lớn san hô đáy sẽ bị vùi lấp trong khi chỉ cần một lớp mỏng bụi lắng đọng vùi lấp là san hô đã chết, kéo theo mất vùng sinh thái của nguồn lợi khu vực.
Thậm chí, đại diện Khu bảo tồn biển Hòn Cau đã khẳng định “Dự án có quá nhiều điều không hợp lý”, nhất là các luận cứ trong đánh giá tác động của dự án có một số vấn đề không ổn. Theo đó đặc điểm địa hình khu vực nhận chìm không xét tới các yếu tố dòng chảy trong khu vực. Căn cứ dẫn chứng trong hồ sơ xin nhận chìm 1,5 triệu m3 vật liệu nạo vét của Vĩnh Tân 1 là tài liệu quan trắc thủy triều của một công ty tư vấn Trung Quốc. Các tài liệu nghiên cứu của Viện Hải dương học Việt Nam cũng như các tài liệu về vùng nước trồi trong khu vực được công bố đã không được đưa vào căn cứ này.
Hơn nữa, dự án sẽ lấp 30 ha mặt đáy biển với chiều cao 3 m chất thải, như vậy độ lan tỏa theo dòng hải lưu sẽ là không nhỏ. Nếu dự án chỉ đánh giá tác động trong khu vực xã Vĩnh Tân mà không tính đến tác hại của cả khu vực rộng là chưa đủ. Bởi, biển là một thực thể chuyển động liên tục và không ai dám đảm bảo khối bùn thải ấy sẽ không như một con quái vật di chuyển để phá hoại các vùng biển khác. Quan trọng hơn, tiền lệ này sẽ kéo theo những lần khác. Chắc chắn, đây không phải là vụ chôn chất thải xuống biển duy nhất. Quá bức xúc về vấn đề này, TS Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang đã nhấn mạnh, Bộ TNMT và ông thứ trưởng đã kí quyết định này, “phải chịu trách nhiệm về quyết định này”.
Rõ ràng đây là sự việc tối hệ trọng, có thể tạo ra mội thảm họa môi sinh biển không chỉ phá hủy Khu bảo tồn biển Hòn Cau mà có thể tác động sâu rộng vùng bờ biển tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, tiêu diệt môi sinh, ngư trường địa phương miền Trung Nam Bộ. Một câu hỏi đặt ra, làm sao có chuyện hàng trăm ngàn, hàng triệu người này lại có thể cho phép hội đồng 22 người bỏ phiếu theo lời ông Thứ trưởng ấy để ra một quyết định được cho là sẽ phương hại mãi mãi, không thể cứu vãn đến môi sinh mình sinh sống như thế?
Bộ Tài nguyên và Môi trường tin rằng thứ thải ra của nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 là an toàn?
Có lẽ không cần trình bày thêm về sự dịch chuyển công nghệ nhiệt điện của người Trung Quốc cũng như tác hại của những vùng đất là điểm đến của sự dịch chuyển này nhận lãnh. Qua thống kê chỉ trong năm 2015 các loại bệnh liên quan đến ô nhiễm, nhóm nghiên cứu đã tách ra số người chết yểu liên quan đến nhiệt điện than ở VN là 4.300 người mỗi năm.
Bởi khói thải từ nhiệt điện than có thể bay hàng trăm kilômet, tạo bụi siêu nhỏ – liên quan đến hàng ngàn cái chết ở VN, chưa kể những ảnh hưởng đến chất lượng đất, mùa màng nhiều nơi… “Chỉ một Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã thải ra 4.400 tấn tro và xỉ than/ngày, giải pháp để quản lý thế nào? Trong khi ở Vĩnh Tân sắp tới sẽ có tới bốn nhà máy, với tổng công suất trên 5.000 MW” – Ông Hồ Trung Phước, giám đốc Sở Khoa học – công nghệ Bình Thuận thừa nhận. Và minh chứng rõ nhất, hãy nghe những gì người dân Bình Thuận phải chịu đựng khi cơn ác mộng nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân về đây.
Đầu năm 2017, Trung Quốc quyết định đóng cửa hàng loạt nhà máy nhiệt điện chạy than trong cả nước. Nguyên nhân là do lượng khí thải từ những nhà máy này gây ô nhiễm môi trường đến mức báo động. Thế nhưng ở Việt Nam, rất nhiều dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện than với quy mô hàng chục tỷ USD lại được phê duyệt rầm rộ, đặc biệt là những dự án này đa phần do Trung Quốc đầu tư.
Ông Lauri Myllyvirta, thành viên nhóm nghiên cứu Đại học Harvard, dẫn báo cáo cả khu vực Đông Nam Á và VN cảnh báo nếu cứ phát triển nhiệt điện than, VN cũng ô nhiễm không khí như Bắc Kinh, khi ra đường có thể không thấy mặt nhau. Và chúng ta đang phải chịu đựng những công nghệ chuyển giao lạc hậu này. Thử hỏi với cái công nghệ này thì chất thải khi ra ngoài sẽ được xử lý tới đâu hay thậm chí không được xử lý ?Nghiệm trọng và nguy hại là thế ấy vậy mà các nhà quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường tin rằng thứ thải ra của nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 là an toàn?
“Đất nước mình một dải biển nhọc nhằn cũng vì công nghiệp bẩn, cũng vì thói quản lý cẩu thả, vô trách nhiệm. Đất nước mình con sóng phong ba, cũng bởi thói dửng dưng trước những hiểm hoạ môi trường đầy dự báo. Đất nước mình giọt biển mặn đắng vì những thứ chúng ta im lặng và chấp nhận hôm nay, chính là sợi dây thòng lọng đang thít chặt dần vào cổ của con em mình”. – Xin mượn 1 câu nói tâm huyết của ai đó để nói lên tâm tư của mình.
Thu An
http://quochoi.org/cai-gia-nao-danh-cho-gan-1-trieu-m3-bun-thai-xuong-vung-bien-binh-thuan-tu-nha-may-trung-quoc.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét