Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2017

TRẬN 12/7/1984 VỊ XUYÊN HÀ GIANG LIÊN QUAN GÌ VỚI SỰ THẤT SỦNG CỦA MỘT SỐ TƯỚNG LĨNH " PHE" TƯỚNG GIÁP

Phạm Viết Đào.
Kết quả hình ảnh cho tướng lê duy mật
Tướng Lê Duy Mật, Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Giang đứng cạnh Tướng Đoàn Khuê tại chỉ huy sở mặt trận đặt ở Làng Ping, Vị Xuyên ( Ảnh Tướng Lê Duy Mật cung cấp cho P.V.Đ 0

Ngày 12/7 hàng năm, các cựu chiến binh từng tham chiến tại mặt trận Vị Xuyên Hà Giang chọn làm "Ngày giỗ trận"...Nhiều hoạt động thăm viếng, dâng hương tưởng niệm, thăm lại chiến trường xưa thường được nhiều gia đình và nhiều CCB tự động tổ chức...
Ngày 12/7/1984 là ngày nổ ra một trận đánh lớn, Bộ Tổng tham mưu và Quân khu 2 đã tập trung 5 trung đoàn của 5 sư đoàn thuộc diện sừng sỏ, danh tiếng nhất của Quân đội nhân dân VN tố chức phản công, đánh chiếm lại một số ngọn đồi thuộc khu vực cửa khẩu Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang bị quân Trung Quốc lấn chiếm từ 1980 đến 1984.
Trận 12/7/1984 mang mật danh MB 84...
Các sư đoàn tham chiến trận đánh này:
-Sư đoàn 312, tiền thân là Đại đoàn 312 từng chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ 1954; sư đoàn này gắn với tên tuổi của Đại tướng Lê Trọng Tấn; 
-Sư đoàn 316 từng tham gia đánh Điện Biên Phủ, tham gia đánh trận mở màn Buôn Ma Thuột 3/1975; Sư đoàn này gắn với tên tuổi của Đại tướng Chu Huy Mân, Thượng tướng Vũ Lập...
-Sư đoàn 356 được thành lập mùa xuân 1975 mà nòng cốt được nhân bản từ Sư đoàn 316; Sư đoàn này được thành lập trên đất Nghệ An để tung vào trận quyết chiến mùa xuân 1975 tại chiến trường Tây Nguyên;
-Sư đoàn 314 được huy động để đảm nhận một mũi tấn công;
-Trung đoàn pháo binh 457 của Sư đoàn 313, một đơn vị pháo binh thông thuộc địa hình Hà Giang tham gia trợ chiến...
Đốc chiến trận 12/7/1984 về phía Bộ chỉ huy Quân khu 2 có:
- Thượng tướng Vũ Lập- Tư lệnh Quân khu 2, tên thật là Nông Văn Phách, một trong số 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành lập 22/12/1944 do Tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy;
-Tướng Lê Duy Mật, Chỉ huy trưởng Mặt trận Vị Xuyên Hà Giang, một viên tướng nổi tiếng trong các trận đánh ở chiến khu Đông Triều trước 8/1945 dưới quyền chỉ huy của Tướng Nguyễn Bình. 
Lê Duy Mật được coi là vị tướng trải ngàn trận nam chinh bắc chiến; là một trong những sĩ quan cao cấp được cử vào chiến trường Nam Bộ 1963 đảm nhận Phó Tư lệnh quân khu 8-9 kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 8-9 trong suốt chiến tranh chống Mỹ...
Kết quả hình ảnh cho tướng lê duy mật
Tướng Lê Ngọc Hiền ( đeo kính), Phó Tổng tham mưu trưởng phố biến kế hoạch MB 84, Tướng Lê Duy Mật ngồi quay lưng...( Ảnh do Tướng Lê Duy Mật cung cấp cho PVĐ)
-Tướng Lê Ngọc Hiền-Phó Tổng tham mưu trưởng-Bộ Tổng tham mưu;
-Tướng Hoàng Đan, sĩ quan đầu tiên đưa quân vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975...
Mặc dù Bộ Tổng tham mưu và Quân khu 2 đã hạ quyết tâm lớn, đưa một lực lượng hùng hậu vào để đẩy lùi quân Trung Quốc xâm lược nhưng không đạt kết quả. Không những thế còn chịu tổn thất nặng nề...
Qua nhiều năm tìm hiểu, truy tầm, đối chứng nhiều nguồn tin, blog Phạm Viết Đào tạm đưa ra 1 thông tin được 2 nguồn tin đáng tin cậy cung cấp:
-Nguồn tin thứ nhất từ một người nặc danh nhận là người nhà của Tướng Đỗ Bá Tỵ, thời điểm 1984 ông ở cương vị Tiểu đoàn trưởng của Sư 313 cho biết: Trận 12/7/1984 quân ta tổn thất mất quãng 2000 chiến sĩ;
-Nguồn tin thứ 2 từ nhà thơ Ngọc Bái, năm 1984 ông là cán bộ tuyên huấn của Quân khu 2; Sau chiến tranh ông GĐ Sở Văn hóa-thông tin Yên Bái . Một lần gặp nhau ở Hội Nhà văn Việt Nam, ông cho biết: Trận đó ta hy sinh mất 2000 sĩ quan và chiến sĩ...
Trong chiến tranh được thua là chuyện thường tình, sự hy sinh mất mát là điều khó tránh...Dịp 12/7 năm nay, blog Phạm Viết Đào trở lại trận 12/7/1984 để khôi phục lại một số bài từng điều tra, một số tư liệu sưu tầm cũ và mới về các diễn biến liên quan đến trận đảnh này ...
Trận 12/7/1984 có liên quan gì tới thất sủng, cái chết đột ngột của 2 đại tướng và 1 thượng tướng được cho là thuộc " phe" tướng Giáp? Trong số này có 2 vị liên đới chịu trách nhiệm về trận 12/7/1984...
Có nguồn tin cho rằng: Trận 12/7/1984 quân Tướng Giáp đã bị " bán độ" cho Trung Quốc nên phải chịu thất trận ?
Loạt bài điều tra này nhằm góp phần bạch hóa một số thông tin bấy lâu nay bị bưng bít liên quan tới cuộc chiến ở Vị Xuyên,Hà Giang cách đây hơn 30 năm ...


Bài 1:-MỘT VÀI DẤU HỎI ĐẶT RA VỀ VIỆC SỬ DỤNG PHÁO BINH TRONG TRẬN ĐÁNH CAO ĐIỂM 772 THANH THỦY, HÀ GIANG NGÀY 12/7/1984 ?
Posted by ttxcc2 trên 29/07/2012
Điều tra của Phạm Viết Đào.
– Chiến dịch mang mật danh MB 84 mở màn 12/7/1984 có 2 vấn đề tồn nghi cần được làm sáng tỏ: 

1. Kế hoạch tác chiến của BB 84 có bị bại lộ ?

2.Pháo binh ta không hợp đồng tác chiến tốt, có những thời điểm, mũi tấn công pháo ta bắn nhầm vào quân ta ???

3.Trong bài viết này do là người ngoại đạo nên khi viết, phân tích về các vấn đề chiến tranh người viết có thể sử dụng những thuật ngữ quân sự không chuẩn xác, sự phân tích đánh giá có chỗ nào chưa đúng, chưa thỏa đáng, chưa chính xác mong các CCB chỉnh giúp cho…
Trong chiến tranh hiện đại, binh chủng pháo binh là một binh chủng hợp thành hỏa lực với bộ binh, theo các nguồn tin mà chủ blog thu thập được thì tại chiến trường Vị Xuyên Hà Giang, mỗi sư đoàn tham chiến ở đây đều được biên chế 1 trung đoàn pháo binh…
Chủ blog đã điện thoại cho CCB Nguyễn Đình Hát, ông nguyên là Trung đoàn trưởng Trung đoàn pháo binh 457 của F 313, hiện gia đình ông đang ở Thường Tín, Hà Nội, ông cho biết: “Trong chiến dịch MB 84 mở màn đêm 11 rạng ngày 12/7/1984 có 3 đơn vị pháo binh tham gia chiến dịch này; Đó là các đơn vị: Trung đoàn pháo binh 456- F 356; Trung đoàn 457-F 313 và Lữ đoàn pháo 168”…
Theo CCB Nguyễn Đình Hát thì mỗi trung đoàn pháo binh được trang bị 36 khẩu các loại D 130, 1 tiểu đoàn pháo 85 và 1 tiểu đoàn lựu pháo 105…
Trong trận 12/7/1984 Trung đoàn 457 của ông đã nổ súng hiệp đồng bắn vào các mũi thuộc phía đông 1509 ( các điểm cao 772, 685, 233 ); mỗi đại đội được phân công một khu vực…Như vậy thông tin của CCB Nguyễn Đình Hát xác nhận ý kiến của CCB Trần Ngọc Viên trong bài “CCB TRẦN NGỌC VIÊN LÍNH PHÁO CỦA F 313 KỂ VIỆC THAM GIA CHIẾN DỊCH MB 84 NGÀY 12/7/1984” là xác thực…
Xin trở lại trận đánh Cao điểm 772 qua những dòng nhật ký của một số CCB F 356 nói về sự hiệp đồng tác chiến của pháo binh trong trận đánh này như sau:
Trong Nhật ký chiến dịch MB84 ” do hội sỹ quan biên giới sư đoàn 356 huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An gửi tặng Quân Sử Việt Nam. Nhật ký này do CCB Văn Thông là sỹ quan tuyên huấn của sư đoàn ghi chép lại từ lúc chuẩn bị chiến dịch cho đến khi tổng kết chiến dịch vào ngày 23-7-84 đã viết về lực lượng pháo binh của Sư đoàn 356 như sau “-Trung đoàn pháo binh 150 với phiên hiệu mới là SM50.  Trung đoàn này đã tham gia chiến đấu ngay từ những ngày đầu sang Hà Tuyên. E150 gồm 1 tiểu đoàn lựu pháo 105 là D10, một tiểu đoàn cối 160 là  D11 và một tiểu đoàn pháo 76,2 ly là D12.Tiểu đoàn 12 là tiểu đoàn pháo bắn thẳng hiệu quả nhất là đánh xe tăng địch do Liên Xô chế tạo. Do địa hình của chiến trường Hà Tuyên và quy mô hạn chế của chiến dịch nên sư đoàn chưa cần thiết sử dụng đến tiểu đoàn này vì vậy kế hoạch ban đầu là tiểu đoàn 12 nằm lại Hoàng Liên Sơn cùng với tiểu đoàn xe tăng và một vài đơn vị xây dựng khác.
Tiểu đoàn 11 sau khi sang Hà Tuyên được đưa lên ngay sát đất địch cách điểm cao 772 gần 4 km và tham gia chiến đấu ngay cùng lực lượng pháo binh mặt trận.
Nhiệm vụ của tiểu đoàn 10 là bắn vào sâu trong đất địch phá hoại các trận địa pháo cối, kho tàng quân sự của chúng. Khi chiến dịch mở màn thì chi viện cho bộ binh đánh chiếm 772, 685 và bình độ 1200, 1300.
E150 do thiếu tá Vỹ trung đoàn trưởng và đại úy Hồng tham mưu trưởng chỉ huy. Thiếu tá Thật làm công tác chính trị.”
Kế hoạc tác chiến được vạch ra:
– Pháo hỏa chuẩn bị 125 phút bắn phá hoại và sát thương vào Đ1, Đ2 và Đ4 chia làm 4 đợt mỗi đợt bắn liên tục 30 phút. Riêng Đ3 dùng đặc công đánh lướt tiêu diệt toàn bộ sinh lực địch, tiếp đó cho đặc nhiệm lên tước vũ khí, gọi hàng số còn lại, bắt tù binh và sau cùng là bàn giao cho tiểu đoàn 3 chốt giữ đánh địch phản kích.”
Còn Nhật ký Đặng Việt Châu-(Quân sử Việt Nam) thì viết về pháo binh như sau:
Theo chỉ lệnh chiến đấu, giờ G là 4h10, pháo binh ta sẽ đánh phá trận địa địch 120 phút. Cụ thể là D1 và D2. Sau đó bộ binh mở cửa mở xung phong đánh chiếm mục tiêu. Nhưng thực tế không có pháo cấp trên bắn phá mà chỉ có một số pháo nhỏ của Trung đoàn bắn vào những mục tiêu đã được chỉ định. Sau loạt bắn đầu tiên thì một số trận địa của ta bị địch phản pháo. Tiểu đoàn 1 và 2 bị pháo địch bắn ngay vào vị trí xuất phát tiến công. Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Trung Chỉ, tiểu đoàn phó Bạch Văn Kết, trợ lí tác chiến Nguyễn Văn Thêm cùng số đông cán bộ chiến sĩ hi sinh. Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn phó Phạm Minh Kí, trợ lí chính trị E Nguyễn Văn Ngọ cùng số đông cán bộ chiến sĩ hi sinh. Như vậy tiểu đoàn 1 và 2 ngay từ đầu đã mất sức chiến đấu…
Trước khi viết những dòng này, tôi điện hỏi anh Tứ vì sao pháo cấp trên hôm ấy không bắn như chỉ lệnh chiến đấu. Anh Tứ bảo:”Tôi đã điện cho ông Điếm, thì ông bảo sương mù quá không hiệu chỉnh được”. Tôi bảo:”tôi sẽ hiệu chỉnh cho”. Nhưng vẫn không bắn…”
 Còn thực tế do sương mù dầy đặc nên như thế nàyNhật ký chiến dịch MB 84 viết:
Vậy là pháo cấp trên không thấy bắn như hợp đồng. Đến 3 giờ 30 trung đoàn ra lệnh cho pháo cối đi cùng nổ súng bắn phá hoại vào các mục tiêu đã định trước. Sư đoàn trưởng Bùi Thanh Điếm điện cho trung đoàn trưởng Tứ giờ G là 3 giờ 40 phút hoặc có thể chậm hơn.
Và:6giờ 45 phút: Sương mù vẫn dầy đặc che chắn hết mọi tầm nhìn. Đồng chí Hùng báo cáo về sở chỉ huy E là địch ở Đ3 phản kích mạnh, quân ta một số thương vong, có thể đồng chí Thanh đã hy sinh trước cửa mở, đề nghị pháo bắn vào Đ3 để chúng tôi xung phong.
Trời biên giới buổi sáng sương mù đặc quánh không nhìn rõ mục tiêu. Phương tiện liên lạc với cấp trên bằng vô tuyến nhiều lúc không thu phát được, hữu tuyến hầu như mất liên lạc hoàn toàn. Do vậy sư đoàn không nắm chắc tình hình hiện nay ở Đ3 như thế nào để dùng pháo binh chế áp hỏa lực địch và chi viện cho bộ binh D3 đánh chiếm điểm cao.”

Nhật ký chiến dịch MB 84 viết tiếp:- “Ở hướng tiểu đoàn 2 lúc 6 giờ 30 phút đồng chí Đệ D trưởng báo cáo: Đề nghị trung đoàn cho mở cửa Đ1 lên phối hợp cùng các hướng, và được E chấp nhận. Lệnh mở cửa vào Đ1 thì E trưởng lại nhận được báo cáo:
– Bộc phá mở cửa không có kíp.
– Dùng bộc phá dự bị.
– Bộc phá dự bị cũng hết.
– Dùng B40-B41 để mở cửa.
( Đây là đoạn đối thoại giữa E trưởng Tứ và D trưởng Đệ trong giây phút hiểm nghèo )
Tại hướng mở cửa của Đ1 nhiệm vụ mở cửa được giao cho một phân đội công binh phối thuộc của D17 gồm 6 người trong đó có một trung úy chính trị viên C3 D17 chỉ huy. Khi lên đến vị trí mở cửa thì còn lại 3 người. Nhận lệnh mở cửa thì tình huống ” kỳ lạ ” là bộc phá không có kíp. D trưởng Đệ lệnh cho trung úy xuống lấy kíp và đưa 3 người còn lại lên, trung úy ra đi và không thấy trở lại nữa.
Hướng mở cửa của Đ1 do D2 đảm nhiệm phải dùng B40-B41 và DKZ, cửa mở chưa thông thì lệnh xung phong. Lệnh xung phong trong hoàn cảnh hết sức khó khăn ngoài dự kiến. Trong điều kiện pháo ta chưa phá hoại được gì trên trận địa của địch, hỏa lực của địch lúc đó từ 2 hướng Đ1 xuống và 685 sang. Riêng hướng 685 hỏa lực 12,7 ly và DKZ  của địch đặt giữa hẻm núi trong các hang hốc của vách lèn đá hết sức hiểm hóc và lợi hại. Địch bắn lướt vào sườn của đội hình tiến công của D2 rất hiệu quả, thật độc ác và thật nguy hiểm. Hỏa lực đi cùng của ta rất khó khăn trong việc tìm cách tiêu diệt địch, những luồng đạn bắn thẳng căng ghê rợn, tiếng nổ của DKZ đanh khủng khiếp dội vào lưng quân ta rất chính xác.
Trước tình hình không thuận lợi, đợt xung phong đầu tiên không thành tuy vậy tinh thần và ý chí của bộ đội ta quyết không hề lùi bước. Nhiều phân đội, nhiều đồng chí trong đó có nhiều cán bộ vẫn dũng cảm xông lên không một phút chần chừ. Như vậy đã chiếm được chiến hào 1 nhiều phân đội lên gần hết cửa mở….và nằm lại đấy….
Đợt xung phong đầu tiên của ta đã thương vong tương đối lớn trong đó C6 nặng hơn. Đồng chí Ký D phó hy sinh cùng với một số đồng chí cán bộ khác.”
 
( Nhật ký chiến dịch MB 84 của Văn Thông-Quân sử Việt Nam )
Như vậy, qua 2 cuốn Nhật ký của Văn Thông và của Đặng Việt Châu CCB F 356 thì từ đầu F 356 đã bố trí 1 trung đoàn pháo binh tham gia trận đánh này, trùng với thông tin do CCB Nguyễn Đình Hát cung cấp.
Một dấu hỏi đặt ra ở đây là: phía Trung đoàn 457 của F 313 cho biết đơn vị này đã nổ súng hợp đồng với bộ binh, thế nhưng phía F 356 lại cho biết do sương mù nên 356 không hiệu chính được mục tiêu nên không bắn được…Chủ blog có hỏi CCB Nguyễn Đình Hát thì ông cho biết: Đối với pháo binh không phải như bộ binh, muốn khai hỏa phải đo đạc phần tử bắn trước đó mấy ngày trời, do đó dù sương mù nhưng đơn vị ông vẫn khai hỏa được…Có thể pháo binh của F 356 chưa thông thuộc địa hình nên không nổ súng được ?
Đây là một dấu hỏi: một chiến dịch lớn, huy động 3 trung đoàn bộ binh của 3 sư đoàn thế mà vì sương mù nên pháo binh 356 không nổ súng được ? Có gì uẩn khúc bên trong khi pháo binh của 356 không nổ súng? Người viết chưa liên hệ được với CCB của Lữ đoàn 168, không biết đơn vị pháo binh này có nổ súng hiệp đồng không? Nếu đánh chốt, đánh cao điểm mà pháo binh không hiệp đồng, không yểm trợ, trong khi đó thì pháo binh Trung Quốc đánh ta hơn cả Quảng trị 1972 theo CCB Nguyễn Đình Hát; Nếu pháo binh không tham chiến thì khác gì đem con bỏ chợ, lấy thịt ta đè pháo Tàu ? Lý do mà một số CCB 356 lấy lý do do sương mù không bắn được đối với một người “ ngoại đạo” về chiến trận như chủ blog thấy không thuyết phục lắm ???

Thế nhưng trong phản hồi của bài CCB ĐẶNG VIỆT CHÂU VIẾT TIẾP VỀ TRẬN ĐÁNH CAO ĐIỂM 772 ĐÊM 11 RẠNG NGÀY 12/7/1984 trên phamvietdao.net, một cựu chiến binh đã phản hồi như sau về hướng tấn công này của quân ta:“Nặc danh08:30 Ngày 27 tháng 7 năm 2012trong lúc đánh thì khó phát hiện pháo ta hay pháo địch vì tai thì ù ,đầu cúi gầm để tránh đạn pháo. đó là khoảng thời gian từ 4h10 đến gần 6h sáng ngày 12/7/ 1984 tại Đ1 cao điêm 772 mà những người lính của c5 ,c6 d2 e876 chứng kiến và chịu đựng.thời gian khoảng ( vì chúng tôi không có đồng hồ) 6h đến gần 8h thì tại vị trí đoạn hào thẳng theo hướng lên đỉnh đồi nơi quân hoả lưc côi 60 và đại liên của c6 d2 e876 phải hứng chịu đkz ,14ly5,12ly7,và đặc biệt đạn 37ly bắn thẳng trực diện .tôi khẳng địmh 37ly bắn từ đỉnh cócngè sang.ngày13/7 tôi gặp anh em c8 d2 cối 82 họ nói lúc bắn cắp tập thì họ ko biết nhưng sau họ nhận lệnh là dừng vì đã bắn vào bộ binh của mình.”
Đọc những dòng hồi âm này vài chỗ sai chính tả nhưng chủ blog cũng đoán ra ý tứ của CCB này muốn đưa 1 thông tin lên mạng: Đơn vị của CCB này bị chính pháo của ta bắn trúng đội hình…
May mắn người viết bài này đã gặp được một nhân chứng còn sống sót của đơn vị cửa mở thuộc D 2, E 876, F 356, CCB này trực tiếp đánh mũi chính yếu lên Cao điểm 772…Vì lý do tế nhị, CCB này đề nghị dấu tên và hẹn sắp tới sẽ cùng người viết lên tận ví trí này để quan sát xác định vị trí của loạt pháo bắn vào đơn vị mình xem là của Trung Quốc hay của ta…
Theo nhiều CCB thì Cao điểm 772 Trung Quốc đã trả lại cho ta…Đưa lại vấn đề này không nhằm mục đích phê phán hay tìm cách kỷ luật ai mà để lưu ý một điều: Trong hòa bình sự tác trách, quan liệu có thể dẫn tới sự thiệt hại, mất mát hàng ngàn tỷ đồng; trong chiến tranh đó là hàng ngàn mạng sống phải hy sinh oan uổng vì một cái lệnh, một sự ú ớ của một cấp chỉ huy nào đó ?!
CCB đã kể với người viết như sau: CCB dẫn đầu một tốp gồm 9 chiến sĩ có nhiệm vụ mở đột phá khẩu…Theo kế hoạch hợp đồng từ trước thì đêm 11/7/1984 tiểu đội anh có nhiệm vụ áp sát “vành khăn” đầu, tuyến phòng thủ thứ nhất cách khoảng 50 m để chờ cho pháo binh dọn đường…Nếu pháo binh bắn trúng tiền duyên của địch thì cũng sẽ cách quân ta nếu sai số cũng từ 30-40 m trở lên. Sau khi pháo bắn dọn đường 30 phút ngưng, đơn vị này sẽ ôm bộc phá xông lên mở đột phá khẩu…
Thế nhưng loạt pháo đầu tiên nổ lại chỉ cách nơi ẩn nấp của anh khoảng 5-7 m làm cho 2 chiến sĩ của anh chết tại chỗ…Thấy có dấu hiệu pháo binh bắn sai, CCB này lập tức cho mở máy thông tin để báo về sở chỉ huy điều chỉnh pháo thì trong máy toàn nghe tiếng Tàu, máy bị phá sóng; cho thông tin nối dây để gọi điện thoại giây thì người chạy đi không quay về, có thể đã hy sinh và thông tin bị cắt…Thế là đơn vị anh này im chịu trận nghi là của pháo ta…Anh nhìn rõ những luồng đạn lửa từ phía sau lưng nện vào đội hình của Tiểu đoàn của mình. Pháo binh khi khai hỏa thường lún chúc nòng lên có nghĩa là những loạt đạn sau càng lùi vào đội hình quân ta mà giã…Sau nửa tiếng, tuy bị tổn thất nhưng tiểu đội cửa mở của anh còn vài người vẫn xông lên phá được hàng rào giây thép gai…Điều lạ ở đây là: Thông thường khi đã lộ cửa mở bị tấn công, địch sẽ tập trung hỏa lực về phía cửa mở, nhưng không, địch gần như bắn lại thưa thớt ? Có dấu hiệu chúng dồn hỏa lực về phía mũi bên kia, mũi mà ta vu hồi sang phía Trung Quốc…Còn phía của mở của đơn vị anh thì sau khi pháo binh ta ngừng là lúc pháo Trung Quốc bắt đầu bắn phá ác liệt…Sau khi pháo binh Trung Quốc bắn phá ác liệt mấy chục phút, bộ binh của chúng bắt đầu phản công và CCB này cho biết anh và một vài đồng đội sống sót và vừa rút lui vừa bắn trả…CCB này cho biết khi anh lùi xuống phía dưới thì nhìn thấy la liệt các thương binh tử sĩ của ta không rõ bị trúng pháo ta hay hay pháo Trung Quốc? Những thương binh này sau đó đã bị bộ binh Trung Quốc truy kích xuống bắn chết hết…”

Cũng về diễn biến của mũi tấn công này, trên Quân Sử Việt Nam,CCB ngocquyen C6 đã viết như sau:
“Chào bác Kimtd3f356
Suy nghĩ của bác cũng là của em,nỗi đau của bác cũng là nỗi đau chung. Em thằng lính bắn cối 60,trong tay 2 khẩu cối cùng 11 anh em .Vậy mà ngày hôm sau 13/7/1984 trở về lèn đá 468 chỉ còn mình em,chẳng còn ai!!! Đau quá,chẳng khác gì chết cả nhà còn một mình sống làm gì? chỉ vì điều này mà nó dằn vặt em suốt 28 năm qua, người sống sót sao không phải ai khác mà lại rơi đúng vào em? Mang tiếng gọi là”cầm quân đi đánh” mà chẳng khác gì đi thí quân! Đau lắm các bác ạ…em nguyền rủa cái đoạn hào thẳng soi gương 685 lúc tảng sáng ngày 12/7. Tất cả bọn em nằm ở đoạn này, em nằm trên cùng ,lần lượt dưới chân em là các pháo thủ. Chờ đợi phân đội mở cửa của c5 đánh bọc phá mở cửa là xông lên nhưng C 5 không mở được cửa, trời lại sáng…vậy là chúng nhìn quá rõ quá sát chúng em…Những làn đạn bắn thẳng, đkz,14ly5 ,12ly7…cứ cày tung chúng em lên…lúc đó mặt em úp sát xuống đáy hào đến khi nghe tiếng tiểu đoàn trưởng Đệ hô” thê đội hai,tôi vùng dậy lao lên, chưa kip tiến bước nào thì “ầm” mặt mũi tôi tối xầm chẳng biết gì nữa…Thời gian bao lâu tôi không biêt…Đến khi đầu tôi mơ mơ mắt tôi nhìn thấy mờ mờ mẹ tôi mặc áo nâu đứng phía trước và nói “con bình tĩnh, đến chỗ ngã ba rồi con nhảy xuống”; tôi chồm lên ôm mẹ,miệng gọi mẹ!mẹ! ( Mẹ tôi mất năm 81 thọ 49 tuổi) nhưng không thấy mẹ đâu…Lúc này tôi mơi biết là mình mơ.Tôi tỉnh,nhưng người ê ẩm nặng trĩu và khó thở, mở mắt ra nhìn thì tối om,lúc này tôi mới biết là mình đang bị vùi dưới giao thông hào.Tôi dùng tay bới, vạch đất để thở và mắt nhìn thấy trời…Tôi cố dùng sức vùng dậy, nhìn xung quanh thì: ôi thôi cảnh tượng tan nát,tan hoang máu me, bùn đât nhão nhoét,người chết la liệt…Chưa kip hoàn hồn thế nào thì nhìn thấy phía trên đỉnh đồi, cách chỗ tôi đứng chừng khoảng hơn chục mét,thấy lố nhố người, rồi tiếng súng bộ binh… Tôi nhìn rõ mấy thằng lính Tàu đứng,cầm ak bắn xuống giao thông hào.Trong nháy mắt tôi nhận ra bọn chúng đang bắn những đồng đội mình bị thương còn nằm ở chiến hào.Tôi  giương súng ak đang cầm trong tay nhả đạn về phía bọn chúng.Tiếng ố ố xì xồ rồi tiếng loat soạt đan cày xung quanh tôi.Tôi vừa tránh đạn vừa bắn trả bọn chúng, rất may lúc này không có pháo.Trong đầu tôi lại nghĩ: “chả lẽ quân mình chết hêt rồi hay sao? Hay anh em rút hêt rồi? ” Lúc này không kịp nghĩ nữa rồi,chúng ( lính Trung Quốc ) hò nhau tràn xuống bắn xối xả về tôi. Không còn  đường nào khác tôi vừa bắn trả vừa rút xuống phía dưới,lao qua các anh em mình đã hy sinh la liệt trong giao thông hào mà lòng đau như cắt. Xuống tới đoạn hào cong hình vành khăn,tôi ép mình vào thành hào bắn ngược lên.Bọn chúng vẫn ào ào lao xuống,trong lúc tôi đang bắn trả quyết liệt chúng ,thì nghe thấy tiếng quát to ‘quyền lưu đạn” theo phản xạ tôi nằm sấp xuống, một tiếng nổ sát mang tai,đất đá bay rào rào. Tôi nhỏm dậy lắc lắc cái đầu cho đất rơi xuống,rồi lại bắn.Tôi nhìn thấy thằng Bảo,Trung đội trưởng Trung đội 2 cùng C 6 với tôi. Mừng quá, nhưng chúng xuống sát mình quá rồi. Hai anh em chụm lại quay lưng vào nhau mỗi người bắn một hướng ,vừa bắn vừa rút.Đến đoạn giao thông hào vỡ tạo thành rãnh, hướng xuống dưới chân đồi.Trong đầu tôi lại hiên ra hình ảnh gặp mẹ và lời mẹ dặn đến” ngã ba”. Tôi nghĩ hay là đây chăng.Tôi vừa bắn vừa hô” Bảo nhảy”. Thế là 2 anh em tôi bật khỏi chiến hào và tụt xuống dưới suối ở chân đồi.Trên đoạn tụt này, cây cối đổ nhằng nhịt, đất đá tứ tung,nhầy nhụa bùn,máu và anh em mình đã hy sinh. Tôi nhân ra anh Ký tiểu đoàn phó và anh Hòa C phó chính trị viên C6 đã hy sinh rồi nhưng vì bọn địch vẫn đang bắn đuổi hai anh em nên bọn tôi không làm gì được buộc phải rút xuống…
Lúc này mặt trời đã trên đỉnh đầu, tôi đoán khoảng hơn 11h gì đó…Vậy đó ! tôi không phải là thằng bội ước rút trước, tôi cũng chẳng phải thằng nướng quân mà may mắn tôi thoát được thôi! Tôi mong vong linh anh em hiểu cho tôi. Tôi mong gia đình các anh hiểu cho tôi. Tôi mong đời đời con cháu về sau biết đến sự hy sinh của các anh !!! .”

P.V.Đ.

Được đăng bởi Nhà văn Phạm Viết Đào

Không có nhận xét nào: