Thứ Tư, 5 tháng 7, 2017

Tranh chấp biển Đông có làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai đảng cộng sản?

Thanh Trúc, RFA

Tướng Phạm Trường Long, Phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc (phải) và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch tại Bắc Kinh hôm 29/8/2016.
Tướng Phạm Trường Long, Phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc (phải) và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch tại Bắc Kinh hôm 29/8/2016.
AFP

Quan hệ Việt Nam Trung Quốc thời gian qua khá căng thẳng  từ những diễn biến liên quan đến tranh chấp biển Đông cũng những động thái mới trong tương quan giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và Nhật Bản mà Trung Quốc từng đưa ra lời cảnh báo.
Thanh Trúc phỏng vấn giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia về quan hệ quốc tế đại học George Mason, Hoa Kỳ, về những chuyện mới xảy ra trên Biển Đông:
Thanh Trúc: Thưa giáo sư, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc trong vài tuần qua theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế là đã trở nên căng thẳng sau khi tướng Phạm Trường Long, Phó chủ tịch quân ủy trung ương TQ cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam. Nhưng mới đây người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lại nói là hai bên không căng thẳng. Vậy ông nhận định gì về tình hình quan hệ hai nước hiện nay?
Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng: Quan hệ 2 nước khi nóng khi lạnh, một trong những căn nguyên mâu thuẫn là vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông. Tranh chấp lên đỉnh điểm vào khoảng năm 2014 khi Trung Quốc kéo giàn khoan 981 vào Biển Đông mà Việt Nma phản đối dữ dội lắm. Nhưng sau khi họ kéo ra thì quan hệ 2 bên bắt đầu ấm lại cho  đến chuyến thăm của ông Phạm Trường Long thì sự kiện đột nhiên ông bỏ về rõ ràng là có chuyện cơm không lành canh không ngọt rồi. Bởi vì trong chương trình viếng thăm thì ngoài thảo luận và gặp gỡ các ông lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam thì ông sẽ chủ trì cùng ông tướng Ngô Xuân Lịch về việc gọi là giao lưu quân sự 2 bên ở vùng biên giới 2 tỉnh Lạng Sơn và Vân Nam, thì chuyện này bị hủy.
Có lẽ 2 bên đều không muốn làm cho nóng lên  thành ra  Trung Quốc chỉ nói rằng ông ấy về bởi vì có khó khăn trong việc xếp đặt chương tình, thành  ra mình cũng không lấy làm lạ khi phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao nói rằng không có căng thẳng, nhưng mà trên thực tế có nhiều chỉ dấu căng thẳng.
Thứ nhất, khi ông tướng Phạm Trường Long đột ngột bỏ về ngày 18 thì chiều hôm đó, đúng lúc Cục Hải Vụ của Trung Quốc tuyên bố đưa giàn khoan Nam Hải đi vào vùng Vịnh Bắc Bộ là vùng 2 bên đang đàm phán để giải quyết vấn đề lãnh hải. Cũng sáng hôm đó, 2 tàu Trung Quốc do những sĩ quan mặc quân phục đã tấn công tàu đánh cá Việt Nam.
Thứ hai, chính báo Trung Quốc tường thuật lại, khi gặp các nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam chính ông tướng Long đã nói thẳng thừng là tất cả biển và các đảo vùng Biển Đông thuộc về Trung Quốc từ thời thượng cổ rồi.
Thứ ba, tin của CSIS Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Và Quan Hệ Quốc Tế của Mỹ nói rằng ông tướng Long đến Việt Nam để phản đối việc Việt Nam cho phép công ty của Tây Ban Nha khai thác lô 118 Cá Voi Xanh và lô 136  nhưng bị Việt Nam bắt khớp nên ông bỏ về. Ba điều đó cho thấy rõ ràng là có sự căng thẳng.
Quan hệ 2 nước khi nóng khi lạnh, một trong những căn nguyên mâu thuẫn là vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông. - GS. Nguyễn Mạnh Hùng
Thanh Trúc : Thưa ông, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc mới đây cảnh báo Việt Nam về ngoại giao đi dây tức là quan hệ với cả Mỹ và Nhật. Những bước tiến nào trong quan hệ của Việt Nam với Nhật và Mỹ gần đây khiến Trung Quốc lo ngại nhất?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Ngược lại giai đoạn ngày xưa người ta từng nói chính phủ do ông Dũng thì thân Mỹ còn đảng thì thân Trung Quốc. Nhưng kể từ 2015 khi ông Trọng thực hiện chuyến đi của ông sang Mỹ và tuyên bố Hoa Kỳ là địa bàn hoạt động tối quan trọng của nền ngoại giao Việt Nam, từ đó có sự đồng ý cả đảng lẫn nhà nước quan hệ Mỹ Việt Nam tăng cường nhanh chóng, nhất là về phương diện quốc phòng. Gần đây nhất là ông Phúc là người lãnh đạo duy nhất của các nước Đông Nam Á được mời sang Hoa Kỳ hội kiến với ông Trump và ký những hiệp ước thỏa thuận tăng cường hợp tác với nhau.Cùng lúc đó chúng ta thấy Hoa Kỳ cũng giao cho Việt Nam tàu hải giám. Lúc ông Phúc sang đây thì thượng nghĩ sĩ McCain đưa một phái đoàn quốc phòng của thượng viện sang thăm Việt Nam mà đi thăm ngay Cam Ranh. Lúc đó khu trục hạm John McCain có mặt ở đó, cho thấy những dấu hiệu Mỹ và Việt Nam xích lại rất gần.
Trước klhi thăm Mỹ thì  ông Phúc cũng sang Nhật gặp thủ tướng Shinzo Abe, hai bên thỏa thuận nâng cao tầm hợp tác quân sự và an ninh, Nhật đồng thời lúc  ấy cam kết viện trợ cho Việt Nam 900 triệu Mỹ kim để tăng cường khả năng hải giám của Việt Nam, trao qua Việt Nam 6 tàu hải giám. Cả Việt Nam, Mỹ, Nhật trong thông cáo chung đều nói về Biển Đông theo lập trường của Việt Nam. Khi mà Việt Nam đi gần với 2 nước lớn có khả năng thì dĩ nhiên phải quan tâm.
Thanh Trúc: Liệu rằng sức ép từ phía Trung Quốc có thể khiến Việt Nam phải thay đổi hay điều chỉnh chính sách ngoại giao trong thời gian tới thưa giáo sư?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Mục tiêu một quốc gia theo đuổi trong hoạt động ngoại giao của họ thì tương đối ít thay đổi nhưng chính sách để thi hành mục tiêu đó phải thay đổi tùy theo hoàn cảnh. Vì thế một khi Trung Quốc có sức ép thì Việt Nam phải tìm cách thích ứng, miễn làm sao bảo vệ được  lập trường của mình. Mục tiêu hiện nay của Việt Nam về vấn để  biển đảo là phải bảo vệ được chủ quyền quốc gia, bảo vệ được những vùng biển đảo nào mình còn kiểm soát được, đấy là quan trọng nhất. Sự bảo vệ đó, một bên là sức ép Trung Quốc, một bên là sự đối lại của Việt Nam, tùy thuộc vào điều gọi là cán cân lực lượng giữa 2 bên. Lực lượng này gồm những yếu tố vô hình lẫn yếu tố hữu hình. Những yếu tố hữu hình thí dụ như quân số, khí giới, đồng minh. Còn  yếu tố vô hình là sự khả tín của đồng minh, quyết tâm và tinh thần của quân sĩ, sự đoàn kết quốc gia, phong trào thế giới và công luận quốc tế. Đó là những điều có thể vận dụng để đối phó những áp lực của Trung Quốc.
Thanh Trúc: Việt Nam và Trung Quốc đều theo chế độ một đảng lãnh đạo mà cụ thể là đảng cộng sản. Theo ông căng thẳng giữa hai nước liên quan đến tranh chấp chủ quyền ngoài biển ảnh hưởng thế nào đến quan hệ giữa hai đảng?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Quan hệ Việt Nam Trung Quốc gồm quan hệ nhà nước và của đảng, thế thì trong trường hợp thông thường vì sự tương đồng ý thức hệ làm cho quan hệ 2 nước, giữa nhà nước với nhà nước, tương đối nó khắn khít hơn. Nhưng trong tình hình bây giờ ở Việt Nam với Trung Quốc thì ý thức hệ không còn quan trọng như xưa nữa. Khi quyền lợi quốc gia có mưu lợi lớn thì thì mâu thuẫn đó ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ giữa các đảng.
Nhưng trong tình hình bây giờ ở Việt Nam với Trung Quốc thì ý thức hệ không còn quan trọng như xưa nữa. - GS. Nguyễn Mạnh Hùng
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Lô Cá Voi Xanh là lô 118 thì rõ ràng nó ở trên vùng thềm lục địa của Việt Nam. Trung Quốc thắc mắc là bởi vì khi khai thác dầu quặng ở đấy thì nó có thể luồn sang nó hút phía bên “đường   lưỡi bò”. Cái đó hoàn toàn nằm ngoài “đường lưỡi bò”. Thế còn khu 136 mà cho công ty Tây Ban Nha khai thác thì nó ở trên đảo  gọi là  bãi Tư Chính, đó là bãi chìm mà hai bên tranh chấp nhiều chục năm nay rồi. Khi Trung Quốc công bố “đường lưỡi bò” thì bãi Tu Chính đó nằm trong đường của Trung Quốc. Việt Nam không nhận “đường lưỡi bò” cho nên có tranh chấp.
Bây giờ vấn đề đặt ra là Việt Nam sẽ khai thác như thế nào thì cho phép khai thác là quyền của Việt Nam. Nhưng việc quyết định có khai thác không, khai thác lúc nào là sự chọn lựa của các hãng dầu. Trong quá khứ đã có trường hợp Trung Quốc ép quá thì  các hãng dầu nó không khai thác nữa. Sẽ  rất khó khăn bởi vì việc đó sẽ gây sự đụng độ mà Việt Nam không muốn. Phải khéo léo lắm, trên nguyên tắc cứ đòi khai thác nhưng cứ trì hoãn cho đến khi giải quyết được vấn đề chủ quyền thì việc khai thác tương đối dễ dàng hơn.
Thanh Trúc: Trong tuyên bố mới đây giữa Nga và Việt Nam, Việt Nam cam kết tăng cường hoạt động mở rộng thăm dò khai thác dầu khí với các tập đoàn của Nga, theo ông sức ép của Trung Quốc có làm Nga phải quan ngại trong việc mở rộng thăm dò khai thác này?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Các công ty của Nga đã từng cộng tác với Việt Nam để khai thác rồi nhưng ở những vùng không có tranh chấp với Trung Quốc. Trong những vùng đó thì không có vấn đề gì xảy ra cả, nhưng khi đụng đến những vùng mà Trung Quốc đòi hỏi là của họ và họ đưa ra cảnh cáo thì dĩ nhiên là Nga phải ngần ngại.
Thanh Trúc: Ông đánh giá thế nào về khả năng có thể xảy ra đụng độ trên biển giữa hai nước trong thời gian tới khi Việt Nam tiến hành các hoạt động thăm dò khai thác ngoài khơi và Trung Quốc cho giàn khoan tới cửa vịnh Bắc Bộ?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Việc tuyên bố và những hành động trên giấy tờ để tiến hành khai thác là một chuyện, nhưng việc thực sự khai thác lại là chuyện khác, nó là vấn đề thời gian. Đụng độ hay không thì trong tình trạng hiện nay, khi mà tàu chiến Mỹ cứ tiếp tục làm công tác tuần tra để bảo vệ  lưu thông hàng hải thì các quốc gia tranh chấp thường muốn làm áp lực nhưng không gây đến chiến tranh. Tôi nghĩ khả năng có những hành động  gây đụng độ thì có nhưng rất thấp.
Thanh Trúc: Thưa ông  hôm 30 tháng Sáu Nhóm Sáng kiến Minh Bạch Hàng Hải AMTI thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược & Quốc tế (CSIS) tại thủ đô Washington DC của Hoa Kỳ cho biết trong một báo cáo gần đây là 3 đảo nhân tạo lớn nhất mà Trung Quốc bồi đắp lên tại khu vực Trường Sa đang sẵn sàng để được bố trí các trang thiết bị quân sự như bệ phóng tên lửa, chưa kể những công trình ngầm chứa đạn dược, theo ông những hoạt động này của Trung Quốc ảnh hưởng thế nào đến an ninh khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Trung Quốc muốn có vai trò trọng yếu toàn vùng Á Châu, mục tiêu của họ kiên trì lắm, họ cứ từng bước họ tiến hành. Trước hết họ xây những đảo nhân tạo có tính cách phòng thủ mà Mỹ và các nước khác đều phản đối. Họ thành công trong việc đó vì không có phản ứng mạnh. Chúng ta thấy  ông Tillerson khi ra điều trần để quốc hội chấp thuận cho  ông làm ngoại trưởng Mỹ, đã tuyên bố không cho phép tàu Trung Quốc đến những đảo nhân tạo đó. Ông nói vậy thôi chứ đâu có thực hiện được.
Thanh Trúc: Hoa Kỳ mới đây cho tàu chiến USS Stethem đi qua khu vực 12 hải lý thuộc đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa để thách thức các đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực này.  Đây là một hoạt động thuộc chương trình tự do hàng hải của Mỹ được thực hiện từ thời Tổng thống Obama nhưng bị một số chuyên gia đánh giá là không có hiệu quả, theo ông việc chính quyền Tổng thống Trump cho tàu đi qua đảo Tri Tôn lần này nói lên điều gì trong cách tiếp cận với vấn đề biển Đông của chính quyền Mỹ mới?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Có 2 nhận xét về điều đó. Thứ nhất Fon-Op tuần tra bảo vệ lưu thông hàng hải thì dưới thời Obama nó có tính cách rón rén hơn nhiều. Dưới thời ông Trump  thì nó mạnh hơn, nó đi vào trong vùng 12 hải lý. Không những thế nó lại còn thi hành gọi là tuần tra chứ không còn gọi là “peaceful transit”nữa, nó khác hẳn trước. Thật ra từ hồi ông Trump lên thì có 2 cuộc  tuần tra kiểu đó. Mỹ muốn chứng tỏ sự hiện diện của mình . Nhận xét thứ hai của tôi là hiệu quả đến đâu thì mình không biết là vì tổng thống Trump  hành động khó tiên đoán lắm, ông thích “make deal” thích kinh tế nhiều lắm và ông làm những quyết định có tính cách tức thời trong khi các cố vấn quân sự của ông thì có tính cách chiến lược.
Đối với những lãnh đạo Á Châu thì họ rất lo vì một đằng thì ông Trump cứ lơ là, một đằng thì tổng trưởng quốc phòng với mấy ông cố vấn anh an ninh quốc gia đều nói chúng tôi cam kết với các ông. Bây giờ vạch ra là mình cứ dấn thân với Mỹ mà đùng một cái ông tổng thống làm cái “deal” với ông Tập Cận Bình chẳng hạn thì mình ngỡ ngàng bởi vì chính sách tay chân của Mỹ không phối hợp với nhau.
Xin cảm ơn giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng về bài phỏng vấn này.

Không có nhận xét nào: