Trọng Nghĩa
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (hàng đầu bên phải) và ngoại trưởng Philippines tại diễn đàn ARF Manila, Philippines ngày 7/08/2017.REUTERS/Mohd Rasfan
Sau hai ngày tranh cãi căng thẳng tại thủ đô Philippines, các ngoại trưởng ASEAN đã ra được một thông cáo chung, trong đó có bày tỏ quan ngại về các hành động lấn lướt của Trung Quốc trên Biển Đông, với ngôn từ mạnh mẽ hơn dự thảo đầu tiên do nước chủ nhà Philippines đề xuất. Thế nhưng văn kiện này vẫn bị đánh giá là không dám đụng chạm Trung Quốc. Bên cạnh đó, các nước ASEAN cũng bị cho là đã mặc nhiên nhường cho Bắc Kinh vai trò ấn định nội dung thảo luận về vấn đề Biển Đông, bất chấp lập trường cứng rắn của Việt Nam.
Theo hãng tin Pháp AFP, thế yếu của ASEAN lộ rõ trước tiên trong việc đã không dám công khai đề nghị là bộ Quy Tắc Ứng Xử tại Biển Đông mà ASEAN sắp đàm phán với Trung Quốc phải mang tính cưỡng chế.
Theo hai nhà ngoại giao có tham gia vào quá trình thảo luận về vấn đề Biển Đông được AFP trích dẫn, trong suốt hai ngày thảo luận, Việt Nam đã nỗ lực thuyết phục các đồng minh trong khối là Hiệp Hội ASEAN cần phải nêu trong bản Thông Cáo Chung của mình là bộ Quy Tắc Ứng Xử trong tương lai phải có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý, bằng không thì bộ quy tắc đó vô nghĩa.
Đề nghị đó của Việt Nam tuy nhiên đã không được chấp nhận, và bản Thông Cáo Chung công bố vào khuya hôm qua hoàn toàn không đề cập gì đến vấn đề này.
Trong thời gian qua, Trung Quốc đã ráo riết bồi đắp các rạn san hô mà họ đã lấn chiếm từ tay các láng giềng, rồi cho xây dựng cơ sở có khả năng dùng vào mục tiêu quân sự trên đó, đồng thời tăng cường lực lượng quân sự trong khu vực.
Việt Nam đã yêu cầu các nước ASEAN đề cập đến các hành động đó của Trung Quốc dù chỉ là để tỏ thái độ « quan ngại ». Bản dự thảo đầu tiên do Philippines đưa ra hầu như không nói gì về các sự kiện đó, trong lúc đề nghị bổ sung của Việt Nam đã bị Cam Bốt, nước bị cho là luôn luôn hết mình bảo vệ lập trường của Trung Quốc, cực lực bác bỏ.
Kết quả là bản Thông Cáo Chung đã nhắc đến những hoạt động bồi đắp và như là một sự quan ngại « của một số thành viên », còn từ ngữ quân sự hóa mà Việt Nam muốn đưa vào đã được thay bằng từ ngữ chung chung « các hoạt động » có khả năng gây căng thẳng.
Một nhà ngoại giao đã tóm tắt với AFP cuộc tranh cãi trong hậu trường như sau : « Việt Nam kiên quyết, và Trung Quốc đang sử dụng Cam Bốt một cách hiệu quả để thúc đẩy lợi ích của họ ».
Nhiều chuyên gia phân tích đã tố cáo Bắc Kinh cố gắng chia rẽ ASEAN với chiến thuật ngoại giao ngân phiếu, lôi kéo các nước nhỏ như Cam Bốt và Lào để các nước này hậu thuẫn cho lập trường Trung Quốc. Và mới đây, Bắc Kinh đã thành công trong việc chiêu dụ Philippines, nước trước đây còn sát cánh với Việt Nam trong việc phản đối Trung Quốc, nhưng với Tổng thống Duterte, đã có nhiều dấu hiệu thần phục Bắc Kinh.
Trả lời AFP, Bill Hayton, chuyên gia về Biển Đông tại Chatham House ở Luân Đôn khẳng định : « Rõ ràng là áp lực của Trung Quốc đối với một số chính phủ ASEAN đã đạt hiệu quả ».
Điều có thể nói là khá oái oăm là trong lúc bản thân các nước Đông Nam Á không biết bảo vệ thành viên trước sức ép của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, thì vai trò này lại được ba nước ngoài khu vực là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc đảm trách.
Một số điều mà Việt Nam muốn khối ASEAN nói lên nhưng bị bác bỏ, đều đã được ba ngoại trưởng Mỹ, Nhật và Úc nêu bật trong bản thông cáo chung vào hôm nay tại Manila, từ yêu cầu bộ quy tắc ứng xử trong tương lai phải mang tin chất ràng buộc pháp lý, cho đến đòi hỏi phi quân sự hóa Biển Đông, hay yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết quốc tế về Biển Đông...
Bên cạnh đó, ba nước kể trên còn cực lực chống lại các « hành vi đơn phương cưỡng chế, có nguy cơ thay đổi nguyên trạng và làm gia tăng căng thẳng ».
Trung Quốc 'bực bội vì hành động của Việt Nam ở Asean'
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào phút chót đã hủy một cuộc họp với Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh cuối ngày thứ Hai 7/8 tại kỳ họp Bộ trưởng Ngoại giao Asean ở Manila.
Cả Bloomberg và báo South China Morning Post đưa tin này.
Ông Vương Nghị lẽ ra sẽ gặp ông Phạm Bình Minh bên lề cuộc họp ngoại trưởng Asean, nhưng một nhà ngoại giao Trung Quốc nói cuộc gặp không diễn ra, theo báo South China Morning Post.
Trung Quốc được cho là phật lòng vì từ ngữ trong bản thông cáo chung của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN. Thông cáo này bày tỏ quan ngại về bồi đắp lấn biển trên những hòn đảo có tranh chấp về chủ quyền, Bloomberg trích lời một số nguồn.
Trung Quốc cho rằng Việt Nam là nước đã vận động đưa từ ngữ này vào bản thông cáo.
Bản thông cáo nói một số ngoại trưởng trong nhóm ASEAN bày tỏ quan ngại về "bồi đắp lấn biển" và "các hoạt động ở khu vực, làm xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng, và có thể đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực."
Theo Bloomberg, một người phát ngôn trong phái đoàn Trung Quốc nói cuộc họp riêng giữa hai ngoại trưởng Việt Nam và Trung Quốc không phải là cơ hội duy nhất cho hai bên thảo luận.
Cả hai ngoại trưởng đều tham gia vào các cuộc gặp đa phương khác tại Manila, trong đó có cuộc họp giữa Trung Quốc và 10 ngoại trưởng ASEAN, vẫn theo Bloomberg.
Xu Liping, nhà nghiên cứu từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói Bắc Kinh phật lòng vì thái độ của Việt Nam.
"Việc hủy gặp có thể xem là cảnh báo cho Việt Nam," người này nói.
Tân Hoa Xã của Trung Quốc đăng bài nói nỗ lực của Việt Nam để có ngôn ngữ mạnh mẽ hơn của Asean là "đầu độc" tình hình trên Biển Đông.
Việt Nam không hoàn toàn cô độc ở biển Đông
Hội nghị ngoại trưởng lần thứ 50 của các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đưa ra được một thông cáo chung, trong đó có lời lẽ khá mạnh mẽ của Việt Nam kêu gọi không quân sự hóa biển Đông
ASEAN và Trung Quốc cũng đạt được một thỏa thuận khung về soạn thảo qui tắc ứng xử (COC) trên biển Đông, tuy nhiên không có nói đến tính ràng buộc pháp lý của COC trong tương lai, như Việt Nam mong muốn.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia quan hệ quốc tế, hiện đang làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore có những nhận định về kết quả của Hội nghị ngoại trưởng ASEAN 50 lần này. Đầu tiên ông đưa ra lý do tại sau một năm trước đây tại Lào, trong cuộc họp ngoại trưởng ASEAN 49 lại không có những lời lẽ khá mạnh mẽ như trong ASEAN 50 lần này.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Sau phán quyết của tòa trọng tài vào năm 2016, Trung Quốc có những hành động ngoại giao có thể gọi là lôi kéo các nước ASEAN về phía họ. Trong bối cảnh đấy thì không khí chung của ASEAN cũng không muốn tạo ra căng thẳng đối đầu với Trung Quốc. Những yếu tố ấy tạo ra cái môi trường bất lợi cho Việt Nam, và có lợi cho Trung Quốc.
Trung Quốc muốn có một COC không bị ràng buộc pháp lý để có nhiều tự do hành động.
-Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp.
Trong Hội nghị lần này thì theo tôi có những yếu tố thay đổi, ví dụ như là chính sách của chính quyền Trump của Hoa Kỳ dường như rõ ràng hơn, thể hiện nhiều sự tiếp nối hơn là thay đổi so với chính quyền tiền nhiệm của ông Obama, việc Trung Quốc đe doạ Việt Nam ở lô 136-3,… cho thấy nếu Việt nam cứ tiếp tục mềm mỏng thì khó có thể lật ngược được tình thế trong thời gian tới. Và Việt Nam cần có tiếng nói cương quyết hơn. Nếu Việt Nam muốn đạt một hay hai điểm thì Việt Nam phải cương quyết trên 3, 4 điểm, để từ đó có thể có thế mặc cả với các nước ASEAN khác để đạt được một cái ngưỡng thỏa hiệp.
Việt Nam là một thành viên ASEAN và có quyền phủ quyết. Trong khi các nước như Cam Pu Chia hay Lào muốn có một ngôn ngữ mềm mỏng hơn với Trung Quốc, thì Việt Nam cũng có quyền yêu cầu có một ngôn ngữ mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc về vấn đề biển Đông, nếu không thì Việt Nam có quyền phủ quyết, sẽ dẫn đến đổ vỡ về mặt ngoại giao, những bế tắc trong các cuộc họp ASEAN, một điều mà không ai mong muốn. Nếu Việt Nam cứng rắn, mạnh mẽ hơn, thì nếu không đạt được toàn bộ ý nguyện của mình, thì ít nhất cũng bảo vệ được một phần. Còn nếu như Việt Nam không lên tiếng, không đưa ra các lập trường cứng rắn thì chắc chắn Việt Nam sẽ bị thiệt thòi.
Kính Hòa RFA: Theo một số nhà quan sát thì Việt Nam và một số quốc gia ASEAN mong muốn COC mang tính ràng buộc pháp lý, nhưng Trung Quốc sẽ không để chuyện đó xảy ra. Theo ông tại sao Trung Quốc không muốn điều này?
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Rất dễ hiểu vì Trung Quốc là quốc gia chiếm ưu thế trên biển Đông, và họ muốn mở rộng sức mạnh hải quân, sức mạnh trên biển Đông, chính vì vậy họ không muốn ràng buộc hành động, bởi các văn kiện pháp lý. Họ muốn có quyền tự do hành động lớn hơn. Chính vì vậy Trung Quốc sẽ tìm mọi cách để làm cho COC, nếu như được thông qua, sẽ ít có giá trị, ràng buộc pháp lý, để họ có thể có quyền tự do hành động một cách tự do trên biển Đông.
Kính Hòa RFA: Gần đây có một số nhà quan sát cho rằng việc đấu tranh của Việt Nam, cũng như một số quốc gia phương Tây có quyền lợi ở biển Đông, là làm sao ở biển Đông có những ràng buộc về pháp lý, chứ không phải là yêu cầu giữ nguyên trạng như trước đây. Nhận xét đó có đúng không, và có vẻ như là Trung Quốc thích sự thỏa thuận nguyên trạng?
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Có lẽ là do Trung Quốc, trong thời gian vừa rồi đã có những hành động thay đổi nguyên trạng trên biển Đông như việc họ xây các đảo nhân tạo ở Trường Sa. Điều đấy có nghĩa là các nước đấu tranh để duy trì nguyên trạng làm điều vô ích vì không ai có thể ngăn cản được Trung Quốc tiến hành thay đổi nguyên trạng trên biển Đông, nếu như họ không sẳn sàng đối đầu quân sự, vũ trang với Trung Quốc trên biển Đông.
Chính điều đó chỉ ra một lổ hổng là mặt dù các nước này muốn duy trì nguyên trạng nhưng họ lại không có các cơ chế, các công cụ để duy trì nguyên trạng đấy. Đố là lổ hổng về mặt pháp lý, không có các ràng buộc, không có các hiệp định để mà ngăn cản hành động thay đổi nguyên trạng của Trung Quốc, từ đó có các cơ sở để lên án hay đưa ra các biện pháp trừng phạt Trung Quốc chẳng hạn.
Xuất phát từ thực tiễn đấy, không có các công cụ để ngăn cản Trung Quốc thay đổi nguyên trạng, thì bước đầu tiên để thay đổi tình trạng đó là tạo ra các công cụ pháp lý, mang tính chất ràng buộc cao để có thể ngăn cản Trung Quốc thay đổi nguyên trạng.
Có lẽ đây là lý do tại sao Việt Nam nhấn mạnh tính chất pháp lý ràng buộc, trong bản COC mà hai bên sẽ tiến hành đàm phán trong tương lai.
Những quan điểm lập trường như chúng ta vừa nêu vẫn có thể thay đổi trong tương lai, tùy thuộc vào tính toán lợi ích của các bên, nhưng tôi tin rằng Việt Nam không hoàn toàn đơn độc trong cuộc chiến về COC.
-Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp.
Kính Hòa RFA: Trong bản tin mới của Reuters, có nói một vài quốc gia ASEAN, không nêu tên, ủng hộ Việt Nam đưa COC trở thành một ràng buộc pháp lý. Theo ông quốc gia nào có khả năng ủng hộ Việt Nam trong chuyện đó?
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Theo tôi thì hiện tại có một số quốc gia ASEAN, trong bảng tuyên bố chung, họ không muốn đưa vào ngay cái cụm từ là phấn đấu đưa COC thành ràng buộc pháp lý, tại vì nó có mang tính ràng buộc pháp lý hay không thì nó vẫn còn là một câu hỏi mở để thảo luận, đàm phán giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, sau khi mà hai bên tiến hành đàm phán về thực chất của nội dung COC này. Cho nên bây giờ nếu nói phấn đấu đưa COC có tính ràng buộc pháp lý hay không thì nó vẫn chưa có ý nghĩa thực sự bằng việc tiến hành đàm phán trên thực tế.
Vì vậy có những bất ngờ, chẳng hạn có thông tin nói Singapore chẳng hạn, không ủng hộ việc đưa vào tuyên bố chung rằng COC mang tính ràng buộc pháp lý, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là Singapore và những nước liên quan không ủng hộ một bản COC mang tính ràng buộc pháp lý.
Còn trả lời câu hỏi của ông, dựa trên suy luận và quan sát của tôi thì có thể có các nước như Singapore, Indonesia, ủng hộ quan điểm của Việt Nam là có một COC mang tính ràng buộc pháp lý. Một số nước khác thì không có quan điểm rõ ràng, còn Cam Pu Chia thì chúng ta biết rằng họ nghiêng về quan điểm của Trung Quốc là COC không mang tính ràng buộc pháp lý.
Những quan điểm lập trường như chúng ta vừa nêu vẫn có thể thay đổi trong tương lai, tùy thuộc vào tính toán lợi ích của các bên, nhưng tôi tin rằng Việt Nam không hoàn toàn đơn độc trong cuộc chiến về COC, vì có những quốc gia trong khu vực chia sẻ lợi ích của Việt Nam, trong việc bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực biển Đông.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh gặp Ngoại trưởng Vương Nghị tại Manila
TTo - Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Manila, theo xác nhận của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (phải) gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ngày 7-8 tại Manila, Philippines - Ảnh: TTXVN |
Một số hãng tin nước ngoài đã đưa tin cho biết ông Vương Nghị, vào phút chót, đã hủy cuộc họp dự kiến với Phó thủ tướng Phạm Bình Minh trong ngày 7-8.
Báo South China Morning Post của Hong Kong trích lời một quan chức Trung Quốc giấu tên khẳng định cuộc gặp đã không diễn ra như dự kiến.
Hãng tin Bloomberg của Mỹ cũng trích dẫn một số nguồn cho biết Trung Quốc được cho là "phật lòng vì từ ngữ về Biển Đông trong bản thông cáo chung của các Ngoại trưởng ASEAN".
Nhưng theo xác nhận mới nhất vào tối nay (7-8) của một nguồn tin ngoại giao với Tuổi Trẻ Online, cuộc gặp trên vẫn diễn ra dưới hình thức là một cuộc gặp "pull aside", tức là hai bên gặp mặt và có trao đổi nội dung.
Ngoài ra, trong tối 7-8, bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN và các đối tác, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh còn gặp gỡ, tiếp xúc song phương với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Ngoại trưởng New Zealand Gerry Brownlee, và Đại diện cao cấp về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh Châu Âu (EU) Federica Mogherini.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Mình (phải) gặp Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ngày 7-8 tại Manila, Philippines - Ảnh: TTXVN |
Trong các tiếp xúc, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh và các đối tác đã trao đổi về các nội dung hợp tác song phương cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Việt Nam thống nhất cùng các nước và EU đưa hợp tác đi vào chiều sâu, duy trì trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao, tăng cường giao lưu nhân dân, nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác.
Phó thủ tướng đề nghị các nước tạo điều kiện cho hàng hoá, đặc biêt là nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường của các nước.
Về các vấn đề khu vực và quốc tế, Việt Nam và các nước cũng như EU khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, phối hợp giải quyết các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống như chống khủng bố, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề Biển Đông trên cơ sở Luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982, Tuyên bố Ứng xử giữ các bên trên Biển Đông (DOC), ủng hộ ASEAN và Trung Quốc sớm đàm phán thực chất Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (COC).
Ngoại trưởng các nước Trung Quốc, Mỹ và New Zealand cũng khẳng định phối hợp tổ chức năm APEC Việt Nam 2017 và hướng tới thành công Tuần lễ cấp cao tháng 11 tới tại Đà Nẵng.
QUỲNH TRUNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét