Tuyết Nhung |
Những căn nhà thuê xiêu vẹo cùng những con người đang ngày đêm oằn mình để tìm kế mưu sinh là hình ảnh chung tại mảnh đất được mệnh danh là nơi nghèo nhất của nước Mỹ.
Delta Mississipi từ lâu đã được xem là khu vực nghèo nhất của nước Mỹ. Tại đây nghèo đói đã tồn tại dai dẳng, đeo bám người dân suốt hàng chục năm qua.
Công việc khan hiếm. Hàng chục ngàn hộ gia đình phải nhờ đến trợ cấp thực phẩm và bảo hiểm y tế của chính phủ để duy trì cuộc sống. Trường học cũng phải vật lộn đấu tranh tìm nguồn quỹ để tiếp tục hoạt động.
Bà mẹ đơn thân ở một vùng quê nghèo
Otibehia Allen sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo nằm giữa những cánh đồng bông và đậu tương ở khu vực Delta, hạt Sunflower, tiểu bang Mississipi, Mỹ.
Ở tuổi 32, cô là một bà mẹ đơn thân của 5 đứa con nhỏ. Với đồng lương ít ỏi từ công việc nhập dữ liệu và vận chuyển hàng hóa cho một trạm y tế ở địa phương, việc đảm bảo cuộc sống cho các con luôn là gánh nặng mỗi ngày của Allen.
Cô và các con hiện phải sống trong một căn nhà di động thuê lại từ người khác với điều kiện sống vô cùng thiếu thốn. Vào mùa hè, cả căn nhà như biến thành một cái lò lửa vì máy điều hòa nhiệt độ đã hỏng từ lâu.
Có đêm, cô cùng 5 người con của mình phải đến nhà bạn bè hoặc người thân ngủ nhờ để tránh nóng. Nhưng cũng có đêm, cả gia đình phải ngủ lại tại nhà, chịu đựng cái nóng với một chiếc quạt máy nhỏ nhưng cũng không giúp ích được gì.
Căn nhà của cô có 2 phòng ngủ. Cô để dành một phòng cho những đứa con trai, một phòng cho những cô con gái còn bản thân thì thường xuyên ngủ lại trên ghế.
Allen không có xe vì thế mỗi lần muốn đi đến cửa hàng tạp hóa ở Clarkdale cách nhà khoảng 21 km để mua sắm hay đơn giản là trở về nhà sau ngày làm việc cô đều phải nhờ người chở đi vì không có phương tiện công cộng ở khu vực này. Mỗi lần như thế cô tốn khoảng 20 USD (450.000 đồng).
"Một mình nuôi 5 đứa trẻ là một chuyện không hề dễ dàng. Không ai bắt tôi phải có nhiều con nhưng tôi đã chọn như thế và điều đó đồng nghĩa với việc tôi phải chịu trách nhiệm với chúng", Allen nói cố ngăn những giọt nước mắt sắp tuôn trào.
Lưng và cánh tay Allen thường xuyên đau nhức nhưng cô không dám đi khám bác sĩ. Cô nói: "Tôi không muốn phải nhìn thấy những hóa đơn mà tôi không thể trả."
Những đứa con của Allen, từ 9 đến 14 tuổi đều đang nhận tài trợ từ chương trình Medicaid. Cách đây vài tháng Allen cũng đã được tăng lương – khoảng 40 cent một giờ, nhưng với chừng ấy tiền, cô chỉ có thể đảm bảo cho bản thân có thể sống mà không cần trợ cấp từ chính phủ.
Những câu chuyện của một vị bác sĩ ở vùng quê nghèo
Bác sĩ nhi khoa Barbara Ricks - 49 tuổi cũng là một người con sinh ra và lớn lên tại vùng Delta nghèo khó. Trước đây, gia đình bà từng phải nhận tem phiếu thực phẩm để duy trì cuộc sống.
Bà đã phải tự chi trả cho việc học đại học của mình nhờ vào các khoản học bổng và tiền kiếm được từ việc làm thêm. Sau khi tốt nghiệp đại học, bà trở về quê và bắt đầu hành nghề y ở Greenville - một trong những thành phố lớn của Delta với dân số 31.500 người năm 1999.
Ricks cho biết khoảng 95% bệnh nhân của bà đều là những người thuộc diện được nhận trợ cấp y tế Medicaid của chính phủ. Trong đó có những người đến từ những cộng đồng nhỏ ở rất xa, cách nơi bà làm việc từ 60-80 km.
"Những bệnh nhân đến từ những gia đình có nguồn tài chính ổn định thường có sức khỏe tốt hơn những người thường xuyên sống trong nghèo đói vì những người này họ phải thường xuyên đối mặt với stress, béo phì và tiểu đường", Ricks nói.
Một trong những bệnh nhân để lại ấn tượng sâu đậm với bà là một cậu bé 11 tuổi bị hen suyễn nặng. Cậu bé hiện đang sống với bà ngoại vì người mẹ đơn thân của cậu đang thất nghiệp và đã quá kiệt sức khi phải nuôi cả 5 anh chị em của cậu.
Cậu bé nhập viện vì bệnh trở nặng do không không được thường xuyên thực hiện các biện pháp chữa trị vì người bà còn bận chăm sóc cho một người họ hàng khác cũng đang mắc bệnh.
Một bệnh nhân khác là một đứa trẻ sơ sinh có mẹ là một học sinh 15 tuổi. Mặc dù quyết tâm sẽ học hành chăm chỉ để thi vào đại học nhưng người mẹ vẫn phải thường xuyên cúp học một vài ngày hay thậm chí vài tuần để ở bên chăm sóc cho con mình.
Ricks nói: "Nghèo đói không chỉ là một vấn đề của xã hội mà nó còn là một vấn đề của y học. Những đứa trẻ này có quá nhiều thứ phải đối mặt. Và mặc dù kết quả của nghèo đói là điều có thể dự đoán được, nhưng chúng ta tuyệt đối không được phép chấp nhận nó như một điều hiển nhiên."
Lí tưởng chưa kịp thực hiện của thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy
Cách đây 50 năm, hai thượng nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ là Robert F. Kennedy ở New York và Joe Clark ở Pennsylvania đã từng có chuyến thăm đến khu vực này. Họ đã tận mắt chứng kiến sự nghèo khổ của nơi đây qua hình ảnh của những ngôi nhà đổ nát và những đứa trẻ đang lả người vì đói.
Cùng tham gia vào chuyến hành trình còn có Curtis Wilkie – một phóng viên trẻ của tờ the Clarksdale Press Register. Hồi tưởng lại những điều đã nhìn thấy trong chuyến hành trình, ông nói: "Chúng tôi nhìn thấy một đứa bé đang bò trên sàn nhà. Trên người bé chỉ mặc mỗi một chiếc tả bẩn.
Cậu bé bò quanh nhà để nhặt và ăn những hạt cơm rơi vãi trên sàn nhà bẩn. Nhìn thấy cảnh tượng này, thượng nghị sĩ Kennedy đã quỳ xuống bên cạnh bé, mắt ngấn lệ nhưng không thể thốt lên được lời nào, ông chỉ biết vuốt ve má và trán của cậu bé."
"Chuyến đi đã để lại một ảnh hưởng to lớn đối với thượng nghị sĩ Kennedy. Sau khi trở lại Washington, ông đã trở thành một trong những người ủng hộ và nhiệt tình đấu tranh cho quyền lợi của những người nghèo ở nông thôn", Wilkie cho biết.
Năm 1968, Kennedy đã ra tranh cử tổng thống để thực hiện lí tưởng của mình nhưng vào khoảnh khắc giành chiến thắng tại vòng bầu cử sơ bộ của bang California, ông lại bị ám sát.
Cùng tham gia vào chuyến đi của Kennedy và Clark còn có Marian Wright, một luật sư trẻ chuyên đấu tranh cho quyền lợi của người dân ở Mississipi. Năm 1973, sau khi kết hôn, bà đã thành lập nên Quỹ Bảo trợ Trẻ em – một nhóm ủng hộ các dịch vụ xã hội cho người nghèo trên phạm vi cả nước.
Thời gian gần đây, Marian đã trở lại Mississipi để tìm hiểu về những ảnh hưởng của nghèo đói lên đời sống những cư dân ở đây như trường hợp của bà mẹ đơn thân Allen.
Hiện cả Edelman và Ellen đều cho biết họ vô cùng lo lắng việc chính quyền của tổng thống Donald Trump sẽ thực sự ra lệnh cắt giảm các khoản dịch vụ xã hội trợ giúp cho người nghèo. Nếu điều đó xảy ra, cuộc sống của những cư dân ở Delta sẽ càng khó khăn hơn nữa.
Những tư tưởng đối lập
Trong lúc Kennedy tìm cách hỗ trợ cho người dân nghèo ở nông thôn thì những nhà lãnh đạo của Mississipi lại làm điều ngược lại.
Năm 1967, đoàn đại biểu Quốc hội của Mississipi dẫn đầu là các thượng nghị sĩ của Đảng Dân chủ James Eastland và John Stennis cùng thượng nghị sĩ Jamie Whitten thuộc Đảng Cộng hòa đã đồng loạt bỏ phiếu chống, phản đối việc thành lập quỹ liên bang hỗ trợ thực phẩm cho người nghèo.
Bên cạnh đó, những đại biểu này còn ra sức phản đối chương trình Head Start – một chương trình giáo dục mầm non dành cho trẻ em nghèo người da đen vì lo sợ chương trình sẽ đe dọa đến quyền lực của những người da trắng.
Phil Bryant - Thống đốc bang Mississipi được sinh ra trong một gia đình bình dân ở khu vực Delta năm 1954. Ông thường nói rằng ông không muốn người dân phải phụ thuộc quá nhiều vào chính phủ.
Dưới thời của ông, Mississipi là 1 trong 19 tiểu bang từ chối mở rộng chương trình Medicaid – chương trình bảo hiểm y tế của liên bang và tiểu bang dành cho người nghèo, theo luật chăm sóc sức khỏe do cựu tổng thống Barack Obama kí.
Bryant đã ra sức ủng hộ cho tổng thống Donald Trump vì ông cho rằng tạo ra công việc mới là cách tốt nhất để chống lại đói nghèo.
Trong thời gian ông tại nhiệm, Mississipi đã thành công thu hút 2 nhà máy sản xuất lốp xe – một cái đã được vận hành và một cái đang xây dựng tạo thêm nhiều việc làm cho người dân. Nhưng đáng tiếc là không có cái nào nằm ở khu vực Delta.
Mặc dù cuộc sống đã được cải thiện ít nhiều trong hơn 50 năm qua nhưng Delta vẫn là một trong những khu vực nghèo nhất ở Mỹ. Trong khi tỉ lệ nghèo đói của cả nước chỉ khoảng 15%, thì ở Mississipi lại là 22% và ở những hạt khác của khu vực Delta, tỉ lệ này lại lên đến 30% – 40%.
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét