Không điều chỉnh tuổi đảng viên trong hồ sơ gốc kể từ ngày 18/8
Tối 17/8, các cơ quan báo chí đã thông tin rộng rãi Thông báo kết luận của Ban Bí thư về việc xác định tuổi của đảng viên.
Theo thông báo, kể từ ngày 18/8/2016, không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên mà thống nhất xác định tuổi của đảng viên theo tuổi khai trong hồ sơ Lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng. Đây là căn cứ, cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét khi quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; bố trí, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ là đảng viên.
Kết luận này của Ban Bí thư đã được đông đảo cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người làm công tác tổ chức, cán bộ đón nhận với sự đồng tình cao.
Tạo sự nhất quán trong công tác cán bộ
Ông Lê Văn Thái, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương cho rằng đây là chủ trương hết sức đúng đắn.
Ông Lê Văn Thái chia sẻ trong những năm qua, trong công tác cán bộ đã gặp một số trường hợp cán bộ là đảng viên có ngày, tháng, năm sinh trong hồ sơ cán bộ khác ngày, tháng, năm sinh trong hồ sơ đảng viên. Việc này có nhiều lý do.
Chính vì vậy, trong Hướng dẫn số 01 ngày 5/1/2012 về một số vấn đề thi hành Điều lệ Đảng của Ban Bí thư, mục 8.2 về yêu cầu quản lý hồ sơ đảng viên, đã có biện pháp, hướng dẫn xử lý khớp lại năm sinh. Khi đảng viên có đề nghị về sửa tuổi trong hồ sơ đảng viên thì chuyển đơn và hồ sơ, tài liệu kèm theo đến cấp ủy cơ sở, cấp cơ sở đồng ý sẽ chuyển lên cấp trên trực tiếp xem xét quyết định.
Căn cứ vào giấy khai sinh gốc hoặc vào lý lịch tư pháp của người cán bộ, đảng viên đó, tổ chức đảng ra quyết định sửa tuổi trong hồ sơ đảng viên cho khớp với lý lịch công tác. Điều này nhằm thống nhất tuổi trong hồ sơ cán bộ và hồ sơ đảng viên, tuy nhiên đã xuất hiện tình trạng lạm dụng việc chỉnh sửa tuổi để có lợi khi chuẩn bị nghỉ hưu hoặc khi xem xét quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Có người "bỗng nhiên" tìm thấy giấy khai sinh gốc cung cấp cho cấp ủy hoặc chủ động sửa hồ sơ tư pháp: Giấy khai sinh, hộ khẩu, chứng minh thư và các loại giấy tờ khác, rồi đề nghị tổ chức Đảng sửa tuổi đảng viên trong hồ sơ đảng. Có trường hợp sửa tăng lên, có trường hợp sửa giảm đi, không phải tất cả các trường hợp được sửa theo hướng trẻ đi. Việc chỉnh sửa này gây khó khăn cho công tác cán bộ, gây dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân.
Ông Lê Văn Thái cho rằng Kết luận của Ban Bí thư về việc xác định tuổi của đảng viên có ba điểm rất quan trọng:
Thứ nhất, kết luận khẳng định từ ngày 18/8/2016 sẽ không xem xét điều chỉnh tuổi đảng viên trong hồ sơ đảng viên (hồ sơ gốc) khai khi vào Đảng, tuổi của đảng viên được tính theo hồ sơ gốc.
Thứ hai, đó là căn cứ, cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét khi quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, bố trí, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ là đảng viên.
Thứ ba, Ban Bí thư giao cấp ủy các cấp triển khai, phổ biển đến chi bộ. Chủ trương này hết sức đúng đắn, khoa học và hợp lý vào thời điểm hiện nay, thể hiện ở những điểm sau: Khi vào Đảng, nhận thức của cán bộ đó đã trưởng thành, đây là hồ sơ do người cán bộ đó tự khai; tuổi do người cán bộ đó khai trong hồ sơ đảng viên khi nhận thức đã trưởng thành, cần phải tôn trọng điều đó. Chủ trương này rất kịp thời để ngăn chặn hiện tượng lạm dụng sửa tuổi, hạ tuổi.
Kết luận về việc xác định tuổi đảng viên có ý nghĩa quan trọng đối với công tác cán bộ. Thực tế thời gian qua, đôi khi những người làm công tác cán bộ gặp khó khăn khi tham mưu giải quyết các trường hợp này, khi đảng viên chuẩn bị hồ sơ đầy đủ về mặt lý lịch tư pháp, các giấy tờ tùy thân, trong quy định cho phép như vậy. Kết luận này của Ban Bí thư tạo sự nhất quán trong công tác cán bộ. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra một vấn đề là phải có những bước tiếp theo. Ví dụ như thực hiện chính sách khi cán bộ về hưu phải căn cứ vào tuổi đảng viên, nhưng tuổi trong lý lịch cán bộ, trong sổ bảo hiểm của người đó khác với tuổi trong hồ sơ đảng viên. Việc này sẽ liên quan đến nhiều cơ quan khác trong thực hiện chính sách cán bộ, cần phải có hướng xử lý. Những vấn đề đó sẽ giải quyết được trên cơ sở Kết luận này.
Kết luận khẳng định chủ trương của Đảng công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Việc này sẽ giúp chấm dứt được một trong số cái "chạy" là "chạy" tuổi, hiện tượng này đang gây bức xúc trong đảng viên và nhân dân. Bởi vậy, việc thực hiện theo kết luận này sẽ tạo thuận lợi cho công tác tổ chức cán bộ.
Kiên quyết ngăn chặn tình trạng “chạy” tuổi
Từ góc nhìn của người làm công tác tổ chức-cán bộ, bà Vũ Thị Hiên, Phó Trưởng Ban Tổ chức cán bộ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng Kết luận của Ban Bí thư về việc xác định tuổi của đảng viên là rất đúng đắn, cần thiết đối với công tác cán bộ trong tình hình hiện nay, kiên quyết chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng “chạy” tuổi của những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, mưu lợi cá nhân.
Bởi trên thực tế, trước khi được đưa vào diện xem xét quy hoạch hoặc đề bạt, bổ nhiệm, có cán bộ đã khai lại hoặc điều chỉnh lại ngày, tháng, năm sinh trong hồ sơ gốc cho phù hợp với nguyện vọng của bản thân. Nếu không có hồ sơ gốc đảng viên làm căn cứ sẽ rất khó khăn cho công tác tổ chức-cán bộ khi lựa chọn, đánh giá đúng cán bộ để đưa vào quy hoạch hoặc xem xét đề bạt, bổ nhiệm.
Cũng có hiện tượng, trước khi nghỉ hưu hưởng chế độ, một số cán bộ lãnh đạo đã điều chỉnh lại năm sinh trong hồ sơ gốc để được kéo dài thời gian công tác. Việc làm đó đã gây khó khăn cho công tác cán bộ trong việc tạo nguồn cán bộ kế cận, gây khó khăn cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ khi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật.
Bà Vũ Thị Hiên cho rằng việc xác định tuổi của đảng viên theo tuổi khai trong hồ sơ lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng là căn cứ chính xác nhất, hợp lý nhất, là cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét khi đưa vào diện quy hoạch, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ là đảng viên.
Tăng cường quản lý, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, liêm chính
Tiến sỹ Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ) cho rằng Kết luận của Ban Bí thư là kịp thời, xuất phát từ thực tế để ngăn chặn tình trạng gian lận tuổi trong cán bộ, đảng viên. Đây còn là quyết tâm của Đảng để ngăn chặn mầm mống của vụ lợi, có thể là cả tham nhũng, tăng cường quản lý, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, đảng viên trong sạch, liêm chính. Các cơ quan Đảng, Nhà nước khi gặp những trường hợp như vậy phải xử lý thận trọng, nghiêm túc, có trách nhiệm trong xác minh lý lịch của cán bộ, công chức để tránh gian lận.
Theo tiến sỹ Đinh Văn Minh, việc xác minh lý lịch, tuổi của đảng viên không hề khó nếu về địa phương, nơi cư trú... nhưng vẫn có tình trạng các cơ quan chức năng chỉ căn cứ vào các giấy tờ chứng nhận, trong khi đó, khâu xác minh, xác thực lý lịch, cấp đổi chứng minh thư, hộ khẩu vẫn còn hạn chế. Kết luận của Ban Bí thư xuất phát từ thực tế có vấn đề "chạy" chức, "chạy" quyền, "chạy" tuổi. Mà muốn "chạy" tuổi thì phải sửa lý lịch.
Thực tế là không phải tự nhiên người ta gian lận tuổi mà đều phải có lý do, mục đích. Gian lận tuổi chưa chắc đã là để tham nhũng. Tuy nhiên, đây là điều kiện để họ kéo dài cơ hội, thời gian đảm nhiệm chức vụ, thời gian công tác để có thể vụ lợi.
Vấn đề này có nguyên nhân lịch sử vì ở Việt Nam, do chiến tranh, chuyển công tác, cán bộ, chiến sỹ, đảng viên tham gia cách mạng phải thay tên, đổi họ, phải đổi ngày, tháng, năm sinh, lý lịch... Cùng với việc quản lý nhân khẩu hộ khẩu, cấp đổi chứng minh thư nhân dân vẫn còn hạn chế nên dẫn đến những trường hợp "chạy" tuổi./.
Sửa tuổi, chạy tuổi để “vinh thân phì gia"
22/08/2016 06:00 GMT+7
Văn bản của Ban Bí thư được Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính ký nêu rõ thực trạng: Những năm gần đây, việc sửa lại tuổi của một số cán bộ, đảng viên, nhất là vào thời điểm chuẩn bị đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, HĐND, UBND các cấp hoặc trước khi xem xét quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và khi cán bộ chuẩn bị đến tuổi nghỉ hưu... đã gây ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập đối với các cấp ủy, tổ chức Đảng và cơ quan, đơn vị ở các cấp trong công tác cán bộ.
1. Ngày 17/8, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành kết luận về việc xác định tuổi của Đảng viên. Theo đó, "từ ngày 18/8/2016 không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên, mà thống nhất xác định tuổi theo hồ sơ lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng”, đó là nội dung Thông báo số 13 – TB/TW kết luận về việc xác định tuổi của đảng viên của Ban Bí thư, Ban Bí thư xem Thông báo này là rào chắn để chấm dứt hẳn chuyện chạy tuổi của cán bộ lãnh đạo.
Vì sao người ta muốn chạy tuổi?. Đơn giản, chạy tuổi để chậm về hưu, chậm về hưu nghĩa là còn tại vị, còn tại vị nghĩa là còn “nói có người nghe, đe có người sợ, nợ có người trả”. Suy cho cùng, chạy tuổi cũng chỉ dể đảm bảo quyền lợi cho riêng cá nhân, một thứ quyền lợi gói gọn trong bốn chữ, “vinh thân phì gia”.
Chạy tuổi để chậm về hưu, chậm về hưu nghĩa là còn tại vị, còn tại vị nghĩa là còn “nói có người nghe, đe có người sợ, nợ có người trả”. Suy cho cùng, chạy tuổi cũng chỉ dể “vinh thân phì gia”.
|
Năm nảo năm nào, dư luận một phen bổ ngửa vì thông tin hàng loạt giáo viên mầm non sắp đến tuổi hưu ở huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên được sửa lại tuổi từ khai sinh cho đến văn bằng để kéo dài tuổi chờ hưu. Tất nhiên, nếu không có sự giúp đợ nhiệt tình thắm thiết của các cơ quan chức năng thì mọi chuyện sẽ không trơn tru đến vậy. Bởi công dân nào không có số làm cán bộ lãnh đạo từng vướng víu những vấn đề liên quan đến chỉnh sửa tuổi tác, tên họ đều biết vạn sự khó khăn như thế nào.
Cá biệt trong những giáo viên mầm non được sửa lại tuổi ở huyện Đông Hòa (Phú Yên), có giáo viên được sửa hơi lố thành ra 14 tuổi đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm để có thể thanh thản thiết tha với nghề gõ đầu trẻ.
Đời sống của giáo viên luôn còn nhiều khó khăn, các chế độ dành cho họ ít khi tương xứng với sự cống hiến, thế nên câu chuyện sửa tuổi vì một chút quyền lợi của nhóm bộ phận này cũng không đáng bị chỉ trích nặng nề.
Sở dĩ nhắc lại là vì đây là lần đầu tiên công luận được chứng kiến một thông tin chính thức chứ không phải là đồn đoán về câu chuyện sửa năm sinh trong cán bộ.
2. PGS.TS Lê Quốc Lý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói về vấn đề sửa tuổi của cán bộ lãnh đạo như sau, “Vấn đề điều chỉnh tuổi của nhiều người đã diễn ra ở nhiều cấp từ Trung ương đến địa phương trong việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, khi cán bộ chuẩn bị đến tuổi nghỉ hưu. Việc này tạo dư luận không tốt trong xã hội, tạo nên sự dị nghị, không tán đồng trong cơ quan. Điều lâu nay chúng ta yếu kém là hay du di, vì nể tình, vì thân quen, vì lợi ích này, lợi ích kia. Chuyện du di đó tưởng chừng đơn giản nhưng chính nó làm mất uy lực của các văn bản, quyết định của Đảng và Nhà nước”.
Thực tế là bức tranh sinh động nhất là bất cứ cụm từ nào được sử dụng trong văn bản hay phát ngôn trên truyền thông đều không thể che đậy hoặc ngụy biện được.
Mặc cho, cứ mỗi lần trước những đợt sắp xếp, bầu bán lại cán bộ lãnh đạo từ địa phương cho đến Trung ương, dư luận đều râm ran về câu chuyện tuổi tác của một số cán bộ lãnh đạo.
Dĩ nhiên, điều chỉnh tuổi dựa trên hồ sơ giấy tờ thì không thể nào mà sai được, nó tựa tựa một thứ “đúng quy trình” mà dư luận từng nghe. Đa phần đều có một kiểu nói như nhau, do thất lạc giấy tờ, do bố mẹ nhớ nhầm, do nhiệt huyết muốn cống hiến nên tự ý khai tuổi lên nay muốn điều chỉnh…
Tuy nhiên, chỉ có thứ không đúng quy trình ấy chính là người dân đều biết rõ cả nhưng không biết phải phản ứng ra sao. Hơn nữa, với cương vị đang nắm giữ thì cán bộ lãnh đạo đều có thể dễ dàng điều chỉnh năm sinh theo ý chí chủ quan của bản thân.
Ông Vương Đức Lâm, vốn là Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Đồng Xoài. Cuối tháng 5/2016, ông Vương Đức Lâm đã nhận được kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước về những tố cáo nhắm vào ông.
Trong kết luận này có đoạn, “Kết quả kiểm tra cũng cho thấy việc cải chính năm sinh trong hồ sơ đảng viên của ông Lâm đã được cấp có thẩm quyền cho phép và thực hiện theo đúng hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng”. Điều này cho thấy rằng việc điều chỉnh năm sinh của các cán bộ lãnh đạo đều không có gì sai cả, đếu luôn luôn đúng.
Đâu phải ngẫu nhiên nhân dân tin vào câu, “Phủ bênh phủ, huyện bênh huyện”.
3. Vấn đề tất yếu trong chuyện chạy tuổi, điều chỉnh tuổi không hề liên quan đến luật.
Vấn đề ở đây chính là lòng tự trọng của một bộ phận cán bộ lãnh đạo luôn được đặt sang một bên trước những đặc quyền đặc lợi mà họ được nhận từ vị trí công tác, thêm một ngày là tốt một ngày, thêm một tuần là hay một tuần.
Thế nên cũng không có gì là ngạc nhiên khi anh làm cán bộ có năm sinh còn nhỏ hơn em là nông dân, hoặc con là cán bộ có số tuổi trên giấy tờ chỉ thua cha già có một chút xíu.
Chả lẽ tất cả đều hợp lý?
Ngô Nguyệt Hữu
Chặn đường “chạy tuổi”
TTO - Thực trạng sửa tuổi và nạn “chạy tuổi” cán bộ, công chức đã diễn ra với không ít câu chuyện bi hài. Vì thế hết căn cứ để sửa tuổi, đồng nghĩa với việc chặn đường “chạy tuổi”.
Đọc kết luận của Ban Bí thư về việc xác định tuổi của cán bộ đảng viên, lại nhớ tới cựu đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông, người rất quan tâm chủ đề “chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi” khi chất vấn đến hai “đời” bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Gọi điện cho ông Cuông để nghe ông bình luận về quyết định của Ban Bí thư, ông nói ngắn gọn là “rất hoan nghênh”.
Như vậy cùng với việc hoàn thiện các quy định của Nhà nước về độ tuổi cán bộ, công chức, Đảng ban hành quy định về xác định tuổi sẽ chấm dứt nạn chạy tuổi, khiến những ai có ý định “chạy” cũng hết đường “chạy”, tạo cơ sở cho việc công khai, minh bạch về tuổi tác - một điều kiện quan trọng để được
thăng chức, giữ chức.
Sau kết luận của Ban Bí thư, có lẽ trong dư luận cũng sẽ chấm dứt những câu chuyện tiếu lâm về tuổi tác âm ỉ hoặc ồn ào bấy lâu nay: được kéo dài tuổi hưu vì “nhìn mặt còn trẻ”; sinh con từ thuở 13; nhập ngũ hoặc đỗ đại học từ 14-15 tuổi; phải đeo răng giả khi chưa đến 60; hoãn mừng thọ vì sửa tuổi...
Trước đây, trong những thời kỳ cách mạng gian nguy, khi còn thiếu quy định về độ tuổi cán bộ, công chức, không ít các nhà lãnh đạo đã lựa chọn dâng hiến trọn đời mình, làm việc đến hơi thở cuối cùng để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Nhưng trong thời bình, kinh tế thị trường phát triển, nhiều người coi chức vụ gắn liền với bổng lộc.
Khi có các quy định về độ tuổi cán bộ, công chức thì nảy sinh thực trạng sửa tuổi và nạn “chạy tuổi” đã diễn ra với không ít câu chuyện bi hài.
Người “chạy” tất nhiên phải là những đảng viên có chức có quyền, lưu luyến “cái ghế” gắn với lợi danh; bớt đi vài tuổi, thậm chí vài tháng tuổi, có thể thêm được một nhiệm kỳ tại vị bởi sẽ được quy hoạch vào cấp ủy, thường vụ, ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND...
Trong công tác cán bộ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng tâm sự với cử tri Hà Nội rằng “khó nhất là ai cũng nghĩ mình giỏi hơn người khác và ai cũng nghĩ mình thiệt hơn người khác” và trước khi có quy định về tuổi tác, có lẽ còn thêm một thực trạng là ai cũng nghĩ mình còn sức khỏe hơn người.
Văn bản của Ban Bí thư được Trưởng Ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính ký nêu rõ thực trạng: Những năm gần đây, việc sửa lại tuổi của một số cán bộ, đảng viên, nhất là vào thời điểm chuẩn bị đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, HĐND, UBND các cấp hoặc trước khi xem xét quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và khi cán bộ chuẩn bị đến tuổi nghỉ hưu... đã gây ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập đối với các cấp ủy, tổ chức Đảng và cơ quan, đơn vị ở các cấp trong công tác cán bộ.
Đồng thời, việc sửa lại tuổi tạo ra dư luận không tốt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ban Bí thư kết luận: kể từ ngày 18-8-2016 không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên, mà thống nhất xác định tuổi theo hồ sơ lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng.
Như vậy đã rõ: hết căn cứ để sửa tuổi, đồng nghĩa với việc chặn đường “chạy tuổi”.
LÊ KIÊN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét