Thứ Ba, 22 tháng 5, 2018

Quốc hội và mâu thuẫn lớn

Bởi
 AdminTD
 -

Nguyễn Đình Cống
21-5-2018
Nhân Quốc hội (QH) đang họp kỳ 5 khóa 14, xin bàn về hai mâu thuẫn lớn. Gặp phải hai mâu thuẫn này QH rất khó phát huy năng lực.
1-Mâu thuẫn giữa danh và thực
Một quy luật để xã hội phát triển bình thường là quy luật “Danh thực tương đồng”, hoặc theo Đạo Nho là “Thuyết Chính danh”. Vi phạm quy luật này là kiểu “nói một đàng, làm một nẻo”, là dối trá, là bất minh, là nguyên nhân của nhiều rối loạn. Quốc hội VN đang phạm phải mâu thuẫn này, khi danh xưng là “Cơ quan quyền lực cao nhất, là đại biểu của nhân dân”, nhưng thực chất chỉ là một cơ quan thừa hành của Đảng, chỉ là Quốc hội của Đảng.

Đảng khống chế chặt chẽ mọi việc của QH như bầu cử, tổ chức, họp hành. Trên 95% Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là đảng viên, gần 100% ĐBQH bị Đảng khống chế. ĐBQH gồm một số chuyên trách và đa số kiêm nhiệm. Số ĐBQH kiêm nhiệm gồm 3 loại chính. Loại A là những quan chức cao cấp của Đảng và Chính quyền, loại B, được cơ cấu, chủ yếu cho đủ số lượng, loại C, chiếm một tỷ lệ rất bé, tương đối có trình độ và trách nhiệm.
Trong các cuộc họp QH người ta thấy ĐB loại A khá thờ ơ và thiếu trách nhiệm, họ biết rằng những điều đưa ra QH đã được họ bàn và quyết định ở nơi khác rồi, họ ngồi họp QH mà tinh thần, tư tưởng, tình cảm đều để vào chỗ khác. ĐB loại B đi họp QH như là được nhận vinh dự, họ chẳng có ý kiến gì quan trọng về tình hình đất nước, họ sẵn sàng bấm nút bỏ phiếu theo hướng dẫn vì đã sẵn lòng tin vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Một số ĐB loại C có thảo luận, có chất vấn, nhưng cũng phải hạn chế trong tầm kiểm soát.
Một QH như thế mà mang danh là “Cơ quan quyền lực cao nhất” thì chỉ đi lừa được những người kém hiểu biết và cả tin. Hoạt động của QH có hiệu quả rất thấp, quá lãng phí.
2- Mâu thuẩn giữa hai tổ chức
Nền chính trị với 3 cấp chồng chéo lên nhau (Đảng, Chính quyền, Mặt trận), hòa quyện vào nhau, đã tạo nên sự lãng phí lớn và trong nhiều công việc lại tỏ ra bất lực. Khái niệm trong Hiến pháp: “Đảng lãnh đạo toàn diện và QH là Cơ quan quyền lực cao nhất” chứa đựng mâu thuẫn lớn. Đảng lãnh đạo toàn diện, vậy có lãnh đạo QH không? Nếu không thì toàn diện cái gì. Nếu QH chịu sự lãnh đạo thì liệu còn giữ được độc lập trong hoạt động, mà đã mất tính độc lập thì còn cao nhất với ai? Khi công nhận đồng thời hai khái niệm trên là đã chấp nhận mâu thuẫn. Người ta đã quá dễ tính khi thông qua và ban hành một Hiếp pháp như vậy.
Hiện tại, vì QH chỉ làm theo Đảng nên mâu thuẫn trên tạm lắng dịu. Giả thử như có một QH thực sự xứng đáng, làm được “Cơ quan quyền lực cao nhất” thì khó có cách gì giải quyết mâu thuẫn vừa nêu.
3- Đề xuất với QH
Để xứng đáng là cơ quan quyền lực cao nhất, QH phải bao gồm các ĐB có trí tuệ và trách nhiệm cao, liêm khiết và dũng cảm. Số lượng không cần đông, khoảng 300 người là vừa. Rất cần chất lượng hơn số lượng. Muốn vậy, phải tổ chức bầu cử thật sự dân chủ, từ bỏ việc Đảng cử dân bầu và Mặt trận giới thiệu, phải tranh cử công khai, hạn chế đến loại bỏ ĐB loại B theo cơ cấu, ĐB QH không thể đồng thời là cán bộ trong cơ quan hành pháp như một số ở loại A. Các vị trí lãnh đạo QH phải do QH bầu một cách thực chất, không do Bộ Chính trị lựa chọn. QH làm Luật về sự lãnh đạo của Đảng, không thể để Đảng tự mình đứng trên mọi luật pháp.
Việc ĐBQH chất vấn thành viên Chính phủ càng ngày càng trở nên kém hiệu quả. Tôi đề nghị mở ra hai loại chất vấn khác. Nhân dân chất vấn QH và ĐBQH chất vấn thành viên của Bộ Chính trị.
4- Đề xuất với Đảng
Đảng tỏ ra rất quan tâm và cũng rất lúng túng trong việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực và liêm khiết. Loay hoay, lúng túng vì không tạo được động lực mạnh, không dùng được biện pháp đúng (hoặc vũ khí tốt). Đúng ra Đảng phải thay đổi từ một đảng cách mạng thành đảng chính trị cầm quyền, từ bỏ độc quyền, chấp nhận cạnh tranh.
Độc quyền dễ dàng dẫn tới thoái hóa. Cạnh tranh lành mạnh mới tạo động lực tiến bộ. Phê bình và tự phê là vũ khí sắc bén trong thời kỳ Đảng vận động làm cách mạng, ngày nay, khi Đảng cầm quyền, vũ khí đó trở nên quá cùn, không thể dùng có hiệu quả như ngày xưa. Càng không thể dùng cách đàn áp để tiêu diệt đối lập bằng cách vu cho người ta là “thế lực thù địch”. Bây giờ phải dùng vũ khí mới, thích hợp hơn, đó là chấp nhận cạnh tranh, chỉ trích và đối thoại của đối lập hoặc bất đồng chính kiến.
Đảng rất sợ cạnh tranh, sợ đối thoại với bất đồng chính kiến, sợ bị người ngoài vạch ra những sai sót. Đảng tạo ra cho đảng viên và nhân dân rất nhiều thứ sợ. Sợ quá như thế thì làm sao trưởng thành được, chỉ có lụi tàn. Phải chấp nhận cạnh tranh. Trước mắt chưa có tổ chức chính trị đủ mạnh để cạnh tranh với Đảng thì hãy để cho Quốc hội trở thành lực lượng như vậy.
Ở nhiều nước dân chủ, người ta có 2 Viện: Thượng viện và Hạ viện. Hai Viện đó độc lập với nhau. Tôi đề nghị VN, trong lúc vẫn tạm chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng CS thì xem Ban Chấp hành Trung ương Đảng có vai trò như Thượng viện và Quốc hội có vai trò như Hạ viện. Trung ương Đảng và Quốc hội có thể cùng thảo luận một vấn đề của quốc gia, nhưng độc lập đối với nhau. Làm được như thế thì Đảng mạnh lên mà QH cũng mạnh lên, và Nhân dân được hưởng lợi.
Đó là trước mắt, còn lâu dài, QH phải xây dựng lại Hiến pháp, loại bỏ điều 4, hãy để Đảng Cộng sản là một lực lượng chính trị được và buộc phải cạnh tranh công khai và công bằng.

Không có nhận xét nào: