Diễn biến trên chính trường thế giới cho thấy cờ đang trong tay Mỹ chứ không phải Trung Quốc. Lựa chọn của Việt Nam với vai trò là quốc gia có vị trí chiến lược trong khu vực sẽ có ảnh hưởng lớn đến bản đồ chiến lược khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương cũng như vận mệnh tương lai của dân tộc.
Bằng các biện pháp bảo hộ thương mại, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng chứng tỏ lập trường cứng rắn trong việc giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Khoản áp thuế lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc mới đây và cuộc hội đàm lịch sử Trump – Kim sắp diễn ra cho thấy cờ đang trong tay Mỹ chứ không phải Trung Quốc. Lựa chọn của Việt Nam với vai trò là quốc gia có vị trí chiến lược trong khu vực sẽ có ảnh hưởng lớn đến bản đồ chiến lược khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương cũng như vận mệnh tương lai của dân tộc.
Trước những biến chuyển đang xảy ra nhanh chóng trên thế giới trong đó Trump đang ngày càng khẳng định con đường “đưa nước Mỹ trở lại vĩ đại lần nữa” đang có những bước tiến nhất định, còn Trung Quốc trong cuộc đáp trả thương mại Mỹ – Trung đã buộc phải đưa ra những nhượng bộ mặc cho trước đó nền kinh tế lớn thứ hai thế giới luôn đe dọa sẵn sằng chiến đấu với Mỹ đến cùng.
Điều đó vô tình làm lộ rõ tính dễ bị tổn thương trước các xung đột thương mại và bản chất nền kinh tế “hổ giấy” của Trung Quốc vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu giá rẻ. Trước màn trình diễn bạc nhược đó của nền kinh tế Trung Quốc và sự lo sợ mất “quân bài” chiến lược Triều Tiên trước cuộc hội đàm lịch sử Trump – Kim, liệu đây có phải là thời cơ để Việt Nam tung phản đòn kinh tế và chấm dứt sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc?
Tiếng nói và quy mô nền kinh tế Việt Nam chưa bao giờ được coi là đối trọng xứng tầm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Mặc dù vậy, động thái lúc này của Việt Nam sẽ có ý nghĩa như “quân cờ domino” đầu tiên khởi đầu cho phong trào thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc về mặt kinh tế lẫn an ninh quốc phòng trên biển Đông.
Trong tình huống chiến tranh thương mại Mỹ – Trung xảy ra, thiệt hại cho đôi bên và các nước có quan hệ giao thương với hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là điều khó tránh khỏi. Song, mức độ thiệt hại của mỗi bên sẽ khác nhau và cuộc chiến thương mại sẽ mở ra nhiều kịch bản khó lường, trong đó không loại trừ khả năng sẽ dẫn đến sự chấm dứt của chế độ cộng sản Trung Quốc.
Trung Quốc mới là nước chịu thiệt hại lớn
Với vai trò là thị trường xuất siêu lớn của Trung Quốc, nếu Việt Nam hạn chế giao thương với Trung Quốc lúc này, cùng với Mỹ sẽ là hai lực cộng hưởng nhắm vào nền kinh tế sống nhờ xuất khẩu của Trung Quốc. Có bình luận cho rằng trong cuộc chiến này, Trung Quốc không có cơ hội chiến thắng và ông Trump có khả năng làm sụp đổ chế độ hiện tại của Trung Quốc.
Trên thực tế, Trung Quốc có nhiều thứ để mất hơn Mỹ và những nước khác. Bởi nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, trong khi các quốc gia khác xuất khẩu vào nước này lại không nhiều. Theo CNBC, trong năm 2017, nền kinh tế Trung Quốc đạt được thặng dư thương mại toàn cầu lên đến hơn 422 tỷ USD, trong đó gần 90% thặng dư đến từ Mỹ với hơn 375 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, thống kê từ Statista.com cho thấy Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa của thế giới khoảng 1.842 tỷ USD trong năm qua, chỉ bằng 64% so với lượng nhập khẩu hàng hóa của Mỹ (2.895 tỷ USD); trong khi nước Đức với dân số ít hơn nhiều so với Trung Quốc nhưng nhập khẩu đến gần 1.260 tỷ USD. Do đó, nếu thế giới đóng cửa giao thương vì chiến tranh thương mại thì Trung Quốc mới là nước chịu thiệt hại trước tiên.
Đối với Đức, đầu tầu kinh tế của khối Liên minh châu Âu (EU), việc làm ăn với Mỹ mang lại nhiều lợi ích hơn so với Trung Quốc. Theo Tổng cục Thống kê Liên bang Đức, trong năm 2017, Đức bị thâm hụt thương mại với Trung Quốc hơn 17 tỷ USD, nhưng đạt được thặng dư thương mại với Mỹ 64,3 tỷ USD và Mỹ cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đức. Theo sau Đức là Anh, Ý, Pháp, Thụy Sĩ đều là những nước thuộc EU đang xuất khẩu lớn vào Mỹ. Do đó, càng không có lý do để Đức và EU đứng về phía Trung Quốc nếu xảy ra chiến tranh thương mại.
Ấn Độ, quốc gia “không đội trời chung” với Trung Quốc chắc hẳn cũng nhân cơ hội này để loại bỏ cái “gai trong mắt”. Các hàng rào thuế quan trong quá khứ đã từng được Ấn Độ dựng lên để ngăn chặn khoản thâm hụt 60 tỷ USD với Trung Quốc và điều đó có thể sẽ tiếp tục trong tương lai. Trong động thái mới nhất hôm 18/2, Tạp chí Tài chính Úc cho biết Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và Hoa Kỳ cũng đang xem xét thành lập liên minh Bốn bên (The Quad) để đối phó với Trung Quốc.
Những quốc gia đang có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc như Indonesia, Philippines, Malaysia, cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc – hai đồng minh quan trọng của Mỹ cũng sẽ không chịu đứng ngoài cuộc trong trận chiến thương mại Mỹ – Trung đang có nguy cơ bùng phát. Những biện pháp rất có thể sẽ được các nước này đưa ra nhằm đẩy lùi đường chín đoạn của Trung Quốc đang khoét sâu vào vùng biển những nước này.
Thêm vào đó, hàng loạt các quốc gia bị rơi vào “bẫy nợ” của Trung Quốc như Argentina, Namibia, Sri Lanka, Nepal, Indonesia, Hy Lạp, Úc và hàng dài cái tên khác từng trải qua kinh nghiệm “đau đớn” khi làm ăn với Trung Quốc. Các nước này bị buộc phải bàn giao lại cảng biển chiến lược, bị vắt cạn tài nguyên, phải bán dầu hoặc cho thuê đất dài hạn để trả nợ. Đến lúc này họ đã nhận ra việc làm ăn với Trung Quốc là một mối nguy hại.
Năm ngoái, theo bước Nepal, Pakistan đã quyết định hủy bỏ thỏa thuận xây đập thủy điện Diamer-Bhasha trị giá 14 tỷ USD với Trung Quốc. Trước đó nữa là Myanmar và Sri Lanka đều hủy bỏ các dự án tương tự với Bắc Kinh. Điều này đặt ra nghi vấn chiến lược “Con đường tơ lụa mới” đầy tham vọng của Trung Quốc có nguy cơ bị đỗ vỡ ngay tại nước ngoài.
Việt Nam được gì?
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, Việt Nam đã chi hơn 250 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng từ Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu gấp 200% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Đáng chú ý, lượng nhập khẩu này vẫn đang gia tăng hàng năm khiến Trung Quốc luôn là một trong những thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam. Tổng cộng trong 6 năm qua, Việt Nam đã thâm hụt thương mại lên đến 150 tỷ USD với Trung Quốc.
Còn tính riêng trong năm 2017, Trung Quốc là thị trường nhập siêu lớn thứ hai của Việt Nam với hơn 23 tỷ USD, đồng thời là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu hàng hóa nhiều nhất với gần 60 tỷ USD, theo Tổng cục Thống kê.
Vậy nên, nếu chấm dứt quan hệ thương mại thì người chịu thiệt lớn là Trung Quốc chứ không phải Việt Nam.
Đáng chú ý, Trung Quốc cần thị trường hơn 95 triệu dân Việt Nam hơn chúng ta cần họ và Việt Nam có lợi trong hợp tác thương mại với Mỹ, EU hơn là với Trung Quốc. Do đó, chiến tranh thương mại nếu có xảy ra, có thể đặt Việt Nam vào thế “ngư ông đắc lợi” khi các công ty lớn của Mỹ có trụ sở tại Trung Quốc dịch chuyển nhà máy sản xuất sang một nước thứ ba. Trong tình huống đó, Việt Nam là một điểm đến khá phù hợp cho những cái tên như Apple, Walmart, Qualcomm, Nvidia…
Bên cạnh đó, việc chấm dứt phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc còn giúp Việt Nam có tiếng nói và tranh thủ được sự ủng hộ của quốc tế trong vấn đề biển Đông. Trong khi cái mất là nguồn nguyên liệu cho ngành may mặc, giày dép nhập khẩu từ Trung Quốc bị hạn chế, đa phần các mặt hàng còn lại đều có thể tìm nhà cung cấp khác.
Điểm lợi là một khi nền kinh tế không còn phụ thuộc vào Trung Quốc và chủ quyền lãnh hải được xác lập, Việt Nam có thể phát triển nền kinh tế biển tiềm năng, cộng với vị trí chiến lược trên tuyến hàng hải quốc tế có nhiều tàu thuyền qua lại, Việt Nam có thể đóng vai trò là nhà vận chuyển hàng hóa của thế giới, mà theo đánh giá của chuyên gia Morgan Stanley, Betsy Graseck, nó có thể đóng góp tới 50 – 60% cho GDP Việt Nam trong tương lai.
Trong bất kỳ tình huống chiến tranh thương mại nào xảy ra, tổn thất mang lại sẽ là cho cả hai phía. Tuy nhiên, nếu Việt Nam, Mỹ hay các nước EU bị tổn thất một, thì Trung Quốc phải chịu tổn thất mười. Đặc biệt, trong tình huống Việt Nam đang hoàn toàn lép vế trong giao thương với Trung Quốc và bị chèn ép trên lãnh hải, việc thu hẹp làm ăn với Trung Quốc sẽ tạo ra thế lưỡng đắc cho Việt Nam: một mặt bớt phụ thuộc vào Trung Quốc, mặt khác có thể phát triển những lĩnh vực tiềm năng mới.
Theo Trithucvn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét