Cát Linh, RFA
Lịch sử từ cổ chí kim
Trong 88 Điều của dự thảo này hoàn toàn không thể hiện những cơ chế, chính sách đặc biệt này dành cho doanh nghiệp Trung Quốc, nhà đầu tư Trung Quốc hay quốc gia Trung Quốc nói chung. Đối tượng thuê đất được nhắc đến trong toàn bộ nội dung là: Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Thế nhưng, nhìn lại sự phản đối của người Việt trong và cả ngoài nước đối với dự thảo luật này gần 1 tuần qua cho thấy, người Việt đang dồn sức ngăn cản cơn ác mộng 99 năm dân tộc Việt sẽ phải gánh chịu dưới những thể chế, quy định của nhà đầu tư nước ngoài đến từ đất nước có tên là Trung Quốc.
Phản ứng nhiều nhất của dân Việt Nam là ở điểm này, là người ta cho là Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc là những vị trí có tính chất chiến lược. Những chỗ ấy nếu để cho nước ngoài, mà nước ngoài là nói chung chung chứ người ta rất lo khả năng rất lớn nước ngoài chính là Tàu vào, đưa người của họ vào. - GS Nguyễn Đình Cống
Trên mạng xã hội đang lan truyền những khẩu hiệu như: “Cho Tàu Cộng thuê đất 99 năm là bán nước”; hay “Cộng sản Việt Nam ra sức bán nước cho Tàu khi cho Trung Quốc thuê đất Việt 99 năm”.
Còn đối với những nhân sỹ tri thức, các chuyên gia kinh tế, chính trị, xã hội, họ đưa ra những bài phân tích, bình luận về một mối nguy có tên “Trung Quốc” từ cổ chí kim.
Sau khi khẳng định với chúng tôi việc cho thuê đất 99 năm hay đặc khu kinh tế hoàn toàn không mang lại lợi ích cho dân tộc đất nước Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Đình Cống phân tích về làn sóng phản đối Trung Quốc.
“Phản ứng nhiều nhất của dân Việt Nam là ở điểm này, là người ta cho là Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc là những vị trí có tính chất chiến lược. Những chỗ ấy nếu để cho nước ngoài, mà nước ngoài là nói chung chung chứ người ta rất lo khả năng rất lớn nước ngoài chính là Tàu vào, đưa người của họ vào.”
Trong bài viết của Giáo sư Tương Lai gửi cho chúng tôi, ông viện dẫn câu nói của Tướng Trần Hưng Đạo trong Hịch tướng sĩ, theo bản dịch “Việt Nam Sử lược” của dịch giả Trần Trọng Kim: “Khác nào đem thịt nuôi hổ đói – Giữ sao cho khỏi tai vạ về sau” và nói rằng: “Thành kính nhắc lại khuyến dụ của Đức Thánh Trần vào thời điểm này, lúc thế nước nghiêng ngả bởi hành động hung hãn của Trung Quốc xâm chiếm Biển Đông, dấn tới mưu toan uy hiếp chủ quyền lãnh hải và lãnh thổ của nước ta bằng trăm mưu nghìn kế thâm độc.”
Điều đó cho thấy ông đã khẳng định một quan điểm rằng: Cho thuê đất Đặc khu 99 năm chính là tạo điều kiện cho Trung Quốc chiếm dần lãnh thổ.
Phân tích thêm về vị trí chiến lược của 3 khu vực trong dự thảo Luật Đặc khu, Giáo sư Tương Lai nhắc đến lịch sử ngàn năm đô hộ giặc Tàu trên đất Việt:
“Vân Đồn án ngữ cửa ngõ phía Đông Bắc nhìn ra Vịnh Bắc Bộ chỉ cách Hải Nam của Trung Quốc 200 hải lý, một vị trí chiến lược ở cửa ngõ phía Đông Bắc mà xưa kia ông cha ta đã từng ngăn chặn quân xâm lược phương Bắc theo đường biển kéo vào nước ta: Ngô Quyền chống quân Nam Hán, Lý Thường Kiệt chống quân Tống, Trần Hưng Đạo chống quân Nguyên.”
Chiến lược thôn tính từ 3 đặc khu
Đó là câu chuyện từ lịch sử ngàn năm trước. Với hiện tại, cũng theo phân tích của Giáo sư Tương Lai: “Vân Phong gần với quân cảng Cam Ranh, cảng quân sự có giá trị nhất trên Biển Đông có vị trí chiến lược án ngữ cửa ngõ Miền Trung nhìn ra Biển Đông và được xem là “một pháo đài khó công, dễ thủ”.
Vịnh Vân Phong là vùng bờ biển Việt Nam gần nhất với các tuyến đường biển quốc tế; nằm ngay trên ngã ba đường hàng hải quốc tế. Từ Vân Phong vượt Thái Bình Dương là quãng đường ngắn nhất so với Hongkong và Singapore, có tiềm năng trở thành cảng biển lớn đầu tiên trên tuyến đường từ Châu Âu qua Châu Á.
Mối nguy của việc 3 đặc khu có thể biến thành các lãnh thổ của Trung Quốc ở Việt Nam là rất lớn. Chính vì vậy ngay những người dân bình thường ở Việt Nam cũng bày tỏ lo lắng. - Bà Phạm Chi Lan
Thêm một thực tế, Trung Quốc chưa bao giờ ngừng động thái thể hiện chủ quyền ở Biển Đông. Sự bành trướng quân sự của Trung Quốc ở các đảo đang tranh chấp là một chủ đề chưa bao giờ vắng mặt trên các nghị trường quốc tế.
Khu vực thứ hai của Việt Nam, Phú Quốc, đảo lớn nhất nằm trên vịnh Thái Lan, cửa ngõ phía cực Nam nhìn ra Ấn Độ Dương trong tầm nhìn chiến lược Indo-Pacific, cách vùng Sihanoukville và Bokor của Campuchia mấy chục cây số. Sihanoukville đã trở thành Đặc khu kinh tế công nghiệp của Trung Quốc từ năm 2010, trở thành một biểu tượng cho quan hệ hợp tác giữa Campuchia và Trung Quốc. Sự thành công này đặt viên gạch mở đường cho việc xây dựng SEZ thứ hai của Trung Quốc tại Kampong Speu vào tháng 10/2016, về nông nghiệp.
Từ đây có thể dễ dàng nhận thấy nếu Trung Quốc là “nhà đầu tư nước ngoài” thuê đất 99 năm ở Phú Quốc, thì Phú Quốc, Sihanoukville và Trung Quốc là một tam giác chiến lược kinh tế mang lại lợi nhuận khổng lồ cho bên thuê đất.
Đối với Việt Nam, sự có mặt của Trung Quốc trong Việt Nam là một vấn đề đã xảy ra và chưa có dấu hiệu dừng lại. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định Trung Quốc chưa bao giờ che dấu tham vọng đối với Việt Nam trong rất nhiều năm qua, từ cuộc chiến tranh biên giới 1979, cuộc chiếm đảo Gạc Ma và các đảo khác.
Bà trả lời trước công luận về nỗi lo sợ thêm ngàn năm thôn tính của người Trung Quốc:
“Đây cũng chính là điều trăn trở của “Hầu hết mọi người đều cho rằng đưa ra Luật Đặc khu này nhất là với điều kiện 99 năm thì có thể biến 3 đặc khu của Việt Nam thành vùng lãnh thổ trên thực tế của nước láng giềng Trung Quốc, một đất nước có rất nhiều tham vọng về lãnh thổ, cũng như có nhu cầu về di dân của họ đi khắp nơi để đỡ gánh nặng dân số trên đất nước của họ.”
Thêm vào đó là nền kinh tế Việt Nam hiện đang phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc về nguồn cung cũng như xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam.
“Mối nguy của việc 3 đặc khu có thể biến thành các lãnh thổ của Trung Quốc ở Việt Nam là rất lớn. Chính vì vậy ngay những người dân bình thường ở Việt Nam cũng bày tỏ lo lắng.”
Mối nguy của việc 3 đặc khu có thể biến thành các lãnh thổ của Trung Quốc ở Việt Nam là rất lớn. Chính vì vậy ngay những người dân bình thường ở Việt Nam cũng bày tỏ lo lắng. - Bà Phạm Chi Lan
Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho biết lý do vì sao ông và người dân Việt Nam lo ngại sự có mặt của Trung Quốc nếu thông qua Luật Đặc khu 99 năm:
“Người ta theo dõi thì thấy hiện nay Tàu đã chiếm rất nhiều chỗ rồi. Đèo Ngang; rồi ở Hà Tĩnh, Formosa nhá, đó là yết hầu, từ Hải Nam vào 1 tí thôi; rồi Đà Nẵng, là 1 nơi cũng rất quan trọng; rồi Bauxite ở Tây Nguyên, Tàu đã chiếm. Bây giờ lại mở thêm 3 chỗ ấy cho Tàu nó vào thì người ta thấy cái nguy hiểm bị Tàu o ép rất nhiều.”
Không phải ngẫu nhiên mà dư luận đang truyền nhau những câu hát trong ca khúc “Gia tài của Mẹ” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:
“Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
20 năm nội chiến từng ngày…”
Có lẽ đối với người dân Việt, cơn ác mộng đô hộ mang tên “Trung Quốc” vẫn còn đó chưa thể nguôi.
Phần 1: Đặc khu kinh tế và 99 năm: Bài toán lỗi thời
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét