Thứ Năm, 14 tháng 6, 2018

NGUY CƠ “LOẠN TAM QUỐC” ẨN HIỆN TRONG THÔNG TƯ 17/2018/TT-BCA- CỦA BỘ CÔNG AN

La Quán Cơm.

Đọc Tam quốc diễn nghĩa, mở đầu bộ tiểu thuyết này, tác giả La Quán Trung đã mô tả về sự hủ bại của vua tôi nhà Đông Hán: “Trong triều thì hoạn quan chuyên quyền Nguyên nhân gây ra biến loạn ấy là do hai vua Hoàn đế, Linh đế. Vua Hoàn đế tin dùng lũ hoạn quan, cấm cố những người hiền sĩ. Đến lúc vua Hoàn đế băng hà, vua Linh đế lên ngôi nối nghiệp; được quan đại tướng quân Đậu Vũ, quan thái phó Trần Phồn giúp đỡ. Khi ấy, trong triều có bọn hoạn quan là lũ Tào Tiết lộng quyền. Đậu Vũ, Trần Phồn lập mưu định trừ bọn ấy đi, nhưng vì cơ mưu tiết lộ nên lại bị chúng nó giết mất. Từ đấy, bọn hoạn quan ngày càng ngạo ngược..”

Triều đình nhà Đông Hán thì tràn ngập cảnh mua quan bán tước, ngoài xã hội thì sưu cao thuế nặng, “trộm cướp nổi lên như ong, anh hùng bay ra như cắt, muôn dân khổ như dốc ngược đầu” như lời của Tư đồ Vương Lãng trong trận đấu võ mồm với Gia Cát Lượng…
Do sự hủ bại của của triều đình Đông Hán: vua thì ngu hèn, quan lại thì tham tàn, bạo ngược, chuyên quyền ác bá. Do đó mà nhiều cuộc bạo loạn của nông dân nổi lên, lớn nhất là cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng do Trương Giác lãnh đạo.
Vì triều định không còn đủ sức dẹp loạn nên đã cho phép các phủ, huyện được chiêu mộ binh lính, thành lập quân đội riêng, rèn đúc khí giới để tự cứu mình. Đó chính là những nguyên nhân dẫn tới nạn cát cứ sứ quân sau này.
Các anh hùng như Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền, Lã Bố… đều được trưởng thành lên từ những đội vũ trang cấp quận, huyện. Sau khi dẹp tan được giặc khăn vàng, họ bắt đầu trở thành các sứ quân, bành trước thế lực thôn tính đất đai lãnh địa, đánh cướp lẫn nhau, hình thành nên những nhóm quân phiệt, tập đoàn quân phiệt gây nên cuộc nội chiến nồi da xáo thịt kéo dài gần trăm năm, lịch sử Trung Quốc gọi là Tam Quốc…
Thời kỳ Tam quốc này cũng là một trong những thời kỳ đẫm máu nhất trong lịch sử Trung Quốc. Điều tra dân số cuối thời kỳ nhà Đông Hán cho con số là khoảng 56 triệu người, trong khi đó điều tra dân số trong thời kỳ đầu nhà Tây Tấn (sau khi Tấn thống nhất Trung Quốc) chỉ còn khoảng 26 triệu người. Cho dù con số thống kê có thể có sai số lớn nhưng hoàn toàn đủ cơ sở để nói rằng phần lớn dân số đã chết vì các cuộc chiến tranh liên miên trong thời kỳ này…”
(Wikipedia)
Đọc thông tư 17/2018/TT-BCA của Bộ Công an chúng ta không thể không lưu ý tới các điều khoản sau đây giống như chủ trương vũ trang cấp quận huyện thời Đông Hán:
Mục 1: TRANG BỊ VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ QUÂN DỤNG, CÔNG CỤ HỖ TRỢ TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN

1. Đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ bao gồm:
a) Đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an;
b) Trại giam, trại tạm giam;
c) Học viện, trường Công an nhân dân; Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an nhân dân làm công tác đào tạo, huấn luyện;
d) Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết gọn là Công an cấp tỉnh);
đ) Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
e) Công an xã, phường, thị trấn.
2. Đối tượng được trang bị vũ khí thể thao, bao gồm:
a) Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao Công an nhân dân;
b) Học viện, trường Công an nhân dân;
c) Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an nhân dân có huấn luyện thi đấu thể thao.
3. Đối tượng quy định tại các điểm a, d và đ khoản 1 Điều này được trang bị vật liệu nổ quân dụng.
1. Các đối tượng quy định tại Điều 3 Thông tư này căn cứ tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ công tác đề xuất cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này xem xét, quyết định trang bị cụ thể loại, số lượng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, cụ thể:
a) Các đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 3 Thông tư này được xem xét trang bị loại vũ khí, công cụ hỗ trợ thuộc các loại sau: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu, súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân, trực thăng vũ trang, bom, mìn, lựu đạn, các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, đạn sử dụng cho các loại súng được trang bị;
b) Đối tượng quy định tại điểm e khoản 1 Điều 3 Thông tư này được xem xét trang bị loại vũ khí, công cụ hỗ trợ thuộc các loại sau: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn đạn cao su, hơi cay, dùi cui điện, bình xịt hơi cay, găng tay bắt dao, áo giáp, dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại, khóa số tám, các loại vũ khí thô sơ…”
Qua thông tư 17 cho thấy Bộ Công an đã ban hành chính sách vũ trang cho tới cấp công an quận, huyện, thị xã các trang bị khí tài hạng nặng:” Các đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 3 Thông tư này được xem xét trang bị loại vũ khí, công cụ hỗ trợ thuộc các loại sau: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu, súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân, trực thăng vũ trang, bom, mìn, lựu đạn, các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, đạn sử dụng cho các loại súng được trang bị;..”
Thời Đông Hán, các vũ khí được trang bị phổ thông vẫn là gươm, đao, họa kích, bát xã mâu, giáo…Còn đọc mục a của Điều 4 thấy  các loại vũ khí như “súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu, súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân, trực thăng vũ trang…” trang bị để trấn áp ai?
Lực lượng công an thường có nhiệm vụ trấn áp những vụ bạo loạn lật đổ được hình thành trong dân chúng, nẩy sinh tại những nơi phức tạp do quan hệ xã hội giữa chính quyền và dân có vấn đề…
Việc trang bị trực thăng vũ trang thì có thể tạm hiểu: đề phòng có cuộc bạo loạn như ở Bình Thuận vừa qua, các lực lượng chức năng như công an cảnh sát có thể sử dụng trực thăng để sơ tán, bỏ chạy cho nó nhanh và an toàn…Nếu đã tính đến nước nó thì phải trang cả bị ghe, xuồng, tàu cho những vùng sông nước, bờ biển để phòng khi thế lực phản loạn quá đông thì tìm cách bơi ra sông, ra biển để chờ lực lương trung ương vào chi viện, ứng cứu…
Còn trang bị cho công an tới cấp quận, huyện cả “súng chống tăng, súng phóng lựu, súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân…” thì không rõ là để trấn áp, đánh trả lực lượng nào? Chả nhẽ lực lượng phản loạn sản xuất, chế tạo, nhập được xe tăng, máy bay, xây dựng được cả lôcôt…mà công an không kịp thời ngăn chặn từ xa?
Việt Nam không giống như các quốc gia Trung Đông, nơi mà lực lượng khủng bố có thể chiếm cứ, xây dựng được những địa bàn rộng lớn và nhận được ngoại viện từ bên ngoài. Ở Việt Nam theo báo chí nhà nước đưa tin thì: chỉ mới thấy lác đác mấy ông Việt Tân, Việt Kiều mang tiền về phát cho những người đi biểu tình, những phần tử quá khích vài ba trăm ngàn. Còn những phần tử quá khích thì mới chỉ dùng đến gậy gộc, giáo mác, gạch đá, bật lửa… để tấn công các trụ sở chính quyền nhưu ở Bình Thuận vừa qua. Chả nhẽ sử dụng trung liên, đại lên, sung phóng lựu, DKZ, tên lửa phòng không để trấn áp họ ?
Các vụ nổi dậy ở Tây Nguyên thì phương tiện cơ giới cao nhất mà lực lượng phản loạn sử dung là sử dụng xe trâu để tấn công công an…Chưa nghe thấy có vụ bạo loạn nào sử dụng để xe cơ giới, còn xe tăng, bọc thép hay máy bay vũ trang thì khó tin đám Việt Tân hay Việt Kiều có thể mang về trang bị cho lực lượng quá khích trong nước. Còn trong nước thì lực lượng phản loạn kiếm đâu ra máy bay, xe tăng, xe bọc thép, lôcôt phòng ngự…
Coi chừng cái mặt trái của cái Thông tư 17 sẽ tạo điều kiện để hình thành nên các “ sứ quân” thời Tam Quốc bên Trung Quốc tại Cộng hòa XHCN Việt Nam…

L.Q.C.

Không có nhận xét nào: