Về nguồn gốc Tết Trung Thu, có người dẫn các thư tịch cổ và cho rằng Trung Thu bắt nguồn từ Trung Hoa. Tuy nhiên lại có người cho là từ người Việt cổ, họ dẫn chứng hình ảnh Trung Thu trên trống đồng Ngọc Lũ.
Một số nhà nghiên cứu gần đây cho rằng, vua Phục Hy là vua của các bộ tộc Bách Việt, tức là cả vùng lãnh thổ lưu vực sông Trường Giang đến miền Bắc Việt Nam là vùng văn minh lúa nước. Còn người Hán là tộc người sống ở phía Bắc, tức là lưu vực sông Hoàng Hà và các đồng cỏ phía Bắc, là nền văn minh du mục.

Sau thời vua Phục Hy là đến Thần Nông, thì cái tên cũng cho thấy là của người Việt cổ, vì nếu người Hán thì phải gọi là Nông Thần. Ngoài ra các thư tịch cổ cũng nói Thần Nông là tổ tiên của Xi Vưu, thủ lĩnh bộ lạc Cửu Lê. Mà Xi Vưu lại chính là con của Đế Nghi. Đế Nghi là anh trai của Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương là vua nước Xích Quỷ, tức vùng đất rộng lớn của các tộc người Bách Việt, từ miền Nam Trung Quốc đến núi Ngũ Lĩnh, cho tới miền Bắc Việt Nam. Sau này người Hán chiếm dần về phía Nam, các bộ tộc Bách Việt bị sát nhập vào Trung Quốc, bị Hán hóa, và người Hán coi những tinh hoa văn hóa cổ của các bộ tộc Bách Việt là của họ.
Theo truyền thuyết, Thần Nông sống cách đây khoảng 5.000 năm và là người đã dạy dân nghề làm ruộng, chế ra cày bừa, cũng như phát triển nghề làm thuốc trị bệnh. Cho nên trong dân gian có câu Thần Nông nếm trăm cây thuốc, dạy dân trồng ngũ cốc, lại là người đầu tiên làm lễ Tịch Điền. Mà Thần Nông là thủy tổ của các tộc người Bách Việt, trong đó có người Lạc Việt, tức chúng ta hiện nay.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư:
“Vua Đế Minh là cháu ba đời của Thần Nông, đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh (nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Hoa), gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra người con tên là Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc (từ núi Ngũ Lĩnh về phía Bắc), phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam (từ núi Ngũ Lĩnh về phía Nam), xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương làm vua Xích Quỷ vào năm Nhâm Tuất 2897 TCN, lấy con gái Động Đình Hồ quân (còn có tên là Thần Long) là Long nữ sinh ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai (con của Đế Nghi), tên là Âu Cơ, sinh một lần trăm người con trai. Một hôm, Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng: “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”. Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền biển (có bản chép là về Nam Hải), phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua.”
Để tạ ơn Trời Đất và ông tổ Thần Nông và tưởng nhớ công ơn của tổ tiên, người dân làm lễ Thượng Điền, tổ chức sau khi gặt hái, thu hoạch mùa màng, vào mùa thu, và lễ Hạ Điền, tổ chức trước khi gieo trồng, vào mùa xuân, để cúng tế Thần Nông. Tục lễ cúng Thần Nông vào lễ Hạ Điền, Thượng Điền hiện vẫn lưu truyền rộng rãi khắp các địa phương nước ta.
Tết Trung Thu có nguồn gốc như thế nào?
Thần Nông. (Ảnh: btime.com)
Tết Trung Thu có nguồn gốc từ nền văn minh nông nghiệp, văn minh lúa nước. Chữ thu, chữ Hán viết 秋, gồm chữ Hòa 禾 nghĩa là cây lúa, và chữ Hỏa 火 nghĩa là lửa, biểu thị mùa lúa chín là mùa thu. Trong “Thuyết văn giải tự” viết: “Thu, hòa cốc thục dã”, nghĩa là: “Mùa thu là lúc mà lúa và ngũ cốc chín”. Tháng 8 âm lịch là giữa mùa thu, các giống ngũ cốc lần lượt chín, thu hoạch. Người nông dân vui mừng mùa màng bội thu, làm lễ tạ ơn Trời Đất, tạ ơn Thần Nông, lễ tạ ơn ông bà tổ tiên, cho nên dùng các loại ngũ cốc chế biến ra các loại thực phẩm như bánh, các loại hoa quả để lễ cúng tế. Tháng 8 âm lịch là giữa thu nên gọi là Trung Thu, ngày rằm lại là ngày giữa tháng, do đó dần dà, người ta định ra ngày rằm tháng 8 là Tết Trung Thu, với khởi nguồn là tạ ơn Trời Đất, Thần Nông, ông bà tổ tiên sau vụ mùa bội thu.
Đến khi có văn tự ghi chép thì Trung Thu được ghi chép sớm nhất vào thời nhà Chu. Trong “Lễ ký” có chép: “Thiên tử mùa xuân tế lễ Thần Mặt trời, mùa thu tế lễ Thần Mặt trăng”.
Tương truyền thời cổ đại, nước Tề có người con gái xấu xí là Vô Diêm. Cô từ nhỏ thường thành kính bái mặt trăng. Khi trưởng thành, cô được vua tuyển vào cung vì có đức hạnh xuất chúng, nhưng do xấu xí nên chưa bao giờ được vua sủng ái. Một năm vào đêm rằm tháng 8, vua nhìn thấy cô dưới ánh trăng, thấy cô xinh đẹp xuất chúng. Sau đó lập cô làm hoàng hậu. Từ đó mọi người học theo thành tục đêm rằm Trung Thu bái mặt trăng. Và Tết Trung Thu ra đời từ đó. Tuy nhiên, hiện nay có 3 truyền thuyết về Tết Trung Thu.
Truyền thuyết 1: Hằng Nga bôn nguyệt
Theo truyền thuyết, Ngọc Hoàng có mười người con trai. Một ngày kia, họ đều biến thành mười mặt trời, làm cho mặt đất trở nên nóng bỏng và khô cằn. Ngọc Hoàng lệnh cho các con quay về, nhưng họ không nghe, bèn cho vời Hậu Nghệ đến.
Hậu Nghệ, có tài bắn cung, đã bắn hạ chín mặt trời, chỉ để lại một người con trai của Ngọc Hoàng làm mặt trời. Ngọc Hoàng bực mình với giải pháp của Hậu Nghệ, nên đã trừng phạt bằng cách đày Hậu Nghệ và Hằng Nga xuống hạ giới để sống cuộc sống của con người.
Hằng Nga rất đau khổ vì bị mất khả năng bất tử, Hậu Nghệ quyết định lên đường đi tìm thuốc trường sinh trong một cuộc hành trình dài và đầy gian khổ, nguy hiểm để hai người có thể trở lại cuộc sống bất tử. Sau đó Hậu Nghệ đã gặp được Tây Vương Mẫu, được Tây Vương Mẫu cho một viên thuốc, nhưng dặn rằng mỗi người chỉ cần nửa viên để trở thành bất tử.
Hậu Nghệ mang viên thuốc về nhà và cất nó trong một cái hộp. Hậu Nghệ dặn Hằng Nga không được mở chiếc hộp và sau đó rời khỏi nhà trong một khoảng thời gian. Hằng Nga tò mò mở chiếc hộp và nhìn thấy viên thuốc, đúng lúc Hậu Nghệ trở về. Sợ rằng Hậu Nghệ có thể nhìn thấy mình đang lục lọi chiếc hộp, nên vô tình Hằng Nga đã nuốt chửng viên thuốc. Ngay lập tức Hằng Nga bay lên trời.
Hằng Nga cứ bay lên mãi cho đến khi hạ xuống được Mặt Trăng. Đây được gọi là truyền thuyết Hằng Nga bôn nguyệt. Trên cung trăng, Hằng Nga kết bạn với một con thỏ ngọc đang chế thuốc trường sinh, cũng đang sống trên cung trăng.
Hằng Nga bôn nguyệt
Hằng Nga và thỏ ngọc trên cung Trăng. (Ảnh: youtube.com)
Cứ mỗi năm một lần, vào ngày rằm tháng 8, Hậu Nghệ và Hằng Nga mới được đoàn tụ trong niềm hân hoan hạnh phúc. Chính vì vậy, mặt trăng luôn thật tròn và sáng vào ngày này để nói về niềm vui sum họp, đoàn viên của con người.
Truyền thuyết 2: Hằng Nga và chú Cuội
Chuyện kể rằng, xưa kia có nàng tiên nữ vô cùng xinh đẹp và yêu quý trẻ nhỏ tên là Hằng Nga. Nàng mong muốn được xuống trần gian chơi cùng trẻ em nhưng tiên giới không cho phép.
Một hôm, Ngọc Hoàng tổ chức cuộc thi “Làm bánh ngày rằm”. Ai làm ra chiếc bánh ngon, đẹp và lạ mắt sẽ được trọng thưởng. Hằng Nga được phép xuống trần gian hỏi thăm cách làm bánh và gặp Cuội – cậu bé chuyên gia nói dóc. Cuội bày cho Hằng Nga cách bỏ tất cả nguyên liệu hòa lại rồi đem nướng lên.
Kỳ lạ thay, những chiếc bánh ra lò có mùi thơm phức, các em nhỏ đều tấm tắc khen ngon. Làm xong những chiếc bánh thơm ngon, Hằng Nga vui vẻ trở về cung đình để dự thi. Nhưng Cuội vì lưu luyến không muốn rời xa Hằng Nga nên đã nắm lấy tay nàng, muốn giữ nàng ở lại. Một sức mạnh kỳ lạ nào đó đã kéo cả Cuội và cây đa đầu làng lên tận cung trăng. Lên đến cung trăng, Cuội có thể nhìn thấy bọn trẻ đang chơi đùa. Cuội nhớ trần gian, nhớ nhà, nhớ lũ trẻ nên đôi khi lại ngồi khóc buồn bã.
Những chiếc bánh của Hằng Nga đã giành giải nhất và lấy tên là “Bánh Trung Thu”. Nàng xin mỗi năm, cứ đến rằm tháng tám, nàng được cùng chú Cuội xuống trần gian chơi cùng các em nhỏ. Từ đó, Ngọc Hoàng đặt tên cho rằm tháng tám là “Tết Trung Thu” – tết của trẻ em.
Truyền thuyết 3: Đường Huyền Tông tiên du cung Trăng
Chuyện kể rằng vua Đường Huyền Tông, còn gọi là Đường Minh Hoàng (713–741) trong lúc đi dạo chơi vườn Ngự Uyển vào đêm rằm tháng tám âm lịch, ngắm nhìn vầng trăng tròn và sáng trong, ông thầm ước được lên thăm cung trăng một lần cho biết. Khi đang thưởng thức cảnh đẹp vào giữa lúc tiết trời mát mẻ thì nhà vua gặp đạo sỹ La Công Viễn. La Công Viễn được mọi người mệnh danh là pháp sư Diệu Pháp Thiên, là người có phép tiên. Ông đã tâu xin làm phép đưa vua lên cung trăng.
Lên đến cung trăng, vua Minh Hoàng được chúa tiên tiếp rước, bày tiệc đãi cùng hàng trăm tiên nữ xinh đẹp vừa múa vừa hát, khúc nhạc có tên là Nghê Thường Vũ Y. Vua Đường nhờ có khiếu thẩm âm nên vừa trầm trồ khen ngợi vừa lẩm nhẩm học thuộc lòng bài hát và điệu múa, mong đem về hoàng cung bày cho các cung nữ trình diễn.
Nhà vua say sưa thưởng thức cảnh tiên mà quên trời đã sáng. Pháp sư Diệu Pháp Thiên phải nhắc nhở, nhà vua mới ra về nhưng trong lòng vẫn còn luyến tiếc.
Về hoàng cung, vì còn vấn vương nên nhà vua đã cho soạn ra khúc Nghê Thường Vũ Y và ra lệnh cứ đến rằm tháng tám lại tổ chức rước đèn và bày tiệc ăn mừng. Tục ngắm trăng, xem ca múa sau biến thành thú vui chơi đêm rằm Trung Thu.
Đường Huyền Tông tiên du cung Trăng
Để tưởng nhớ chuyến dạo chơi cung trăng Đường Huyền Tông ra lệnh cứ đến rằm tháng tám lại tổ chức rước đèn và bày tiệc ăn mừng. (Ảnh: epochtimes.com)
Về nguồn gốc của Tết Trung Thu, dù xuất phát từ tục lễ tạ ơn Trời Đất, Thần Nông sau một năm vất vả cấy cày, hay từ các truyền thuyết dân gian, dù có nguồn gốc từ Việt Nam hay Trung Quốc, hay cả hai, thì có điểm chung là bày tỏ lòng kính ngưỡng, biết ơn với Trời Đất, Thần Phật, tổ tiên, vì những gì chúng ta được hưởng ngày hôm nay.
Tết Trung Thu cũng là Tết đoàn viên, các thành viên gia đình đoàn tụ, vui chơi Trung Thu, và là Tết thiếu nhi, dịp mà người lớn dành sự quan tâm yêu thương cho thế hệ mai sau.
Tết Trung Thu cũng là khoảng thời gian đẹp để mọi người ngắm trăng thưởng nguyệt, vui chơi với các màn múa lân, sư tử, múa rồng, rước đèn lồng, đèn ông sao, và thưởng thức các loại bánh trung thu ngon lành được làm từ ngũ cốc, với các loại trái cây – tinh hoa từ đất trời.
Trung Thu cũng là nguồn cảm hứng cho các thi sỹ, thưởng nguyệt, thưởng trà, uống rượu, ngâm thơ cùng bằng hữu.
Nhà thơ đời Đường Đỗ Phủ ngắm trăng sáng tác bài thơ Trung Thu:
Thu cảnh kim tiêu bánThiên cao nguyệt bội minhNam lâu thùy yến hưởngTy trúc tấu thanh thanh
Bản dịch của Thái Giang:
Cảnh thu nay đúng nửa rồiTrăng thu thêm sáng, khung trời thêm caoLầu nam ai rót rượu đàoTiếng tơ, tiếng trúc thanh tao nhịp nhàng.
Nhà thơ Tản Đà cũng nhắc đến ngày Trung Thu với các câu thơ:
Có bầu có bạn can chi tủiCùng gió cùng mây thế mới vuiRồi cứ mỗi năm rằm tháng TámTựa nhau trông xuống thế gian cười.
Triêu Lộ
Có thể bạn quan tâm: