Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2018

TRẬN 8/9/1985 TẠI KHU VỰC ĐỒI ĐÀI, C 10- E 881- F 314 VÀ QUÂN TRUNG QUỐC QUẦN NHAU ĐẾN KIỆT SỨC


          Tôi quen CCB Nguyễn Lan qua các cuộc giao tiếp mạng. Khi tôi đưa lên Fac thông tin về cuốn sách viết về đề tài Vị Xuyên đã được chấp nhận, Nguyễn Lan là một trong những người thiết tha, sốt sắng kết nối với tôi ngay, anh muốn tôi viết về cuộc chiến mà anh đã tham gia…
          Nguyễn Lan quê ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, cách đây hơn tuần, Lan đã hẹn gặp tôi tại Hà Nội, nhân anh đưa con về nhập học Trường đại học Bưu Chính Viễn thông. Hôm đó trời mưa nên Nguyễn Lan không gọi điện được cho tôi, mặc dù tôi đã cung cấp số điện thoại trước đó và hẹn khi nào qua Hà Nội nhớ gọi cho tôi…
          Nguyễn Lan nguyên là lính của Đại đội 20 Trung đoàn 881, Sư 314. Mặc dù quê ở Vĩnh Tường nhưng hiện vợ chồng con cái lưu lạc lên Xín Mần Hà Giang để kiếm sống bằng nghề gia truyền, nghề thợ rèn…
          CCB Nguyễn Lan đang rèn dao...


Qua những giao đãi, trò chuyện với tôi, tôi cảm nhận được Nguyễn Lan là một trong số đông những người lính, những cựu chiến binh mà mảnh đất Vị Xuyên, Hà Giang đối với họ đã trở nên một phần đời gắn bó như máu thịt, không thể nào quên. Do vậy, khi ai đó nhắc đến Vị Xuyên, Hà Giang, nhắc tới cái cuộc chiến mà một thời họ đã sẻ chia từng hơi thở, từng giọt mồ hôi và máu vì mảnh đất xa xôi miền biên cương này của tổ quốc, những ký ức chiến trận đã khơi dậy, bừng cháy trong họ giống như ngọn lửa đã từng ủ kín bấy lâu trong long họ.
          Đó là những năm tháng mà họ có quyền tự hào về những hy sinh, chịu đựng khi họ gánh vác trọng trách bảo vệ từng tấc đất của tổ quốc. Trò chuyện với tôi qua mạng, tôi để ý chỉ thấy tai mà không thấy mặt Nguyễn Lan. Mãi một lúc sau anh mới thanh minh: em bị đạn pháo Vị Xuyên nên hỏng mất một tai, thành ra phải nghiêng máy về một tai để nghe cho rõ…
          Lan kể, hồi đó có rất nhiều lính trẻ không chịu đựng được hy sinh, gian khổ đã đào ngũ. Riêng Lan là lính trinh sát đặc công, thường được cử đi phối thuộc với các đơn vị nơi xảy ra chiến sự ác liệt, anh có khả năng và điều kiện bỏ trốn bất cứ lúc nào nhưng anh đã không trốn mà bám trụ lại Hà Giang cho tới khi được ra quân…
          Nguyễn Lan là một trong những CCB luôn thiết tha, thúc dục tôi phải viết cho được cái gì đó để ghi lại cho họ những khoảng khắc chiến đấu ngoan cường, hy sinh anh dũng của các anh và đồng đội…Và tôi gợi Nguyễn Lan kể. Lan kể với tôi cái trận 8/9/1985…
          Đó là chiến dịch Trung Quốc mở một trận đánh lớn, vào đầu tháng 9/1985. Lúc đầu 2 bên thỏa thuận ngững bắn vì đây là dịp quốc khánh của Việt Nam. Thế nhưng bất ngờ, ngày 5/9 Trung Quốc bắt đầu nổ súng và tấn công ta ác liệt…
          Hàng ngày, ngay từ 5 giờ sáng, Trung Quốc đã cho pháo bắn dồn dập khắp toàn tuyến để nghi binh không cho biết mũi chính. Lan là lính trinh sát của đại đội đặc công số 20, được giao phối thuộc với Đại đội C 10 chốt chặn, bảo vệ khu vực Đồi Đài, một cao điểm nằm ở khu vực ngã ba Thanh Thủy…Do pháo bắn dồn dập và dày đặc nên liên lạc hữu tuyến bị cắt đứt còn vô tuyến thì bị nhiễu sóng thậm tệ do Trung Quốc phá…
          Theo thông tin sau này, Nguyễn Lan được biết: Để đánh bật quân ta tại các điểm đồi Đài, và đồi cô X. Trung Quốc tập trung một trung đoàn và đánh theo chiến thuật “sóng vỗ bờ” thay cho chiến thuật biển người…Khu vực đồi Đài, phía ta bố trí một đại đội chốt giữ…
Trong hồi ức của Trung đoàn trưởng 881, F 324 Nguyễn Nhỡ, ông viết:“Ở đồi Đài, do đồng chí Vũ Văn Nghệ, Đại đội trưởng và đồng chí Trương Công Hoà, Chính tri viên Đại đội 10, Tiểu đoàn 6 chỉ huy, có nhiệm vụ phòng ngự bảo vệ vững chắc đồi Đài, đánh bại các cuộc tiến công lấn chiếm của đối phương. Một trung đội bố trí ở phía trước đồi Đài, còn gọi là trung đội tiền tiêu, một trung đội ở giữa trên đỉnh đồi Đài, một trung đội ở phía Đông đồi Đài hướng ra Quốc lộ 2. Hai khẩu đại liên, một khẩu bố trí hướng ra đồi Cây Chuối, một khẩu bố trí hướng Quốc lộ 2. Hai khẩu cối 60 ly bố trí ở đồi Đá Pháp 1 cùng hai khẩu cối 60 ly của Đại đội 9…”
          Bắt đầu từ ngày 5/9/1985, từ sáng đến chiều, quân Trung Quốc hết đợt này đến đợt khác thay nhau lên tấn công, mỗi lần chúng cho 1 tiểu đội lên, hết đợt này đến đợt khác nhằm đánh bật quân ta đang chốt giữ điểm cao này. Nhưng ác liệt nhất là ngày 8/9/1985. Tới xế chiều, do phải liên tục quần nhau với các đợt tấn công của quân Trung Quốc, quân ta dần hết đạn, mỗi khẩu chỉ còn vài viên còn lựu đạn thì mỗi người chưa đủ một quả.
          Tiểu đoàn phó trực tiếp chỉ huy đại đội 10, điện cho Trung đoàn trưởng Nguyễn Nhỡ cho rút lui nhưng đã không được chấp thuận. Lệnh của Trung đoàn còn một người cũng phải bảo vệ chốt. Nếu hết đạn thì dùng lê, báng súng đánh giáp lá cà, đẩy lui quân Trung Quốc, không được phép rút…

          Mặc dù tinh thần quân ta có phần chùng xuống nhưng rồi cả đại đội của Nguyễn Lan vẫn bám trụ và chuẩn bị phương án dùng lê và báng súng quyết chống lại quân Trung Quốc, nếu chúng tiếp tục tràn lên tấn công…Rất may là xế chiều, khi đạn và lựu đạn bên ta đã cạn thì phía bên Trung Quốc, chắc do thương vong nhiều và cũng có thể do chúng cũng đã kiệt sức nên thôi không tấn công nữa. Nếu Trung Quốc quyết liệt tấn công với ưu thế hỏa lực thì chắc ta khó giữ được và chấp nhận hy sinh vì chốt tới người cuối cùng. Đây là trận đánh nhớ đời của Nguyễn Lan kể cho tôi và nhờ tôi ghi lại …
          Xưởng rèn các công cụ lao động, ai qua Xín Mần nhớ ghé mua cho hàng của 1 CCB từng một thời sống chết với Vị Xuyên... 

Trận đó phía ta hy sinh không nhiều, ngày 5 hy sinh năm, sáu người, còn sau đó ta có kinh nghiệm nên không nhô người, chỉ nằm ngửa ra chiến hào, giơ súng lên nhả đạn nên số hy sinh ít dần, chỉ bị thương thì nhiều. Còn phía Trung Quốc chắc chết nhiều hơn nên không chiếm được cao điểm của ta.
          Còn theo Nguyễn Lan thì trận 8/9/1985 mà anh tham gia chưa phải là trận điển hình. Theo đồng đội kể lại, trước đó năm 1984, có trận Trung Quốc dùng pháo binh và bộ binh đánh dã man cao điểm 6 A và 6 B suốt 12 ngày đêm liền. Quân ta hoàn toàn bị vây hãm kiệt sức và thiếu đói nhưng vẫn không để mất chốt. Nguyễn Lan nhắc tôi nhớ tìm những cựu chiến binh tham gia trận này để họ kể lại cho mà viết…

Phạm Viết Đào ghi

Không có nhận xét nào: