Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

VNTB - Về nghi vấn bệnh lý liên quan đến 'máu' của cố chủ tịch Trần Đại Quang?


Thảo Vy – Nguyễn Thị Nghiệp (VNTB) 

Bài viết ghi nhận một số ý kiến thuần chuyên môn về bệnh lý của cố chủ tịch Trần Đại Quang được báo chí đăng tải là “bệnh lý máu ác tính”, qua đó bước đầu lý giải về nghi vấn khả năng bị đầu độc, tương tự như cái chết của ông Nguyễn Bá Thanh trước đó.

Do ‘virus hiếm’ đưa đến ung thư máu?

Ông Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, nói rằng ông Trần Đại Quang đã “mắc loại bệnh virus hiếm và độc hại”, “bệnh này trên thế giới chưa có thuốc để điều trị khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể chặn lại và đẩy lùi một thời gian”.

Ông Phạm Gia Khải, nguyên chủ tịch Hội đồng chuyên môn - cố vấn Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, cho biết bệnh nhân Trần Đại Quang được phát hiện mắc bệnh lý máu ác tính cách đây một thời gian và đã từng đi nước ngoài điều trị. Tuy nhiên, do thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên chỉ có thể điều trị duy trì để lui bệnh một thời gian.

Phải chăng chính “virus hiếm, độc hại” đã tạo nên “bệnh lý máu ác tính”?

Trước đó, cũng liên quan bệnh lý máu, bệnh nhân Nguyễn Bá Thanh được Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, công bố là ông Thanh bị “Hội chứng rối loạn sinh tủy”.

Ông Phạm Gia Khải từng phát biểu trên báo chí là: “Phác đồ điều trị cho ông Nguyễn Bá Thanh với bệnh về máu ác tính mà các bác sĩ tại Mỹ áp dụng cũng như ở trong nước: tiêu diệt tủy để sau đó tủy tự phát triển lại. Tuy nhiên, khả năng phục hồi của ông Thanh ở mức hạn chế”. [http://bit.ly/2psuRs3]

Hội chứng rối loạn sinh tủy (Myelodysplastic Syndrome - MDS) là một nhóm các bệnh lý sinh máu có đặc điểm: tủy sinh máu không hiệu lực; tế bào máu sinh ra có sự bất thường về hình thái và chức năng; bệnh tiến triển âm ỉ, dai dẳng và thường kết thúc bằng một lơ xê mi cấp nên còn gọi là tiền lơ xê mi (pre-leukemia).
Hình minh họa. 
Trong y khoa, ‘leukemia’ là một khái niệm dùng để chỉ 4 loại ung thư tủy xương và tế bào máu khác nhau. Có một số yếu tố được coi là yếu tố thuận lợi tham gia vào quá trình sinh bệnh như tia xạ, hóa chất nhóm benzen, thuôc nhóm alkylan, virus.

Kết hợp thông tin từ ông Nguyễn Quốc Triệu và ông Phạm Gia Khải, liệu có thể phỏng đoán định bệnh của ông Trần Đại Quang là do nhiễm “virus hiếm, độc hại” dẫn đến ung thư tủy xương và tế bào máu? Trong trường hợp này rất cần minh bạch tên của “virus hiếm” đó là gì để công tác dịch tễ xử trí, qua đó giúp làm tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là sức khỏe của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Cũng cần nhắc lại, trong ca bệnh của ông Nguyễn Bá Thanh còn từng được nghi vấn là quá trình sinh bệnh có nguyên nhân từ việc nhiễm chất phóng xạ. Vụ 39 cảnh sát Hà Nội bị nhiễm Uranium trong Chuyên án 027Z hồi năm 1995 là một ví dụ.

Sinh nghề tử nghiệp?

Ông Trần Đại Quang từng là Bộ trưởng Bộ Công an, tham gia trong ngành này từ tháng 10-1975. Khả năng trong quá trình công tác ông đã vô tình bị nhiễm phóng xạ như nhiều đồng đội khác, là một khả năng.

Báo cáo thanh tra chuyên đề về an toàn bức xạ hạt nhân của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân năm 2017 nêu về tình trạng xảy ra mất an ninh nguồn phóng xạ diễn biến phức tạp.

Trong bốn năm liên tiếp từ 2014 đến 2017, có tới sáu vụ mất, bỏ rơi, không ai quản lý, chuyển giao bất hợp pháp nguồn phóng xạ: (1) Mất nguồn phóng xạ tại Công ty TNHH APAVE châu Á - Thái Bình Dương, TP HCM (2014). (2) Mất nguồn phóng xạ tại Nhà máy luyện phôi thép - Chi nhánh Công ty cổ phần thép Pomina, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (2015). (3). Mất nguồn phóng xạ tại Công ty cổ phần Xi măng Bắc Kạn DATC, tỉnh Bắc Cạn (2016). (4). Nguồn phóng xạ bị “bỏ rơi”, không được quản lý, trông coi tại Công ty cổ phần Xi măng và Vật liệu xây dựng Cầu Đước, tỉnh Nghệ An (2017). (5). Chuyển giao bất hợp pháp nguồn phóng xạ của Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai, tỉnh Đồng Nai (2016). (6). Chuyển giao bất hợp pháp nguồn phóng xạ của Công ty cổ phần Thép Anh Vũ, TP Hải Phòng (2016).
Ông Trần Đại Quang trong một buổi lễ khai giảng năm học mới tại Hà Nội.
Liệu có lần nào đó ông Trần Đại Quang đã tham gia phá án cùng đồng nghiệp trong những vụ truy tìm nguồn phóng xạ này? Dĩ nhiên ở đây nghi vấn về một kịch bản đầu độc phóng xạ đối với ông Trần Đại Quang là không loại trừ.

Còn nếu quả thật do “virus hiếm, độc hại” như lời của ông Nguyễn Quốc Triệu, thì như đã nói ở trên, đang rất cần công khai để giới y khoa ngay tại Việt Nam có cơ hội tìm hiểu, giúp thêm phác đồ chữa trị.

Theo những thống kê quốc tế, thì có đến 70-80% trường hợp hội chứng rối loạn sinh tủy không tìm ra nguyên nhân. Song trong số 20-30% còn lại, người ta biết rằng chứng rối loạn sinh tủy là phản ứng phụ hiếm hoi của việc sử dung một số thuốc thuốc thông dụng như thuốc chống tê thấp như Indomethacin, Phenylbutazone, Diclofenac, thuốc cường giáp như Carbimazol, Thiouracil, tiểu đường như Tolbutamid, thuốc sốt rét Chloroquin, kháng sinh như Sulfonamide, Cotrimoxazol, Chloramphenicol…

Nếu thật sự vì sức khỏe của cán bộ…

Tại hội nghị toàn quốc ngành tổ chức xây dựng Đảng, tổ chức tại Hà Nội ngày 4-3-2017, Trưởng ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, ông Nguyễn Quốc Triệu có nói rằng công tác cán bộ là một nội dung quan trọng của xây dựng Đảng. Công tác này cũng xoay quanh 4 vấn đề là: đức, tài, tuổi và sức khỏe. Nếu đủ đức, tài mà sức khỏe không đạt thì cũng không thành công. Ông Triệu nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ cán bộ, khẳng định làm tốt việc này sẽ góp phần đồng thời với bảo vệ sức khỏe toàn dân, tạo điều kiện để đất nước phát triển bền vững. [http://bit.ly/2PW8w1g]

Theo Hiệp hội Huyết học Hoa Kỳ, các yếu tố nguy cơ khác của bệnh ung thư máu bao gồm: Phơi nhiễm với chất phóng xạ; Hóa trị liệu; Thường xuyên phơi nhiễm với các chất hóa học (ví dụ như benzene); Hội chứng Down; Tiền sử gia đình bị bệnh ung thư máu.

Cái chết của ông Nguyễn Bá Thanh và ông Trần Đại Quang dường như có chung bệnh lý. Nếu thật sự vì sức khỏe cán bộ như lời của ông Nguyễn Quốc Triệu, xin hãy làm rõ liệu có yếu tố nhiễm độc hay đầu độc liên quan đến chất đồng vị phóng xạ nào ở đây?

Không có nhận xét nào: