Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2018

47 ĐẶC CÔNG BỊ THƯƠNG VONG 1984 TRƯỚC CỬA HANG DƠI ( THANH THỦY-VỊ XUYÊN) DO PHÁO TA HAY CỐI TRUNG QUỐC BẮN ? (Phần kết)




ĐÔI LỜI KHÉP LẠI CUỘC THẢO LUẬN VỀ VỤ HANG DƠI
         
          Pháo bắn hụt tầm gây sát thương cho quân ta tại Vị Xuyên là chuyện có thật; chuyện này không chỉ riêng vụ Hang Dơi. Vấn đề tôi muốn tìm kiếm sự thật: Sự cố này do kỹ thuật hay do sự cố ý của con người? Và nếu là sự cố ý thì do ai và cấp nào?
          Việc pháo bính bắn sai địa chỉ do hụt tầm các bạn Thái Khắc Ba, Đỗ Huy, Nam Thái Trần đã cho biết chính kiến của mình. Khi pháo binh rót sai địa chỉ và lại đúng vào quân ta thì gây sát thương rất lớn. Ngay trận 12/7/1984 tôi cũng đã có những dấu hỏi trong việc sử dụng pháo binh…Tôi có bài riêng viết về chiến dịch MB 84 và việc sử dụng pháo binh của ta trong chiến dịch này…
          Cuốn sách viết về Gạc Ma bùng nổ chỉ từ một cái lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lúc đó: “Không được nổ súng” hay “Không được nổ súng trước…”; Chỉ khác nhau có mỗi câu mà gây căng thẳng cho nhiều người, thậm chí kiện tụng nhau…
          Xem cái clip do Trung Quốc quay thì không có một tia chớp đạn nào từ phía quân ta, còn phía Trung Quốc thì nã pháo tới tấp; Clip cho thấy khả năng quân ta không nổ sung bắn lại là do cái lệnh: Không được nổ súng…là có cơ sở!
          Thực ra nội hàm và hệ lụy của 2 cái lệnh này chẳng khác gì nhau. Bởi có ra lệnh: Không nổ súng trước thì cũng không thể cứu sinh mạnh của 64 chiến sĩ. Có điều nếu quân ta nổ súng thì chắn chắn sẽ gây cho quân Trung Quốc thương vong, còn phía ta thì chắc không còn ai sống sót…

          Trở lại vụ tranh luận về thương vong tại Hang Dơi, qua ý kiến của các CCB tôi thấy có mấy nhóm ý kiến sau:
          1/ Một số khẳng định số thương vong không tới 47 chiến sĩ; Và vụ này do cối Trung Quốc bắn…
          2/ Một số ý kiến như Nam Thái Trần, Nguyễn Văn Thanh ( F 313) thì cho rằng: con số 47 thương vong là có cơ sở. Những CCB này đều nêu ra được các chứng cứ đáng tin cậy.
          Chỉ có điều độ chính xác: bao nhiêu người hy sinh, bao nhiêu người bị thương thì không ai nắm được. Con số này chỉ có cơ quan quân lực của Quân khu 2 và Bộ Quốc phòng mới có khả năng xác nhận con số này chính xác là bao nhiêu…
          Còn vụ này do pháo ta hay cối Trung Quốc bắn?
          -Người trực tiếp cung cấp thông tin cho tôi là Nguyễn Văn Thanh ( F 313) thì cho rằng do cối Trung Quốc bắn;
          -Ý kiến của Nam Thái Trần và Đỗ Huy thì cho rằng: cối Trung Quốc khó bắn được vào cửa Hang Dơi;
       
   Tôi chú thông tin mà bạn Phó Cối cung cấp:
          -CCB Phó Cối trình bày chi tiết: mảnh đạn hất vào phía Hang Dơi, điều này cho thấy đấy là hố đạn pháo do ta bắn chứ nếu cối thì hố đạn nổ xòe ra…
          -CCB Đỗ Huy và Thái Khắc Ba thì cho rằng: Tại MT Vị Xuyên, pháo ta bắn hụt tầm sát thương quân ta là chuyện bình thường không chỉ xảy ra ở Hang Dơi… Trận giáp tết 1985, đơn vị của Thái Khắc Ba cũng bị…
          -Một CCB  của D 2 E 876 cung cấp thông tin trực tiếp cho tôi: Trong trận 12/7/1984 đơn vị của anh cũng bị pháo của ta hụt tầm nã vào đội hình của D 2;
          -CCB Đỗ Huy cung cấp thêm nguyên nhân do bản đồ Việt Nam do Trung Quốc vẽ có sai số, phải trừ hao. Nếu căn bắn theo đúng tọa độ thì sai số từ 300-500 m…Do đó cái lý do gọi là bắn hụt tầm xuất phái từ bản đồ…
          Cách đây hơn 10 năm, tôi đã đọc 1 tài liệu ghi ý kiến của một ông Tướng lên tiếng chỉ trích 1 quan chức Bộ Quốc Phòng đã chủ trương nhờ Trung Quốc in bản đồ loại nhỏ hơn 1/500.000. Trong tài liệu này có ghi tên và chức vụ cụ thể quan chức đưa ra chủ trương này.Trong bài này tôi không tiện nêu tên…Thông tin của bạn Đỗ Huy làm cho tôi bất chợt nhớ tới tài liệu trên, mặc dù khi đọc tài liệu đó tôi chưa hình dung ra hệ lụy của việc nhờ Trung Quốc in bản đồ. Tôi nhớ trong tài liệu vừa kể, vị tướng kia đã ví hành vi nhờ Trung Quốc in bản đồ không khác gì Mị Châu tiết lộ nỏ thần cho Trọng Thủy…
          Để kiểm chứng lại thông tin về chuyện Bộ Quốc phóng VN nhờ Trung Quốc in bản đồ miền bắc mà tôi tưng đọc cách đây hơn 10 năm; tôi đã tìm gặp 1 vị đại tá, từng công tác tại Xưởng bản đồ của Bộ Tổng tham mưu từ năm 1961. Ông này hiện đang là bạn cua rơ xe đạp quanh Hồ Tây với tôi.
          Ông đại tá này công tác tại xưởng in bản đồ của Bộ Tổng tham mưu từ 1961 cho biết: Trong thời kỳ chiến tranh, xưởng của ông sử dụng 2 nguồn bản đồ để in để phục vụ các quân binh chủng. Bản đồ từ vĩ tuyến 17 trở vào dựa vào nguồn do Mỹ vẽ. Các cơ quan tình báo của ta lấy được và chúng ta in sao ra để cấp cho các chiến trường.
          Còn bản đồ từ vĩ tuyến 17 trở ra thì dựa vào phim có sẵn do Trung Quốc vẽ từ 1955. Theo đại tá này cho biết: kho phim bản đồ của Bộ Tổng tham mưu có 2 loại, loại màu bằng tiếng Trung Quốc và loại đen trắng chú thích bằng tiếng Việt.
          Như vậy, từ 3 nguồn tin độc lập này khớp nhau 1 thông tin xác tín: pháo binh tại mặt trận Vị Xuyên bắn hụt tầm dẫn tới những hệ lụy như vụ Hang Dơi và nhiều trận khác rất có thể chúng ta đã mắc “bẫy bản đồ” do ta nhờ Trung Quốc vẽ từ 1955…Chuyện bắn hụt tầm này tôi được một số CCB cho biết có xảy ra cả mặt trận Lào Cai trong chiến tranh 1979. Người ta cho do lý do bởi đạn…

          Thực ra, tại chiến trường Vị Xuyên, tình trạng “ quân ta chiến thắng quân mình” xảy ra không chỉ trong lực lượng pháo binh…Trong Quân sử VN có CCB đã kể về tình trạng những đồng đội rút trước quay súng xả vào đồng đội rút sau…Ngay trong cuộc trao đổi này, CCB kể về vụ bắn AK vào đồng đội…trong khi tổ chức tang lễ…
          1 CCB của E 876 quê ở Tả Thanh Oai-Hà Đông còn thông tin cho biết: khi anh nhận huấn luyện cho tân binh bắn B 41 năm 1981, đã phát hiện ra đầu đạn B 41 của Trung Quốc không có đầu nổ.
          Một số CCB của E 122 bảo vệ 1509 cho biết: thời kỳ phòng thủ đơn vị gặp rất nhiều đầu đạn lựu đạn, cả đạn xịt không nổ…Liệu những thứ này có nguồn từ Trung Quốc không ?
          Khép lại cuộc trao đổi về vụ: do pháo ta bắn hụt tầm hay do cối Trung Quốc bắn gây sát thương 47 đặc công trước cửa Hang Dơi 1984, xin đưa ý kiến sau đây của 4 CCB Vị Xuyên:

              Nam Thái Trần: -Chào bác Viet Daonv Pham.Về vụ pháo mình bắn hụt tầm rơi trước cửa Hang Dơi gây thương vong cho đặc công, em chỉ nhớ mang máng như sau:
          - Thời gian: Khoảng nửa cuối buổi chiều (16-17 giờ) ngày 9 hoặc 10 hoặc 11/6/1984 gì đó.     
          - Hoàn cảnh: Chiều hôm đó đơn vị đặc công họp chuẩn bị cho trận phối hợp cùng D8/ F313 đánh 233 và 300. Khi họp đơn vị tập trung ở khu vực gần cửa hang, lúc vừa kết thúc họp xong anh em tản bớt vào trong hang rồi thì pháo nổ…
          .-Số lượng đặc công hy sinh tại chỗ: 27 đồng chí…Ngoài ra còn một số vài chục anh em khác (bao gồm cả bộ binh) cũng bị thương vong. 
          -Tên đơn vị đặc công: Em chỉ nhớ mang máng là của Q K1, D trưởng là thiếu tá Kỳ. Anh Kỳ thời chống Mỹ nguyên là liên lạc của anh Trừ, vào thời điểm đó đang là đại tá trưởng phòng Đặc công QK2.
          Đơn vị của anh Trừ khi đó cũng có mặt chiến đấu ở Vị Xuyên. Chính đơn vị đặc công của anh Trừ đã đánh phá dàn Rada hiện đại mua từ Ixraen của bọn Tàu. Sở dĩ em biết mấy điều này là vì anh Trừ có vợ ở gần nhà một chú lính quê ở Vạn Phúc Hà Đông tên là Cộng, cùng nhập ngũ với em. Khi đó Cộng là lính thông tin D9 F313 cùng nằm trong Hang Dơi với đơn vị đặc công đó.
          Bản thân em cũng có nhiều lần được mấy anh cán bộ bên đặc công mời ôm đàn ghita vào chỗ lính đặc công ở, (ngách trái bên trong hang nếu nhìn từ cửa vào) để hát động viên anh em trước khi họ đi làm nhiệm vụ...
          Em còn nhớ đêm hôm đó do địch bắn nhiều, số tử sỹ đặc công ấy còn phải nằm lại trong hang mãi tối hôm sau mới đưa 25 người, bọn em khiêng về Nà Cáy. Đại khái em chỉ nhớ mang máng có vậy thôi bác ạ…

              Thái Khắc Ba:- Chuyện ở chiến trường pháo ta, pháo địch bắn lạc bắn hụt tầm là chuyện bình thường. Quan trọng lúc này người chỉ huy có lường được tình huống có thể, để cảnh giác đề phòng không.
          Như ở trên cao điểm 685 chẳng hạn, lúc địch tấn công, ta gọi pháo áp chế chi viện của pháo 37 bắn thẳng từ trận địa Cốc Nghè bắn sang. Chỉ được vài loạt đạn đầu trúng mục tiêu, về sau pháo lệch tầm, pháo rơi vào trận địa của ta, tất nhiên thương vong ngoài ý muốn sẽ xảy ra…
              Nguyễn Quốc Hùng:- Tôi xin kể vài câu chuyện để cùng tranh luận với những người quan tâm tới MTVX.
          Chuyện thứ nhất: -Một đại đội trưởng và một tiểu đoàn trưởng của 314 tranh cãi. Đại đội trưởng nói, ngày ấy C của em ở Đồi Tròn (Minh Tân) D trưởng: C của chú là ở Đồi Đài. Không ai nhận mình sai.
          Cãi nhau một hồi D trưởng nói: Sơ đồ phòng ngự của tiểu đoàn tôi là người phân công, tôi nắm rõ.
          C trưởng nói: Em ở đấy thì em phải nhớ…
          Chuyện thứ hai: -Gần 30 năm sau tôi mới biết có chiến dịch M3 mà tôi là người trong cuộc. Gặp lại C trưởng Cầm Bá Tước (anh ấy đã mất hơn một năm nay vì ung thư) tôi và anh ấy tranh luận: Ngày ấy C của mình nhận nhiệm vụ vào đào hầm lên 300, tham mưu trưởng trung đoàn quán triệt vậy…
          Anh ấy bảo: không phải, mình nhận nhiệm vụ đánh theo đường hầm sư 31 đào từ Cô X. lên Đồi Chuối. Anh ấy đã vào kiểm tra đường hầm, đã kí quyết tâm thư với trung đoàn, đã gửi hết quân tư trang về bởi xác định không thể có đường trở về.
          Chúng tôi hành quân vào (không biết tới đâu), hôm trước thì hôm sau có lệnh rút ra ( có lẽ theo chỉ thị của Lê Đức Anh là chủ lực mình rút xuống và không có những cuộc giao tranh lớn giữa hai nước).
          Vậy việc ai biết việc người ấy. Ngày ấy tôi đã viết văn, đã có ý thức tìm hiểu về cuộc chiến mình tham gia, đã viết vài truyện ngắn gửi cho VNQĐ nhưng chắc còn non nên chưa được sử dụng. Thế nhưng ngày ầy tôi đã vào 1100 đào hào, nhưng mãi sau này mới tìm hiểu biết được mình đã vào tới 1100, đã vào Hang Dơi nhưng xung quanh thế nào thì chịu, không quan sát hết.
          Bởi người lính khi ấy chỉ biết cắm đầu chạy, dúi đầu xuống tránh pháo sao quan sát hết được mà bây giờ nhiều người kể còn hay hơn tôi sáng tác. Chuyện về những chiến sĩ đặc công hy sinh và khi bắn loạt đạn tiễn biệt nhưng súng giật khiến vài người hy sinh theo ngày ấy tôi đã được nghe. Nhưng chỉ là được nghe thôi. Thậm chí lính cùng A hy sinh nhưng nó bị thế nào tôi không chứng kiến vì lúc đó mình không có mặt nên không dám tường thuật. Nếu sáng tác văn học thì tôi có thể. Nhà văn Phạm Viết Đào là người có tâm với cuộc chiến VX. Anh ấy sưu tầm và muốn kiểm chứng sự thật...
               Kí Ức Ngày Ấy: NHỮNG ĐIỀU MUỐN NÓI NGẪM MÀ BUỒN
          -Tôi luôn ủng hộ những bài viết về người lính Vị Xuyên. Như bài viết chân thật mộc mạc của đ/cTrần Nam Thái. Một thời máu lửa đã trải qua chúng ta đã vượt qua các đ/c à. Giờ hòa bình rồi, chúng ta những người lính giờ đầu hai thứ tóc cả rồi.
Ngẫm mà buồn. Lẽ ra chúng ta nên xem xét bài, nếu ai nhớ được tư liệu thì cùng trao đổi, bổ sung sao cho trọn vẹn hơn chứ cứ đằng này cứ lôi nhau vặn vẹo như cái chợ. Ngẫm mà chán rồi này nọ rất là ngại, con cháu rồi xã hội nghĩ gì về những người lính (Vị Xuyên) đây. Để rồi có kẻ nói ra một câu nói thật vô tình…Ngẫm mà đau, tại sao và vì đâu?
          Để có đc một bài viết ký ức xưa về cuộc chiến đấu của đơn vị mình giờ thật hiếm…Chúng ta nên ủng hộ, tất nhiên đã trải qua hơn 30 năm rồi...những người trực tiếp trong cuộc người còn người mất. Nhớ được để viết nên những trang sử chẳng hề dễ chút nào. Ngày đó, mỗi đồng chí chúng ta cùng đơn vị, mỗi nhiệm vụ khác nhau mỗi vị trí thời điểm đơn vị cũng như nhiệm vụ nào đâu có giống nhau. Khi đơn vị phân công. Chính vì thế chúng ta rất cần lời động viên, khuyến khích đ/đ chúng ta viết.
          Sẽ ý nghĩa, tình cảm thắt chặt tình đồng đội, đ/c hơn rất nhiều. Sau này gặp nhau giao lưu các sự kiện, ký ức nhìn thấy nhau ai ai cũng vui vẻ. Chuyện xưa ôn lại cùng nhau chẳng hết chuyện vui. Tuy nhiên cốt chuyện phải tương đối xác thực với điều kiện, hoàn cảnh tại thời điểm đó. Nếu còn thiếu hoặc có chút sai sót thì các đ/c nào nắm rõ và cụ thể hơn chúng ta cùng trao đổi qua bàn luận.
          Ý nghĩa tình đồng đội đẹp đẽ biết bao. Nhớ được để bổ sung cho nhau, để bài viết sao cho trọn vẹn hơn như thế còn gì bằng. Cuộc chiến Vị Xuyên 1984-1989 còn rất nhiều điều mà ngay cả chúng ta những người trong cuộc còn chưa thể biết hết được. Vậy sao chúng ta lại vô tình làm hạn chế những đ/c có tâm huyết viết lên trang sử hào hùng một thời máu và hoa, về Vị Xuyên những năm gian khổ đó chứ. Trong cuộc sống chẳng có gì là hoàn hảo và trọn vẹn cả đâu các đồng chí à.
          Tôi cũng rất mong các đ/c ủng hộ các đ/c khác, động viên họ để vững tin viết nên những trang sử mãi mãi được khắc ghi, mãi mãi lưu truyền cho con cháu chúng ta sau này.
          Ký ức xin mạo muội có đôi dòng chia sẻ với tinh thần đồng đội.Xin chúc tất cả các đồng chí luôn vui khỏe trẻ như ý và đoàn kết thân ái.
          Gặp nhau là vui và quý rồi…
Phạm Viết Đào

(tổng thuật)

Không có nhận xét nào: