01/10/2018
Nguồn: Vince Beiser, “The Secret Ingredient to China’s Aggression? Sand”, New York Times, 31/07/2018.
Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Một trong những cuộc đối đầu nguy hiểm nhất giữa Mỹ với Trung Quốc đang nóng lên. Các biên đội tàu chiến ra khơi, máy bay ném bom cất cánh; hai bên đe dọa lẫn nhau – tất cả những điều đó đều có nguyên nhân là do Trung Quốc ngày càng nắm được nhiều hơn thứ tài nguyên thiên nhiên bị coi thường nhất trên thế giới – cát.
Ở đây, tiêu điểm tranh cãi là Trung Quốc đã xây dựng được một loạt đảo nhân tạo ở các vùng biển bị tranh chấp nhiều nhất và cực kỳ có ý nghĩa chiến lược tại Biển Đông. Nơi đó là một trong những tuyến hàng hải bận rộn nhất, và là nơi sở hữu 10% các loài cá trên thế giới. Điều quan trọng hơn là đáy biển vùng này có thể chứa hàng tỷ thùng dầu và hàng nghìn tỷ khối khí đốt.
Cho nên không có gì lạ khi hầu như tất cả các quốc gia ở vùng này — Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines – đều tuyên bố chủ quyền với ít nhất một phần của mấy chục bãi đá và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa có vị trí chiến lược.
Thế nhưng mấy chục năm nay Trung Quốc luôn luôn chủ trương mở rộng vùng biển của mình tại Biển Đông, trong đó có sự kiện năm 1988 cướp từ tay Việt Nam một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa trong một xung đột song phương. Trong lần xung đột ấy mấy chục binh sĩ [Việt Nam] đã thiệt mạng. Hơn thế nữa, đặc biệt từ năm 2014 tới nay Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh công nghiệp để bồi đắp các đảo nhân tạo để tạo nên những thực tế mới trên biển.
Mấy năm nay, Trung Quốc xây dựng một hạm đội tàu nạo vét trên biển, một trong những hạm đội có kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới. Năng lực bồi đắp (lượng đất cát đào được từ dưới biển) của Trung Quốc từ năm 2002 tới nay đã tăng hơn gấp ba, vượt quá 1 tỷ mét khối, nhiều hơn bất cứ nước nào khác. Từ cuối năm 2013, Bắc Kinh bắt đầu lập một hạm đội nạo vét đất cát, đào được từ đáy biển mấy triệu tấn cát, dùng số cát này để mở rộng các điểm Trung Quốc nắm giữ trên quần đảo Trường Sa. Trong 18 tháng, những chiếc tàu này đã đắp được một vùng đất rộng gần 3000 mẫu Anh (12 km2).
Hiện nay việc bồi đắp cải tạo đất với quy mô lớn như vậy đã ngày càng phổ biến. Mấy chục năm qua tiến bộ kỹ thuật đã giúp người ta có thể, với giá thành thấp và tốc độ nhanh hơn, đào được nhiều cát hơn tại những chỗ sâu hơn, và di chuyển số cát đó tới vị trí dự kiến với độ chính xác cao hơn.
Giờ đây tàu đào cát lớn nhất có chiều dài tới 700 thước Anh (khoảng 213 m), dựng ngược lên bằng tòa nhà 60 tầng. Tàu được trang bị ống có thể hút cát ở độ sâu 500 thước Anh (khoảng 152 m) dưới mặt nước. Từ Singapore đến Hà Lan và các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, tất cả đều sử dụng đội tàu hút cát để mở rộng vùng duyên hải của mình, thậm chí xây dựng các đảo mới bắt đầu từ số không.
Trung Quốc cũng làm như vậy: riêng năm 2015 họ đã tạo lập được một vùng đất mới rộng tương đương hai lần vùng Manhatan của Mỹ. Một nhóm nghiên cứu của Hà Lan cho biết, từ 1985 tới nay loài người đã tăng được diện tích khoảng 13.500 km2 đất đai nhân tạo trên bờ biển toàn thế giới, tương đương diện tích bang Conneticut ở Mỹ hoặc nước Jamaica.
Quá trình đó thường gây ra sự phá hoại môi trường nặng nề. Gần đây Trung Quốc đã tạm đình chỉ tất cả các dự án khai khẩn đất thương mại vì chúng làm tổn thương các rạn san hô và hệ sinh thái ven biển. Họ đã có một số kinh nghiệm về vấn đề này; Trung Quốc đã đổ quá nhiều cát xuống các rạn san hô ở quần đảo Trường Sa. Một nhà khoa học sinh vật biển người Mỹ nói điều đó đã dẫn đến “sự mất đi mãi mãi các rạn san hô với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử loài người”.
Điều đáng lo ngại hơn là việc xây dựng các đảo của Trung Quốc sẽ phục vụ tham vọng quân sự của họ như thế nào. Số cát vừa đào được từ quần đảo Trường Sa gần như vừa mới khô thì họ đã bắt đầu xây dựng căn cứ quân sự. Lực lượng vũ trang của Bắc Kinh đã lắp đặt vũ khí chống tên lửa, xây dựng các đường băng dùng cho máy bay quân sự cất hạ cánh. Các quan chức Mỹ cho rằng căn cứ này có thể chứa các thiết bị phóng tên lửa đất đối không tầm xa và các trang bị cảng biển có năng lực tiếp nhận tàu ngầm hạt nhân.
Sự bành trướng sức mạnh quân sự của Trung Quốc tại vùng Thái Bình Dương là ngỏi nổ làm gia tăng tình trạng đối đầu giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh ở đây. Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson đã xác nhận tại cuộc họp điều trần bổ nhiệm ông [ở Quôc hội Mỹ] rằng ông coi việc Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa tương đương với việc Nga xâm chiếm Crimea. Mấy tuần gần đây, Mỹ đã cho máy bay B-52 và hai tàu chiến đi qua quần đảo có tranh chấp này.
Về phía Trung Quốc, họ cho một máy bay ném bom tầm xa hạ cánh xuống một đảo mới bồi đắp. Tháng 6/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis lên án việc Trung Quốc xây dựng đảo là “đe dọa và bắt chẹt”. Còn Chủ tịch Tập Cận Bình thì trả lời: “Không thể để mất dù chỉ một tấc đất”.
Những điều kể trên cho thấy, trong thế kỷ 21, sức mạnh địa chính trị chẳng những thuộc về kẻ kiểm soát lãnh thổ mà còn thuộc về kẻ tạo ra lãnh thổ.
Vince Beiser là tác giả cuốn sách sắp xuất bản “The World in a Grain: The Story of Sand and How It Transformed Civilization” [Thế giới trong một hạt nhỏ: Câu chuyện về cát và cát đã làm nên nền văn minh như thế nào].
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét