Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung căng thẳng, đơn hàng đến Việt Nam, Thái Lan ùn ùn tăng

Minh Khôi | 

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung căng thẳng, đơn hàng đến Việt Nam, Thái Lan ùn ùn tăng
Đông Nam Á đang là nơi "trú ẩn" an toàn cho các công ty trong chiến tranh thương mại. Ảnh: Bloomberg.

Nguyên tắc không có ai chiến thắng trong một cuộc chiến tranh thương mại làm các nhà kinh tế lo ngại nhưng các doanh nghiệp Đông Nam Á đang chứng minh rằng, điều này là sai.

Hàng hóa từ Đông Nam Á hưởng lợi trong chiến tranh thương mại
Khu vực Đông Nam Á đang thu lợi nhanh chóng từ việc chuyển đổi sản xuất khi các công ty cân nhắc lại việc kinh doanh tại Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại ngày một căng thẳng.

Khoảng 1/3 của hơn 430 doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc đã hoặc đang cân nhắc chuyển các khu sản xuất ra nước ngoài khi căng thẳng của cuộc chiến tranh thương mại đang leo thang. Và theo thống kê của Văn phòng thương mại Mỹ, Đông Nam Á đang là lựa chọn hàng đầu.
Nhà sản xuất đồ gỗ Việt Nam Phú Tài Corp, nhà sản xuất đồ gỗ nội thất cho chuỗi cửa hàng Wal-Mart ở Mỹ đang lên kế hoạch tăng 30% sản lượng xuất khẩu trong năm nay và năm sau, theo Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Sỹ Hòe.
Phú Tài sẽ đầu tư khoảng 10 triệu USD để mở rộng 2 nhà máy ở Bình Định và nâng cấp các chi nhánh sản xuất ở 2 nhà máy khác tại Đồng Nai.
"Chúng tôi nhìn thấy một cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ và chúng tôi đang nhận được thêm nhiều đơn đặt hàng hơn từ thị trường Mỹ. Do cuộc chiến tranh thương mại, nhiều nhà xuất khẩu Mỹ đang chuyển đổi sang mua hàng từ Việt Nam", ông Hòe nói
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung căng thẳng, đơn hàng đến Việt Nam, Thái Lan ùn ùn tăng - Ảnh 1.
Các công ty Mỹ đã và đang cân nhắc di chuyển cơ sở sản xuất ra nơi khác. Đông Nam Á được xem là lựa chọn hàng đầu. Ảnh: Bloomberg.
Khối ASEAN đang được xem là nơi thu hút các nhà máy mới nhờ chi phí sản xuất rẻ, tăng trưởng bền vững với 5 nền kinh tế lớn nhất trong khối đang tăng trưởng trung bình 5,3% và đang cải thiện xếp hạng môi trường kinh doanh.
Nicholas Kwan, giám đốc nghiên cứu về cơ quan pháp lý hỗ trợ các công ty địa phương, cho rằng, Đông Nam Á một nơi ẩn náu an toàn giữa những căng thẳng chiến tranh thương mại.
Việc Mỹ và Trung Quốc áp thuế lên 50 tỷ USD hàng hóa lẫn nhau từ tháng 7 đã tạo ra những tác động tiêu cực. Gần đây nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tiếp tục áp thuế với 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc.
Đáp lại, Bắc Kinh cũng công bố áp thuế trả đũa 60 tỷ USD hàng hóa của Mỹ. Không giống như các nền kinh tế phát triển, các cơ sở sản xuất thay thế tại Đông Nam Á sẽ hưởng lợi khi các công ty chuyển đổi đơn đặt hàng để "né" thuế.
Nguyễn Thành Phương, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Kangaroo ước tính, lượng bán hàng trong nửa cuối năm 2018 sẽ tăng thêm 10%.
"Mức thuế mới của Mỹ đang giúp các sản phẩm của chúng tôi trở nên cạnh tranh hơn so với mặt hàng của Trung Quốc", ông nói.
Koratak Weeradaecha, giám đốc tài chính cho Star Microelectronics Thái Lan, cũng đã nhận thấy những biến động trong đơn đặt hàng, tương quan với những căng thẳng thương mại.
Đầu tiên, đã có một sự chậm trễ để điều chỉnh với mức thuế mới nhưng sau đó, đơn đặt hàng hiện đã tăng ít nhất 15% so với năm 2017 và xu hướng này dự kiến sẽ rõ ràng hơn vào cuối năm nay.
"Chúng tôi nghĩ rằng nên có nhiều công ty nên suy nghĩ về việc chuyển nhà máy của họ sang các nước láng giềng, vì ở lại Trung Quốc có thể quá mạo hiểm", ông Koratak Weeradaecha nói thêm.
Thị trường Trung Quốc giảm thu hút
Không chỉ mặt hàng điên tử, xe hơi, hải sản, cao su và du lịch là những thị trường có lợi khi hàng hóa Trung Quốc trở nên kém hấp dẫn hơn.
Chính phủ Thái Lan đồng ý rằng ngành thủy sản sẽ giành chiến thắng trong bối cảnh tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc, khi những hàng hóa này được cả Washington và Bắc Kinh đưa vào danh sách đánh thuế, Pimchanok Vonkorpon, Giám đốc phòng chính sách thương mại của Bộ thương mại Thái Lan cho biết.
"Cá ngừ đóng hộp là một mặt hàng hưởng lợi chính", bà Pimchanok Vonkorpon nói.
Tình hình tương tự cũng đang xảy ra ở Malaysia. Vấn đề lớn nhất của chúng tôi là làm sao tăng cường năng lực bao gồm cả trong lĩnh vực điện tử, sản xuất thép và tự động hóa để một khi các công ty từ cả Trung Quốc và Mỹ đến thì rất khó rút đi, Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lim Guan Eng nói.
Malaysia có thể nhìn thấy lợi ích từ cả 2 nước như là một điểm chuyển hàng và bởi vì đây là một quốc gia trung lập mà các công ty Trung Quốc và Mỹ đều quan tâm đầu tư.
Công ty Kerry Logistics Network Ltd của Robert Kuok cho biết "số lượng đang tăng lên một chút" khi các công ty di chuyển các trung tâm phân phối từ Trung Quốc đại lục sang những nơi khác như Hồng Kông và Đài Loan và khu vực Đông Nam Á.
"Họ đang nghĩ đến nhà máy tiếp theo, và ít có khả năng đặt ở Trung Quốc", Yeo - cựu bộ trưởng thương mại và ngoại giao ở Singapore, nói với Bloomberg.
Hiện tại, Đông Nam Á đang nổi lên như một khu vực mà một số lợi ích có thể gia tăng khi trao đổi thương mại Mỹ và Trung Quốc bị ảnh hưởng.
theo Trí Thức Trẻ


Không có nhận xét nào: