Thăm dò tuần này do NBC News của báo Wall Street Journal tiến hành cho thấy 61% người được hỏi tin nhập cư giúp Mỹ hùng mạnh trong khi chỉ 28% nói ngược lại. Trước bầu cử tổng thống Mỹ 2016 mà ông Trump thắng kịch tính, các tỷ số trên là 54% và 35%. Điều tra mùa xuân của viện Gallup phát hiện tỷ lệ ủng hộ nhập cư cao hơn, 75%.
Tình hình tương tự với thương mại. Theo một thăm dò khác hồi tháng 8 vẫn của NBC News, 50% người được hỏi ủng hộ tự do thương mại và chỉ 23% có ý kiến ngược lại. Trong khi đó, thăm dò năm 2016 cho kết quả 49% và 40%.
Trump mê hay tỉnh? - ảnh 1“Phản đối ý tưởng toàn cầu hoá”, phát biểu của Trump tại LHQ ngày 25/9 trái hoàn toàn với các đời tổng thống trước. (Ảnh: www.lowyinstitute.org)
Điều đó cho thấy cả chính sách xiết chặt nhập cư cũng như phong toả tự do thương mại của Trump đều bị ngày càng nhiều người được hỏi phản đối. Vậy tại sao ông vẫn lao vào chúng, con đường cũng bị phần lớn thế giới tẩy chay? Bên cạnh đó, ngược lại, tại sao một bộ phận cử tri vẫn hậu thuẫn “chủ nghĩa Mỹ, không chủ nghĩa toàn cầu” của Trump? Các thăm dò hiện tại có đo được chính xác kích cỡ nhóm cử tri thầm lặng hay lại trật khấc như dự đoán bầu cử tổng thống 2016?
Ngoài tính bốc đồng mà ai cũng ghét, chính sách của Trump gần như nhất quán ở ba điểm.
Thứ nhất, ông chưa từng viện dẫn cụm từ Pax Americana, tạm hiểu “hoà bình kiểu Mỹ”, vốn được nhiều đời tổng thống tôn sùng như ẩn ý về sự ưu thắng vượt trội của Mỹ trong một giai đoạn bá quyền mà họ không có hoặc ít đối thủ cạnh tranh.
Thứ hai, tiếp cận “Mỹ trên hết” ngày càng rõ nét, buộc các đồng minh phải nghĩ nghiêm túc hơn về quyền lực Mỹ khác hẳn trước.
Cuối cùng, Trump dường như muốn thế giới thấy Mỹ có thể sẽ không thành một “quốc gia bình thường” như quan niệm lâu nay và, cùng với đó, khoảng cách giữa cảm giác về bổn phận với năng lực có hạn của Mỹ tác động đến chuyển đổi toàn cầu sẽ ngày càng to.
Trump mê hay tỉnh? - ảnh 2Trump trong đêm bầu cử 2016 (Ảnh: the Washington Post qua Getty images).
Suốt thời kỳ hậu Thế chiến thứ hai, dòng chảy chủ lưu về tính ngoại lệ Mỹ trong cả ngôn từ lẫn quan điểm của các đời tổng thống Mỹ đều dựa trên niềm tin. Đó là xác tín Hoa Kỳ có sứ mệnh đặc hữu cứu rỗi thế giới bằng mở rộng tự do và dân chủ cho tất cả các dân tộc. Song tổng thống Trump đã tạo ngoại lệ.
Ông tin rằng, trong kỷ nguyên hậu chiến tranh lạnh, các chính quyền nối tiếp nhau ở Washington đã theo đuổi một tầm nhìn liều lĩnh về cái gọi là quyền bá chủ khu vực hoặc toàn cầu, nhất là ở Trung Đông. Tầm nhìn khình suất ấy đã đẩy Mỹ đến suy mòn và hình ảnh quốc gia trở thành đề tài cho bất cứ ai nhạo báng bất chấp khắp nơi nhận tiền và công nghệ Mỹ. Trump cho rằng việc Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới và nghèo cùng cực, lớn vụt như Phù Đổng chỉ sau 40 năm là tấm gương về nội lực yếu kém của Mỹ, cái mà không ít nhà nghiên cứu và truyền thông cố tình không muốn nhìn nhận.
Với Trump, trước khi vươn ra ngoài cứu vớt nhân loại nếu coi đó là sứ mệnh, đầu tiên chính phủ phải khiến dân phú cường, làm đất nước phồn thịnh. Trump cho rằng không thể cứu vãn thế giới bằng một chính sách bị ông bảo “ngu xuẩn” khi năm vạn người mỗi năm đến Mỹ định cư nhờ xổ số, trò chơi chưa nước nào thực hiện. Cách ấy, theo Trump, chẳng những không động viên người ta sống dựa vào lao động mà còn khuyến khích khát vọng may rủi, thậm chí thành món hời để kẻ bất lương lọt vào Mỹ.
Trump mê hay tỉnh? - ảnh 3Trump đang mê hay tỉnh? (nguồn: www.lowyinstitute.org)
Phản ứng kịch liệt “chủ  nghĩa vị tha giả hiệu”, Trump muốn “làm Mỹ vĩ đại trở lại” bằng tái thiết kinh tế và quân sự. Trong 18 tháng cầm quyền, nhiều quyết sách của ông đậm dấu ấn chủ nghĩa biệt lập, rút dần hoặc lập tức khỏi sân chơi thế giới được cho là khiến các chính quyền Mỹ mê mẩn về sức mạnh ảo tưởng.
Hệ quả tiếp theo của quan điểm “hãy nhin lại chính mình”, Trump thừa nhận không phải là nhà quốc tế chủ nghĩa. Ông chưa từng ủng hộ các thể chế quản trị toàn cầu dựng lên từ 1945 theo nguyên tắc bình quân, ai cũng có ghế, thay vì dựa trên bầu cử theo năng lực. Ông còn thiếu kiên nhẫn ra mặt với các đồng minh truyền thống, tỏ rõ thù địch với thương mại tự do và các tiếp cận đa phương khác.
Tại Liên Hợp Quốc năm nay, các xung lực “Mỹ trước tiên” của Trump gần như thành bê tông. Như thể quên ngay nụ cười gượng của mình từ sự khoe khoang quá lố, Trump tìm cách củng cố niềm tin về một sân khấu thế giới mới bên cạnh việc tái định hình đội ngũ an ninh quốc gia của ông.
Tư duy Trump hợp lý đến đâu chỉ thời gian mới biết. Hiện tại, nỗi phẫn uất từ cơn cuồng nhiệt chính trị của ông đang bào mòn sự ủng hộ một chính sách đối ngoại tham vọng. Hay biết đâu ông đang thi triển tuý quyền, món võ say mà người ta cứ tưởng ông mê mà thật ra là say trong tỉnh, để lại bất ngờ hạ gục cử tri Mỹ như từng thành công cách đây hai năm? Dù kết cục gì thì các đồng minh sẽ đánh giá khác về vai trò Mỹ so với những gì họ từng nghĩ.