Máy bay ném bom Mỹ bay trên Biển Đông giữa căng thẳng với Trung Quốc
Quân đội Mỹ đã cho máy bay ném bom B-52 bay qua Biển Đông từ đảo Guam, động thái có thể chọc giận Bắc Kinh trong lúc căng thẳng giữa hai nước đang gia tăng.
Trung tá Dave Eastburn, người phát ngôn của Lầu Năm Góc, cho hay máy bay ném bom B-52 đã bay qua Biển Đông hôm 23/9 và việc này nằm trong "hoạt động đã được lên kế hoạch định kỳ nhằm tăng cường khả năng phối hợp hành động với các đồng minh và đối tác của chúng tôi tại khu vực".
Những chuyến bay như vậy là bình thường nhưng thường khiến Bắc Kinh tức giận, theo Reuters. Hồi tháng 6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói không tàu thuyền hay phi cơ quân sự nào có thể khiến Bắc Kinh đánh mất quyết tâm "bảo vệ lãnh thổ" sau khi các máy bay B-52 của Mỹ bay gần quần đảo tranh chấp trên Biển Đông.
Một máy bay B-52 của Mỹ đang bay huấn luyện trên bầu trời Anh. Ảnh: AP |
Washington và Bắc Kinh thường xuyên tranh cãi về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, vốn gia tăng mạnh mẽ trong những năm qua, khiến cộng đồng quốc tế đặc biệt lo ngại.
"Nếu là 20 năm trước và Trung Quốc không quân sự hóa các thực thể ở đó, thì việc này chỉ đơn giản là một máy bay ném bom khác của Mỹ trên đường đến Diego Garcia hay bất cứ nơi nào đó", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói với các phóng viên hôm 26/9 khi được hỏi về vụ máy bay B-52.
"Không có gì bất thường về việc đó cả", ông nói thêm.
Trong một phát biểu riêng biệt, ông Eastburn cũng cho biết các máy bay B-52 của Mỹ hôm 25/9 đã "tham gia vào một hoạt động phối hợp, được lên kế hoạch định kỳ tại khu vực tiếp giáp biển Hoa Đông".
CNN dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho hay các máy bay B-52 này được chiến đấu cơ Nhật Bản hộ tống và bay gần quần đảo Senkaku do Tokyo kiểm soát nhưng Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư và tuyên bố chủ quyền.
Hai nhiệm vụ đều diễn ra trong lúc căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng từ kinh tế đến quân sự.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 11/2017 tại Bắc Kinh. Hai nước đang căng thẳng trong một loạt vấn đề từ kinh tế đến quân sự. Ảnh: Getty. |
Trung Quốc mới đây đã từ chối đề nghị cho một tàu chiến của Hải quân Mỹ ghé cảng Hong Kong. Trước đó, Trung Quốc đã triệu tập đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh cũng như hủy bỏ cuộc đối thoại quân sự chung để phản đối việc Mỹ quyết định trừng phạt một cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc vì mua chiến đấu cơ và hệ thống tên lửa đất đối không của Nga.
Mỹ và Trung Quốc cũng đang vướng vào một cuộc chiến gay gắt về thương mại, xuất phát từ cáo buộc của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Trung Quốc lâu nay đã đánh cắp tài sản trí tuệ Mỹ, hạn chế tiếp cận thị trường và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhà nước một cách không công bằng.
Ông Trump hôm 26/9 cũng cáo buộc Trung Quốc tìm cách can thiệp cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ tại Mỹ, dự kiến diễn ra vào ngày 6/11, nói Bắc Kinh không không muốn đảng Cộng hòa giành thắng lợi vì lập trường cứng rắn của ông về vấn đề thương mại.
Ông Mattis nói ông không nghĩ có sự thay đổi căn bản trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ.
"Chúng tôi chắc chắn sẽ duy trì quan hệ quân sự. Mức độ tham gia và hợp tác có thể tăng hoặc giảm tùy lúc, nhưng vẫn còn đó mối quan hệ chiến lược mà tôi nghĩ cả hai bên đều thừa nhận là điều cần thiết", ông nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét