Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2018

VNTB - Ô sin Việt Nam ở Ả rập... máu và nước mắt! Reply


Phương Thảo (VNTB) 


Trong phóng sự về các lao động nữ giúp việc nhà ở Ả Rập Saudi, dường như tất cả các nô lệ hiện đại đều phải làm việc quá sức, bị lạm dụng và bị bỏ đói. Chưa hết họ còn lâm vào tình trạng bị "đem con bỏ chợ" của văn phòng môi giới lao động tại Việt nam và dường như không còn có cách để quay về nhà.

Đời Ô sin Ả rập 

Một người phụ nữ ở Hoà Bình may mắn được quay trở về lại nhà sau bảy tháng làm nô lệ ở Yanbu cho biết bà phải làm việc suốt từ 5 giờ sáng cho đến 1 giờ sáng, tức là 20 tiếng làm việc và chỉ được ngủ 4 tiếng một ngày. Bà Đàp, 46 tuổi, cho biết chỉ được ăn một bữa vào lúc 1 giờ chiều với một dĩa cơm trắng và một lát thịt cừu. Ngày nào cũng như ngày nấy. Bà cho biết " Sau gần hai tháng, tôi giống như điên."

Một phụ nữ 30 tuổi khác quê ở Hà Nam giúp việc cho một gia đình ở Riyadh không có được may mắn như bà Đào. Linh bị người chủ thứ nhất thu hộ chiếu và hợp đồng lao động. Không chịu nổi với cường độ làm việc 18 tiếng và một bữa ăn một ngày, cô đã yêu cầu được đổi chủ. Văn phòng môi giới ở Việt nam đã không giúp gì cho cô lại còn lớn tiếng la mắng cô qua điện thoại. Sau khi tuyệt thực ba ngày, chủ của cô đồng ý mang cô trả về cho văn phòng của công ty môi giới phía Ả rập Saudi. 
Phạm Thị Đào, 46 ​​tuổi, cho biết bà đã làm việc hơn 18 giờ một ngày và sống bằng một bữa ăn - một lát thịt cừu và cơm. Ảnh: Yen Duong / Al Jazeera
Tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa khi người chủ mới lại tiếp tục ngược đãi cô hơn nữa sau khi bị tước mất hộ chiếu và đồ tuỳ thân. 

Cô kể lại: "Bà ấy bỏ tất cả vali của tôi vào một phòng chứa đồ, không cho tôi sử dụng điện thoại và không cho tôi tự nấu thức ăn của mình. Thậm chí tôi không có băng vệ sinh và bị buộc phải rửa chân và massage cho họ. Có lúc, bà ấy thà vứt thức ăn thừa hơn là để cho tôi ăn. 

Sau ba tháng, tôi từ 74kg sụt còn 53kg. Tôi thất vọng, hoảng sợ, thường xuyên bị mất ngủ, và điều duy nhất tôi có thể làm là khóc."

Với những người phụ nữ làm lũ, chấp nhận hi sinh bỏ lại chồng con ở quê nhà để bôn ba xứ người là nô lệ để kiếm chút tiền thu nhập còm cõi, họ không có đòi hỏi gì nhiều. Với họ chỉ cần có ăn ba bữa, không bị ngược đãi, đánh đập là họ đã hài lòng với công việc chỉ đáng giá có 65 cent cho một giờ công lao động. 

Công ty môi giới Việt Nam phủi tay 

Người giúp việc của Việt Nam thường được một công ty môi giới Việt Nam tuyển dụng và đào tạo ngôn ngữ và nghiệp vụ chóng vánh trước khi chuyển họ cho các cơ quan tuyển dụng Saudi. 

Các công ty môi giới Việt nam hứa hẹn mức lương 388 đô la một tháng, mà người lao động không phải trả bất kỳ khoản phí nào cho quá trình tuyển dụng. Trong hợp đồng lao động tiêu chuẩn của Bộ Lao động và TBXH Việt Nam, những người lao động giúp việc nhà có quyền được nghỉ ngơi 9 tiếng. Thế nhưng những gì những người may mắn trốn thoát được kể lại họ chỉ được nghỉ ngơi 4-6 tiếng một ngày. 

Khi được yêu cầu giúp đỡ, văn phòng môi giới chỉ biết la hét và đe doạ người lao động bất lực. Và họ cho biết rằng hợp đồng lao động chỉ có hiệu lực ở Việt Nam mà không có hiệu lực ở Ả Rập Saudi.

Nếu không thể chứng minh được bị chủ nhà ngược đãi khi mong muốn huỷ hợp đồng, người lao động phải chịu một khoản phạt lớn từ 2.500 cho đến 3.500 đô la và phải tự trả tiền vé để đi về Việt Nam. 
Bà Đào cho thấy các ghi chú bằng tiếng Ả Rập mà bà đã được học trước khi sang Ả Rập Saudi. Người lao động Việt Nam thường được học các lớp về ngôn ngữ, kỹ năng, văn hóa, nhưng mang tính hời hợt, qua loa. Ảnh: Yên Dương / Al Jazeera
Sự ràng buộc hợp đồng này đã làm cho đường về của những người phụ nữ nông thôn ngày càng xa. Người giúp việc đến Ả Rập Saudi dưới sự bảo trợ, cơ quan này cấm họ thay đổi công việc hoặc rời khỏi Ả Rập Saudi mà không có sự chấp thuận của nhà tài trợ. Những người lao động nào tìm cách trốn thoát đã bị trừng phạt vì "bỏ trốn", bị phạt tù, phạt tiền và trục xuất.

Một người đàn ông ở Tây Ninh đã đi ra tận Hà Nội để van xin văn phòng môi giới giúp mang vợ ông trở về nhà vì bà thường xuyên bị bỏ đói và đánh đập.

Ông nói.

"Tôi chỉ muốn vợ tôi về lại. Tôi không bao giờ ngờ là khó khăn tới vậy - để vợ ra đi bỏ nhà cửa, con cái và họ hàng ở lại. Nếu tính mức lương - 388 đô la trả cho 18 đến 20 tiếng làm việc, thì còn ít hơn nhiều so với khi đi giúp việc nhà ở Việt Nam. "

Nhưng văn phòng môi giới yêu cầu miệng rằng ông phải trả khoản tiền 2.115 đô la. Tới lúc ông chạy vạy được 2.155 đô la, thì công ty môi giới Việt Nam yêu cầu thanh toán gấp đôi. Một món tiền quá lớn với người nghèo như ông Sang.

Sống chết mặc bay!

Nhà nước Việt Nam năm 2014 đã ký một hợp đồng xuất khẩu lao động giúp việc nhà sang Ả Rập Saudi với mức lương từ 1.200-1.300 SR/tháng (khoảng 6,6 triệu đến 7,1 triệu đồng), chủ sử dụng chu cấp vé máy bay, và người lao động không phải đóng phí môi giới, phí dịch vụ. Từ đó đến nay, con số người giúp việc nhà từ 3.000 người đã tăng lên đến gần 7.000 người trong tổng số 20.000 người lao động Việt Nam ở đây. 

Ngay từ lúc đó đã có cảnh báo rằng "đừng ham sang Ả rập làm ô sin" vì lao động các nước Indonesia, Sri Lanka, Philippines đang tạm dừng đưa lao động giúp việc nhà sang Ả Rập Saudi vì thu nhập thấp, quyền lợi của người lao động không được bảo đảm, điều kiện làm việc hà khắc, bị phân biệt đối xử, không được pháp luật bảo vệ. 
Qua điện thoại, Tuyết cho người thân biết, cô đang bị lạm dụng bởi gia đình mà cô phụ việc tại Riyadh. Ảnh: Yen Duong / Al Jazeera
Nhưng Việt Nam đã trở thành ưu tiên số 1 của Ả Rập Saudi, xuất khẩu lao động giúp việc nhà là ưu tiên 1 của Việt Nam bởi chi phí đào tạo thấp, người nông thôn vốn dễ bảo, lại không đòi hỏi yêu cầu gì, môi giới bảo sao nghe vậy. 

Hiện không có tổ chức độc lập nào ở Ả Rập Xê Út hay Việt Nam đảm bảo sự an toàn của người lao động giúp việc nhà và chính quyền Ả Rập Saudi cũng đang bị thúc giục sửa đổi các quy đinh lao động hiện tại dù chưa tới đâu. 

Cô Linh cho biết: "Nhiều phụ nữ tôi biết ở đây chỉ muốn đi về nhà. Nhưng họ sợ, bị đe dọa, và thậm chí không dám nói ra."
Sang và con gái 12 tuổi của mình ở tỉnh Tây Ninh. 'Tôi chỉ muốn bà ấy quay về nhà,' ông nói. Ảnh: Yen Duong / Al Jazeera
Người Việt Nam từ trong nước đã bị dập tắt ý thức phản kháng khi gặp bất công hoặc thông qua các hội đoàn độc lập, các tổ chức bảo vệ quyền lợi của người lao động để yêu cầu được bảo vệ về pháp lý. Nên một khi xảy ra chuyện bất hoà, tiếng tăm không rành họ chỉ biết bám víu vào một cái neo duy nhất là văn phòng môi giới phía Việt nam để van xin, cầu cứu mà cái văn phòng môi giới đó khi cần lại trở nên vô tích sự. 
Sang, 53 tuổi, chia sẻ một bức thư ông viết cho Đại sứ quán Saudi tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Ả Rập Saudi, nêu chi tiết tình hình gia đình. Ảnh: Yên Dương / Al Jazeera
Còn phía chính quyền Việt Nam vẫn bình chân như vại. Càng nhiều người đi xuất khẩu lao động thì kiều hối càng tăng! Sống chết kệ bay ...

Không có nhận xét nào: