Ngày 25/6/2018, tôi đã có bài Lịch sử đích thực phải được trân trọng đăng trên báo Tiếng dân, thì mấy ngày sau đó, lác đác có người liên lạc với sư cô Diệu Nhân xin được đóng góp công đức để hoàn thiện việc xây dựng ngôi chùa Khai Phúc và đặc biệt, vào ngày 2/7, đại tướng Phạm Văn Trà, cựu Bộ trưởng Bộ quốc phòng đã gặp ông Lê Doãn Hợp cựu Bộ trưởng Văn hóa Thông tin, bàn về tính nghiêm trọng của sự việc này, rồi cả đoàn kéo lên Thiền viện Tây Thiên thỉnh Thiền sư Minh Tịnh…. Và trưa ngày 3/7, dưới trời nắng chang chang, vị đại tướng trên 80 tuổi đã thân chinh vượt trên 100 km đến khảo sát hiện trạng tại chùa Khai Phúc.
Một công trình lịch sử bị lãng quên, nay có nhiều người quan tâm đến, khiến dư luận xôn xao, kẻ mừng người lo và tất nhiên đã có một số người đại diện chính quyền Ninh Bình đến đe nẹt dọa dẫm và gây khó dễ cho sư cô Diệu Nhân.
Điều đó có gì lạ? Phật ở đâu chả là Phật? Ninh Bình đã có chùa Bái Đính xây hết trên ngàn tỷ đồng với hàng ngàn bức tượng đúc bên Trung Quốc, đặt trên khu đất rộng hơn 500 ha rồi mà. Khu du lịch Tràng An của đại gia Xuân Trường đã có chùa Khai Phúc và tòa nhà to như cung điện với biển đề Hành Cung Vũ Lâm mới xây xong, vừa to, vừa đẹp, du khách sau khi bơi thuyền trên sông, có thể lên đây nghỉ ngơi hoặc tha hồ mà vui chơi nhẩy múa, cần gì cái chùa bé tẹo dựng trên mảnh đất méo mó nơi thôn xóm chật chội này?
Chùa Khai Phúc – Hành Cung Vũ Lâm, là nơi xuất gia đi tu đầu tiên của Phật Hoàng Trần Nhân Tông |
Nhưng đã tự xây thì phải hoàn thành đi cho xong chuyện. Họ thấy động, bèn cho ít gạch, bố thí ít tiền, họ ép Sư Cô phải cấp tốc xây tường bao quanh theo ý họ, nhằm tạo nên sự đã rồi để dẹp dư luận, để không ai bới móc chuyện ngược đời ra nữa. Nhưng dư luận vẫn lan truyền, càng bức xúc nhiều hơn. Rồi một ngày, có một người tuy gia đình sống ở Hà Nội, nhưng có quê ở cách chùa Khai Phúc không xa. Anh đến chùa, xin tình nguyện ở lại chùa, bên cạnh Sư Cô để giúp Sư Cô ổn định tình hình, dư luận.
Anh tự giới thiệu anh tên là Trần Đại Quyên, trưởng tộc họ Trần tỉnh Ninh Bình, cha mẹ anh còn khỏe mạnh, nhưng do hiểu biết có hạn, nên bị người ta qua mặt mà không hay. Nay đọc được những thông tin về gốc gác ngôi chùa, tìm hiểu kỹ về lịch sử chống quân Nguyên – Mông ở thế kỷ 13, anh hiểu đích thực nơi đây trước kia là khu rừng vắng vẻ. Thượng Hoàng Trần Thái Tông sau khi đánh thắng quân Nguyên – Mông lần thứ nhất năm 1258, đã hiểu rõ tham vọng bá quyền của quân Nguyên – Mông và thực lực hùng mạnh của chúng, ngài lui về Hoa Lư để tìm hiểu chiến thuật dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Tiên Hoàng, ngài chọn nơi đây xây chùa để luyện Thiền và tập võ. Lúc cháu nội ngài, Thái tử Trần Khâm lên 6 tuôi (tức Trần Nhân Tông lúc nhỏ) ngài đưa cháu nội về ngôi chùa này để giảng dạy những kiến thức đầu tiên về Đạo Phật và giúp cháu nội hiểu biết giá trị quân sự rất lợi hại của khu rừng hẻo lánh này. Thái tử Trần Khâm lớn lên cùng với quá trình xây dựng Hành cung Vũ Lâm của ông nội Trần Thái Tông và sau khi Thái thượng Hoàng Trần Thái Tông qua đời năm 1277, thì năm 1278, tròn 20 tuổi, vua Trần Nhân Tông lên ngôi đã có sự hiểu biết mẫn tiệp về vị trí lợi hại của cánh rừng yên tĩnh này sát bên sông Sào Khê, nhưng nằm ngoài khu Tràng An cổ.
Đây là vị trí có thể đi thẳng với Thăng Long, chỉ cách quê cũ phủ Thiên Trường hơn 10 km, vị trí có thể kiểm soát mọi biến động trong kinh đô Hoa Lư, nhưng hễ có động, cả triều đình có thể vào ẩn nấp trong Rừng Cúc Phương nhanh chóng. Nói theo ngôn ngữ Phong thủy, cửa Sinh cửa Tử ở nơi đây rất lợi hại rõ ràng.
Trong hai cuộc chiến đấu chống quân Nguyên – Mông lần thứ hai và thứ ba, vào năm 1285 và 1288, triều đình nhà Trần đóng căn cứ quân sự tại đây. Sau khi đã chiếm được Thăng Long, tên tướng giặc Thoát Hoan đòi nhà Trần cống nạp công chúa An Tư, người con gái 15 tuổi ấy, đã từ Thiên Trường đến đây nhận lệnh của Triều đình, rồi vào chùa lễ Phật và bái biệt vong hồn vua cha, nàng dũng cảm đi về Thăng Long, quyết tâm làm hậu thuẫn cho người anh họ là Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương… cho đến một đêm rực lửa, kinh thành Thăng Long bốc cháy, Thoát Hoan phải chui ông đồng chạy trốn và công chúa An Tư thì mãi mãi không bao giờ trở lại nữa.
Những sự kiện bi hùng ấy sử sách vẫn còn ghi, nhưng đền thờ công chúa An Tư không có và địa điểm đã xẩy ra những sự kiện đó lại hoang tàn đổ nát. Vì sao?
Nhà Nước, mà đại diện là bà Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Thị Thanh và ông Chủ tịch tỉnh Đinh Văn Điến, “đã được sự đồng thuận từ trên”, như bà Thanh khai tại Quốc hội trong tháng 5 vừa qua, ngang nhiên tiêu hết 2.595 tỷ vì những mục đích ăn chơi, để mặc cho dân thôn Hành cung đi vay từng đồng góp lại xây dựng ngôi chùa bé tẹo tổng mặt bằng chưa tới 100m2, đó là lỗi của ai?
Trao đổi việc này với anh Trần Đại Quyên, trong lần gặp mặt tại Hà Nội, hồi tháng 8/2018, tôi nói rằng: Rất hoan nghênh anh. Sinh sống ở tận Hà Nội mà anh cũng giật mình nhận ra mình có trách nhiệm, đã về chùa thay mặt cha mẹ, dòng tộc họ Trần sửa sai là quá tôt, nhưng không rõ là vô tình hay hữu ý? Tôi nghĩ, ông chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng mắc cái sai nghiêm trọng này, ông đã để cho Bí thư tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh chịu sự điều khiển của anh em nhà đại gia Xuân Trường, Xuân Thành, đầu tư bậy bạ theo cái gậy điều khiển của các cố vấn Trung Quốc.
Họ học lối xây dựng phô trương chắp vá, bóp méo sự thật nhằm mục đích gì?
Ngoài việc phục vụ ăn chơi du lịch để kiếm nhiều tiền, có còn mục đích văn hóa chính trị nào không? Chắc hẳn là có.
Vị tướng già Phạm Văn Trà không chỉ có kinh nghiệm đầy mình về bí quyết chọn địa điểm xây căn cứ quân sự của Tổ tiên ngày xưa, khi phải lấy yếu thắng mạnh, thì địa điểm được chọn làm căn cứ phải rất hiểm yếu, đường tiến đường lui phải hết sức kín đáo, khiến quân ta bao vây phục kích giặc thì dễ dàng, nhưng muốn phản công lại ta, bọn chúng sẽ không biết đường đâu mà lần.
Địa điểm đúng với sự thật lịch sử đó bị cố tình xóa đi, người ta xây chùa Khai Phúc và Hành cung Vũ Lâm giả giữa trung tâm khu du lịch Tràng An, chẳng phải là do “các đồng chí chuyên gia” Trung Quốc cố tình làm cho lũ trẻ ngày nay quên đi lịch sử chống ngoại xâm của cha ông khi xưa hay sao? Chẳng phải niềm tự hào của chúng ta, chính là nỗi nhục nhã của chúng mà chúng không muốn ai nhớ đến hay sao?
Còn về lý thuyết Nhà Phật?
Tôi hiểu biết cũng ít thôi. Tướng Phạm Văn Trà sau khi bị miễn nhiệm, phải nhường chức Bộ trưởng quốc phòng cho tướng Phùng Quang Thanh, ông Trà đã có công góp sức xây dựng thành công hàng chục Thiền viện ở khắp Miền Nam, tất nhiên ông đã có sự hiểu biết sâu sắc về Phât giáo Việt Nam do vua Trần Thái Tông khởi xướng và vua Trần Nhân Tông xây dựng thành công sau những năm tu luyện trên Yên Tử.
Đó là Thiền phái Trúc Lâm. Đó là Phật giáo nhập thế. Vậy thế nào là Phật giáo nhập thế? Đó là Phật giáo gắn bó với cuộc sống đời thường. Chùa chiền không quan trọng, ngồi đâu cũng có thể niệm Phật. Phật ở trong tâm chúng ta, Phật gắn bó với người dân.
Lịch sử nước nhà cho biết, vua Trần Nhân Tông được làm quen với giáo lý Nhà Phật tại chùa Khai Phúc lúc mới lên 6 tuổi. Vua Trần Nhân Tông từ dã ngai vàng lúc mới 35 tuổi và xuống tóc đi tu tại ngôi chùa này 3 năm trước khi lên Yên Tử. Trong 3 năm đó, thượng hoàng Trần Nhân Tông vẫn theo dõi uốn nắn và dạy con là vua Trần Anh Tông cách làm vua.
Dĩ nhiên bọn bán nước, bọn tay sai của Hoa Nam tình báo rất sợ ngài và muốn hậu thế quên hẳn ngài là phải. Vậy, việc âm mưu xóa bỏ địa điểm lịch sử này, đi xây chùa chỗ khác, dựng căn cứ quân sự chống quân Nguyên – Mông ở nơi khác, ngoài sự ngu dốt, tham tiền của các chủ đầu tư, chắc chắn còn có bàn tay phá hoại của bọn xâm lược phương Bắc.
Cho nên hôm nay phải phục dựng lại ngôi chùa là đúng. Truyền hình Trung ương đã làm phim tư liệu. Nhà sử học, Gs Lê Văn Lan đã lên tiếng.
Có cần tranh luận cãi vã nữa không? Có lẽ không cần. Hành cung Vũ Lâm giả, chùa Khai Phúc giả lâu nay nằm trong khu du Lịch Tràng An phải được tháo bỏ bảng tên hiệu, những ông chủ đầu tư muốn gọi nơi đó là gì tùy ý. Nhưng tại thôn Hành cung xã Ninh Thắng phải xuất hiện trở lại một Điện Hành Cung. Ngôi chùa Khai phúc đã được sư cô Diệu Nhân cùng nhân dân góp sức xây lên phải được hoàn thiện
Và tôi muốn hình ảnh công chúa An Tư phủ phục dưới chân cha phải được dựng lên, không dát vàng bạc, không cần trau chuốt ngọc bích long lanh, nhưng hình ảnh người thiếu nữ anh hùng đã liều thân cứu nước trong trận chiến chống quân Nguyên – Mông phải được trân trọng và luôn luôn có những nhành hoa trắng trang điểm.
Tâm linh? Theo tôi, giá trị Tâm Linh của câu chuyện không phải lăng to, mả đẹp. Giá trị Tâm Linh ở đây chính là Hồn thiêng sông núi để lại muôn đời.
KTS Trần Thanh Vân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét