Thứ Ba, 25 tháng 12, 2018

Đây là lý do vì sao Tổng thống Trump không thể sa thải Chủ tịch Fed

Quang Hải | 

Đây là lý do vì sao Tổng thống Trump không thể sa thải Chủ tịch Fed

Về mặt pháp lý, vị trí của ông Jerome Powell tại Fed là gần như bất khả xâm phạm.

Tất nhiên Tổng thống Trump vẫn có những quyền hạn nhất định, nhưng đó là sự phiêu lưu lớn về chính trị và trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang đối mặt với nhiều rủi ro thì có lẽ ông Trump sẽ không mạo hiểm đụng đến ông Powell.
Mấy ngày nay, thị trường Mỹ nhận được nhiều sự quan tâm hơn thường lệ. Các tin tức có tầm ảnh hưởng lớn liên tiếp xuất hiện. Fed quyết định tăng lãi suất, chứng khoán Mỹ giảm thê thảm, chính phủ Mỹ có nguy cơ đóng cửa và mới nhất thì Tổng thống Trump tỏ ý muốn sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Có lẽ là ông Trump không đùa, bởi 2/3 nhân vật quan trọng nhất trong nội các là Bộ trưởng Ngoại giao (Rex Tillerson) và Quốc phòng (Jim Mattis) mà ông còn thay được thì đâu có ngại đổi một vị Chủ tịch Fed mới. Tuy nhiên về mặt pháp lý thì ông Trump có quyền làm vậy hay không?
1. Chủ tịch Fed được bầu ra từ 7 thành viên Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang (Federal Reserve Board of Governors - FRB). 7 vị này, cùng với Chủ tịch Fed New York và 4 vị Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang khác sẽ cấu thành Ủy ban Thị trường mở Liên bang (Federal Open Market Committe - FOMC), cơ quan đưa ra các chính sách điều hành lãi suất.
Trong năm 2018 này, bên cạnh 7 vị thuộc FRB và Chủ tịch Fed New York thì 4 thành viên còn lại của FOMC đến từ Fed Richmond, Atlanta, San Francisco và Cleveland. Các vị Chủ tịch của Fed Chicago, Boston, Kansas City, St.Louis, Dallas, Philadelphia và Minneapolis sẽ đóng vai trò... dự bị và lần lượt được "xoay tua" để tham gia vào FOMC trong các năm sau.
2. Như vậy, ông Powell vừa là Chủ tịch của FOMC, vừa là thành viên của FRB. Chức vụ thứ nhất cho phép ông tạo ra ảnh hưởng đến thị trường, còn chức vụ thứ hai giúp ông gần như có được "kim bài miễn tử" trước Tổng thống.
Điều 2, Khoản 10, Luật Dự trữ Liên bang 1913 quy định rằng các thành viên của FRB sẽ phục vụ trong vòng 14 năm kể từ ngày kết thúc nhiệm kỳ của người tiền nhiệm, trừ khi bị Tổng thống sa thải "for cause".
Không có định nghĩa chính thức cho cụm từ "for cause", nhưng nó có thể được hiểu là các hành vi phạm luật, không hoàn thành nhiệm vụ hoặc các hành xử không đúng đắn khác. Bất đồng về chính sách với Tổng thống không thể được coi là "for cause". Nói cách khác, vị thế thành viên FRB của ông Powell gần như là bất khả xâm phạm.
3. Luật Dự trữ Liên bang 1913, tuy thế, lại không quy định về các điều kiện cần thiết để sa thải một vị Chủ tịch Fed. Về lý thuyết, ông Trump có thể đề cử một thành viên khác của FRB lên nắm giữ cương vị Chủ tịch và "giáng cấp" ông Powell xuống làm một thành viên FRB bình thường (còn nhiệm kỳ đến năm 2028) mà không cần lý do.
Tuy nhiên, căn cứ Luật Dự trữ Liên bang sửa đổi năm 1977, việc đề cử của ông Trump cần phải được Quốc hội thông qua trước khi chính thức có hiệu lực (trước đó, Tổng thống chỉ cần bổ nhiệm một trong các thành viên FRB vào chức vụ Chủ tịch là được).
Vì Luật sửa đổi 1977 đã tước đi quyền trực tiếp bổ nhiệm Chủ tịch Fed, nên Scott Alvarez - cựu Trưởng ban Pháp chế Fed - cho rằng nó cũng đồng thời tước đi quyền sa thải Chủ tịch Fed của Tổng thống. Tức là, nhiều khả năng các nhà làm luật sẽ diễn giải rằng ông Powell chỉ có thể bị buộc rời khỏi ghế Chủ tịch Fed "for cause". Cách hiểu này cũng nhận được sự tán thành của Larry Kudlow, Cố vấn kinh tế Tổng thống. Cũng có nghĩa là ngay cả khi ông Trump mạo hiểm đề cử người khác vào chức Chủ tịch Fed thì đề xuất này vẫn có thể bị Tòa án Tối cao coi là vi hiến.
4. Như vậy, về mặt pháp lý thì ông Trump gần như không thể động đến chiếc ghế Chủ tịch của ông Powell. Tuy nhiên cũng không phải là không có tiền lệ về việc Chủ tịch Fed bị buộc rời chức.
Thomas McCabe, Chủ tịch Fed giai đoạn 1948-1951, đã có những bất đồng nghiêm trọng với Tổng thống lúc đó là Harry Truman, tới mức ông Truman triệu tập toàn bộ các thành viên FRB cũng như 12 vị Chủ tịch ngân hàng dự trữ liên bang đến Nhà Trắng (lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong lịch sử) để cáo buộc rằng họ "đang làm đúng như những gì Stalin mong muốn".
Trước áp lực chính trị quá lớn, McCabe chủ động từ chức với điều kiện được chỉ định người kế nhiệm (William McChesney Martin). Một trường hợp khác là George William Miller.
Sau vỏn vẹn 1 năm giữ cương vị lãnh đạo Fed trong giai đoạn 1978-1979, ông này bị Tổng thống Jimmy Carter đánh giá là "không đủ khả năng", tuy nhiên thay vì sa thải thì Carter lại... bổ nhiệm Miller vào ghế Bộ trưởng Tài chính để nhường lại ghế Chủ tịch cho Paul Volcker.
Tóm lại, mặc dù vị trí của ông Powell tại Fed là hầu như không thể bị đụng đến, Tổng thống Trump vẫn có thể đề xuất một phương án khác cho ghế Chủ tịch Fed nếu có sự vận động chính trị thích đáng.
Tuy nhiên cũng không có gì đảm bảo rằng việc thay đổi nhân sự trên ghế Chủ tịch sẽ giúp Fed hoạt động theo mong muốn của ông Trump (nên nhớ là mỗi thành viên FOMC đều có một phiếu bầu trong việc quyết định chính sách, và phiếu của Chủ tịch cũng chỉ có trọng lượng tương đương các thành viên khác), ngoài ra đây sẽ là sự phiêu lưu lớn về chính trị vì có thể bị Quốc hội/Tòa án Tối cao phản đối.
Trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang giảm tốc rõ rệt và những rủi ro từ chiến tranh thương mại hoặc từ sự bất ổn của thị trường tài chính còn đang nằm ở phía trước thì có lẽ ông Trump - dù là một người rất táo bạo - cũng sẽ không đưa ra sự lựa chọn phiêu lưu liên quan đến chiếc ghế của ông Powell.
theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào: