Thứ Hai, 24 tháng 12, 2018

NHỚ VỀ TRẬN THƯ HÙNG ĐẪM MÁU 12/7/1984 TẠI MẶT TRẬN VỊ XUYÊN, HÀ GIANG ( Phần 2)


THUNG LŨNG CỦA NHỮNG LINH HỒN VÀ NHỮNG ĐÊM KHÔNG NGỦ ( Phần 2)
Ký sự của Đặng Việt Châu về trận 12/7/1984
(Nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 3, E 876, F 356 )
Kết quả hình ảnh cho CCB 876 Đặng Việt Châu


          Khoảng 8 h sáng, Hoan từ trên đỉnh hang tụt xuống giật mạnh chân tôi làm tôi mở mắt. Thằng Hoan vận tải miệng lắp bắp:" Địch bên D3 đông lắm".Tôi bật dậy xách súng theo Hoan trèo lên vị trí quan sát. Trên mỏm 3 thấy lố nhố quân địch.Bên ấy địch cũng đang thu dọn chiến trường, có cả mấy em quần trắng áo đỏ phất phới. Hoan giương súng đòi bắn, tôi chỉ xuống anh em thương binh tử sĩ ở phía dưới. Hiểu ý, Hoan kéo khóa an toàn khẩu súng, rồi im lặng nhìn sang phía địch.
          Nó cũng căng như mình, đang thu dọn chiến trường. Rời vị trí quan sát, tôi đi một vòng kiểm tra khu vực, mặt đối diện với mỏm 3, cây cối gãy đổ trống hoác. Rừng cây măng đắng bị đạn như bị ai cầm dao chặt gãy gục ngang đầu gối. Không gian bang bạc sương giăng. Mưa lép bép, lành lạnh…
          9 giờ sáng, thiếu úy Phan Văn Long C phó C 16 súng 12,7 ly tìm đến. Mắt Long đỏ hoe, bơ phờ mệt mỏi, báo với tôi tình hình đơn vị của Long: hy sinh 2 đồng chí, bị thương 3 đồng chí. Pháo hỏng 1. Đã cho bộ đội rút quân. Đề nghị tiểu đoàn giúp chuyển tử sĩ và pháo hỏng. Tôi bảo Long, tối nay tôi sẽ cho người đi cùng. Long chào tôi rồi lẫm lũi đi về trận địa.
          Tôi tụt xuống đến hầm của Bính. Lúc này, Bính đang ngồi cạnh võng của Đa B trưởng C10 bị thương ở bụng, được băng bó nhưng ruột cứ trào ra. Đa quằn quại, thở rất mệt nhọc. Tôi cho dùng bát ăn cơm đậy và tiếp tục băng lại. Quá trưa thì Đa tắt thở. Ở hầm thông tin, có chiến sĩ bị thương phần bụng dưới ngày càng phình to lên, đau đớn quằn quại, cứ xin được chết. Tôi nói với Bảo y tá:"Có thể chọc xi-lanh vào mà hút nước tiểu ra". Bảo lắc đầu quầy quậy: "Chưa được học".
          Đau đớn, mệt mỏi, đói khát. Tôi không đành lòng nhưng cũng không làm gì được...Tôi gọi Hoan em có gì ăn được không? Hoan chạy đi một chốc mang đến cho tôi 1 túi gạo sấy. Tìm nước thì thấy tất cả bình toong không còn giọt nước nào. Tôi bảo Hoan xuống suối lấy nước. Hoan chỉ sang phía cử điểm của địch và lắc đầu. Tôi gật đầu, thôi thì đánh vậy.. Chúng tôi nhón từng hạt nhai tạm…
      Suối Thanh Thủy chạy dưới chân cao điểm 772 và 685; Ảnh P.V.Đ chụp 1996

          Thằng Hoan khệ nệ bê ở đâu về một cái hũ miệng gắn kín mặt tươi tỉnh khi lắc lắc cái hũ thấy có nước: Báo cáo anh, nước. Tôi trừng mắt: Tổ cha mi, đây là hũ đựng tro cốt người chết…Bộ đội đưa mắt nhìn nhau rồi khạc nhổ, nôn ọe…
          16 giờ, thằng Long C phó hỏa lực tới. Tôi hỏi Long đã ăn uống gì chưa? Long lắc đầu. Tôi nói với Hoan: Chi cho đại đội phó 1 túi gạo sấy. Rất may là Long có bình tong nước. Chúng tôi đổ nước đến ngang vạch chỉ định, một lúc sau đã có cơm ăn ngon lành.
          Tôi và Long lần theo sườn dốc tìm về trận địa 12 ly 7. Trời vẫn mưa rả rich. Sương giăng mịt mùng, trên mỏm 3 chốc chốc chớp lóe sáng. Rồi tiếng lựu đan nổ. Cuối cao điểm pháo sáng được bắn lên, ánh sáng lập lòe mờ mờ tỏ tỏ như ma trơi. Đâu đó vài loạt súng bắn vu vơ rồi chỉm nghỉm trong đêm tối. Chúng tôi thận trọng dò đường. Tới bờ suối thấy 1 thi thể nắm ngửa, hai tay giang ra, khẩu AK để trên bụng. Tôi ra hiệu cho Long dừng lại, nghe ngóng động tĩnh. Không thấy gì khả nghi. Chúng tôi gỡ súng ra khỏi tay tử sĩ. Dọn dẹp chỗ đặt nằm ngay ngắn, ngụy trang và đánh dấu rồi đi tiếp. Đến giữa lòng suối lại thấy 1 tử sĩ nằm úp, tay phải giữ chặt khẩu AK, gỡ mãi mới ra được. Chúng tôi đặt tử sĩ lên bờ che đậy rồi lại đi tiếp. (Hai đồng chí này anhem cho biết là trung đội trưởng ĐKZ Nguyễn Văn Công và tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Tiến). Long kéo tôi ngồi xuống và chỉ tay vào sườn đồi trước mặt và nói: Đến rồi…

                   Phạm Viết Đào và vợ Trưởng bản Trương Thị Bìu, ( chân cao điểm 772) phía sau là Cao điểm 772; chếch sang góc trái là cao điểm 1509


                          Cao điểm 772

          Trận địa súng phòng không 12 ly 7 bị pháo địch xới tung. Khẩu 12 ly 7 bị queo nòng nòng chỏng chơ giữa đống cây cối gãy đổ. Tôi hỏi Long: Tử sĩ đâu? Long chỉ vào căn hầm được phủ ni lông, miệng lắp bắp: Anh cho em vác súng thôi…Người Long run lên…lập cập. Nhình vào tử sĩ, nhìn Long, tôi rùng mình…Tôi nói vời Long: Về thôi! Tôi móc túi đưa cho Long hộp dầu cù là. Tôi lặng lẽ tìm đường trở về sở chỉ huy tiểu đoàn…
          Phía ngoài chỗ tiếp giáp giữa 772 và 685, địch bắn pháo sáng, sáng rực. Khoảng nửa đêm, chúng tôi quay trở về hang thì bộ phận cáng thương của Trung đoàn do đồng chí Hồng, đồng chí Vị của Tiểu đoàn tới. Đồng chí Tình bí thư đoàn, đồng chí Châu trợ lí hậu cần cũng vừa đến. Lúc này anh em mới tin rằng tôi còn sống...

            Sáng ngày 14/7

           Không thể cất nổi mình dậy. Sốt rét rừng đã quật ngã tôi. Tôi quấn chặt mình tấm màn và mảnh tăng, ngồi ép vào vách hầm mà vẫn run cầm cập…Tôi nghe tiếng chân người, tiếng chuyện trò lao xao đâu đó. Tôi mở mắt thấy thằng Bảo y tá ngồi cạnh. Anhem đơn vị đã vào vây quanh tôi có Nguyễn Huy Tình bí thư đoàn, Tăng Ngọc Châu trợ lý hậu cần, Hồ Sĩ Hoa C phó C 11. Tình báo cáo với tôi tình hình đơn vị và lệnh của chỉ huy trung đoàn:Tôi phải ra ngay để ổn định đơn vị, ở trong này đã có người khác đảm nhiệm.

               Ngày 15/7

           Tôi trở ra bình độ 600 thì trời sắp sáng. Gặp lại anhem, mừng mừng tủi tủi. Lúc này tiểu đoàn còn lại 126 đồng chí.Trao đổi công việc với Nguyễn Thành Chung, trợ lý tác chiến trung đoàn được phân công xuống, ( sau này Chung là tiểu đoàn trưởng).
           Tôi cùng đồng chí Chung trực tiếp đến từng phân đội để thăm hỏi động viên anh em bộ đội. Đến đâu anh em cũng nhắc đến Thanh tiểu đoàn trưởng một cách kính trọng và thán phục. Mọi người xin được trở lại D3 để tìm Thanh, tìm đồng đội và quyết một phen sống chết với địch để trả thù rửa hận. Tôi nói với anh em:" Việc đó nhất định ta phải làm, nhưng việc trước mắt phải nhắc nhau đừng bỏ đơn vị, bỏ nhiệm vụ, cùng nhau vào tìm kiếm, đưa hết số anh em bị thương, hi sinh ra đã"

            Tối đó, chúng tôi trở vào với một lực lượng khá đông. Tìm và đưa ra được 18 tử sĩ và 1 thương binh. Đồng chí thương binh này là quân của C7 theo ông Hùng vào chi viện sáng ngày 12. Bị thương ngất đi, khi tỉnh lại thì trời đã tối, nghe tiếng nước chảy, bò xuống để kiếm nước uống. Vết thương quá nặng, lại mất phương hướng đành ôm súng nằm lại. Lúc tỉnh lúc mê, về đêm biết ta sẽ vào tìm nên thỉnh thoảng lại bắn một phát súng để báo hiệu. Thật may mắn, hôm ấy anh em vào, nghe tiếng súng nên đến tìm được. 
Thương vong đến lúc này cũng chưa rõ lắm.Tư tưởng bộ đội chưa có biểu hiện gì. Khi biết tôi đã trở về thì anh em vô cùng mừng rỡ. Chiều hôm ấy, đồng chí Hoan, Chiến trọc và một số anh em khác trở vào Nậm Ngặt rồi gùi ra khoảng 30kg thịt trâu. Chiến trọc cười khà khà và nói: "Thịt trâu này trời cho, lẽ ra để mừng chiến thắng, nhưng hôm nay mừng sự đoàn tụ sau trận đánh cũng tốt". Anh em luộc thịt trâu quây quần vừa ăn vừa nghe Hoan kể chuyện địch trên D3 ngày hôm qua. Chiến trọc, Quý, Thành, Tiếp.. đề nghị: "Lúc này là lúc địch sơ hở nhất, cụ cho anh em nhảy vào đánh quả bất ngờ, chắc thắng to để trả thù rửa hận"...
           Xong công việc tôi tìm đến Sở chỉ huy trung đoàn.Tới hầm trung đoàn trưởng thì đồng chí chiến sĩ vệ binh ngăn tôi lại và nói:”Trung đoàn trưởng rất mệt. Mới chợp mắt!”
           Một bàn tay vỗ nhẹ vai tôi. Ngoảnh lại tôi nhận ra anh Kham, Trung đoàn phó. Anh đưa tôi về hầm. Sau khi báo với anh tình hình của tiểu đoàn và đề xuất xin lực lượng trung đoàn hỗ trợ. Anh Kham nhìn tôi một lúc rồi chép miệng:” 8 giờ sáng 12/7 nhận được tin thằng Thanh hy sinh. Tới 13 giờ thị nhận được tin ông chết nốt. Hai hôm nay mình đến các bãi tập trung tử sĩ xem có thấy các ông không? Thật tội…( Chúng tôi cùng khóc)…Rồi anh thở dài…Anh chun mùi khịt khịt cỉ vào bộ quần áo tôi đang mặc:” Ông cởi ngay ra. Để tôi bảo chúng nó giặt. Thối lắm, không chịu được.
Nồi cơm được đưa đến bốc khói thơm lựng. Anh Kham bảo: Cơm nấu cho anh đó, ăn đi…Thức ăn chỉ có mắm kem sền sệt. Tôi ngồi xuống ăn ngon quá. Tôi vét cả những hạt cơm cuối cùng mà cũng chỉ thấy lưng lửng bụng. Đợi trời tối, anh cử thêm một tổ trinh sát cùng tôi trở lại trận địa của tiểu đoàn.


                    Hơn 50 hộ người Dao đã vào làm nhà tại sườn cao điểm 772, Ảnh P.V.Đ chụp 2015

             Ngày 16/7

           Đêm nay trời vẫn mưa rả rích, Trung đoàn cử đồng chí Bùi Hồng trợ lý pháo binh, đồng chí Hồ Bá Dy trợ lý bảo vệ chỉ huy và đội cáng thương vào giúp sức. Trời về khuy mưa nặng hạt sương giăng đen kịt như bịt lối. Đường đã dốc, thêm lầy lội trơn trượt. Tử sĩ đã bốc mùi hôi thối. Mỗi cáng phải 4-6 người vừa đi vừa đẩy, vừa kéo, ngã dúi dụi. Nước mưa từ võng cáng thi thể tử sĩ theo đòn khênh chảy vào mặt, vào cổ, người nhớp nháp hôi thối. Mưa rừng, sên vắt bám vào cổ cắn đốt..Khiêng tử sĩ thì còn đỡ, chứ với thương binh thì vô cùng cực khổ.Gặp cha nào ngoa mồm thì càng cay đắng...
          Tối 17/7
          
         Tối nay mưa tạnh. Lực lượng vào khá đông. Đội của Bùi Hồng đưa nốt số tử sĩ tại khu vực sở chỉ huy. Đội của tiểu đoàn do đ/c Hồ Sĩ Hoa chỉ huy cùng tôi vào hầm phẫu địa điểm xuất phát xung phong. Khu vực này vừa bị pháo chần đi chần lại khiến cho cây cối gãy đổ ngổn ngang. Rất may căn hầm không trúng thêm cối pháo.
Sau khi khiêng hết số tử sĩ ra khỏi hầm phẫu, tôi lần theo hẻm núi tới một bờ ta luy, trong ánh sáng lờ mờ, trước mắt tôi là một thân hình quấn băng trắng, nằm dài bất động. Nhẹ nhàng tiếp cận, tôi nghe tiếng thở khò khè. Tôi khẽ hỏi: Ai? Thân hình cựa quậy, tiếng khan khan: Trường thông tin đây…Rồi òa lên khóc. Tôi lấy khăn mặt bịt miệng Trường, tôi nói khẽ: Có địch…Trường khóc ục ục trogn cổ. Tôi hỏi tiếp:Có thấy ai quanh đây nữa không? Trường ngơ ngác lắc đầu. Hai chiến sĩ trinh sát khiêng Trường ra ngoài. Lần theo bờ ruộng bậc thang, tới bụi lách gãy đổ. Phía bên kia bụi lách có tiếng động. Nhẹ nhàng gạt đám lá, trước mắt tôi là một cái đầu trọc đang ngồi ngước mặt lên trời. Đặt súng lên bờ vai tôi quát: Tên gì? Tiếng trả lời khe khẽ: Sao đỏ! ( mật khẩu trận đánh: hỏi sao vàng, đáp sao đỏ…) Rồi có tiếng kêu: Đích, đột kích 1 C11 đây…
          Gần sáng 18/7, chúng tôi về tới đầu bản Nậm Ngặt. Bỗng phía trước có tiếng mở khóa nòng, và tiếng quát khẽ:" Ngồi im"! Rồi có tiếng nói yếu ớt:"Bắn đi, bay cứ bắn đi"! Tôi vượt lên, trước mặt tôi: "Minh C trưởng C11 đang vừa ngồi vừa nằm, miệng nhai trệu trạo gốc mía non chống đói".
          Tôi gọi: "Minh". Rồi nhào đến ôm lấy hắn. Trước mắt tôi một thằng người méo mó, máu me bùn đất, vừa nằm vừa ngồi, miệng trệu trạo nhai gốc mía non. Cúi xuống nhìn rõ hơn, tôi kêu lên mứng rỡ: Thằng Minh, C 11. Hắn ngả vào lòng tôi, kêu 2 tiếng:"Anh ơi"! Rồi ngất đi…
          Tôi gọi y tá Thực tiêm ngay trợ sức, rồi cử 4 đồng chí khỏe nhất. Nói với anh em: "Bằng cách nhanh nhất đưa Minh về phẫu càng sớm càng tốt". Vậy là suốt 6 ngày đêm, trên mình đầy thương tích, vừa bò vừa lết, Minh đã tìm về với đơn vị... 
          Trong chiến tranh, mọi sự đều có thể xảy ra. Nhưng điều không thể phủ nhận là trên cái đỉnh D3 gồ ghề đầy lách lau cỏ dại hôm ấy. Với một đường hào nông choèn chạy dọc, lầy lội, bùn đất trải rộng chắc chỉ bằng cái sân bóng mà hơn trăm cán bộ chiến sĩ đã nằm lại ở đó thì bi thương, đau xót nào bằng...
         Suốt 2 năm 1984-1985, cuộc chiến ác liệt. Tiểu đoàn 3 luôn chạy lên, chạy xuống 600-Nậm Ngặt-Làng Pinh-Làng Lò-E2-E5-4 Hầm... Mà vẫn giữ trọn lời thề giữ nước, làm tròn danh phận là con dân đất Việt. Trong chiến đấu được tặng thưởng nhiều huân chương chiến công Hạng 1 , Hạng 2, Hạng 3... Vậy mà không đáng được tự hào hay sao?
          Trước khi nổ súng rất hồi hộp, bóp cò viên đạn bay đi thì tất cả trí lực, tinh lực đều tập trung theo hướng viên đạn bay. Phát hiện thấy kẻ địch, thì lúc đó:"Có tao thì không có mày"!   
          Việc lấy tử sĩ, trước hết mình phải sống, rồi mới đến trách nhiệm. Nên được tính toán hết sức thận trọng, từng lối đi nước bước...Chỉ có những người trực tiếp chiến đấu, thông thuộc địa hình, địch tình. Nếu đưa anh em khác vào thì phải khiêng họ ra là cái chắc. Còn trên phim ảnh, mấy cha vác băng ca hoặc võng chạy theo là họ làm cho sinh động, chứ còn anh em mình từ ngày 16 đã bốc mùi, người chết đã khổ, mà người khiêng cáng càng khổ hơn.
          Hồi đánh Mĩ, tôi đã 2 lần vào Nam và 1 lần sang Lào. Đã được khiêng cáng, nhưng không vất vả và gian nan như lần này.Chỉ có 1 khẩu đội MK19 do Lý và Sĩ phụ trách. MK19 chỉ bắn được một loạt thì bị "Bùm". Khi tôi quay lại, nơi đó chỉ còn 1 hố đất đỏ lòm và cỏ cháy xém.

Rút từ trong tập bản thảo: "Bút lý-Tiểu luận-Điều tra: VỊ XUYÊN & THẾ SỰ VIỆT TRUNG"
( Đã gửi tặng bản thảo cho 10 bạn đăng ký qua email: Hoanghtham9@gmail.com)


( Còn nữa...)

Không có nhận xét nào: