Thứ Ba, 25 tháng 12, 2018

CHUYỆN SẠT NÚI, SẬP HẦM TẠI MẶT TRẬN VỊ XUYÊN-HÀ GIANG

Nguyễn Thanh Lập‎ ( CCB F 313)
          Một chuyện buồn tê tái với người lính mặt trận Vị xuyên Hà Giang, kéo dài theo năm tháng cho đến hết quãng đời còn lại của tôi.Chuyện những cái chết của đồng đội không vì mảnh pháo, viên đạn đối phương,những cái chết biết trước mà không cứu được đồng đội. Đó là chuyện sạt núi sập hầm tại mặt trận Vị Xuyên- Hà Giang.
          Từ đầu tháng 4/1984 khi Trung Quốc bắn pháo sang Vị Xuyên-Hà Giang thì khu vực ngã ba Thanh Thủy đã phải hạn chế đi lại. Đa số các cuộc hành quân của sư đoàn 313 lúc đó phải đi qua Thanh Thủy để lên Lao Chải, cao điểm 1509, khu vực sắc suối Làng Lò, Hang Dơi vào ban đêm, hoặc phải qua dông phía nam điểm cao 812, đề tránh đi qua ngã ba Thanh Thủy. 


          Từ ngày 28/4/1984, Trung Quốc đánh chiếm một số điểm cao của Việt Nam, từ 1250 -772-400-300…nên đã khống chế ngã ba này. Khu vực ngã ba Thanh Thủy bị pháo địch bắn ác liệt suốt ngày đêm, lúc này ngã ba Thanh Thủy là một trong những cửa tử của mặt trận Vị Xuyên. 
          Để lên được phía trước, để không bị “soi gương” khi đi qua ngã ba Thanh Thủy, từ cuối năm 1984, Bộ Chỉ huy mặt trận Vị Xuyên đã cho công binh mở đường làng Pinh-Cốc Nghè - 673 – 812. Đi qua lối này, từ các điểm cao đã bị Trung Quốc chiếm giữ, chúng không quan sát được việc hành quân vận chuyển của ta, kể cả ban ngày. Tuyến đường này đã trở thành tuyến huyết mạch của mặt trận Vị Xuyên lúc bất giờ.
          Tác dụng và ý nghĩa quan trọng của tuyến đường là như vậy, nhưng lại có nhiều “sự tích” gắn với những chuyện buồn não lòng liên quan tới tuyến đường này. Do việc đường mở phải đi theo dông đất của núi, làm cho sườn núi bị mất chân. Chỗ nào địa hình không cho phép làm hầm bên phần âm của đường, mà phải làm bên phần dương của đường thường rất dễ bị sạt núi, sập hầm…Với mặt trận Vị Xuyên, mùa mưa thì mưa ròng mưa rã cả tuần, cả tháng, mưa như trút nước, trắng trời, mưa cả ngày không ngớt. Vì mưa nên sườn núi sạt lở, kéo theo những chiếc hầm âm tránh pháo của bộ đội mặt trận Vị Xuyên cũng bị cuốn theo... 
          Tại Mặt trận Vị Xuyên, khi xảy ra các cuộc đấu pháo thì hầm âm là biện pháp hữu hiệu để hạn chế sát thương. Hầm âm được đào sâu vào sườn núi, hình vuông hoặc chữ nhật. Các cột hầm xà ngang làm bằng gỗ to, đường kính phải một người ôm, lát ngang dọc 2-3 lượt gỗ rồi lấp đất dày 2-3 m. Trong hầm là nơi trú ẩn, ngủ nghỉ, nấu ăn, sinh hoạt của bộ đội. Và một chuyện đau lòng đã xảy ra  tại nhũng ngôi hầm này.
          Đó là vào mùa mưa năm 1986, tại sở chỉ huy sư đoàn 313, dông 812, do 3 ngày mưa không ngớt, trời vẫn đang mưa, khoảng 22 giờ trực ban tác chiến sư đoàn nhận được điện thoại từ Cốc Nghè: đang bị sập 3 hầm 4 người chết, 3 người đang đào bới thấy người nhưng không cứu được.
          Ngay lập tức tham mưu trưởng sư đoàn Bùi Như Lạc đứng bên cạnh cầm máy chỉ đạo: Dùng tăng, ni lông che mưa khu vực hầm bị sập, huy động lực lượng tối đa đào bới. Trong máy có tiếng trả lời: nhưng đang mưa to lắm thủ trưởng ơi, bới sờ thấy tay, thấy đầu anh em rồi mà không cứu được. Nhiều cây gỗ đè vào người, nước mưa trộn với đất thành bùn nhão chảy dồn vào hầm, anh em cứ chìm trong bùn đất ngạt thở thủ trưởng ạ.
          Thằng Kiên nó kêu cứu tao với mà không kịp, nó đã chìm trong bùn đất. Kiên chết là người thứ 3 rồi...Chúng tôi thấy Tham mưu trưởng Bùi Như Lạc nheo mày, đăm chiêu tìm cách xử lý một tình huống khó.
          Mưa đang như trút nước, sạt núi sập hầm, gỗ đè, bùn đất gây ngạt thở, cướp đi những tính mạng chiến sỹ mặt trận Vị Xuyên. Dù đồng đội, người chỉ huy biết mà không có cách gì cứu được.Luồn qua khe gỗ, sờ thấy nhau, hai bàn tay nắm chặt, sờ mặt đồng đội ngập trong bùn đất ngạt thở ra đi mà không cứu được, chỉ nhận lại mấy lờinhắnvội:...Bảo mẹ tao thế nhớ...
          Cả hầm trực ban tác chiến đang chìm trong im lặng, căng thẳng, bế tắc thì lại một cú điện thoại từ khu vực 673 báo cáo về việc cũng sạt núi, sập hầm như bên Cốc Nghè. Tham mưu trưởng Bùi Như Lạc đặt ống nghe, nét mặt cũng buồn trong bất lực với thiên nhiên, trời vẫn đang mưa dữ dội, sạt núi, sập hầm, bộ đội hy sinh...
          Buổi giao ban sáng hôm sau, chuyện sạt núi, sập hầm được tổng hợp: hy sinh 11 ngươi, bị thương 7 người, đã chuyển xuống bệnh xá sư đoàn ở Đạo Đức và viện 93 Vình Tuy. Có những hầm sạt lở trôi cả gỗ và người xuống lòng suối làng Pinh. Anh em phải đi dọc 2 bên suối suốt đêm tìm vớt xác đồng đội. Sáng hôm sau mới thấy.
          Chuyện sạt núi sập hầm của sư đoàn 313 năm 1986 buồn như vậy. Hình ảnh sờ thấy tay nhau, sờ thấy mặt đồng đội chìm dần trong bùn đất, nghe đồng đội kêu cứu, dặn vội, mà không cứu được nhau.
          Chuyện này cứ day dứt buồn theo suốt quãng đời còn lại của người lính Vị Xuyên từng chứng kiến chuyện sạt núi, sập hầm cách đây hơn 30 năm…

                                                              N.T.L.
PHẢN  HỒI:

Tấn Lê:Vị Xuyên những năm tháng khó khăn gian khổ, mọi sinh hoạt chủ yếu là trong hầm âm. Hầm trú thời tiết khắc nghiệt, ẩm thấp nấm mọc trắng hầm, cây chống mục, ẩm. Bộ đội ta phải thường xuyên tu sửa khó khăn dưới làn pháo địch, nhiều hầm của các đơn vị bị sập lún sát lở. Trong mùa mưa địch lại càng bắn pháo nhiều thật là gian khổ...

Phạm ĐốiĐọc ký ức của tác giả, chúng tôi người thân của liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên . nước mắt cứ tuôn hơn 34 năm nay.Thấy thương quá, vậy mà thư nào gửi về, đều nói ở đây không sao cả, cuộc sống đầy đủ và bình yên...

Phạm Văn Liem: -Thật đau lòng vì những đồng đội đã hy sinh. Biết mà không thể cứu được. Đây sẽ là một nỗi ám ảnh theo ta suốt cuộc đời…

Như Phú Nguyễn:- Thủ trưởng Đào, năm 86 em ở Cóc Nghè! Chuyện sập hầm em có nghe nói nhưng xảy ra năm 85 thì phải ! Chứ năm đó bọn em ở đó suốt từ thàng 3 đến thàng 10 mà không có thấy sự cố nghiêm trọng. Vì toàn bộ Cốc Nghè là  Sư đoàn 10 bọn em ở đó, chỉ vài bộ phận hậu cần nhỏ của Sư 313, ở kho gạo gần cao điểm 812 thôi và đài quan sát cao điểm 673 + Phong Lan + đồi tranh và đồi chè Thanh Hương không xảy ra sự cố. Hình như sập hầm do trời mưa là năm 85? Em lên sau và được các cựu binh đơn vị cũ ở lại nói vậy. Thủ trưởng và các đồng đội khác biết rõ hơn chia sẻ giùm. Nếu nhầm thì thủ trưởng và các đồng đội sory nhé. ..kkk


Lính là thế 
Dù no dù đói 
Vẫn lạc quan 
Vẫn hát vẫn cười 
Dù khó khăn 
Hoặc phải hy sinh 
Không quan ngại 
Cũng không lùi bước

Bach Hung: Khúc bi hùng này mà không lên sách sử? Không lên truyền thông cho đại chúng biết ư? Nếu không ai còn ghi nhớ, không tác phẩm nào nhắc lại thì há không phải là chúng ta có lỗi lớn với các liệt sĩ đó sao ?

Đỗ Văn Sóng: VTV 3 mới phát về Vị Xuyên đó. Còn đưa vào sách sử chắc khó đấy, chỉ có những người có quyền lực mới nói lên được…

Phạm Văn LiemChúng ta đã sống đã chiến đấu vì chủ quyền dân tộc. Bao đồng đội đã ngã xuống vì toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Xương và máu đã đổ, chúng ta không quan ngại. Nhưng chúng ta chỉ sợ bị lãng quên trong yên lặng…

 Đêm không ngủ xót thương đồng đội 
Những cái chết vô cùng tức tưởi 
Đến tận bây giờ dù đã bao năm 
Vẫn ám ảnh nhưng người còn sống 
Bao kiểu hy sinh cũng đều đau đớn 
Thịt xương người cha mẹ sinh ra…

Văn Hỷ: -Chuyện sập hầm an hem Sư 313 ở lâu dài như thế tránh sao được. Tôi ở C5- D2- E981 cũng đã chứng kiến cảnh sập hầm ở đại đội tôi. Vào tháng 3 năm 1985 vị trí từ Cóc Nghè vào khoảng 2 km có lẽ là cao điểm 812. Hy sinh 2 đồng chí, đ/c Hoàng Anh Dũng thượng úy C phó C5…quê Bình Gia Lạng Sơn và đ/c Nguyễn Đức Khuê, người Thuận Thành Bắc Ninh, xót xa thương đồng đội lắm các đồng chí ơi.Vừanói chuyện với nhau xong, 30 phút sau hầm anh em bi sập bới lên được thì người đã đi rồi…


Không có nhận xét nào: