Thứ Năm, 27/12/2018 • 23 Lượt Xem
Người thực sự có trí tuệ cao thường rất khiêm tốn, không để lộ tài năng của mình. Thoạt nhìn họ rất chất phác, chậm chạp, thậm chí còn ngu ngơ. Đây chính là điều mà người xưa thường gọi là “đại trí nhược ngu”.
Trong “Luận Ngữ”, Khổng Tử nói: “Ngô dữ hồi ngôn chung nhật, bất vi như ngu. Thối nhi tỉnh kì tư, diệc túc dĩ phát, hồi dã bất ngu”, ý nói, ta suốt ngày dạy học cho Nhan Hồi mà trò ấy chưa bao giờ phản đối ý kiến hay thắc mắc, giống như một kẻ ngu đần vậy. Nhưng sau khi lui về xem xét kỹ thì phát hiện trò ấy phát huy thực hành đầy đủ nội dung mà ta dạy, có thể thấy Nhan Hồi quả thực không phải kẻ ngu đần.
Đại tác gia triều Minh, Lữ Khôn viết trong “Thân ngâm ngữ”: “Ngu giả nhân tiếu chi, thông minh giả nhân nghi chi. Thông minh nhi ngu, kì đại trí dã”. Ý tứ chính là người ngu xuẩn sẽ bị người khác chế nhạo, người thông minh sẽ bị người khác hoài nghi. Chỉ có người thông minh mà thoạt nhìn như ngu dốt mới thực sự là trí giả.
Người “đại trí nhược ngu”, thoạt nhìn thì thấy đối với sự tình gì họ cũng không hứng thú lắm. Những người này hoặc là “Thải cúc đông li hạ, du nhiên kiến nam sơn” (hái hoa cúc dưới bờ rào phía đông, nhàn nhã ngắm núi phía nam) hoặc là thân ở nơi phố xá sầm uất mà tâm lại bình hòa như gương. Họ cho dù thân ở chốn quan trường nhưng tinh thần vẫn có thể vượt khỏi trần gian. Hết thảy những công danh lợi lộc nơi thế gian, họ đều có thể “cầm lên được và bỏ xuống được”.
Trong “Luận Ngữ”, khi viết về Ninh Vũ Tử, Khổng Tử viết: “Ninh Vũ Tử, bang hữu đạo tắc trí, bang vô đạo tắc ngu. Kì trí khả cập dã, kì ngu bất khả cập dã”, ý nói: Ông Ninh Vũ Tử (đại phu của nước Vệ), khi nước có đạo thì tỏ ra là người trí, khi nước vô đạo thì làm ra vẻ ngu đần. Cái trí của ông ấy, người khác có thể học được, còn cái ngu của ông, người khác có muốn học cũng không học được.
Ninh Vũ Tử quả nhiên là người hiểu đạo lý “đại trí nhược ngu”. Khi đất nước có đạo, phát huy trí tuệ của mình thì được lợi cho quốc gia và bản thân. Khi đất nước rối ren, đạo đức bại hoại, ông giả ngu để giữ mình trong sạch, bảo toàn bản thân và chờ thời cơ. Người “đại trí nhược ngu” hiểu được đạo lý “lấy lui mà tiến”, “lấy nhu thắng cương”.
Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, Dương Tu nếu có thể “ngốc” một chút thì đã không bị Tào Tháo xử trảm. Bậc trí giả làm người luôn giữ tâm thái bình hòa, gặp nguy mà không loạn, gặp lợi mà hững hờ, không quan tâm hơn thua. Bậc trí giả xử thế kín đáo mà không giấu diếm, âm thầm mà không huyên náo, bình tĩnh thong dong mà không vội vã. Đúng như lời của đại văn hào Tô Thức đã nói: “Đại dũng nhược khiếp, đại trí nhược ngu” (người dũng mạnh thường có vẻ ngoài như khiếp sợ, người đại trí thường có vẻ ngoài như ngu đần).
Nhắc tới Lưu Bị trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, dân gian có câu ca dao rằng: “Lưu Bị khóc ra giang sơn”. Ý nói, từ vườn đào kết nghĩa huynh đệ, cảm động mà khóc, ba lần đến mời Gia Cát Lượng cũng quỳ gối mà khóc,“lệ ướt ống tay áo, vạt áo đẫm nước mắt”, khóc vì Tử Long, khóc vì Từ Thứ, khóc vì dân chúng lầm than… Lưu Bị đã làm cảm động văn thần võ tướng, khiến quân lính chiến đấu quên mình, suốt đời trung thành. Ông khiến dân chúng cảm động, bỏ nhà bỏ cửa, quên cả sống chết mà một lòng một dạ đi theo ông.
Ngày xưa, khi Trương Phi và Quan Vũ mất, Lưu Bị một ngày khóc 3 đến 5 lần, khóc đến mức y phục ướt đẫm, quyết định thay Trương Phi và Quan Vũ báo thù. Lưu Bị bấy giờ không để tâm đến xã tắc mà tự mình dẫn hơn mười vạn đại quân tiến đánh Ngô, bất chấp nguy hiểm của ngàn mũi tên, đến nỗi binh bại, từ đó mà khóc ra một chữ “Nghĩa”!
Có người lại nói Lưu Bị không có tài, chỉ biết dùng người mà thôi. Thời Tam Quốc, trên phương diện trị quốc, Gia Cát Lượng được người đời đánh giá là người toàn năng. Đối với Lưu Bị mà nói, văn phải nhờ đến Gia Cát Lượng, võ thì không thể rời xa Quan Vũ, Trương Phi, nhưng vì sao ba người họ lại một lòng phục tùng Lưu Bị?
Lưu Bị tự nhận mình là người đọc không nhiều sách thánh hiền, chỉ biết sơ sơ. Quả thực là như vậy, ông tuy rằng không thích đọc sách nhưng đối với những lời dạy của thánh hiền thì lại luôn khắc sâu và có lý giải sâu sắc. Lưu Bị cả đời giữ gìn đạo đức, thực hành nhân nghĩa. Bởi vậy mà ông thắng được lòng dân, giành được tín nhiệm của thuộc hạ. Chính vì thế mà ông có được Gia Cát Lượng “cúc cung tận tụy”, có được Quan Vũ “trảm lục tướng”. Đây chính là “đại trí nhược ngu” của Lưu Bị.
Trong cuộc sống hiện thực, rất nhiều người mong muốn mình trở nên nổi bật hơn người, có chức vị nổi danh, vì thế họ không nhịn được sự tĩnh tại mà lúc nào cũng muốn bộc lộ tài năng của mình. Họ e sợ rằng người khác không biết được mình thông minh, mình có bản sự, nghĩ mọi biện pháp để trở thành tấm gương được mọi người chú ý. Nhưng khi mà tâm hư vinh của họ không ngừng đạt được sự thỏa mãn thì thất bại cách xa họ càng ngày càng gần.
An Hòa
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét