Phong Thần Diễn Nghĩa là một cuốn huyền sử xoay quanh việc suy vong của nhà Thương và sự nổi lên của nhà Chu, cùng với đó là vô số thần thoại, truyền thuyết xưa, bao gồm cả thần tiên và yêu quái. Nó giống như một thiên sử thi của Đông phương, ngang tầm với Trường ca Iliad của Hy Lạp. Đọc Phong Thần Diễn Nghĩa, chúng ta không khỏi có một thắc mắc trước kết quả vô cùng khó hiểu, đó là nhân vật Trụ Vương vô đạo lại được lãnh nhận chức vụ trên bảng Phong Thần.
Trụ Vương tên thật là Tử Thụ, là vị vua cuối cùng của đời nhà Thương. Nói đến Trụ Vương, người ta không thể không nhắc tới những tội ác tày trời của vị vua này: Nhục Lâm – Tửu Trì – Lộc Đài – Sái bồn – Bào lạc.
- Nhục Lâm – Tửu Trì – Lộc Đài là nói đến sự xa hoa vô độ của Trụ Vương. Ông ta cho xây dựng một khu rừng với các xiên thịt thú rừng treo đầy trên cây, gọi là Nhục Lâm; một chiếc hồ đổ đầy rượu, gọi là Tửu Trì; một tòa tháp cao có thể nhìn ngắm đất nước, gọi là Lộc Đài. Để những công trình này hoàn tất đã tốn không biết bao nhiêu xương máu của người dân.
- Sái bồn – Bào lạc lại là nói đến sự tàn độc của vua Trụ. Sái bồn là một cái hào to chứa nhiều rắn độc, dùng để Trụ Vương và Đát Kỷ tiêu khiển, bằng cách lột hết y phục nạn nhân rồi xô vào để cho rắn cắn đến chết. Còn Bào lạc là một công cụ chuyên để hành hình quan quân, vốn là cái ống đồng nóng đỏ, dùng để dí nạn nhân vào cho da thịt cháy khét đến chết.
Trụ Vương tàn độc xa xỉ như vậy, nhưng sau này lại được Khương Tử Nha phong Thần, được làm sao Thiên Hỉ. Trong khi Đát Kỷ lại bị Khương Tử Nha chém chết, là lẽ vì đâu? “Thiện ác nhược vô báo, càn khôn tất hữu tư”, việc thiện ác mà không có báo ứng, thì trời đất tất có tư tâm, vậy liệu trời xanh có thật sự công bằng?
Thật ra, người ta chỉ quen nhắc tới Trụ Vương như một vị vua ích kỷ độc ác, mà quên mất rằng, ông ta còn là một vị vua anh minh văn võ song toàn.
Trong Sử ký, Tư Mã Thiên viết, Trụ Vương trong những năm đầu là có khả năng vượt qua những người bình thường, nhanh trí và dễ nóng nảy. Trong truyền thuyết, ông đủ thông minh để giành chiến thắng tất cả các cuộc tranh luận và đủ mạnh để săn thú hoang với hai bàn tay trần của mình. Trụ Vương bổ sung thêm đất vào lãnh thổ của Thương bằng cách chiến đấu với các bộ lạc xung quanh, bao gồm cả tộc Đông Di ở phía đông. Như vậy đủ thấy rằng Trụ Vương là một vị vua lỗi lạc văn võ toàn tài vào thuở đầu lên ngôi.
Mọi biến cố xảy đến bắt đầu từ khi Trụ Vương tới đền thờ bà Nữ Oa để dâng hương và trót đề thơ bất kính với vị nữ Thần này. Việc này cũng dường như được định số từ trước, bởi vì Trụ Vương đang kính ngưỡng say mê ngắm nhìn đến thờ thì “bỗng một luồn gió nhẹ thổi qua làm bức màn vẹt qua, vua trông thấy tượng bà Nữ Oa rất rõ”(Trích Phong Thần Diễn Nghĩa). Từ đó Trụ Vương mới nảy sinh dục vọng với Thần, phạm tội bất kính thần linh.
Nữ Oa muốn báo ứng Trụ Vương ngay lập tức, nhưng khi tới cung điện thì bị hào quang cản trở. Phong Thần Diễn Nghĩa có viết rằng, trong mệnh trời thì nhà Thương vốn đã đến thời diệt vong, chỉ là số còn chưa hết, còn có hai mươi tám năm nữa, nên dù thần thông quảng đại như Nữ Oa cũng không thể trái mệnh.
Như vậy, có thể nói rằng việc nhà Thương diệt vong là định số, việc Trụ Vương gây ra cảnh nước mất nhà tan cũng là định số. Chính vì định số đó, nên Trụ Vương dù có là một vị vua văn võ song toàn, vẫn sẽ trở nên dâm đãng ác độc, bất kính Nữ Oa, mê đắm Đát Kỷ. Nếu Trụ Vương cứ tài trí như vậy, cứ anh minh như vậy, thì đất nước thái bình, đâu có thể sụp đổ được nữa. Âu cũng là định số vậy.
Bí ẩn của Phong Thần là ở chỗ, Trụ Vương từ một vị vua anh minh văn võ song toàn trở thành một kẻ dâm đãng ác độc. Chính là trong số mệnh của ông ta, ông ta bắt buộc phải chìm đắm trong sắc dục, bắt buộc phải bị hồ ly tinh chiếm xác Đát Kỷ mê hoặc, khiến cho ông ta mất đi tài năng và tạo hoàn cảnh cho một màn diễn lớn: Khương Tử Nha phong Thần, Vũ Vương phạt Trụ.
Thật ra, Phong Thần Diễn Nghĩa vốn là một cuốn huyền sử mô tả những ẩn đố trong tu luyện của Đạo gia. Đạo gia có giảng về thuyết âm dương tương sinh tương khắc, cũng là có ý rằng, nơi người thường vốn tồn tại cái lý chính phản. Nếu như không có khổ đau thì cũng không thể có hạnh phúc, nếu như không có ma chướng thì người tu hành cũng không thể thành Phật. Cũng có nghĩa là, những người trong định số như Trụ Vương được kể là có công trong màn diễn Phong Thần đó, nhờ vậy mà được đi phong Thần.
Hơn nữa, một kẻ bị tà nhập, bị ma quỷ mê hoặc thì không còn là chính kẻ đó nữa, phần minh bạch đã bị ác quỷ khống chế mất rồi. Con người có ba hồn bảy phách thì phần hồn chân chính đã bị mê lạc rồi. Cũng là nói rằng, tội ác sau này của Trụ Vương chính là do ma quỷ gây ra, là được tính lên đầu Đát Kỷ và những con yêu khác.
Phong Thần Diễn Nghĩa kể chuyện bà Nữ Oa yêu cầu ba con yêu quái là hồ ly ngàn năm, chim trĩ chín đầu và đàn tỳ bà bằng đá ngọc thạch tới phá hoại nhân gian, với lời hứa hẹn: “Ba chị em bây hãy dấu mình yêu quái, trà trộn vào cung điện, làm cho Trụ vương điêu đứng. Ðợi cho Võ vương đánh Trụ thành công, ta cho chúng bay thành thần. Song ta cấm một điều là không được tàn hại bá tánh, chỉ trả thù Trụ Vương thôi.” (Trích Phong Thần Diễn Nghĩa)
Điều đó cũng có nghĩa là, hồ ly chiếm xác Đát Kỷ và hai con yêu khác đã được Nữ Oa hứa hẹn phong thần, chỉ có điều chúng làm trái lời hẹn ước mà tàn sát bá tánh, nên mới bị giết chết. Hàm ý là, những gì trong định số là không thể tránh được, tuân theo định số thì không tính là sai. Tuy nhiên lợi dụng định số mà thỏa mãn dục vọng cá nhân, giết người bừa bãi, khiến cho bao kẻ trầm luân, thì đó lại là tội đáng chém. Những con yêu chạy theo Đát Kỷ mà làm điều xấu cũng vì vậy mà không thể thoát tội.
Việc làm của Nữ Oa, có thể tính là ác đối với con người, bởi vì bà ta dung dưỡng yêu tinh, sai chúng đi làm việc, mà chắc hẳn bà ta cũng hiểu rõ với bản tính yêu tinh thì làm gì có chuyện không tàn hại bá tánh. Điều này không khỏi làm người ta liên tưởng tới Tây Du Ký, trong hồi “thu phụ Hắc Hùng Tinh”. Để thu phục gấu đen, Bồ Tát hạ sơn theo Ngộ Không vào hang gấu hàng ma, đã chiểu theo mưu kế của Ngộ Không mà biến thành yêu quái sói xám. Ngộ Không khi nhìn thấy liền thích thú cười nói: “Tuyệt quá! Tuyệt quá! Là yêu tinh Bồ Tát hay Bồ Tát yêu tinh đây?”. Bồ Tát cười điểm ngộ: “Ngộ Không! Bồ Tát hay yêu tinh, âu chỉ là một niệm.” Trong Phong Thần Diễn Nghĩa, Nữ Oa chính là dụng lấy ác niệm này, không còn là Nữ Oa đội đá vá trời thuở hồng hoang nữa.
Nếu so sánh thì Nữ Oa đã bước lên đoạn đầu của con đường dẫn tới sự sa ngã như của quỷ Satan ở thế giới Thần thoại phương Tây. Quỷ Satan nguyên vốn là Tổng lãnh Thiên thần Lucifer, đứng ở vị trí cao nhất trong các Thiên thần, vì ghen ghét đố kỵ và muốn làm điều xấu với con người mà lôi kéo các Thiên thần khác phản Chúa. Vậy nên Thần nếu phạm phải điều xấu cũng sẽ trở thành yêu ma, đó cũng là định số. Trong thế giới này không thể chỉ có mỗi điều thiện, bởi vì nếu không có khổ đau thì cũng không có hạnh phúc. Điều mỗi sinh mệnh có thể lựa chọn chỉ là đường đi thiện – ác, từ đó quyết định tương lai của bản thân. Đây cũng là điều Đạo gia nhìn nhận trong lý âm dương của mình và cũng là điều Đạo gia không thể vượt qua.
Cũng cần nói thêm rằng Đạo gia chấp nhận sự xuất hiện của thiện – ác như một định số, như một nút thắt không thể hóa giải, nhưng đây không phải là con đường duy nhất. Một con đường khác dường như có thể vượt qua nút thắt này chính là con đường của Phật gia chỉ ra, với mong muốn dùng thiện để hóa giải ác, dùng thiện để đền bù cái ác, dùng thiện để cảm hóa cái ác, dùng thiện để phổ độ chúng sinh. Vậy nhưng vượt thoát khỏi lý âm dương không hề dễ, trong lịch sử vẫn nhiều lần xảy ra các cuộc “diệt Phật” như để minh chứng về nút thắt thiện – ác này…
Tới đây, thông qua lý âm dương chính phản của Đạo gia, và định số của Trời đất, chúng ta đã giải đáp được tại sao Trụ Vương vô đạo lại được đi phong Thần, nhưng Đát Kỷ tàn ác thì vẫn bị chém chết. Thật ra trong cuộc sống hiện đại, người ta sẽ khó mà biết được đâu là định số, nhưng chắc chắn sẽ biết được đâu là lương tri: Đứng trước tội ác thì nhất thiết cần phải lên án, đứng trước việc nghĩa thì nên phải xắn tay làm. Đừng để bản thân trở thành kẻ bị đào thải cùng với Đát Kỷ, lời nhắn nhủ của Phong Thần, đơn giản là như vậy!
Quang Minh
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét