Đây là một dạng quan điểm thù địch do bản thân nó đã chứa đựng nội dung sai lầm về thực tiễn và khoa học, đồng thời đó là quan điểm mang tính chất đối lập về lợi ích và lập trường giai cấp mà chủ thể của nó thường là những kẻ đối lập về lập trường tư tưởng; đối lập về lợi ích giai cấp, quốc gia, dân tộc.
Để đạt được mục tiêu “tối thượng” là xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, các thế lực thù địch, phản động tập trung phản kích, phủ định những giá trị trường tồn Chủ nghĩa Mác - Lênin.
Trong cuốn sách "1999 - chiến thắng không cần chiến tranh", Tổng thống Mỹ Richard Milhous Nixon đã xác định "Mặt trận tư tưởng là mặt trận quyết định nhất, toàn bộ vũ khí của chúng ta, các hoạt động mậu dịch, viện trợ, quan hệ kinh tế sẽ không đi đến đâu nếu chúng ta thất bại trên mặt trận tư tưởng".
Để đánh phá vào Chủ nghĩa Mác - Lênin nhằm phá vỡ nền tảng tư tưởng của Đảng ta và của xã hội ta, tạo ra một "khoảng trống tư tưởng" trong cán bộ, đảng viên, nhân dân ta, từ đó tạo điều kiện thuận lợi du nhập hệ tư tưởng tư sản vào quần chúng, vào nội bộ ta, các thế lực thù địch, phản động tập trung mọi cố gắng để chứng minh sự "lỗi thời" của Chủ nghĩa Mác - Lênin, phủ nhận bản chất cách mạng và khoa học của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Chúng còn vu cáo Đảng ta đã "đem Chủ nghĩa Mác - Lênin áp dụng máy móc, gượng ép vào Việt Nam", đồng thời quảng cáo cho mô hình "xã hội dân chủ". 

Chúng nuôi dưỡng, kích động các khuynh hướng cơ hội, hữu khuynh, dao động... trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng để nhằm tạo ra sự phân hóa, phân liệt, đối lập, xung đột trong đời sống tinh thần, tư tưởng, tình cảm, tâm lý của xã hội. Các thế lực thù địch cho rằng “Chủ nghĩa Mác - Lênin đã lạc hậu, lỗi thời, đã và đang bị cáo chung”.
Trên thực tế, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá một cách khách quan, chính xác, đầy đủ và sâu sắc vai trò của Chủ nghĩa Mác - Lênin trong quá trình cách mạng Việt Nam. Theo Người, Chủ nghĩa Mác - Lênin không những là kim chỉ nam mà còn là “mặt trời soi sáng” con đường chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Nghiên cứu lịch sử hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta thấy rõ con đường Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và Người đã nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin một cách cơ bản, hệ thống, hoàn toàn không rập khuôn, máy móc. Ngày 12-7-1946, trả lời trong cuộc họp báo tại biệt thự Roa-yan Mông-xô, Hồ Chí Minh đã nói: “Tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa.
Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác”. Hồ Chí Minh không bao giờ “tách mình” ra khỏi Các Mác, Ăngghen và Lênin để đưa ra các quan điểm riêng mà như Người nói là “cố gắng vận dụng” tư tưởng của các nhà kinh điển đó, “nhưng vận dụng một cách sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam”.
Thực tế đã và đang khẳng định rằng, Chủ nghĩa Mác - Lênin từ khi ra đời đến nay đã thể hiện rõ bản chất khoa học và cách mạng, giá trị và sức sống bền vững của nó. Nhiều chính khách, nhà khoa học ở cả trong và ngoài nước có những bài nói, bài viết, công trình nghiên cứu khoa học khẳng định Chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn giữ nguyên ý nghĩa và tầm quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Một số học giả tư sản đã thừa nhận, tinh thần của Các Mác vẫn tỏa sáng và dù muốn hay không người ta vẫn phải dựa vào Các Mác mới có thể phân tích đúng chủ nghĩa tư bản đương đại. Đời sống xã hội đương đại mặc dù rất phức tạp, trải qua biết bao biến cố thăng trầm, quanh co, khúc khuỷu, vẫn không đi ngoài những quy luật phổ biến đã được Các Mác tổng kết.
Thực tiễn đổi mới thành công ở Việt Nam, Trung Quốc trong hơn hai thập kỷ qua; sự vững vàng của cách mạng Cuba trước sự bao vây, cấm vận, chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch, cũng như sự trỗi dậy của phong trào cánh tả theo xu hướng xã hội chủ nghĩa ở các nước châu Mỹ Latinh trong những năm gần đây đã khẳng định sức sống mãnh liệt và sự lan tỏa của Chủ nghĩa Mác-Lênin.
Chúng ta khẳng định rằng, Chủ nghĩa Mác-Lênin với tư cách lý luận và phương pháp nhận thức thế giới, cải tạo thế giới vẫn giữ nguyên giá trị. Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, Học thuyết giá trị thặng dư và lý luận về chủ nghĩa xã hội, trong đó Học thuyết giá trị thặng dư được các nhà khoa học coi đó là “hòn đá tảng” của Chủ nghĩa Mác. 
Và cho đến nay, các học thuyết đó vẫn là cơ sở rất quan trọng để xem xét, phân tích sự phát triển của thời đại. Điều đó giải thích vì sao giữa lúc cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu diễn ra vào năm 2008 - 2009, một số nhà tư bản ở Ý, Anh, Đức... lại đổ xô đi mua bộ “Tư bản” của Mác để nghiên cứu với hi vọng tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng.
Giáo sư người Anh Francis Wheen - một trong những nhà khoa học chuyên nghiên cứu về Mác đã viết: "Các Mác chưa bị chôn cất dưới đống đổ nát của bức tường Béc-lin. Thực tế, có lẽ chính lúc này, Các Mác càng cho thấy tầm giá trị lớn của ông. Các Mác đã tỏ ra là nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất của thế kỷ XXI". 
Từ ngày 18 đến 21-6-2013, tại Gwangju Nam (Hàn Quốc) Ủy ban Tư vấn quốc tế (IAC) và trang mạng UNESCO “Memory of the World” đã đưa Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và tập đầu tiên trong Bộ Tư bản của Các Mác (xuất bản năm 1867) vào danh sách Trí nhớ của nhân loại (Memory of the World) của UNESCO. UNESCO giải thích sự lựa chọn rằng, cả hai văn bản này đều có ảnh hưởng to lớn đến tất cả “phong trào xã hội”... 
Chính vì thế, bảo vệ học thuyết Mác-xít trước sự xuyên tạc, vu cáo của các thế lực thù địch, những người thiếu thiện chí, không chỉ là bảo vệ lý tưởng xã hội, mà còn là bảo vệ quyền lợi thiết thực của dân tộc trong thời kỳ mới.
TS Lê Hoàng Việt Lâm, Đại học ANND