Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2018

NHỚ VỀ TRẬN THƯ HÙNG ĐẪM MÁU 12/7/1984 TẠI MẶT TRẬN VỊ XUYÊN, HÀ GIANG ( Phần 1)

 
Cao điểm 685-( Lò Vôi thế kỷ)
         
         Lời dẫn: Trận 12/7/1984 là trận thư hùng, đẫm máu tại Mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang…
          Sau 1975, đây là một chiến dịch quân sự lớn mang mật danh MB 84; theo nhiều nguồn tin quốc tế và nội bộ, phía Việt Nam huy động cùng lúc 6 trung đoàn của những sư đoàn danh tiếng trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ đó là các sư đoàn F 356 ( tham chiến 2 trung đoàn bộ binh và 1 trung đoàn vận tải), F 316 ( 1 trung đoàn) , F 313 ( 1 trung đoàn pháo binh) , F 312 ( 1 trung đoàn bộ binh)…
          Những sư đoàn này từng gắn bó với tên tuổi những vị tướng: F 312, Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn, từng tham gia đánh Điện Biên Phủ; F 316 gắn với tên tuổi của Tướng Chu Huy Mân, Vũ Lập, F 316 từng tham gia đánh Điện Biên Phủ; F 316 và F 356 ( tiền thân là F 316 B) tham gia đánh trận mở màn Buôn Ma Thuột…; F 313, đơn vị có mặt sớm và được coi là “ thổ công, thổ địa” của chiến trường Vị Xuyên…
          (Phổ biến chiến dịch MB 84, người đeo kính là Tướng Lê Ngọc Hiền, Phó Tổng tham mưu trưởng; người ngồi quay lưng là Tướng Lê Duy Mật, Chỉ huy trưởng Mặt trận Vị Xuyên - Ảnh do Tướng Lê Duy Mật cung cấp...)

           Tham gia chiến dịch MB 84 về phía Bộ Tổng tham mưu, tác giả của chiến dịch này có Phó Tổng tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu Tướng Lê Ngọc Hiền, Tướng Vũ Lập, Tướng Hoàng Đan, Tướng Nguyễn Hữu An, Tướng Lê Duy Mật, ( được mệnh danh là Tướng Nam chinh bắc chiến),Tướng Nguyễn An…
          Mục tiêu chiến dịch MB 84 là tiến công, đẩy lùi quân Trung Quốc xâm lược, lấn sâu vào lãnh thổ nước tại các cao điểm 772, 685, 1030 ( Đông Sơn) và khu vực ngã ba Thanh Thủy, khu vực cao điểm 400 từ cuối tháng 4 đầu tháng 5/1984…
          Trong 1 ngày đêm giao tranh ác liệt, bộ đội Việt Nam đã không hoàn thành được nhiệm vụ: đẩy lùi quân Trung Quốc và chịu thiệt hại lớn; hơn 1000 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh…
          Nhân cuộc gặp sắp tới của đại diện Ban liên lạc các cựu chiến binh F 356 trong mọi miền của tổ quốc trong tuần tới tại Hà Nội, xin đưa ký sự của CCB Đặng Việt Châu, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 kể về các diễn biến của mũi tiến công mà Tiểu đoàn 3 được giao trọng trách…
          Trong trận 12/7/1985, Tiều đoàn 3 tổn thất trên 100 cán bộ chiến sĩ, trong đó có Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu Thanh, quê Hà Nội…
          Trung đoàn 876, Sư 356 tổn thất hơn 600 cán bộ chiến sĩ.
          Sau chiến dịch MB 84 kết thúc, Đặng Việt Châu là người đã “ cả gan” trả lời câu hỏi của Tướng Vũ Lập, Tư lệnh Quân khu 2 và Bộ chỉ huy mặt trận: "Trận này ta thua hay thắng"?; "Ta đã thua, bởi không chiếm được mục tiêu và hi sinh tổn thất quá lớn. Nhưng tinh thần dũng cảm chiến đấu dám đánh, quyết đánh, dám xả thân hi sinh vì sự vẹn toàn của biên giới tổ quốc của cán bộ chiến sĩ ta cần được ghi nhận".

          Theo tác giả của cuốn Dữ Kiện bí mật của chiến tranh Trung- Việt” (Secret Records of Sino-Vietnamese War) của ba tác giả Jin Hui, Zhang Hui Sheng và Zhang Wei Ming ( Trung Quốc) đã được chuyển ngữ qua tiếng Anh cho biết: Sở dĩ Việt Nam thất bại trong chiến dịch MB 84 là do một sĩ quan cao cấp đã tiết lộ toàn bộ kế hoạch của chiến dịch MB 84 cho Tình báo Hoa Nam…
              Hàng năm, các CCB Vị Xuyên vẫn lấy ngày 12/7 làm ngày " GIỖ TRẬN" để tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược.


THUNG LŨNG CỦA NHỮNG LINH HỒN VÀ NHỮNG ĐÊM KHÔNG NGỦ ( Phần 1)
Ký sự của Đặng Việt Châu về trận 12/7/1984
(Nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 3, E 876, F 356 )
Kết quả hình ảnh cho CCB 876 Đặng Việt Châu

          Sau hơn một tuần trinh sát nắm địch, ngày 2/7, đồng chí Thanh D trưởng trở về báo cáo tình hình và quyết tâm chiến đấu của đơn vị với cấp trên. Lúc này đồng chí Cường, Chính trị viên nhận thức nhiệm vụ không thông suốt, cấp trên quyết định đình chỉ công tác. Đồng chí Tham Tiểu đoàn phó ốm điều trị tại bệnh viện sư đoàn. Chỉ huy Tiểu đoàn chỉ còn lại một mình đồng chí Thanh.Thời gian này, tôi cùng với đồng chí Kham E phó Tham mưu trưởng đi kiểm tra khu vực làng Lò - 468 - 4 Hầm thì được gọi về sở chỉ huy trung đoàn ở Km 2 Mã Tim, thị xã Hà Giang.

           Hôm ấy là ngay 7/7/1984, tôi chính thức nhận nhiệm vụ về làm Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn 3 cùng đồng chí Thanh tổ chức chiến đấu.
          Căn cứ vào nhiệm vụ được giao, Tiểu đoàn chính thức giao nhiệm vụ cụ thể cho các đại đội như sau: 
          - C11 Đột kích 1: (Đồng chí Minh C trưởng, Hoa C phó, Toản Chính trị viên)… Sau khi đặc công đánh chiếm mục tiêu giao cho C11 tổ chức phòng ngự, sẵn sàng đánh địch phản kích từ các hướng 1509 xuống và D2 sang. Nếu thuận lợi thì tổ chức 1 mũi đánh chiếm sở chỉ huy tiểu đoàn địch ở D2 (mật khẩu nhận biết: Hỏi “Sao vàng”, đáp “Sao đỏ”). 
          - C10 Đột kích 2: Gồm 2 trung đội (do đồng chí Hiền C phó và đồng chí Cúc Chính trị viên) sẵn sàng chi viện choC11 khi có lệnh.    
          Một trung đội do đồng chí Xuân C trưởng chỉ huy bí mật luồn ra phía sau cao điểm 772 tập kích trận địa pháo của địch. 
          - C9: Một trung đội (do đồng chí Thành C trưởng trực tiếp chỉ huy) có nhiệm vụ bí mật luồn sâu vào Xín Chải phá hủy kho tàng hậu cần của địch.2 trung đội dưới sự chỉ huy của đồng chí Thi Chính trị viên và đồng chí C phó chốt giữ đường biên sẵn sàng đánh địch từ 1509 xuống để hỗ trợ cho 2 phân đội luồn sâu và bảovệ sở chỉ huy của Tiểu đoàn. 
          - C12: ( đồng chí Lan C trưởng và đồng chí Hải chính trị viên) Hỏa lực cối 82 triển khai trận địa phía Bắc bản Nậm Ngặt có nhiệm vụ bắn chế áp trận địa pháo cối của địch phía sau 772 và chi viện hỏa lực kịp thời khi có lệnh.

             Ngày 8/7/1984

          Về đến làng Mè thì Tiểu đoàn đã tổ chức hành quân. Tôi trở lại sở chỉ huy Trung đoàn hỏi rõ vị trí tập kết của đơn vị. Rạng sáng ngày 10/7 mới tìm gặp được anh Kham tham mưu trưởng, anh trực tiếp đưa tôi đến căn hầm cạnh đường xuống cầu treo Thanh Thủy tại khu vực Km 6-vị trí tập kết của Tiểu đoàn. Lúc này Thanh cũng vừa đi kiểm tra đơn vị trở về. Chia tay, anh Kham nắm chặt tay tôi bịn rịn như không muốn rời.
          Hơn 2 tuần căng thẳng lặn lội trinh sát nắm địch, đồng thời tổ chức cho đơn vị làm các công tác chuẩn bị cũng như hành quân chiến đấu. Trông thể trạng Thanh rất mệt mỏi. Sau khi trao đổi sơ bộ tình hình đơn vị Thanh xin phép đi ngủ để lấy sức. 
18h ngày 11/7, Tiểu đoàn được lênh hành quân chiếm lĩnh vị trí chiến đấu. Đồng chí Thanh lại trực tiếp dẫn từng phân đội vào vị trí chiến đấu của mình.
          20h Thanh mới trở về sở chỉ huy Tiểu đoàn tại hẻm núi đối diện với D3-cách mục tiêu khoảng 500m.(Hẻm núi này là nơi cất giữ nhiều hũ đựng tro cốt người quá cố, chắc là của dân bảnNậm Ngặt)
          Hai chúng tôi cùng đi kiểm tra đơn vị lần cuối. Suốt cả tuần, trời mưa không dứt. Đất mềm nên lính ta cũng nhanh chóng moi được mỗi anh một cái hầm cóc, có anh đã tranh thủ đánh giấc.
          Tới Đột kích 1, phân đội đi đầu kể cả đồng chí C trưởng Nguyễn Văn Minh đều lưng trần chân đất, nai nịt gọn gàng sẵn sàng xung trận. Phải nói rằng tinh thần chiến đấu của bộ đội ta lúc này rất tốt. Suốt 3 ngày đêm, kể từ lúc hành quân vượt Cốc Nghè. Mưa lạnh cơm sấy, nước suối mà chẳng hề có tiếng kêu ca phàn nàn. Khi về tới các phân đội trực thuộc, anh em xin ăn hết khẩu phần cơm sấy và thịt hộp dự phòng để khi xuất kích cho nó gọn. Thanh không nói gì. Hai chúng tôi im lặng trở lại sở chỉ huy. Khi chỉ còn tôi và anh, Thanh mới nhỏ nhẹ nói: "Cứ để cho anh em nó ăn, chứ biết ngày mai có còn nữa không mà ăn." (Mỗi khi nhớ lại mà cảm thấy xót xa...)
21h Thanh lên cơn sốt người nóng rực, 2 hàm răng va vào nhau lập cập. Tôi gọi đồng chí Ba quân y sĩ cho tiêm thuốc hạ sốt và trợ sức. Nửa giờ sau cơn sốt hạ, Thanh bảo đói, muốn ăn cái gì đó nong nóng. Tôi cho bộ đội quây kín chăn dùng ănggô lấy 1 nắm đậu xanh nấu cháo pha với sữa bảo Thanh uống và nói với anh rằng: "Lúc này mọi công việc coi như đã ổn, tinh thần bộ đội tốt. Thắng bại là ở ông, gắng mà ăn hết chỗ cháo này."
          Nhưng Thanh cũng chỉ ăn được rất ít. Thanh nói nhỏ với tôi: "Giá được bát canh rau thì hay biết mấy". Lúc này tôi mới nhớ ra, trên đường tiền nhập. Khi qua bản Nậm Ngặt tôi có nhặt được một quả bí non bằng nắm tay và đã nhét vào cóc ba lô của mình. Tôi bảo đồng chí Khanh liên lạc lấy ra luộc chín, Thanh ăn được nửa quả và uống hết chỗ nước canh. Rồi Thanh thiêm thiếp ngủ...

          0h 10 phút ngày 12/7

          Đồng chí Hồ Sĩ Hoa C phó C11 trở lại sở chỉ huy. Lúc này Thanh đã trở dậy ngồi túc trực bên máy bộ đàm. Tôi đang tranh thủchợp mắt.Sau khi trao đổi với đồng chí Hoa tình hình phía trước, Thanh gọi tôi dậy và bảo anh sẽ đi lên phía trước cùng đột kích 1. Còn mọi việc tôi cứ theo phương án tác chiến mà chỉ huy chiến đấu. Chúng tôi so lại đồng hồ. Tôi bảo đồng chí Khanh liên lạc đi cùng với anh. Giắt khẩu K54 vào bụng, choàng thêm tấm chăn dù, tay xách khẩu AK, cùng một số chiến sĩ, anh lẫn vào trong đêm tối.
          Trời về khuya sương càng dày đặc, rừng biên cương thâm u lạnh lẽo, chỉ có tiếng côn trùng lách chách. Tiếng thác nước ầm ào và tiếng mưa rơi lộp bộp trên lá. Tôi và đồng chí Bộ B trưởng thông tin im lặng ngồi bên máy bộ đàm như dõi theo từng bước chân của Thanh đang cùng anh em đi lên phía trước.
           2h30 phút, hướng Thanh Thủy chớp lửa sáng rực, một loạt tiếng nổ ầm ầm rộ lên. Khoảng 30 phút sau không gian im lặng trở lại. Tôi phán đoán chắc địch tập kích bằng pháo binh vào khu vực nào đó thuộc trận địa phòng ngự của ta. Tôi ra lệnh cho toàn đơn vị chuẩn bị sẵn sàng. Nhắc đồng chí Bộ và chiến sĩ thông tin không được rời máy. Không gian lúc này là một sự tĩnh lặng nghe rõ từng nhịp hơi thở của mọi người.   
          4h5 phút có 3 tiếng gõ nhẹ trên máy bộ đàm. Đồng chí Bộ B trưởng thông tin báo cáo: "Lệnh nổ súng". Phía trước mặt, rồi cả thung lũng Nậm Ngặt lửa sáng rực. Tiếng pháo cối, lựu đạn, 12ly7, DKZ, AK...nổ. Mặt đất rung chuyển.
          Tôi lệnh cho đồng chí Bộ bằng mọi cách liên lạc được với các mũi, hướng, cũng như cấp trên nhưng rất nhiễu, chuyển về sóng phụ cũng không liên lạc được. Tôi lập tức leo lên phía trên đỉnh quan sát nhưng cũng chỉ thấy khói lửa và tiếng nổ của các loại súng. Tai ù đặc mà lòng nóng như lửa đốt bởi không liên lạc nắm bắt được tình hình phía trước của đơn vị cũng như các mệnh lệnh của cấp trên. 
          6h10 phút, đồng chí Bộ hô to: "Đã chiếm được D3, tiểu đoàn 3 xuất kích"!
Tôi hỏi:"Lệnh của ai"? Đồng chí Bộ trả lời:"Tham mưu trưởng Kham".
          Tôi lập tức điện gặp đồng chí Lan C trưởng C12 nói rõ hiện ta đã chiếm được D3, địch đang chống trả quyết liệt. Đồng chí cho hỏa lực chế áp trận địa cối của địch sau 772 để thê đội 2 xuất kích. Sau loạt tiếng nổ đầu nòng hỏa lực của ta, tôi ra lệnh toàn đơn vị xuất kích. Các cỡ súng thi nhau nổ. Tiếng hô xung phong vang động cả thung lũng Nậm Ngặt.
          Xách AK vận động theo đơn vị mà lòng tôi trào lên niềm vui khôn tả. Vượt qua khe Cụt, tới khu vực có hòn Đá Dựng gặp đồng chí Bính trợ lí tác chiến tay cầm súng ngắn đang chỉ huy bộ đội xung phong. Tôi chỉ thẳng lên phía mục tiêu rồi vượt lên phía trước. Lúc này, các cỡ súng của địch tập trung vào hướng chúng tôi. Đạn bay ràn rạt, đất đá tung tóe, cây cối đổ ngổn ngang. Bám vào sườn núi tôi vượt lên một quãng khoảng 15m thì gặp đồng chí Hoa C phó C11 đang ép mình vào rãnh núi. Tôi hỏi Hoa:"Anh Thanh đâu"? Hoa trả lời:"Em bị thương", rồi chỉ tay về phía đỉnh đồi.
          Tôi vượt lên 7m nữa thì gặp đồng chí Minh C trưởng mình trần máu me bê bết nằm ngất lịm. Tôi ngồi xuống ôm lấy Minh, Minh mở mắt thều thào: "Anh Thanh đã hi sinh". Rồi Minh chỉ tay về hướng đỉnh đồi. Tôi bảo anh em đưa ngay đồng chí Minh xuống và tiếp tục vượt lên. Trước mặt sau lưng, đất đá bay ràn rạt.
          Tôi bám được đường ngang lưng chừng D3. Đường này rộng khoảng 2m, cách chiến hào phía trước khoảng 20m. Tôi dừng lại và nhảy ngay vào 1 hố pháo cạnh mép đường. Sương mù dày đặc, cách 5-7m cũng khó phát hiện ra nhau. Anh em thấy tôi thì vô cùng mừng rỡ. Phía trước là C10 có đồng chí Cúc đội viên, Hiền C phó, Tiếp xạ thủ B40, Đoan A trưởng...phân đội DKZ đồng chí Thành, đồng chí Quý.
          Bên cánh phải, đồng chí Toản C viên C11, đồng chí Đích và 1 số anh em khác. Cạnh tôi là anh em D bộ, Tuấn, Thọ, Ba, Kí, Chính, Bộ, Kim, Thanh B trưởng vận tải, Hoan... khẩu đội MK19 đồng chí Lý, Sĩ... Toàn bộ đội hình đã nằm gọn trên khu vực Đầu Voi và sườn phía Nam D3.
          Lợi dụng sương mù, tôi cho gọi Cúc và Toàn nắm lại tình hình đơn vị. Được biết C11 bị thương vong gần hết, phân đội theo đồng chí Thanh xung phong đánh vào bên phải D3 không liên lạc được. C10 đã chiếm được 1 đoạn chiến hào. Hỏa lực địch bắn thẳng, đã có thương vong, đạn dược không còn được bao nhiêu. 
Lúc này, đồng chí chiến sĩ thông tin( mạng của sư đoàn) đi với đồng chí Thanh chạy tới. Tôi hỏi ngay:" Thanh đâu"? Đồng chí đó lắc đầu và chỉ về phía trên đỉnh đồi và báo cáo chỉ huy sư đoàn cần gặp thủ trưởng. Tôi chỉ tay về phía địch nói:" cấm gọi thủ trưởng". Rồi cầm tổ hợp báo cáo trực tiếp tình hình đơn vị với đồng chí Điếm sư đoàn trưởng. Tôi bảo với Cúc và Toản:" hiện nay chần chừ là chết, các anh về cho bộ đội triển khai công sự, giữ chắc khu vực đã chiếm". Tôi gọi pháo cấp trên chi viện, chuẩn bị xung phong...
          Anh em C10 dùng lựu đạn ném mạnh về phía trước. Địch tưởng ta xung phong. Các hỏa điểm của địch phát lộ. Xạ thủ B40 cứ nhằm vào mà khai hỏa. Tiếng súng lại rộ lên, đạn bay chiu chíu trên đầu. Sương tan dần, toàn bộ đội hình lộ rõ trên sườn đồi. Bên cánh phải xuất hiện 1 ổ hỏa lực bắn xả vào sườn đơn vị. Đồng chí Cúc chạy xuống báo cáo anh Hiền bị thương xin được rút quân. Tôi nói với Cúc:" bây giờ, chỉ có tiến chứ không có lùi". Cúc khóc và chạy đi...
          Địa hình hẹp lại dốc, khẩu đội MK19 không thể triển khai giá súng bắn được. Tôi vẫy tay gọi Lí, rồi chỉ về mỏm đồi phía sau bảo đưa khẩu đội xuống đấy giá súng. Nhằm hỏa điểm phía sườn phải mà bắn. MK19 vừa bắn được một loạt thì:" Bùm". Toàn bộ khẩu đội bị DKZ của địch bắn vào. Tất cả anh em khẩu đội đều hi sinh. Quân địch la hétrất rõ:"Tran trả, tran trả"... 
          Một loạt rồi hai loạt AK bắn gần, đanh gọn. Tiếng chân địch xô nhau chạy, rồi lựu đạn và các cỡ súng nổ chát chúa, khói bụi mù mịt. Đồng chí Thanh B trưởng vận tải trúng đạn hi sinh. Tôi phẩy tay bảo đồng chí Thọ, đồng chí Bảo y tá đưa Thanh xuống.
          Tưởng tôi ra lệnh rút, toàn bộ đội hình của đơn vị theo nhau trượt xuống chân đồi. Tôi cầm lấy tổ hợp trên tay chiến sĩ thông tin báo cáo với đồng chí Điếm:"hiện chúng tôi không đủ sức tiến công, địch đang phản kích rất mạnh, xin pháo bắn ngay vào D3, chỗ tôi đang ở - tôi K3".
          Đồng chí Điếm hỏi lại:" Đồng chí tên gì"? Tôi trả lời:" Tôi là Châu". Trao tổ hợp cho chiến sĩ thông tin, tôi nói:" hướng đồi xanh-tìm về đơn vị". Nhìn ngược lên đỉnh đồi trống hoác. Đường tiến nham nhở vết đạn. Trận địa lúc này im ắng lạ thường. Tôi như kẻ mộng du, ôm chặt súng. Thả người trượt xuống chân đồi...
         Xuống tới chân đồi, nơi vị trí xuất phát tấn công của C11. Trước mắt tôi là đồng chí Hà bị đạn cụt mất cánh tay trái đã hi sinh. Thì vừa lúc tiếng rít của pháo cối, tôi nhảy vào một cái hầm đã chật ních anh em bị thương. Họ kêu la inh ỏi, tôi ra hiệu bảo anh em im lặng.
         Lúc này, địch cũng đang la hét, tôi nhắc anh em im lặng bởi ta rất gần địch, nhất định chúng sẽ mò xuống. Rồi tôi quay lai cái hầm, nơi có đông anh em đang trú ẩn. Nhìn các chiến sĩ máu me, bùn đất phờ phạc mà lòng tôi đau quặn. Tôi bảo anh em:"Ta và địch rất gần nhau, tránh kêu khóc, ồn ào. Đồng chí nào còn khỏe thì theo tôi". Đồng chí Đoan C10 tay cầm con dao Mán đứng dậy nói: "Có tôi". 
Hai anh em tôi vượt lên phía trên bên phải một quãng gặp một gốc cây to thì nằm lại. Tôi đưa cho Đoan 2 quả lựu đạn, bảo Đoan cảnh giới phía trái, tôi cảnh giới phía phải. Nhìn ngược lên đỉnh đồi, cỏ tranh lau lách bị đạn bắn như ai cầm liềm cắt. Cối pháo lại tiếp tục bắn.Mặt đất rung chuyển, tôi như chìm vào giấc ngủ...
Khi mở mắt ra thì thấy Đoan nhìn tôi cười răng trắng hếu. Ghé sát vào tai tôi nói:"Số ông cao lắm, không chết được đâu". Tôi nghĩ: "Lúc này mà hắn vẫn cười được, vậy là tôi lại có một chiến sĩ gan dạ bên cạnh". Khi hoàn toàn tỉnh táo, tôi kiểm tra lại mình, may vẫn còn nguyên, chỉ tội toàn thân đau ê ẩm. Lúc này trời đã về đêm, nghe ngóng động tĩnh, tôi và Đoan trở lại khu vực bộ đội đang nằm.Tôi nói với anh em:"Ta phải nhanh chóng rời khỏi nơi này, tìm về bình độ 600 sẽ có người đón". Anh em kẻ nhẹ dìu người nặng theo tôi ra ngoài. Lần mò trong đêm tối, mãi đến gần sáng mới tới sở chỉ huy của tiểu đoàn(khu vực hang Mán)...

          Thương binh, tử sĩ và bộ đội ngồi, nằm chật cả khu vực sở chỉ huy. Nghỉ một lát, tôi nói:" Quanh đây, ai là cán bộ Đảng viên xin mời đến để hội ý". Có tiếng xì xào rồi im lặng, tôi nhắc lại lần nữa. Đồng chí Hoa, Toản C11, Bính tác chiến, Bộ thông tin, Ba y sĩ lần lượt tới. Tôi hỏi đồng chí Bộ:"Có liên lạc được với Trung đoàn không"? Bộ trả lời:" Cả hữu tuyến và vô tuyến không liên lạc được".
          Trận đánh ngày hôm ấy 12/7/1984 tại mỏm đồi 3 Con Voi xảy ra vô cùng ác liệt. Saukhi đẩy lùi đợt phản kích thứ 2 của địch thì mưa cũng tạnh hẳn. Màn sương mù dày đặc cũng tan dần. Đội hình chiến đấu của đơn vị phơi trần lộ rõ trên sườn đồi trước mắt quân địch…
          11 giờ địch tập trung lực lượng khá đông, lựu đạn nổ chát chúa, đất đá bay rào rào, khói bụi mù mịt…Từ mỏm đồi hai xuất hiện một điểm hỏa lực nhằm vào khu vực chỉ huy của ta nhả từng loạt đạn như roi quất.Tôi nhoài người vượt lên sát ta luy vách núi tránh đạn. Trung đội trưởng vận tải, thiếu úy Lê Xuân Thanh nhảy vào hố chiến đấu tôi vừa ngồi thì trúng đạn gục xuống. Chiến sĩ Thọ giơ tay đỡ Thanh, máu trên ngực Thanh vấy đầy mặt Thọ, ướt cả ngực và vai áo Thọ.
          Súng nổ dồn, tiếng la hét cáng rõ. Giật bộ đàm trên tay chiến sĩ Chu Văn Khiêm, tôi báo cáo với Sư đoàn trưởng Bùi Thanh Điếm diễn biến hiện tại và tình hình của đơn vị mình. Đồng thời tôi đề nghị pháo bắn ngay vào đỉnh mỏm Ba, nơi địch đang tập trung lực lượng phản kích.
          Từ ngã ba chiến hào phía trước mặt, một tiếng nổ lớn, đất đá khói bụi trùm kín đỉnh đồi. Lợi dụng làn khói bụi, tôi khoát tay lệnh cho bộ đội rút lui. Khi tôi về tới vị trí xuất phát tiến công, thì cũng là lúc pháo địch từng loạt, liên tiếp bắn chặn đường rút quân của ta và các khu vực nghi ta chiếm giữ.Tôi nhào xuống căn hầm trước mặt đã chật cứng người và nhận được một loạt câu chửi thậm tệ. Đưa tay chỉ về phía địch tôi dằn dọng: Địch đang đến! Tiếng chửi im bặt. Các cặp mắt nhìn vào tôi. Tôi giới thiệu về mình:Tôi là Châu, Chính trị viên tiểu đoàn! Tôi hỏi: Ở đây ai là chỉ huy? Im lặng! Rồi một cánh tay giơ lên. Tôi Đoan A trưởng C 10. Tôi vẫy Đoan theo tôi đến một đoạn hào, đưa cho Đoan 2 quả lựu đạn, chỉ hướng cảnh giới. Dặn dò Đoan rồi tôi lần theo mương nước đến vị trí của đại đội 11.
          Dưới bụi tre, chiếc võng được mắc lọt thỏm trong căn hầm. Người nằm trên võng rên, thở nặng nhọc. Tôi đến gần nhận ra Nguyễn Văn Minh, đại đội trưởng đại đội 11. Đặt nhẹ tay lên người Minh tôi gọi. Mắt nhắm nghiền, Minh nói trong hơi thở: Đứa mô đó?-Mình, Châu đây. Minh nấc lên!-Anh ơi! Em chết mất. Nhớ ngày này khi mô về thành Vinh ghé nhà em, thắp cho em nén nhang anh nhé. Rồi Minh khò khè thở. Ghé tai Minh tôi nói nhỏ:-Mi không chết được! Tau còn thì mi còn…
          Về chiều mưa lại ập xuống ướt sũng.
          Tới 23 giờ, tôi mới về được tới sở chỉ huy tiểu đoàn. Trước mắt tôi kẻ ngồi, người năm, tiếng thì thào, mưa rơi lộp bộp trên lá. Hồ Hữu Bính trợ lý tác chiến thấy tôi trở về thì mừng rỡ. Bính báo cáo với tôi tình hình đơn vị rồi dẫn tôi tới hầm của Bính. Trên chiếc cáng đặt trong hầm, Trung đội trưởng Phạm Công Đa, chỉ huy đơn vị luồn sâu, đánh trận địa pháo binh địch bị thương rất nặng, ( lòi ruột). Bính giơ tay Đa gọi Đa ơi! Trên cánh Đa nằm bất động! Bính nấc lên: hắn chết rồi! Đa trút hơi thở cuối cùng khi biết mình đã về đất mẹ.
          Trở về hầm chỉ huy, tôi gọi chỉ huy các đơn vị đến hội báo.Sau thời gian bàn bạc căng thẳng, tôi quyết định:
          1/ Đ/c Nguyễn Trọng Huấn trợ lý tổ chức trung đoàn cùng tổ trinh sát tìm về sở chỉ huy trung đoàn báo cáo tình hình, xin lực lượng chi viện.
          2/ Đ/c Hồ Hữu Bính trợ lý tác chiến tiểu đoàn, tổ chức lực lượng của tiểu đoàn đưa số thương binh, tử sĩ ra vị trí tạm dừng của đơn vị tại bình độ 600 cùng đơn vị nhanh chóng ổn định tình hình đơn vị.
          3/ Tôi, đồng chí Trần Lương Bộ, B trưởng thông tin, Nguyễn Quang Hoan B phó vận tải, Nguyễn Văn Bảo y tá, 1 tiểu đội vận tải, tiểu đội truyền đạt ở lại tiếp tục làm nhiệm vụ sẽ trở ra sau…
          Trời như theo giặc..Những cơn mua lại trút xuống. Bộ đội thầm gọi nhau. Tiếng chân bước xa dần. Tôi chìm vào giấc ngủ mệt nhọc…
          Hỏi Hoa và Toản, Bính về tình hình đơn vị, họ cũng chẳng nắm được gì nhiều. Mưa lạnh sương giá, thương vong mất mát của đơn vị như đang ngấm dần vào trong tôi. Tôi rùng mình ớn lạnh, biết cơn sốt rừng đang kéo tới. Tôi nói với Ba y sĩ:" Cho mình vài ống trợ sức và thuốc sốt rét...Rồi nói với anh em:" Ra hết đi".
          Tôi bò vào ngóc hang, quơ vội cái màn trùm kín đầu, quấn chặt lấy người, cứ thế để cho nước mắt tuôn trào. Tôi thiếp đi nghe tiếng thầm thì của Thanh đang kể chuyện ngày về phép đi hỏi vợ.
          Đã là một Tiểu đoàn trưởng, đứng trước nữa ngàn quân đĩnh đạc thế, thế mà trước người con gái yêu thương lại thấy run, phải nhờ cha nói hộ. Trước khi vào trận đánh, cô ấy đã kịp sinh cho anh một thằng trinh sát con chắc là kháu khỉnh lắm. Rồi đồng chí Công B phó DKZ tối qua đang khoe với tôi mới nhận được thư nhà. Vợ báo đã sinh con trai. Tôi bảo Công hãy nhận sĩ quan làm chỉ huy cho con nó hãnh diện. Công hứa sau trận này sẽ trả lời.
          Thế mà giờ đây họ đã vĩnh viễn nằm lại nơi này. Tiếng thì thầm xa dần...Có tiếng loạc xoạc, ai đó nắm lấy chân tôi giật giật. Mở mắt nhìn xuống thì có mấy chiến sĩ đầu quấn băng trắng toát. Hỏi ra mới biết các cu cậu khát nước, rờ được hũ, thấy có nước, mở nắp cứ thế tu vào. Khi biết rõ là hũ đưng tro cốt của người quá cố, sợ ma nên tìm đến nằm cạnh tôi cho đỡ sợ.
                                                     ( Còn nữa...)

(Rút từ trong tập bản thảo: "Bút lý-Tiểu luận-Điều tra: VỊ XUYÊN & THẾ SỰ VIỆT TRUNG"
( Đã gửi tặng bản thảo cho 10 bạn đăng ký qua email: Hoanghtham9@gmail.com)


Không có nhận xét nào: