Thứ Hai, 24 tháng 12, 2018

TƯỚNG NGUYỄN VĂN ĐƯỢC, NGUYÊN THỨ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG-SƯ TRƯỞNG 356: TRẬN 12/7/1984 THUA VÌ KHÔNG HIỂU ĐÚNG ĐỊCH…

 

 Cao điểm 685 ( Lò vôi thế ký) , bên trái là 772 -"đồi xay thịt" nơi diễn ra trận đánh ngày 12/7/1984..

Lời dẫn:

          Thượng tướng Nguyễn Văn Được nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Ông tiếp nhận cương vị Quyền Sư đoàn trưởng Sư 356 từ tháng 2/1985, sau khi mà đơn vị này vừa chịu tổn thất lớn trong trận 12/7/1984: hy sinh 600 cán bộ và chiến sĩ…
          Trong trận 12/7/1984 Sư đoàn 356 được Bộ Tư lệnh Quân khu 2 mệnh danh là “lá chắn thép” mặt trận Vị Xuyên đã tung 3 trung đoàn vào chiến dịch mang Mật danh MB 84; E 876 đánh cao điểm 772; E 149 đánh cao điểm 685 và E 153 làm nhiệm vụ vận tải…
          Trong trận 12/7/1984, ngoài E 876 đánh 772, E 149 đánh cao điểm 685 còn có các F316 đánh 233, F312 đánh 1030…
          Một điều làm cho bạn đọc băn khoăn: hồi ký của một vị Thượng tướng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Nguyên Sư đoàn trưởng sư đoàn 356 trực tiếp đánh trả quân Trung Quốc tại Mặt trận Vị Xuyên Hà Giang, một trận đánh liên quan tới xương máu của hàng ngàn chiến sĩ, đáng lý ra nên công bố trên tờ Quân đội nhân dân hay một tờ báo chính thống?
          Thế nhưng tình cờ lại thấy nó xuất hiện trên Quân Sử Việt Nam, một trang dành cho các cựu chiến binh? Để vào trang này, nếu ai không quen và không có thời gian khó lòng kiên nhẫn tiếp nhận đọc các có hệ thống thông tin, mặc dù có nhiều thông tin quý, quan trọng…
          Hồi ức của Tướng Nguyễn Văn Được muốn rút ra một vài bài học kinh nghiệm về chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược…
Kết quả hình ảnh cho Thượng tướng Nguyễn Xuân Được
          Trận 12/7/1984 Sư 356 đánh quân TQ tại cao điểm 685 và 772 Thanh Thủy Hà Giang bị tổn thất nặng?

…Thời điểm chúng tôi gần kết thúc khóa học thì tình hình biên giới phía bắc diễn biến hết sức phức tạp. Từ đầu hè năm 1984, xung đột nổ ra ở một số khu vực. Nóng nhất là địa bàn Thanh Thủy, Vị Xuyên tỉnh Hà Tuyên ( Nay thuộc Hà Giang). Mặc dù dồn hết tâm lực cho các nội dung cuối khóa, nhưng qua các kênh thông tin khác nhau, chúng tôi biết cả nước đang hướng về Thanh Thủy – Vị Xuyên.
          Nhiều đơn vị tăng cường quân cho Quân khu 2, cho sư đoàn 313, sư đoàn 314. Một số trung đoàn chủ lực của Bộ trong đó có sư đoàn 312 cũng lên thay phiên chiến đấu cho các đơn vị của Quân khu 2 trên đó.

          Tôi biết trước yêu cầu lên thay phiên chiến đấu cho đơn vị bạn ở Hà Giang. Bộ tư lệnh sư đoàn, quân đoàn đã đề nghị học viện cho phép tôi và một số anh em đặc cách tốt nghiệp trước về cùng trung đoàn 141 lên Vị Xuyên. Nhưng vì chương trình học rồi mà thi chưa xong nên thủ trưởng Bộ quốc phòng không đồng ý và chúng tôi kết thúc khóa học trọn vẹn…
          Sự kiện ”nóng” nhất của sư đoàn thời điểm này là việc trung đoàn 141 làm nhiệm vụ thay phiên chiến đấu cho đơn vị bạn ở Thanh Thủy- Vị Xuyên Hà Giang. Như phần trước tôi đã đề cập, từ đầu năm 1984 tình hình tuyến biên giới phía bắc ngày một nóng lên, đã xẩy ra xung đột cục bộ. Điểm nóng nhất là khu vực Thanh Thủy Vị Xuyên Hà Giang ( Lúc đó Hà Giang và Tuyên Quang sáp nhập lại thành Hà Tuyên ). Thực hiện mệnh lệnh của Bộ, một số đơn vị thuộc các quân đoàn chủ lực ”Quân triều đình“, anh em vẫn gọi như vậy, được lệnh tăng cường chiến đấu thay phiên cho các đơn vị của Quân khu 2. Theo đó trung đoàn 141 sư đoàn 312, trung đoàn 174 sư đoàn 316 và trung đoàn 876 sư đoàn 356 lần lượt lên biên giới tham chiến.
          Qua anh Trần Minh Vân và các anh trong ban chỉ huy sư đoàn trao đổi, cuối tháng 6 năm 1984, trung đoàn 141 được tăng cường tiểu đoàn 4 trung đoàn 165. Đại đội 15 trung đoàn 209 và một số phân đội pháo của sư đoàn 308, mang mật danh là trung đoàn 14B do trung tá Đào Trọng Lạc- Tham mưu trưởng sư đoàn 312 làm trung đoàn trưởng chỉ huy hành quân ngược dòng sông Lô lên Thanh Thủy- Vị Xuyên- Hà Giang.
                                Cao điểm 772 bên trái, bên phải là 685...
          Nhiệm vụ tác chiến và chủ trương của mặt trận là trung đoàn 14B cùng với trung đoàn 174 sư đoàn 316, trung đoàn 876 sư đoàn 356 thực hành tiến công lấy lại những điểm cao mà đối phương chiếm đóng trái phép. Tiếp theo là xây dựng trận địa phòng ngự vững chắc, không để cho thị xã Hà Giang bị uy hiếp.
          Sau mấy ngày quán triệt nhiệm vụ, tổ chức trinh sát  nắm tình hình, ngày 7-7 trung đoàn 14 B hành quân từ ki lô mét số 17 vào Khổi Man, tập kết cách đối phương chừng 5 km. Triển khai xây dựng công sự từ sở chỉ huy cơ bản đến tiền duyên phòng ngự phía trước. Nhiệm vụ cụ thể của trung đoàn là sử dụng lực lượng hiệp đồng binh chủng tiến công làm chủ điểm cao 1030, điểm cao 1054, Xi  Cà Lá…Sáng ngày 12-7-1984 trung đoàn 14B và lực lượng phối thuộc cơ bản chiếm lĩnh xong khu vực được giao, sẵn sàng nổ súng.
  
          Mặc dù công tác chuẩn bị, hành quân tập kết…của ta được tiến hành bí mật, nhưng vì địa hình đồi núi hiểm trở, có tuyến cơ động gần như độc đạo, ta lại phải vận chuyển súng pháo cồng kềnh nên đối phương đã phát hiện từ sớm. Khi pháo ta bắt đầu khai hỏa thì đối phương phản pháo ngay, phản pháo dữ dội gây cho ta thương vong ngay từ đầu.
          Theo phương án đã hiệp đồng, đúng 10 g 30 phút ngày 12-7, pháo của ta bắn vào cao điểm 1030, Xi Cà Lá. Sau đó bộ binh xuất phát xung phong đánh chiếm mục tiêu. Tuy nhiên hỏa lực của ta không chế áp được hỏa lực của đối phương, bộ binh ta bị bắn chặn quyết liệt, không phát triển được. Do đối phương phản pháo dữ dội, bộ đội bị thương vong nhiều, thông tin liên lạc bị đứt. Các tiểu đoàn bị mất liên lạc với trung đoàn, lực lượng thọc sâu vu hồi không liên lạc được với hỏa lực và lực lượng tiến công chính diện. Hầu hết các hướng các mũi tiến công đều không hiệu quả, thương vong nặng. Để bảo toàn lực lượng, ngày 13-7, tư lệnh mặt trận lệnh cho bộ đội tạm ngừng tấn công để khắc phục hậu quả, cứu chữa thương binh, chuyển sang phòng ngự. Giữ vững trận địa tiền duyên từ Pìn Sản và tây điểm cao 732 ( Hoàng Pi Ra ) với chính diện 6 km và chiều sâu 4km.  
          Tin phía trước truyền về làm chỉ huy sư đoàn mất ăn mất ngủ. Ra quân trận đầu tổn thất nặng không hoàn thành nhiệm vụ trọng trách đầu tiên thuộc về lãnh đạo chỉ huy sư đoàn. Chỉ huy sư đoàn, cán bộ tham mưu, chính trị lập tức lên Vị Xuyên nắm tình hình, tìm ra nguyên nhân, sau đó về tổ chức họp rát kinh nghiệm.
          Thực tiễn chiến đấu của trung đoàn 141 và lực lượng tăng cường ở Thanh Thủy- Vị Xuyên, Hà Giang đã để lại những kinh nghiệm nóng hổi về đánh giá đối phương chưa đúng, công tác giáo dục quán triệt nhiệm vụ chiến đấu và chuẩn bị chiến đấu chưa kỹ, bộ đội chủ quan, huấn luyện chưa sát với thực tiễn chiến trường rừng núi phức tạp.
          Qua trận đánh ngày 12-7-1984 của trung đoàn 141, sư đoàn rút ra ba vấn đề cốt lõi trong tác chiến với đối tượng mới.
          -Một là: Phải xây dựng tốt công sự chiến đấu để hạn chế thương vong, nhất là thương vong vì đạn pháo;
          -Hai là: Phải sử dụng hỏa lực mạnh để kìm chế hỏa lực đối phương, hỏa lực ta phải đi cùng bộ binh;
          -Ba là: Phải đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống để chỉ huy, hiệp đồng chiến đấu. 

Rút từ trong tập bản thảo: "Bút lý-Tiểu luận-Điều tra: VỊ XUYÊN & THẾ SỰ VIỆT TRUNG"
( Đã gửi tặng bản thảo cho 10 bạn đăng ký qua email: Hoanghtham9@gmail.com)



(trích)

Không có nhận xét nào: