( CCB F 313)
Tốí ngày 11/7/84, em đang là A trưởng,
được giao phụ trách 1 B đi làm nhiệm vụ ở hướng khác so với mọi hôm.Theo phân
công, chúng em vào hang Làng Lò, cùng khoảng hai chục anh em đặc công, trinh
sát đi theo công binh C17/E14 bò lên phía 685, phục vụ họ gỡ mìn của ta đã chôn
từ trước. Đem mìn vận chuyển vào chỗ cất giữ theo yêu cầu của họ, ghi nhớ tuyến
đường mới mở lại, ém quân ở phía trên đó đợi nhiệm vụ. Chúng em được dặn có thể
phải ở tới hôm sau. Mãi sau này bọn em mới đoán ra: chắc là cấp trên định cử
bọn em đi phối thuộc với anh em F356 trong trận đánh MB84 sẽ diễn ra vào mờ
sáng hôm sau 12/7/1984.
CCB F 313 Trần Nam Thái
Nhưng ngay tối hôm ấy, khi đang bò
ngựơc lên cái sườn đồi rất dốc toàn cỏ tranh, phía sau hang thì chúng em đã
phải đưa thương binh từ trên đó xuống, vì trong lúc tác nghiệp anh em đã bị
dính mảnh pháo, cối của địch...
Về đến Nà Cáy, chúng em lại phải đi
tiếp 2 chuyến nữa vào hang Dơi, lúc vào thì mang B40, B41, lúc ra thì cáng
thương binh, (tử sỹ thì để lại vận chuyển sau). Đến quá nửa đêm, khi về tới Nà
Cáy thì được lệnh nghỉ…
Sáng ngày 12/7/1984, vào lúc 7g30,
trong cơn bão của tiếng nổ pháo,cối... em lại nhận lệnh chỉ huy B của mình lên
ngay hang Làng Lò làm nhiệm vụ.Thú thật với các bác, sau cả một đêm liên tục
phải đi lại như con thoi giữa Nà Cáy,Thanh Thủy, cao điểm 685, đồi cô X...dưới
làn đạn địch; Lúc lên là tải vũ khí, lúc xuống là cáng thương binh, chứng kiến
bao nhiêu tử sĩ còn nằm ở các hang núi, góc hầm tiền tiêu trên khắp trận
địa...những người lính vận tải chúng em cũng có đôi chút ngại ngần. Nhất là lúc
này, tất cả các tuyến hành quân đều nằm trong cơn bão lửa đại bác.Ngay ở khu
vực Nà Cáy,đạn pháo, cối của địch cũng đang dội xuống liên tục.
Thế nhưng, sự ngại ngần ấy cũng chỉ
thoáng qua, bởi chúng em biết rằng trên những cao điểm tiền duyên kia, các đồng
đội của mình đang ở trong một trận đánh ác liệt, một trận đánh mà tất cả chúng
em từ mấy tháng nay đã mong chờ. Và chúng em đã rời khỏi những căn hầm, lao ra
đường, xông lên phía trước...
Hang Nà Cáy, trãm phẫu tiền phương tại km 17
Ở ngay phía dưới hang Phẫu khoảng 50 m,
sau một loạt H12 của địch, có 3 lính vận tải đã bị thương.Em lệnh cho B mình
tiếp tục chạy lên, cứ để lại thương binh sẽ có người giải quyết.
Đến chỗ đường hào tiếp giáp với đường
ôtô, khi đội hình B em đã nằm trên mặt đường, chợt một tràng tiếng đề pa dài
dằng dặc vẳng đến, sau đó là tiếng rít như của một đàn ong khổng lồ ào ạt lao
về phía chúng em.Tất cả nằm rạp xuống mặt đường đá, ai may mắn thì lăn được
xuống rãnh ven đường...rồi một trận bão lửa và tiếng nổ chói tai ập vào giữa
đội hình.
Khi “cơn bão” ào qua, là một khoảnh khắc lặng ngắt, trong khói bụi mịt
mù, chúng em nhìn thấy rất nhiều đồng đội đang lăn lộn,máu me bê bết, nhiều
thân xác tan nát, nằm la liệt trên mặt đường, sườn đồi...
Nhứng giải băng buộc lên vách đá trong hang Nà Cáy để treo huyết tương vẫn còn...
( Ảnh Phạm Viết Đào chụp 2013)
Khoảnh khắc kinh hoàng ấy cũng chỉ
thoáng qua rất nhanh, chúng em lại tiếp tục lao lên phía trước.Đội hình B em
lúc này chỉ còn thấy hơn một chục người chạy trên đường, trong đó có 4-5 người
bị thương, em quát mấy anh em đã bị thương ấy nằm lại bên vách đá gần chỗ gác
bom, đợi địch ngớt bắn thì quay lại cứu thương binh, tìm cách tự mang nhau về
hang Phẫu. Số còn lại tiếp tục chạy lên phía trước...
Cũng
may, đoạn đường lộ thiên từ chỗ gác bom đến cầu treo địch không bắn thẳng được,
chỉ có những loạt cối rời rạc,nên không có thương vong nữa.
Đến đầu cầu treo, khi chúng em bắt đầu
lao vào ngã ba, thì cũng là lúc những quả ĐKZ đầu tiên của địch lao đến, đội
hình của chúng em lại bị tản ra.Anh em lao vào các khe, hốc để tránh mảnh
đạn.Lại một dàn H12 hơn một chục quả dội xuống, tiếng đạn rít gió nghe rất
khủng khiếp.Những tràng tiếng nổ lại quất vào màng nhĩ chúng em như có người nổ
mìn ngay bên mình.Tất cả chúng em bị sức ép, xung động của tiếng nổ quật cho
văng vật lăn lộn trên đường...Nhưng may quá, cả loạt ĐKZ và H12 đều không trúng
ai.Ngay lập tức, chúng em phân tán đội hình tản ra các chỗ nấp…
Em cùng 4 lính nữa lao xuống căn hầm
bên đường, cách xác cái xe tăng thứ 2 về phía bờ sông khoảng 10m, trước khi
chui xuống, em còn nhìn thấy 2 lính B mình đang chạy bên chiếc xe tăng thứ 3 ở
phía trên, chỗ giáp với tuyến hào dẫn vào hang Dơi. Chúng em định khi ngớt một
loạt bắn thì sẽ cùng vọt lên mặt đường, vượt qua mấy chục m ấy để thoát khỏi
ngã ba.
Nhưng bắt đầu từ lúc này, chắc do đã
phát hiện ra bọn em và các đơn vị khác đang tìm cách đi qua, địch tập trung bắn
liên tục các loại DKZ, H12, 12,7 ly,cối...xuống toàn bộ khu vực ngã ba.
Sau này mới biết,vào giờ này trên các
cao điểm, địch đã bị thất thủ, quân ta đã chiếm hết các mục tiêu tấn công. Để
ngăn cản lực lượng tiếp viện của quân ta, chúng đã dựng lên một bức tường lửa
bằng tất cả các loại hỏa lực mà chúng mới được bổ sung. Trên toàn bộ khu vực từ
cầu treo, đến cửa các hang bên kia suối Thanh Thủy, dọc tuyến hào 673 lên 812
và toàn bộ những con đường dẫn lên khu vực các điểm cao bình độ phía Bắc và Tây
Bắc Thanh Thủy...
Trận bão lửa ấy đã giam 5 lính vận tải
cùng 9 lính bộ binh thuộc C 9/ D 9/ E 14 chúng em trong căn hầm ấy, từ khoảng 8
giờ sáng đến 8 giờ tối.Trong cơn bão lửa và tiếng nổ ấy, chúng em bị quăng quật
tơi bời từ đầu hầm này sang đầu hầm kia, ngập ngụa trong khói đạn.
Có những lúc tự nhiên hoàn toàn yên
ắng, trong khoảnh khắc ấy em lại nghe văng vẳng tiếng chim hót, tiếng ve kêu
râm ran ở trên ngọn cây gạo ngay cạnh hầm, cứ như không hề có trận bão lửa nào
vậy.
Cơn bão lửa lại tiếp tục, nhìn thấy
cửa hầm lúc sáng bừng lên, lúc tối sập xuống, những cuộn dây thép gai ở đâu bay
đến như cái nút đóng lại, rồi lại bị bật ra bay đi...
Trong khung cảnh ấy, chúng em đã nghĩ
tới cái chết. Có những người túm lại với nhau, có những người ngồi bó gối trầm
ngâm,không còn ai muốn đùa nghịch, chuyện trò gì nữa...Lúc đó, em đã giở thư mẹ
ra đọc lại lá thư mà em đã cùng các đồng đội đọc trên dốc Cốc Nghè,làng Pinh
...và thầm gọi tên MẸ để thầm nói những lời cuối cùng...
Trận bão lửa bạo tàn ấy kéo dài tới
tận khi trời tối, khi không còn ánh sáng mặt trời nữa, thì mới giảm dần, để rồi
đến khoảng 9 giờ 30 tối, lại tiếp tục trở lại, nhưng tập trung tại những khu
vực đã được mệnh danh là cửa tử của các hướng.
Khoảng 8 giờ tối, tranh thủ lúc địch
ngớt bắn, lợi dụng trời tối, lính vận tải chúng em đã rời căn hầm ở Ngã Ba
Thanh thủy, chạy vào Hang Dơi.
Lợi dụng khoảng lặng giữa hai đợt bắn,
lợi dụng ánh hỏa châu sáng rực trời, chúng em đã vượt qua đươc quãng đường chỉ
khoảng 40-50 m nối từ chỗ căn hầm ấy đến chỗ có tuyến giao thông hào dẫn sang
khu cầu sập trước của hang Dơi.
Khi rời đường hào chạy xuống bờ suối,
việc đầu tiên chúng em làm là ào mình xuống suối,vùi mình trong làn nước mát,
uống ừng ực những ngụm nước như mang đậm mùi khét của thuốc đạn. Tuy thế nhưng
nước vẫn đẫm đầy dấu hiệu của sự sống, mặc kệ những quả đạn cối vẫn nổ ầm ĩ,
chớp sáng soi rõ những cột nước bị tung lên.
Vượt qua suối, chạy trên bãi cát vẫn
còn nóng bỏng vương đầy mảnh đạn, lao về phía hang.Hình ảnh đầu tiên khi đến
bên hang mà đến bây giờ em vẫn thấy hiện rõ trong tâm tưởng, đó là những thân
xác người chất cao thành đống, kéo dài từ mép phải của vách đá hướng về phía
đường lên đồi cô X., đồi Cây Chuối, đồi 233...vào tận trong hang.
Ở trong hang là một khung cảnh hỗn độn
của lính tráng của nhiều đơn vị và la liệt ngổn ngang là thương binh...Họ nằm,
ngồi vạ vật ở khắp mọi chỗ, người đã được băng bó, người đang được cấp cứu,
người còn đang quằn mình với những vết thương còn chưa cầm máu.Những búi băng
đỏ sẫm hay đen xì tuột xuống, bung ra để lộ những vết thương, vết thì be bét
máu đỏ, vết thì cháy đen, nứt nẻ vì thuốc súng...
Những người lính khẩn trương, túi bụi
trong công việc của mình, chẳng ai còn kịp nhìn tới người khác.Những tiếng hô
hét gắt gỏng, những mệnh lệnh oang oang có lúc như gầm lên. Những tiếng gọi
theo kiểu mật khẩu của lính thông tin khi râm ran lúc thống thiết. Những tiếng
quát gọi, chỉ đường, cãi vã,chửi bới. Một bầu không khí vô cùng khẩn trương,
nóng bỏng, gấp gáp, bức bối.
Có một điều vô cùng kỳ lạ:Trong mớ âm
thanh hỗn độn ấy, em không hề nghe thấy một tiếng khóc hay tiếng kêu than. Chỉ
cùng lắm là những tiếng rên rỉ nghẹn ngào của những người lính bị thương còn
tỉnh,chưa ngất xỉu đi. Bên những bàn cấp cứu, sơ cứu dã chiến, câu cửa miệng
của các bác quân y, y tá là...nào em, cố gắng nhé...bị thế này là may lắm
rồi...
Vâng...cắt đi những cánh tay, cẳng
chân, thậm chí cả hai đùi vẫn là may mắn; bó lại những bả vai, lồng ngực vỡ
toang bầm dập vẫn là may mắn...nhét lại những búi ruột thâm tím vào khoang bụng
vẫn là may mắn...băng bó kín cả cái đầu vỡ toác cũng vẫn là may
mắn...Vâng.Không hề có tiếng khóc hay kêu la dù thuốc tê, thuốc mê đã cạn kiệt
chỉ để dành cho những ca cực kỳ nguy cấp.
Những cáng thương vẫn liên tục được chuyển
về, thương binh được chuyển vào trong hang, tử sĩ thì chất đống ở bên ngoàivì
trong hang đã chật cứng.Vâng...một cái hang mà ngày thường rộng mênh mông, có
nhiều tầng, nhiều ngóc ngách...bây giờ đã chật cứng.
Trước cửa hang, bên bờ cát, ngoài ngã
ba, trên đường cái, trên các tuyến hào...vẫn nhằng nhịt ầm ĩ, chói lòa đạn
pháo, cối của địch. Chúng bắn như để lấy lại hồn vía sau một ngày như bị đày
xuống địa ngục bởi những trận tấn công của quân ta. Bắn như để trả thù, gỡ lại
thể diện khi một lực lượng binh lắm đạn nhiều như vậy mà vẫn bị quân ta giáng
cho những đòn choáng váng.Bắn như để xóa đi những tổn thất ghê gớm mà những
người lính Việt Nam đã trút lên đầu chúng.
Đền thờ liệt sĩ được các CCB góp kinh phí xây dựng tại cao điểm 468
Trong cơn bão lửa điên khùng của kẻ
thù ấy, những người lính của E 14, của F 313, F316, F 356,của những đơn vị phối
thuộc khác .v.v... lại lao vào một chiến dịch mới cũng đầy hiểm nguy và bi
tráng. Lên trận địa để tìm đón thương binh, tử sĩ; cáng chuyển họ về phía
sau...
Và...trong chiến dịch ấy, máu của
những người lính lại đổ xuống...
Và...tiếp nối sau đó là những chiến
dịch khốc liệt khác...
Và...trên mảnh đất Vị Xuyên anh hùng
ấy, vẫn không hề có tiếng khóc than...
Dù nước mắt vẫn vương đầy trên gương
mặt và thấm đẫm trong lòng những người lính biên cương khi ấy ...cho đến tận bây
giờ.
Trong nỗi nghẹn ngào nhớ thương những
người đã ngã xuống cho Tổ quốc được mãi mãi bình yên, những người lính vẫn hát
vang lên những bài ca của tình yêu đồng đội, của tinh thần quyết tử cho Tổ quốc
quyết sinh .
Chuyện của em và các đồng đội vận tải
bên em ngày 12/7/84 đơn giản chỉ có thế. So với các đồng đội khác trên toàn mặt
trận thì quá là bình thường, nhỏ nhặt. Dù sao, nó cũng là những hồi ức không
thể nào quên được.Em xin kể với các bác và anh em, những mong góp thêm đôi nét
chấm phá cho bức tranh tái hiện trận đánh của chiến dịch MB84 ngày đó.
Gần 30 năm trời đã trôi qua, bao nhiêu
xác thân đồng đội vẫn còn lưu lạc nơi chiến hào.Bao nhiêu đồng đội đã vắng bóng
không một lần gặp lại, chẳng biết số phận ra sao...Bao nhiêu vết thương thân
xác và tâm hồn tuy đã liền sẹo nhưng vẫn còn âm ỉ day dứt...
ÔI...CHIẾN
TRANH...
T.N.T.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét