TPO - Tại Hội thảo đánh giá và cân nhắc những vấn đề trước khi khai thác mỏ sắt Thạch Khê sáng nay, đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục nêu quan điểm dừng hẳn dự án mỏ sắt Thạch Khê chứ không phải tạm dừng như hiện nay. Quan điểm này nhận được sự đồng tình của nhiều nhà khoa học tại hội thảo.
Theo ông Đỗ Khoa Văn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh, đối chiếu tình hình thực tế, nhất là bài học từ sự cố Formosa, tỉnh Hà Tĩnh đã xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, tham khảo ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia, từ đó đi đến quyết định đề nghị Bộ Chính trị, Chính phủ cho dừng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. “Chúng tôi đề nghị dừng hẳn chứ không phải tạm dừng”, ông Văn nhấn mạnh.
Theo ông Văn, dự án đang gặp phải nhiều vấn đề như hiệu quả kinh tế, thị trường tiêu thụ quặng sắt, năng lực chủ đầu tư, phương thức vận chuyển quặng, công nghệ, kỹ thuật khai thác. Đặc biệt là những vấn đề môi trường, xả thải chưa được tính toán một cách khoa học, cẩn trọng và những tác động dân sinh của dự án.
Cụ thể, về công nghệ, kỹ thuật khai thác, Bộ TN&MT đã có văn bản khuyến cáo “sau 10 năm thực hiện, dự án đã phát sinh những vấn đề kỹ thuật- an toàn và môi trường khi thực hiện các hạng mục dự án, cần được giải quyết thấu đáo, khoa học và thận trọng”.
Về thị trường tiêu thụ quặng sắt, báo cáo của chủ đầu tư cho thấy một số doanh nghiệp trong nước đã ký thỏa thuận nguyên tắc mua 5,7 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, mới có Tập đoàn Hòa Phát ký thỏa thuận nguyên tắc mua bán dài hạn với khối lượng giai đoạn 2017-2021 là 3 triệu tấn/năm, giai đoạn sau chưa có cam kết. Trong khi đó, các nhà khoa học cho biết, quặng sắt Hà Tĩnh có hàm lượng kẽm cao, các nhà máy luyện thép hiện nay ở Việt Nam chưa có lò cao xử lý được hàm lượng quặng sắt chứa kẽm cao như vậy. Từ đó đặt ra tính khả thi với cam kết tiêu thụ quặng của các đối tác. Công ty Formosa cũng từng có văn bản nêu “hàm lượng kẽm trong quặng sắt cao hơn 10 lần quặng sắt thông thường đồng thời cao hơn 4,5 lần so với tiêu chuẩn của Công ty. Với công nghệ của công ty hiện nay thì không thể sử dụng loại quặng sắt này”.
Về hiệu quả kinh tế, theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, nếu cập nhật, tính toán một cách đầy đủ thì vốn đầu tư sẽ tăng cao, chi phí đầu tư nhiều khả năng sẽ tăng cao gần 1,5-2 lần so với tổng mức đã phê duyệt. Trong khi đó, về năng lực chủ đầu tư, từ khi triển khai tái cơ cấu đến nay các cổ đông của Công ty sắt Thạch Khê mới góp được 1.809 tỷ đồng, còn thiếu 224,137 tỷ đồng.
Đặc biệt theo ông Văn, hàng loạt các vấn đề, rủi ro khác có nguy cơ xảy ra nếu tiếp tục dự án, chẳng hạn như vấn đề đổ nước thải mỏ ra biển gây ô nhiễm môi trường, vấn đề tác động ảnh hưởng của việc xây dựng bãi thải ngoài biển, vấn đề đổ thải trên biển, cát bay, cát chảy và sạt lở bãi thải. Ngoài ra, khu vực khai thác mỏ sắt Thạch Khê nằm trong vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão cấp 15, động đất 6 độ richter.
Vì thế, ông Văn cho biết, đề nghị dừng dự án sắt Thạch Khê có cơ sở đầy đủ về khoa học và thực tiễn. “Quan điểm tiến bộ ngày nay là bảo vệ môi trường ngang bằng với phát triển kinh tế, không đánh đổi môi trường bằng mọi giá. Từ góc nhìn, quan điểm nêu trên, tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị dừng hằn dự án này”, ông Văn nói.
Chuyên gia Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng ban Chiến lược của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ đề nghị của UBND tỉnh Hà Tĩnh “tôi đề nghị phải đóng cửa dự án chứ không phải dừng”. Ông Sơn nêu 10 lý do để đóng cửa dự án, trong đó có lý do quan trọng là dự án không có khả năng cạnh tranh. “Nguyên chi phí thoát nước tính trên một tấn quặng là 20 USD, trong khi giá quặng nhập từ Brazil về đây là 50 USD”, ông Sơn nói.
Theo GS.TSKH Đặng Trung Thuận, Chủ tịch Hội địa hóa Việt Nam, vấn đề lớn nhất hiện nay là sắt Thạch Khê chưa có thị trường tiêu thụ, chẳng hạn, Formosa mua quặng sắt của Ấn Độ, Brazil với giá rẻ hơn nhiều mà hàm lượng kẽm lại thấp hơn nhiều. Về phương án xử lý dự án, GS Thuận đề xuất 3 phương án gồm tiếp tục tạm dừng, tái khởi động dự án và chấm dứt hoạt động. Với phương án tái khởi động sẽ phải chấp nhận tất cả các rủi ro trong suốt dòng đời 52 năm của dự án, đặc biệt là tác động đến đất, nước, biển và an sinh xã hội. Với phương án chấm dứt dự án sẽ tránh được tất cả các rủi ro không mong muốn song phải chấp nhận mất khoản vốn đầu tư ban đầu là 1.589,59 tỷ đồng.
Nhiều chuyên gia khoa học khác như TS Lê Ái Thụ, nguyên vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Địa chất Khoáng sản hay ông Lê Công Lương, Liên Hiệp các Hội KHKT Việt Nam và nhiều chuyên gia khác đồng tình quan điểm dừng dự án, tôn trọng ý kiến của nhân dân Hà Tĩnh, thực hiện đóng cửa mỏ theo quy định của Luật khoáng sản.
- NGUYỄN HOÀI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét